Nửa học kỳ sau của lớp chín, trong ký ức Phổ Hoa, mọi thứ đều mơ hồ, dường như
chỉ có thi cử, ngoài thi cử ra vẫn là thi cử. Thi môn, thi tháng, thi thử vòng
một, thi thử vòng hai, thi thử vòng ba. Mặt ai cũng đều chỉ in hai chữ đó.
Mỗi lần thi đều xếp thứ hạng, mỗi lần xếp thứ hạng vị trí đều phải điều chỉnh.
Bản thân Phổ Hoa luôn chìm nổi, cố gắng tới thi thử vòng một cuối cùng cũng
được xác nhận. Trong ba mươi người đứng đầu trong kỳ thi thử vòng một ký kết
thỏa thuận cử đi học với trường đều có Phổ Hoa và Quyên Quyên.
Sau này cô chỉ cần tham gia thi thử vòng hai, vòng ba, thi cấp ba cho có lệ là
có thể vững vàng tiến vào lớp trọng điểm cấp ba của trường. Với nhà họ Diệp,
điều này vốn là việc đại hỷ đáng để chúc mừng. Nhưng do mẹ bận việc và cũng
không vui vẻ gì với bố nên đã trở về nhà bà ngoại sống. Phổ Hoa đành kìm nén
tâm trạng vui sướng, cùng Quyên Quyên tới McDonald chúc mừng đơn giản.
“Nhóm bốn người” ngoài Cao Triệu Phong đều trong danh sách được cử đi học tốp
đầu tiên, bố cục trong lớp lại có sự điều chỉnh lớn một lần nữa, toàn bộ học
sinh được cử đi học đều ngồi hàng sau, hai mươi người còn lại ngồi hàng trước.
Phổ Hoa lần đầu tiên có cơ hội ngồi gần Quyên Quyên, tâm trạng tự nhiên khác
trước. Tuy vẫn ngoan ngoãn nghe giảng nhưng không cần dốc hết toàn lực như Cầu
Nhân ở hàng đầu.
Thi cử là từng bậc cửa, vượt qua sẽ đến gần với thành công và hạnh phúc hơn
một bước, bố đã nói rất nhiều lần đạo lý này: Trải qua trăm nghìn cay đắng,
mới trở thành người được người khác tôn kính.
Mỗi tối Phổ Hoa đều mang bao cát chạy tám trăm mét vòng quanh khu nhà, bố đạp
xe theo sau, mệt thì cổ động cho cô. Ngoài hóa học, đây là một môn học có khả
năng ảnh hưởng tới thành tích của cô nhất.
Đầu hè, Phổ Hoa luôn phải nhúng mình trong mồ hôi, nhưng cô tin vất vả này rất
đáng.
Buổi trưa cách kỳ thi thử vòng hai hơn chục ngày, Phổ Hoa cùng Quyên Quyên từ
tầng thượng trở về lớp học, vừa bước vào hành lang đã thấy người đứng vong
trong vòng ngoài.
Đang định vào hỏi xem chuyện gì xảy ra, thì nghe thấy có tiếng đánh nhau trong
lớp, vài học sinh vốn đang tự học liền ào ào ôm sách chạy ra, một hộp phấn bay
theo dòng người, vỡ vụn trên hành lang, tiếng mấy nữ sinh nhát gan hét lên
chói tai.
Bên cạnh bục giảng có hai bóng người đang quần nhau, lại là Lý Thành Tự và Thi
Vĩnh Đạo.
Bọn họ túm cổ áo lẫn nhau, gầm gừ như hai con dã thú, trên mặt đều mang vết
thương, túi áo đồng phục của Lý Thành Tự giống miếng vải rách rủ bên ngoài
chiếc áo.
“Buông tay ra! Cậu muốn thế nào!”. Lý Thành Tự hai mắt đỏ ngầu, giơ nắm đấm
trước mặt Thi Vĩnh Đạo.
Thi Vĩnh Đạo xoay đầu, khóe miệng vẫn còn vết máu, cậu ta thả lỏng tay thở hổn
hển một cái, lại bay người nhào lên.
“Cậu thử nói lại câu đó một lần nữa xem!”. Trong lúc giằng co, cậu ta quăng Lý
Thành Tự ngã xuống đất, đụng đổ hai cái bàn.
“Tôi nói ai! Tôi nói ai! Tôi nói cô ta liên quan đến cậu không! Tôi cứ nói!”.
Lý Thành Tự càng gào, Thi Vĩnh Đạo càng giống như phát điên, mặt đỏ rực, chộp
hộp bút chì trên đất nhét vào mồm cậu ta, giọng nói đã khàn khàn: “Cho cậu
nói! Tôi cho cậu nói!”.
Trên cầu thang, Phong Thanh và mấy cậu nam sinh gạt đám người xông vào lớp
học.
“Đừng đánh nhau nữa! Mau dừng tay!”.
Phong Thanh và lớp trưởng mỗi người một bên cố gắng tách hai người đang đánh
nhau ra, kéo sang hai bên bục giảng. Hai tên này thở hổn hển, đứng còn chẳng
đứng vững vẫn ném đồ vào nhau. Không biết một quyển từ điển dày cộp từ đâu
tung ra đập lên đầu Phong Thanh, cán bộ đời sống đến để khuyên can cũng lao
vào trận chiến.
Phổ Hoa và Quyên Quyên nhìn thấy mà kinh hồn bạt vía, không có nữ sinh nào qua
khuyên can, bọn họ cũng không dám liều lĩnh lao vào. Cuối cùng chủ nhiệm lớp
và chủ nhiệm phụ trách kỷ luật và học tập đến mới dừng nổi trận chiến ác liệt
trong lớp.
Buổi chiều, nam sinh tham gia đánh nhau đều không lên lớp, phòng học trống một
phần ba chỗ ngồi. Phổ Hoa và Quyên Quyên nhìn nhau, ghi bài với tâm trạng phức
tạp. Lên lớp được nửa thời gian, Kỷ An Vĩnh - người duy nhất không tham gia
cũng bị gọi đi. Khi rời lớp, cậu ấy quay đầu liếc một cái, cuối cùng dừng lại
ở Phổ Hoa. Sự lo lắng trong mắt cậu ấy khiến Phổ Hoa khó hiểu, không rõ là
căng thẳng hay lo lắng.
Tiết tự học cuối cùng, hai thủ phạm chính dán băng gạc trở về, ngoài ra những
người có liên quan cũng lần lượt vào lớp, Phổ Hoa vừa yên tâm, bất ngờ bị giáo
viên chủ nhiệm gọi ra khỏi lớp.
Cô bị giữ lại sau giờ tan học, áo khoác và túi xách tay đặt trong tủ đựng đồ
lớp học cũng để trên bàn làm việc của chủ nhiệm lớp, bên cạnh đặt phiếu ăn bốn
trăm tệ của trường. Từ khi bước vào phòng làm việc của thầy giáo, Phổ Hoa đã
lạnh cả tim. Trong thời gian đó lần lượt có bạn học được gọi ra gọi vào hỏi,
chỉ có Phổ Hoa và Phong Thanh ngồi viết “chi tiết” theo yêu cầu của chủ nhiệm
phụ trách kỷ luật và học tập. Phong Thanh mặt tối sầm trước sau không nói một
câu. Phổ Hoa cũng chẳng biết chút sự tình nào về chuyện đã xảy ra, toàn bộ
“chi tiết” được viết ra đều là nội dung bài học. Sau khi giao bản tự thuật
xong, chủ nhiệm lớp kéo Phổ Hoa tới một bên nhẫn nại khuyên cô: “Em nhớ thêm
chút nữa xem, ngày mai nói tiếp”.
Ngày hôm sau, Phổ Hoa bị cho nghỉ học. Buổi trưa, Quyên Quyên lên tầng thượng
tìm cô, cô ngồi trên bậc cao nhất, hai tay chống cằm, mặt trắng bệch. Nghe
thấy Quyên Quyên nhắc tới hai chữ “phiếu ăn”, môi run run.
Tuy đã nhiều lần khẳng định mình không cầm, nhưng tìm thấy phiếu ăn bốn trăm
tệ từ túi xách của Phổ Hoa, không ai có thể tin sự trong sạch của cô. Phổ Hoa
và Phong Thanh với tư cách là đương sự trong việc mất phiếu ăn, kể cả Thi Vĩnh
Đạo và Lý Thành Tự đánh lộn, bốn người đều phải đợi hai ngày trong văn phòng
của chủ nhiệm phụ trách kỷ luật và học tập. Đa phần thời gian đều hỏi chuyện
và giáo dục, viết thêm điều tra. Mỗi lần chủ nhiệm gọi đến Phổ Hoa, cô đều cúi
thấp đầu, không dám ngẩng lên nhìn người khác. Trong hai ngày, cô chưa từng
nói một câu. Trên giấy điều tra, cô viết: “Em không lấy! Không phải em lấy!”.
Cô tin tưởng chính nghĩa, tin tưởng công lý, nhưng lần này, chính nghĩa và
công lý lại không hề đứng về phía cô.
Sau khi kết thúc việc dừng học, Phổ Hoa không dám lên lớp, nhưng cũng không
thể không đi học. Một mặt gia đình không biết chuyện xảy ra như vậy, bố tưởng
cô không muốn ăn cơm, nhiều lần khóc giữa đêm do tập trung lo lắng cho kỳ thi.
Mặt khác, một vài học sinh không biết chân tướng sự việc bắt đầu chỉ trỏ cô,
thỉnh thoảng người khác cũng không nói gì chỉ nhìn cô một cái, hoặc trên tay
cầm phiếu ăn, Phổ Hoa liền cảm thấy họ như đang đâm vào sống lưng mình. Buổi
trưa cô không đi ăn cơm, ngày ngày ở trên sân thượng. Ngày nào chưa bắt được
hung thủ, cô có trăm miệng cũng không biện bạch được, không cách nào lấy lại
được danh sự và sự trong sạch của mình.
Nhưng so với những lời đồn đại vô căn cứ, đáng sự hơn cả chính là cách thức xử
lý của nhà trường. Bốn người: Phổ Hoa và Phong Thanh, Lý Thành Tự, Thi Vĩnh
Đạo đều bị loại khỏi danh sách cử đi học tốp đầu tiên. Sau khi chủ nhiệm lớp
tuyên bố kết quả, Phổ Hoa mặt tái ngắt đứng cạnh tường, ba nam sinh đều đã đi
ra, cô vẫn đứng ở chỗ đó, hoàn toàn quên mất phải trở về lớp làm bài thi.
Phổ Hoa lên sân thượng, ôm tờ thông báo, chớp chớp nước mắt, rồi không nhịn
được khóc òa, lòng rất đau, rất oan ức, lại không có nơi nào để nói, nơi nào
để thổ lộ, ôm đầu khóc nức nở, cũng không muốn để người khác thấy nỗi buồn của
cô.
Tối hôm đó xuống tầng lấy xe, trời đã tối đen, trên sân bóng không còn người,
Quyên Quyên về nhà từ sớm. Phổ Hoa nghe thấy tiếng bước chân chạy bóng trên
sân bóng rổ, mỗi lần bóng chạm vào nền sân hoặc giỏ bóng, trái tim cô cũng đau
theo. Người chơi bóng đơn độc đó cũng buồn khổ như cô chăng?
Trong bóng tối có người đi ra chỗ để xe, hình dáng mờ mờ đứng dưới cột bóng,
Phổ Hoa ngơ ngẩn nhìn bóng dáng ấy, nước mắt từng giọt từng giọt lăn dài trên
má, rơi xuống yên xe.
Mấy ngày đó là sự trớ trêu lớn nhất cô từng gặp phải từ khi lớn lên đến nay,
cô nhất định phải học cách một mình gánh vác, học cách chịu đựng.
Vụ án không manh mối này trực tiếp ảnh hưởng đến thành tích của cô, kỳ thi thử
vòng hai Phổ Hoa rớt khỏi danh sách năm mươi người đứng đầu, tiếng Anh càng
thất thường hơn, cô quên không làm cả một phần đọc hiểu. Sau khi thành tích đi
xuống, chủ nhiệm phụ trách kỷ luật và học tập tìm cô nói chuyện, danh sách cử
đi học tốp hai vừa thông báo, Cầu Nhân ký xong thỏa thuận đi ra đối diện với
Phổ Hoa.
Nhìn tờ thông báo cử đi học trên tay Cầu Nhân, Phổ Hoa trầm mặc.
Phổ Hoa tự hỏi, rốt cuộc sai ở đâu, vì sao trong lúc tăm tối không ai có thể
giúp mình. Tinh thần cô sa sút tới sát ngày thi thử vòng ba, Quyên Quyên bầu
bạn cũng không thể khiến cô phấn chấn hơn. Hai tuần trước khi thi, cô vô tình
phát hiện một mẩu giấy nhỏ trong hộp bút. Trên đó có ghi: “Đừng nhụt chí”. Ký
tên Kỷ An Vĩnh, cầm tờ giấy nhỏ, Phổ Hoa lại nước mắt lưng tròng.
Mấy buổi tối tự học đó, mỗi lần khoác cặp dắt xe, cô đều nghe thấy tiếng ném
bóng vọng đến từ sân thể thao trong bóng tối. Bóng dáng ấy chưa từng lại gần
nhưng âm thanh chạm vào linh hồn đó trực tiếp cùng cô bước vào cuộc thi thử
vòng ba. Phổ Hoa hy vọng, bản thân có thể chiến thắng số phận, cười đến cùng.