Hồi Mười Tám (9)


Người đăng: Kms4money

Đêm giao thừa đã tới…

Đây là cái đêm ba mươi tháng chạp đầu tiên trong cuộc đời nó, Tạng Cẩu được ăn
một cái Tết đoàn viên.

Giữa sân, nồi bánh cháy bập bùng, sáu nhân ảnh ngồi quây quần trông cái nồi
gang. Ánh lửa hồng hào, phả lên gương mặt háo hức của đám nhỏ. Người lớn ngồi
đàm đạo, nhưng thỉnh thoảng mắt vẫn đá về phía ánh lửa.

Tạng Cẩu thoăn thoắt thêm lửa, quạt gió, lại bắc cái ghế lên ngó xem nước luộc
ra sao, đặng còn thay nước…

“ Này nhé, bánh luộc được già nửa thời gian thì thay nước ra, ngâm bánh qua
nước lạnh. ”

“ Mấy chuyện bếp núc này Cẩu biết nhiều quá nhỉ? Trông bánh chưng cũng biết
làm… ”

Hồ Phiêu Hương biết…

Nãy giờ Tạng Cẩu liến thoắng luôn mồm mà ba người Hồ Quý Li, Hồ Nguyên Trừng
và Nguyễn Phi Khanh chẳng mở miệng câu nào, chứng tỏ nó nói không sai.

Tạng Cẩu nói:

“ Hồi trước ở thôn Điếu Ngư, Tết đến là tớ trông nồi bánh ngoài sân đình suốt
ấy mà. Không làm thì làm gì có bánh ăn. Cứ xem các cô làm mãi cũng quen. ”

Cộp! Cộp!

Tiếng vó ngựa khua vang dội từ ngoài ngõ vào. Ánh lửa dưới đáy nồi cũng theo
đó mà càng thêm lung linh, huyền ảo.

“ Chắc Liễu Thăng đến. ”

Hồ Nguyên Trừng thở dài.

Ông trời cũng xếp đặt thật khéo.

Liễu Thăng ấy thế mà trở thành nghĩa huynh của Tạng Cẩu, mấy lần cứu mạng nó.
Không có họ Liễu, thì Tạng Cẩu e đã thành thứ ma đầu chỉ biết có thù hận rồi.

Đến người từng đứng ở đầu bên kia chiến tuyến với cậu chàng là ba người Nguyễn
Phi Khanh cũng không phải nể phục tình huynh đệ của chúng.

Liễu Thăng đẩy cửa vào. Lần này đến, cậu chàng đã bận y giáp chiến khôi chỉnh
tề, thương vàng gác sau lưng, chiến bào bay trong tuyết.

“ Mọi người đang đón giao thừa sao? ”

Thấy cảnh đầm ấm, Liễu Thăng bất giác dừng bước chân.

“ Đúng. Ngồi xuống luôn cho vui. ”

Tạng Cẩu nói.

“ Thôi… ở… ở nhà còn đang có người chờ. Huynh qua chúc Tết mọi người một
tiếng, rồi đi ngay thôi. ”

Liễu Thăng ấp úng.

Ánh mắt cậu như đang tìm kiếm ai đó.

Nguyễn Phi Khanh cười khà, mặt đỏ ửng như gấc chín. Đoạn dốc cạn chén rượu
trong tay, lên tiếng mà giọng nhè nhè như người say:

“ Nói là chào bọn ta… hấc… chi bằng nói là chào… híc… con bé Hằng. ”

Liễu Thăng giật mình một cái, ánh mắt đảo qua hướng khác.

“ Hằng xin nghỉ, ra ngoài chợ rồi. ”

Tạng Cẩu gẩy thêm củi vào ngọn lửa, giọng vẫn chậm rãi.

“ Vậy… vậy à? Nè, Cẩu, Hương. Lì xì cho mấy đứa. Mấy nữa huynh thăm nhà xong,
quay lại kinh thành, chúng ta sẽ tỉ võ tiếp. ”

“ Nhất định! Hứa rồi đấy nhé. ”

Tạng Cẩu giơ bàn tay, nói vọng ra, đầu vẫn chúi vào nồi bánh.

Liễu Thăng ấp úng dúi hai gói lụa điều vào tay hai đứa nhóc, đoạn lao ra khỏi
phủ viện.

Tiếng ngựa gầm gió bấc vang lên ngoài ngõ.

Nguyễn Phi Khanh thở dài:

“ Tết nhất đến nơi rồi, mà còn phải xuất chinh. Tội nghiệp thằng nhỏ thật. ”

Bốn người còn lại đều im lặng.

Tính cả hai đứa Hương, Cẩu.

Chúng nó từng lang bạt trong chiến trường, nên cũng hiểu được phần nào trách
nhiệm của người làm tướng. Đôi khi, thắng ngựa giục cương, cũng vì thân bất do
kỷ.

Tạng Cẩu hít vào một hơi, rồi nói:

“ Đợi sau cái Tết này, bọn con sẽ tìm cách thâm nhập vào Tàng Thư Các lần nữa.

Bấy lâu nay, mọi người tìm mua cơ man không biết bao nhiêu quyển Tống sử trôi
nổi trong dân gian, nhưng không có lấy nổi một trang đề cập đến Dương Không
Lộ.

Sau cùng, mọi người mới nghĩ tới Ngự Thư phòng.

Nếu có nơi nào có thể có chút manh mối về thiền sư Không Lộ, thì chỉ có thể là
Ngự Thư phòng mà thôi.

Tuy nhiên lần trước nhờ có thiền sư Tuệ Tĩnh dẫn theo, chúng nó mới được vào
cùng. Hiện giờ thân cô thế cô, đến hoàng cung còn không thể tuỳ tiện tới lui,
nữa là Ngự Thư phòng của hoàng đế.

Trong cung cao thủ như mây, lấy khinh công học chưa đến nơi đến chốn của đám
nhỏ, nói là đi đột nhập không bằng bảo là đi tự sát.

Cả tháng nay mọi người cùng nghĩ cách, thế mà cũng chẳng tìm được kế vẹn toàn
để nhập cung.

Bất thình lình, Hồ Nguyên Trừng lên tiếng:

“ Sắp tới sẽ có cơ hội, thậm chí đích thân Vĩnh Lạc sẽ mời hai đứa vào Ngự Thư
phòng luôn. Chớ có lo quá. Điều hai đứa cần làm bây giờ là trau dồi võ công,
đọc sách thánh hiền cho tốt. ”

Tạng Cẩu nghe đến bốn chữ “ đọc sách thánh hiền ” là cổ họng đắng nghoét. Nó
rụt cổ lại, hỏi:

“ Thế cháu không đọc có được không? ”

“ Cái gì??? Không là không thế nào??? Có biết sách thánh hiền là nhân sinh, là
đạo đức, là tinh hoa của cổ nhân, là lời dạy của tiên hiền, là…v.v… ”

Tạng Cẩu làu bàu:

“ Mấy ông thánh hiền Tàu chỉ giỏi khoe chữ. Sau không nói đơn giản như tục ngữ
ca dao ấy? ”

“ Tục ngữ ca dao…? ”

Hồ Nguyên Trừng đang định nói ấy chẳng qua là lời của giới nhà nông chân lấm
tay bùn, ít học. Nhưng Nguyễn Phi Khanh đã lên tiếng:

“ Kẻ đọc sách cứ nghĩ mình khôn ngoan tài trí, nhưng được mấy người không phải
mọt sách ngu đần?? Kẻ đọc sách cứ nghĩ người dân là ngu phu xuẩn phụ, nhưng
đầy người mắt còn sáng hơn cái lũ bụng toàn kinh sử trong cung kia.

Lời dạy của thánh hiền hay, lời các cụ răn cũng chẳng hề kém cạnh. Nhất bên
trọng, nhất bên khinh, thì đã là kẻ tầm thường. ”

Tạng Cẩu nghe xong, chợt nhớ lại lời Quận dạy trước đây: “ Đạo học vốn là kẻ
biết dạy cho người không biết! ” và “ Chẳng những Trung Hoa, mà Đông Tây gì
cũng phải vậy tuốt! ”.

Bất giác nó thấy hổ thẹn.

Hồ Nguyên Trừng thì lại có kiến giải khác.

Chàng nhẩm lại những câu tục nhữ mình biết, rồi ngơ ngác nhận ra, hoá ra cũng
sâu xa lắm.

[ Sách thánh hiền thì lời văn hàm súc, ý tứ cao thâm, ngôn từ mạc trắc. Nhưng
cũng vì thế mà thâm ảo khó hiểu. Tục ngữ, ca dao, thì tuy lời lẽ thô kệch,
nhưng bài học lời răn đã vị tất lại không thâm thuý? Hình ảnh lại gần gũi…

Ai hơn ai kém, đúng là không thể so sánh được. ]

Cứ thế, lửa dưới nồi bánh vẫn bập bùng…

Lại kể chuyện của Lê Hổ…

Thấy quân địch đã loáng thoáng hiện lên ở cuối chân trời, Lê Hổ nghĩ một chốc,
rồi hạ lệnh cho quân rút về ngôi làng nằm khuất dưới mặt đông núi Dục Thuý.

Lúc này đang là sáng sớm…

Bãi sông thoáng đãng, xông vào đánh bừa chỉ là đi tìm chết.

Phạm Ngọc Trần nhíu mày, hỏi:

“ Giờ sao đây? Không biết anh thế nào, chứ tôi không có ý định chết ở đây đâu.
Tôi còn bao nhiêu chỗ phải đi chơi… ”

Mới nãy, Lê Hổ đã thì thầm vào tai mấy đầu lĩnh, nhưng nhất quyết không chịu
tiết lộ cho cô nàng.

“ Rồi sẽ biết. ”

Lê Hổ nhún vai, đoạn kéo Phạm Ngọc Trần cúi rạp hẳn xuống bãi sậy, đề phòng bị
địch quân trông thấy.

Cậu lại rẽ cỏ, trỏ về phía bãi đất phía xa, hỏi:

“ Trên miền ngược các cô có chỗ nào như thế không? ”

Phạm Ngọc Trần thấy bên sông, giữa đám lau sậy um tùm, ngoài những mô đất chỗ
cao chỗ thấp ra thì chẳng có gì đặc biệt.

“ Cỏ, với đất… rồi sao? ”

“ Chỗ đó là bãi bồi. Đêm qua mới mưa tầm tã một hồi, chỗ đó hẳn là đang ngập
tới mắt cá, đất mềm tơi ra thành bùn. Một lát nữa cứ làm như thế… ”

Phạm Ngọc Trần nghe Lê Hổ nói nhỏ vào tai, mà bắt đầu tủm tỉm cười. Chẳng biết
hai người họ nói gì với nhau.

Cánh quân phía đông do Lưu Tuấn cầm đầu tấp nập hành quân về phía núi Dục
Thuý. Cả một bãi sông rộng lớn cờ sí căng rợp trời, thanh thế to lớn vô cùng.

Lưu Tuấn chính là kẻ dẫn đầu. Y mặc khôi giáp bằng sắt đen bóng lộn, hông đeo
bội kiếm tua vàng, trông oai tợn. Gã nện giày lên mặt đất lớp nhớp bùn lầy,
gắt gỏng:

“ Cái xứ quỷ quái. ”

Đại Việt sông ngòi kênh rạch phức tạp, ẩm thấp. Hôm qua lại giở trời mưa to
một trận trái mùa, thành ra khí hậu đã ẩm lại còn lành lạnh. Cái buốt giá chỉ
chầu chực ăn vào xương người ta như mọt khoét gỗ lẩn trong từng cơn gió thật
chẳng lấy gì làm dễ chịu. Trong quân ngũ nhà Minh, hễ ai không ở vùng ven biển
là thấy không thích ứng, trong người nôn nao ngay.

Nhưng khó chịu nhất vẫn là lũ côn trùng. Nào muỗi, nào dĩn… cái giống ở náu
trong các bụi bãi nên háu đói hung hăng tợn. Chúng chỉ cần thấy có hơi người
là rúc vào quần áo mà đốt lấy đốt để. Những vết cắn sưng tấy lên, ngứa ngáy
khó chịu, song càng gãi càng ngứa. Đã vậy có những người còn bị nhiễm trùng.

Lưu Tuấn mặc giáp gần như kín mít, vải may cũng dày mấy lớp để giảm thiểu sát
thương từ tên đạn. Thành ra chẳng những bí, nóng, mà còn chịu chết không gãi
nổi. Thành thử, y đi đường cũng không thẳng lưng được, cứ hơi tí là co người
một cái vì ngứa.

Càng ngứa ngáy, y lại càng chỉ mong đánh cho xong cái trận này, còn về rửa
ráy.


Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi - Chương #159