Hồi Mười (7)


Người đăng: Kms4money

Giờ lại kể chuyện mấy ngày trước.

Ngày mồng bốn tháng năm dương lịch, quân Hồ đại bại trận Hàm Tử, bị nhà Minh
đuổi đánh rất rát, bại thế như núi đổ. Thành thử kinh đô Tây Đô một thời phồn
hoa cũng náo loạn cả lên. Hoàng Hối Khanh được lệnh Hồ Hán Thương, bèn gom một
phần ba dân Việt di cư vào khẩn hoang vùng Thăng Hoa chiếm của Chiêm Thành khi
trước với quân địa phương thành một nhánh quân “ cần vương ” giao cho Nguyễn
Lỗ. Hoàng tử cũ của Chiêm Thành, tức con trai của Chế Bồng Nga - Chế Ma Nô Đà
Nan được phong tước “ quận vương ” để vỗ về dân Chiêm ở đây.

Về phần Hồ Hán Thương đã cho quân về thủ ở Lỗi Giang. Trận thua ở Hàm Tử có
hai vạn quân đầu hàng, một vạn tử trận, tính ra hãy còn bốn vạn tàn binh. Song
những người này phần nhiều đã đào ngũ đi nương nhờ vào các hào trưởng địa chủ
địa phương, thành thử bảy vạn hùng binh chỉ có chưa đầy hai vạn quân đến chờ
xa giá của vua về Tây Đô. Mùng mười về tới Tây Đô, trông thấy cảnh sĩ tốt khôi
giáp tả tơi rách rưới, thương mác gãy rụng tả tơi mà bất giác chạnh lòng.

[ Chỉ vì một phút tự cho là thông minh, mà nay nguy cơ mất nước đã kề cận. ]

Y bèn cho người vào thành đón thái thượng hoàng Hồ Quý Li, rồi toan cùng nhau
rút về Thăng Hoa thì quân Minh đã đánh ập tới. Hồ Hán Thương không kịp nghĩ
nhiều, vội phất cờ hiệu cho đại quân kéo vào thành, dựa vào tường cao hào sâu
chống giặc.

Trống nổi, cờ giương, hai cánh quân bắt đầu thả mình vào chiến trận.

Pháo gầm, tên rít, ngàn thanh kiếm thi nhau rơi cắm dưới chân thành.

Trương Phụ nắm cương, thúc ngựa chạy lên trước nhất. Lão vác thanh quan đao
trên vai, hiên ngang nhập trận. Ánh dương dát vàng rực sáng sau lưng. Y giục
ngựa chạy dưới chân thành mấy vòng, cười nhạo quân Hồ nhát chết. Hồ Hán Thương
cho dùng nỏ cứng bắn xuống, Thạnh vung đao gạt hết tên rồi thúc ngựa chạy khỏi
tầm bắn của quân Đại Ngu.

Hồ Hán Thương thấy sĩ tốt dưới tay mình uể oải như người mất hồn, bèn cắn chặt
răng. Cứ theo binh pháp, thì điều quân Đại Ngu cần hiện giờ là một trận thắng
để xốc lại lòng quân.

Y đang muốn tìm Hồ Nguyên Trừng để bàn kế thủ thành lâu dài, thì hay tin kho
lương trong thành đã bị vét rỗng tuếch. Một hạt thóc cũng không còn.

Thì ra sau khi thắng trận ở Tây Đô, Mạc Thuý đã lựa khoảng một toán chục con
tuấn mã, ngày đêm thúc ngựa chạy về phủ Thiên Xương. Y vừa chạy vừa loan tin
quân Hồ thảm bại ở Hàm Tử, khiến từ làng trên đến xóm dưới phải xôn xao một
bận. Nhưng cho đến khi ấy mới chỉ có một vài hộ, phần lớn là nhà quan lại với
đám địa chủ, là gom người gom của đi chạy nạn.

Phải đến mấy ngày sau, tàn binh đào ngũ từ Hàm Tử tìm được về nhà, sự hoảng
loạn mới bắt đầu truyền khắp dân gian. Dân chúng như đám bèo trên ao, sóng
đánh tới thì mạnh ai nấy trôi.

Thậm chí ở thành Tây Đô, còn xảy ra bạo loạn. Một đám nhân sĩ võ lâm phối hợp
với dân đen cả thành, nhân lúc đêm tối không trăng đánh vào kho vũ khí. Trước
vũ trang cho bản thân, sau ghé thăm kho lương vét cho đến hạt thóc cuối cùng
để chia nhau. Xong xuôi đâu đấy mới cướp cửa thành mà chạy.

Phần lớn binh mã đã theo Hồ Hán Thương đến Hàm Tử, lính lác cả thành chỉ còn
chưa đến một ngàn, mà hầu hết là nam đinh mới tòng quân chưa được quân huấn kĩ
càng. Thành ra lúc bạo loạn xảy ra, cả đám cứ loạn lên như lũ gà mất đầu vậy.

Chính ra đám gia nhân gia đinh của các nhà quan lớn phú hào cũng là một lực
lượng dân binh không yếu, thế nhưng mấy tên này lại là những kẻ bỏ chạy trước
tiên.

Hoàng cung cũng chẳng ngoại lệ. Vừa hay tin quân Hồ thua thảm là đám thái
giám, phi tần cung nữ đã chia nhau vét cho kì hết kim ngân châu báu rồi bỏ
trốn khỏi cung. Thái thượng hoàng Hồ Quý Li tự nhốt mình trong tẩm cung, thế
nên chẳng cản ngăn cũng không trừng phạt được.

Thành Tây Đô bỗng trở thành một toà thành ma.

Lương cạn, song Khai Đại dế chỉ còn biết cắn răng giấu sĩ tốt dưới trướng.
Quân lính đã chẳng còn tinh thần chiến đấu thì chớ, giờ lại hay tin Tây Đô cạn
lương thảo hết khí giới thì khéo có hơn nửa ra hàng.

“ Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra. Lương thảo mang theo được chỉ
còn đủ dùng ít ngày, không sớm thì muộn lính cũng bị đói. Chẳng bằng chia binh
hai ngả, Trừng dẫn một phần đại quân cản hậu cho hoàng huynh rút về Thăng Hoa.

Hồ Nguyên Trừng thấy Hán Thương bắt đầu bế tắc, bèn lên tiếng khuyên.

Khai Đại hẵng còn lấn cấn mãi chưa chịu quyết. Y nói:

“ Tây Đô là kinh đô, cũng là trái tim của Đại Ngu. Mất thành rồi, sĩ khí quân
ta sẽ ra sao? ”

“ Nhà Trần hai lần để Thăng Long thất thủ, nhưng vẫn có thể chuyển bại thành
thắng. Hàm Tử ta thua đau, nhưng so với trận thua ở Bình Lệ Nguyên năm xưa thì
có là gì? Hoàng huynh xin chớ bỏ cuộc. ”

Hồ Nguyên Trừng cố gắng khuyên can, nhưng ngữ khí đã bắt đầu chất chứa sự mệt
mỏi.

[ Đến hoàng đế cũng không muốn đánh, thì tướng sĩ lấy đâu ra tinh thần mà liều
mạng? Hoàng huynh không sánh được với tiên đế Trần Nhân Tông năm xưa. ]

Những lúc thế này, chàng rất muốn hỏi ý kiến lão Bộc. Tiếc là vừa vào thành
Tây Đô không lâu thì lão mất tăm biệt tích luôn. Hồ Nguyên Trừng đã cho quân
lính đi tìm, nhưng tạm thời không có chút tin tức gì của lão hết.

Đúng lúc này, thì phía nội thành truyền đến tiếng chân người dồn dập. Một đội
quân nhỏ cỡ hai trăm người lao nhanh trên đường lớn, tốc độ còn hơn cả tuấn
mã. Trên người họ vận giáp da nhẹ, tay mỗi người cầm một thanh gươm bén với hộ
thủ chạm theo hình con Nhai Xải.

Đi đầu không ai khác, chính là Hồ Quý Li. Chòm râu trắng như cước rủ xuống
giáp ngực, mái tóc bạc tựa mây búi gọn ẩn trong mũ trụ. Ông vác một thanh quái
phủ bản rộng, đầu gắn lưỡi thương dài nhọn hoắt. Cứ nhìn cách con thiên lí mã
chạy thì thanh rìu pha thương ấy phải nặng độ ba chục cân là ít. Sau lưng ông
cắm lá cờ thêu tám chữ “ văn võ toàn tài, quân thần đồng đức ” do chính Trần
Nhuệ Tông ban cho.

“ Phụ hoàng… ”

“ Thái thượng hoàng… ”

Hồ Hán Thương và các tướng sĩ thấy ông xuất hiện, bèn quỳ xuống hành lễ. Quý
Li phất tay cho mọi người đứng hết dậy. Đội ưuaan sau lưng ông rõ ràng đã nhìn
thấy Hồ Hán Thương, nhưng cũng chỉ hơi cúi đầu hành lễ, ngoài ra không có vẻ
gì là quy phục hết. Hồ Quý Li đứng lên đầu thành nói. Tiếng ông rung chuyển
như thiên quân xuất chiến, vạn mã bôn đằng, Trương Phụ cưỡi ngựa cách Tây Đô
vài dặm cũng nghe thấy.

“ Đại Việt ta nay có nạn, vận nước như chỉ mành treo chuông. Nay Quý Li xin
nhờ sức của các vị Thánh Dực dũng nghĩa đánh một trận với giặc Minh, cho chúng
thấy bản lĩnh nam nhi nước Nam ta. ”

Thấy hai trăm tráng sĩ vẫn im như cục đá, ông bèn chặc lưỡi, tiếp:

“ Thánh Dực quân xin hãy nghe ta nói một lời.

Hồ Quý Li này phế Trần lập Hồ, là tội thứ nhất! Mộ lính gắt gao, ban hành tiền
giấy khiến dân chúng lầm than, là tội thứ hai! Ta xin nhận hết!

Nhưng… ”

Nói đến đây, bất giác ông nhìn sang Hồ Nguyên Trừng. Tả tướng quốc của Đại Ngu
vốn đang vì sĩ khí của ba quân mà chán chường thì nay bỗng tỉnh ngộ.

“ Thằng ranh con Trần Thiêm Bình rước quân Minh vào bờ cõi nước Nam, ấy là tội
phản quốc.

Giặc bắc vào nước ta, đầu tiên là gây cảnh máu chảy thành sông xương chất
thành đồng, ấy là tội hại dân.

Hồ Quý Li này có tội với nhà Trần, đúng! Nhưng thử hỏi ta có tội gì với Đại
Việt?

Bất trung với triều Trần so với bất trung với tổ quốc thì bên nào đáng chết?
Hà khắc với trăm họ so với tài hại cả đồng bào thì tội ai nặng hơn?”

Thánh Dực quân đáp:

“ Chỉ bằng một Thiêm Bình không thể đánh giá cả vương triều nhà Trần. ”

“ Vậy thì một Hồ Quý Li cũng đâu thể đại diện cho cả Đại Ngu ta? ”

Im lặng…

“ Chỉ có người Việt khổ

Quyết không có Việt nô!

Thà làm ma Đại Việt

Hơn làm chó Nam Kinh!! ”

Dũng Nghĩa quân chẳng ai bảo ai, đột nhiên rống lên, rõ ràng từng chữ. Giữa
một toà thành trống không, tiếng người bỗng cất lên nghe lồng lộng, đâm thủng
xé nát bầu không khí lặng yên chết chóc.

“ Chỉ có người Việt khổ!! ”

Hồ Nguyên Trừng thấy vậy, bèn chum tay vào hét lên. Hồ Hán Thương và các tướng
cũng vội vàng học theo.

“ QUYẾT KHÔNG CÓ VIỆT NÔ!!! ”

Tiếng rống của đại quân nhà Hồ làm át cả tiếng cửa thành đang nặng nề mở tung.

Khai chiến!


Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi - Chương #65