Người đăng: Kms4money
( Nghịch Tử tổng hợp tư liệu lịch sử liên quan tới truyện ở đây để người đọc
tiện theo dõi. Bạn đọc không thích cứ tự nhiên bỏ qua, sẽ không ảnh hưởng tới
cốt truyện đâu )
Tháng 4 năm 1406, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, nhà Minh sai hai tướng
Hàn Quan và Hoàng Trung mang quân hộ tống để lập Thiêm Bình làm vua, thực chất
là muốn chiếm đóng Đại Ngu. Minh Thực lục chép quân số đội quân của Hoàng
Trung là 5000, nhưng theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Hoàng Trung có tới 10
vạn quân.
Ngày 8 tháng 4 âm lịch, Hoàng Trung đánh vào cửa Lãnh Kinh. Hai cánh quân thuỷ
bộ nhà Hồ đụng độ với quân Minh. Quân Đại Ngu bị bại trận, các tướng Phạm
Nguyên Khôi, Chu Bỉnh Trung, Trần Nguyên Huyên, Trần Thái Bộc tử trận. Tả
tướng quốc Hồ Nguyên Trừng xuống thuyền đi thoát.
Song đúng lúc đó, tướng Hồ Vấn mang quân từ Vũ Cao (Bắc Giang) đánh úp quân
Minh. Hoàng Trung không chống nổi, đến đêm bèn rút quân về. Song các tướng Đại
Ngu là Hồ Xạ và Trần Đĩnh mang quân đóng chặn ở ải Chi Lăng. Quân Minh bị mất
đường về, buộc phải chấp nhận giao nộp Trần Thiêm Bình và sai Cao Cảnh đưa
hàng thư, đề nghị mở đường cho về nước:
"Quan tổng binh Hoàng sai tiểu nhân tới đây trình bày ngài biết việc này:
Trước vì Thiêm Bình chạy sang triều đình tâu rằng hắn chính là con của quốc
vương An Nam, vì thế mới sai đại binh sang chiêu dụ. Không ngờ trăm họ xứ này
đều không phục, rõ ràng là hắn nói bậy. Nay lui quan quân về tâu với triều
đình thì bị quan ải dọc đường ngăn giữ, nghẽn lối không qua được. Nay đem
Thiêm Bình tới nộp, xin thả cho đi thì may lắm".
Hồ Xạ nhận hàng thư bằng lòng nhận Thiêm Bình và mở vòng vây cho quân Minh rút
lui. Trần Thiêm Bình bị mang về xử lăng trì. Nhà Hồ thắng trận, bắt được nhiều
tù binh bèn đưa về mấy trấn Nghệ An, Thái Nguyên cho làm ruộng.
Trần Thiêm Bình bị giết khiến nhà Minh tức giận và quyết định tiến đánh nhà
Hồ.
Về phía vua quan Hồ Quý Li thì dù thắng trận nhưng không hề chủ quan mà dự
đoán quân Minh còn kéo sang đánh nữa. Hồ Hán Thương tiếp tục sai củng cố phòng
tuyến Đa Bang dọc các bờ sông. Mặt khác, nhà Hồ cho đoàn sứ gồm Trần Cung Túc,
Mai Tú Phu sang nhà Minh xin giảng hoà, biện minh việc Thiêm Bình là giả mạo.
Nhưng đoàn sứ Đại Ngu bị nhà Minh bắt giam toàn bộ.
Ban đầu, Minh Thành Tổ Chu Đệ ra lệnh cho Thành quốc công Chu Năng làm Chinh
di đại tướng quân, Tín thành hầu Trương Phụ làm hữu phó tướng, Tây bình hầu
Mộc Thạnh làm tả phó tướng, phối hợp tiến quân. Tuy nhiên, tới tháng 11 năm
1406, Chu Năng bị nhiễm bệnh chết khi mới tới Long Châu, quyền thống lĩnh về
tay Trương Phụ.
Tháng 9 cùng năm, nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc, đem 40 vạn quân đánh vào
cửa ải Pha Lũy (cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay), Mộc Thạnh, Lý Bân cũng đem 40 vạn
đại quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay), hai đạo quân
tổng cộng là 80 vạn.
Tháng 10, quân Minh hội ở sông Bạch Hạc, bày doanh trại bờ bắc sông Cái, đến
tận Chú Giang.
Nhà Hồ bố trí quân ở sông Hồng theo sự chỉ huy của Hồ Nguyên Trừng, quân ở
sông Chú thì theo sự chỉ huy của Hồ Đỗ. Trên bờ, quân bộ và voi đóng đối diện
doanh trại quân Minh.
Theo Minh thực lục, ngày 19 tháng 11 năm 1406, Trương Phụ từ Bằng Tường tiến
quân sang đánh nhà Hồ.
Trương Phụ và Mộc Thạnh dùng danh nghĩa "Phù Trần diệt Hồ", viết bảng văn kể
tội nhà Hồ và tìm con cháu nhà Trần để phục vị, cho thả theo dòng sông. Nội
dung bảng văn kể 22 tội của Hồ Quý Ly, gồm có 8 nội dung lớn:
Cướp ngôi, giết vua và tông thất nhà Trần (2 tội)
Coi nước và nhân dân như thù địch (3 tội)
Tự tiện đổi họ Lê sang họ Hồ (1 tội)
Lừa gạt triều đình nhà Minh (trong vụ Trần Thiêm Bình) (3 tội)
Đánh chiếm và khống chế vùng Tư Minh, Ninh Viễn (5 tội)
Đánh Chiêm Thành là nước đã thần phục nhà Minh (6 tội)
Không theo lịch Trung Quốc, tự đổi tên nước (1 tội)
Khinh nhờn, không kính trọng nhà Minh (1 tội)
Quân nhà Hồ trông thấy bảng văn, lại thấy chính sự chưa được lòng dân nên
không có lòng chống quân Minh. Các tướng Mạc Thúy, Nguyễn Huân đem 10.000 quân
ra hàng quân Minh và được phong chức.
Ngày 2 tháng 12 âm lịch, người Minh chiếm được Việt Trì, bờ sông Mộc Hoàn (nay
là xã Cổ Đô huyện Ba Vì Hà Nội) và chỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc (cửa sông Lô
đổ vào sông Hồng). Tướng chỉ huy quân Tả Thánh Dực là Hồ Xạ không giữ nổi,
phải dời hàng trận sang phía nam sông Cái. Đêm mồng 7 tháng 12 âm lịch, quân
Minh tiến ra bãi sông Thiên Mạc bị tướng nhà Hồ là Trần Đĩnh đánh bại.
Quân Hồ thua liên tiếp ba trận Mộc Hoàn, Đa Bang và Hàm Tử. Sau Chiêm Thành
lại đánh từ phía nam lên, cha con Hồ Quý Li và Hồ Nguyên Trừng phải bỏ thành
Tây Đô mà chạy. Thế nhưng quân Minh vẫn đuổi theo rất rát, hai người chạy đến
ghềnh Chẩy Chẩy và cửa biển Kì La thì bị bắt, nhà Hồ sụp đổ.
Đến năm 1416, 9 năm sau khi nhà Hồ mất nước, Lê Lợi cùng mười chín tướng lĩnh
lập thệ ở Lũng Nhai, quyết chí đòi lại non sông cho đất Việt. Đại Việt Sử Kí
toàn thư đã có dẫn lời Lê Lợi: “ Ta cất quân đánh giặc không phải có lòng ham
phú quý, mà chính để ngàn năm sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho
giặc ”. 1417, Nguyễn Trãi đến gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang, nguyện phò tá minh quân.
Đến mùa xuân năm 1418, tức năm Mậu Tuất, Lê Lợi cùng Lê Văn An, Lê Sát, Lưu
Nhân Chú…v.v… tất thảy hơn năm mươi văn quan võ tướng chính thức phất cờ khởi
nghĩa ở Lam Sơn. Cứ theo sử gia các đời, thì Lam Sơn khởi nghĩa được chia làm
ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu, nghĩa quân gặp nhiều gian nan khốn khó. Quân Lợi bị vây quét
gắt gao, mấy lần phải chạy lên núi Chí Linh lánh nạn. Có lúc trốn tránh nơi
núi rừng, trơ mắt nhìn gia quyến bị bắt, chịu nổi khổ ải tuyệt lương đến hai
tháng giặc mới rút. Lúc quay lại, chỉ thu được một trăm tàn binh.
Năm 1419, Lê Lai phải giả làm Lê Lợi, đánh lạc hướng quân giặc cho nghĩa binh
thoát khốn, có thời gian ngơi nghỉ chỉnh đốn lực lượng. Ông này bị xử tử ở
Đông Quan, tích “ Lê Lai cứu chúa ” từ đó được người đời nhớ mãi.
Đến năm 1422, Lê Lợi phải giảng hoà với quân Minh, song chúng lại giam giữ sứ
giả. Sang năm sau, hoà hảo bị đứt đoạn, nghĩa quân tiến vào giai đoạn thứ hai
của cuộc khởi nghĩa.
1424, Lê Lợi tiến quân vào Nam, chiếm lấy hoàn toàn Nghệ An. Chỉ trong một
năm, toàn bộ đất đai Thanh Hoá đều vào tay nghĩa quân, thành địch không chốn
nào không bị vây hãm.
Qua năm sau, nghĩa quân thắng lớn trận Chúc Động - Tốt Động. Trong Bình Ngô
Đại Cáo, Nguyễn Trãi bình giải trận này bằng một câu: “ Tốt Động thây chất đầy
nội, nhơ để ngàn năm ”. Thuận thế, Lê Lợi cho quân vây chiếm Đông Quan, chiến
sự căng thẳng. Vương Thông nhân đêm tối mưa dông cho quân ra tập kích, Đinh Lễ
và Nguyễn Xí bị bắt, Lê Triện tử trận. Sau Xí trốn được, còn Lễ bị xử tử.
Lại nói năm 1427, Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo 12 vạn quân sang chi viện cho
Thông. Lê Lợi cho quân giả thua, dụ Liễu Thăng truy kích vào Chi Lăng - Xương
Giang. Thăng trúng phục kích, bị giết, quân Thăng không còn tướng cầm đầu càng
đánh càng thua to. Ấy là trận đại thắng Chi Lăng - Xương Giang lịch sử.
Vương Thông biết đại thế đã mất, bèn xin giảng hoà. Lê Lợi chấp nhận, lập lời
thề Đông Quan rồi tháng chạp thả cho Thông về nước. Khởi nghĩa Lam Sơn kết
thúc sau hơn một thập kỉ.
Ấy là những gì sử sách ghi lại, rành rành giấy trắng mực đen.
Nhưng đôi khi, có những điều do vô tình hay hữu ý đã thất lạc vĩnh viễn giữa
dòng thời gian, từ đó khiến bản chất của sự việc, sự vật hoàn toàn thay đổi.
Những bí mật ẩn sau Thuận Thiên kiếm, sau một giai thoại Hồ mạt Lê sơ đầy biến
động và thương đau. Than ôi, chẳng qua cũng chỉ là một vài trong số ấy mà
thôi.
Sử sách dẫu có là một bản hùng ca bi tráng đi nữa, thực chất chỉ là một dòng
sự kiện được người ta chép ra, khó tránh khỏi đôi chỗ có phần phiến diện. Vô
số những ẩn tình phía sau cái vẻ hào hùng sử thi ấy, âu chỉ có người trong
cuộc mới tỏ tường, thiết nghĩ thật đúng lắm thay.