Người đăng: Reapered
Giấc ngủ này thật là dài! Lúc tỉnh dậy đã là trưa của ngày thứ ba, sau khi gặp
Bạch Y Di hắn mới biết. Bạch Y Di ở bên trong mật thất đó, ngủ trên chiếc
giường lớn, Phương Kiếm Minh lúc đó vẫn còn chưa nghĩ tới điều này, một cô gái
đã ở trong đó, hắn cũng không tiện ở lâu, đành phải tiếp tục ở trong ngôi nhà
gỗ nhỏ.
Bạch Y Di tự nhiên đã biết hai người này là ai, cô ta cũng không phải là hoàn
toàn lạnh nhạt vô tình, đối với hậu nhân của anh hùng dân tộc, ít nhiều cũng
có chút tôn kính, nàng tuy ở trong phòng, nhưng không dám tuỳ tiện loạn động,
nàng biết nội công của bản thân chưa đạt tới cảnh giới có thể phá được tường.
Tường đá đó đích thực là có một thông đạo để ra ngoài, nhưng là bị một tảng đá
lớn dày che lấp, điều này cũng là do Văn Nhược Vọng phát động cơ quan đóng cửa
mật thất, đồng thời làm hỏng cơ quan, mãi mãi không bao giờ mở ra, muốn ra
ngoài không có cách nào khác ngoài phá vỡ bức tường.
Quan hệ giữa hai người bọn họ rất đặc biệt, cùng bị nhốt ở đây, nhưng rất ít
qua lại, Phương Kiếm Minh có một hôm vào mật thất đó, thấy cây Lam Triều Tiêu
không hề bị Bạch Y Di đụng đến, biết cô ta không thích trò này, hắn cũng không
có việc gì làm, tiện tay lấy đi, Lam Triều tiêu nắm trong tay cảm giác rất
nặng, không biết đã dùng loại trúc gì để làm thành, hắn thử thổi vài tiếng,
kêu u u, đơn điệu vô cùng, trong lòng hắn thầm cười, nhặt cuộn giấy da dê lên.
Khi đã mở ra thì không nỡ lòng đặt xuống. Thì ra khúc Hồ Già thập bát phách
này là một tuyệt thế cao nhân triều Tuỳ đã cải biên từ cầm khúc Hồ già thập
bát phách của Thái Diễm (Thái Văn Cơ) thời Đông Hán. Hồ Già thập bát phách vốn
là một khúc cầm ca, là một trong mười đại danh khúc của Trung Quốc cổ đại, là
Thái Văn Cơ căn cứ vào đặc điểm của nhạc khí Hồ già của Hung nô mà sáng tác
ra. Nàng đã dung hoà một cách hoàn hảo âm nhạc của Hán và Hồ trong khúc nhạc
này. Thời Tuỳ Đường, Hồ Già thập bát phách bản thật sự đã bị thất lạc, chỉ còn
lại một ít dị bản lưu truyền trong nhân gian, cao nhân tuyệt thế này thông
hiểu võ nghệ, trong thâm sơn cùng cốc đã phát hiện ra bản Hồ Già thập bát
phách thực sự, ông ta lại giỏi thổi tiêu, tinh thông âm luật, thế là đã giở
thần thông, đem cầm khúc phổ thành tiêu khúc, lưu truyền hậu thế.
Tuyệt thế cao nhân này vì võ công cao cường, cho nên trong phổ khúc đã thêm
vào nôi công tâm pháp, theo như cuộn giấy da dê đó, khi tấu khúc này, đá cũng
dễ dàng bị dịch chuyển, uy lực bên trong không phải người có thể tưởng tượng
được. Kỳ thực cầm khúc Hồ Già thập bát phách, biểu đạt một thứ tình cảm bi
oán. Đó là Thái Diễm sinh vào thời loạn, đã viết ra số phận trắc trở thực sự
của mình, nhưng cũng không thiếu phần ngạo khí. Di dân nam Tống thời bấy giờ
thi nhân Uông Nguyên Lượng đã đàn bài Hồ Già thập bát phách cho Văn Thiên
Tường trong ngục nghe, miêu tả nỗi đau tột cùng khi sơn hà bị tàn phá. Thời kỳ
đó, Hồ Già thập bát phách đã được dân cư và cựu thần nam tống lưu truyền.
Lúc thay đổi triều đại, Nam tống, Nguyên triều đều không còn tồn tại nữa, Hồ
Già thập bát phách, bài cầm khúc này vẫn không hề bị mai một, vẫn được lưu
truyền trong dân gian, nhưng đều được tấu bằng đàn, dùng tiêu để thổi thì chưa
có ai từng nhìn thấy, nghe thấy. Phương Kiếm Minh biết sự tình bên trong đó,
liền có ý muốn học khúc nhạc này, hắn bước tới giá sách chọn một vài cuốn nhạc
phổ và kỹ thuật thổi tiêu, kể cả đồng tiêu, và cuộn giấy da dê đều mang về
ngôi nhà nhỏ, một mình từ từ luyện tập. Một hôm, hắn lại tới động phủ, nhìn
thấy phu thê Văn Nhược Vọng vẫn đang ngồi đờ ra trên ghế, hắn không muốn bọn
họ cứ tiếp tục như thế mãi, liền bái lạy họ mấy cái, sau đó nói: “Tiểu tử nhất
định sẽ giúp hai vị tìm được người tên Văn Thiên Tứ đó, hai người cũng nên
nhập thổ vi an rồi!” Tốn hết cả một buổi chiều, hắn đào một cái hố lớn bên
cạnh hồ, mai táng hai người họ tại đó, cũng xem như là không uổng duyên gặp
mặt.
Ma Môn thánh cô Bạch Y Di đó mỗi ngày sau khi thức dậy, đều ra ngoài cần cù
luyện kiếm pháp, đói rồi thì lên cây hái quả ăn, nàng ta đối với chuyện gì
cũng không nhiệt tình, không hề động vào những hoả khí trên bàn, thực tế lúc
không có việc gì làm mới tới giá sách lấy vài quyển xuống xem, lại đều là
những bí kíp võ lâm mà Văn Nhược Vọng thu thập, vừa có Thái Cực kiếm pháp của
Võ Đang, lại vừa có Thất Tinh kiếm pháp của phái Hoa Sơn, thậm chí cả kiếm
pháp của Thiên Sơn kiếm phái cũng được ghi trong đó, nhưng đều là dị bản, căn
bản không đầy đủ, cho dù như vậy Bạch Y Di vẫn là nhờ hoạ mà được phúc.
Thấm thoắt bọn họ đã ở trong núi mấy tháng trời, Bạch Y Di lạnh lùng tới nỗi
không thèm nói chuyện với Phương Kiếm Minh, Phương Kiếm Minh cũng không muốn
nói chuyện với cô ta, hai người an phận thủ thường, mỗi ngày đều gặp nhau ở
dưới gốc cây, nhưng chỉ liếc qua đối phương, có lúc Bạch Y Di cũng lạnh hừ một
tiếng, Phương Kiếm Minh lại chỉ làm ra vẻ không có chuyện gì cả, cũng không
thèm để ý cô ta.
Đêm nay, mặt trăng tròn một cách lạ thường, Phương Kiếm Minh ngồi xếp bằng
trước nhà nhỏ, kỳ lân thử nhảy qua nhảy lại trước mặt hắn mà không biết mệt.
Phương Kiếm Minh trong những ngày này, dựa vào sự thông minh của mình đã học
được không ít danh khúc, đối với khúc Hồ Già thập bát phách, vẫn chỉ dừng ở
giai đoạn sơ cấp, không có chút tiến bộ nào, cũng không thổi ra được giai điệu
gì. Hắn nhìn mặt trăng trên trời cao, dư quang chiếu rọi, bốn bề sáng nhẹ.
Dưới vầng trăng tròn, vách núi quả thực có vẻ đẹp buồn khó tả, không khỏi làm
hắn nhớ tới nghĩa phụ, và cả sư phụ nữa, không biết bọn họ bây giờ thế nào
rồi? Nghĩa phụ không tìm được mình, e là sẽ tức giận, xông vào trọng địa ma
môn, ra tay đánh người,
“ai…” hắn nhẹ nhàng thở dài, đặt Lam Triều tiêu lên miệng tấu, thổi khúc Mai
Hoa Tam Lộng, Mai Hoa Tam Lộng cũng là một trong mười đại danh khúc. Lúc đầu
đã là địch khúc hoặc tiêu khúc, sau được cải biên thành cầm khúc, tam lộng là
chỉ cùng một diệu nhạc mà diễn tấu đi lại ba lần, mai hoa trong giá rét nhiều
lần nở rộ. Khúc Mai Hoa Tam Lộng mà Phương Kiếm Minh đang thổi đã được Văn
Nhược Vọng sửa đổi một chút, có thêm không ít tình nhi nữ, giảm đi một chút
chí khí nam nhi, đây cũng là mô tả tâm trạng của ông ta khi chìm trong bể
tình.
Khúc nhạc u buồn vang vọng, trong tiếng tiêu, ẩn chứa nối nhớ của Phương Kiếm
Minh, bất giác hắn đã đem toàn bộ hỉ nộ ai lạc của mình dung hoà vào trong
khúc nhạc, nhất thời tiếng tiêu trở nên đẹp đẽ vô cùng, có hơn mười chú chim
không rõ là chim gì đã bay tới đậu trên cành, lặng lẽ lắng nghe. Ở một nơi
khác, Bạch Y Di cũng bước ra từ trong động, nàng ta không đeo kiếm, thân vận
bạch y dưới ánh trăng, thực giống như tiên tử đang muốn bay lên bầu trời. Nàng
vốn là một đại mỹ nhân, lúc này càng trở nên đẹp đẽ vô cùng.
Chỉ thấy nàng cũng ngưng thần lắng nghe tiếng tiêu của Phương Kiếm Minh, sắc
mặt lạnh băng dần dần ôn hoà, đôi mắt to dưới hàng lông mi dài ngắm nhìn viên
nguyệt, trong lòng xúc động, thầm nói: “Ngày mai là trung thu rồi, không biết
sư phụ lão nhân gia và thánh nữ muội muội bây giờ đang làm gì? Ta không trở
về, đại sự của chúng ta e là sẽ tạm thời bị dừng lại!”
Đại Minh chính thống cửu niên, Giang Nam Gia Hưng
Yên Vũ lâu
Hôm nay là têt trùng dương tháng chín, mỗi năm vào dịp này đều có rất nhiều
người nhớ tới quê hương, là dịp mà những người đi xa buồn lòng nhất, đồng thời
cũng là thời gian để đoàn tụ. Minh Tuyên Đức ngũ niên (1430), Gia Hưng là thủ
phủ, dưới phủ Gia Hưng có bảy huyện, gọi là một phủ thất huyện, phủ Gia Hưng
đông giáp với biển, nam dựa vào sông Tiền Đường, bắc vọng Thái Hồ, tây tiếp
giáp với Thiên Mục chi thuỷ, trong thành thủy đạo thanh u, ngoại thành là nơi
tiếp giáp giữa các sông, biển và hồ, là yết hầu của hành lang ách Thái Hồ nam,
cách các thành thị khác như Tô Châu, Hàng Châu,.. chưa tới trăm dặm, đặc biệt
là thiên thượng nhân gian Tô Hàng (Tô Châu và Hàng Châu) nổi tiếng.
Lúc đó, ở ngoài thành Gia Hưng, vừa sáng sớm thành môn vẫn chưa mở. Những
người dân đã lục tục đi vào trong thành mua bán những đồ dùng trong dịp lễ
tết. Thành môn mở ra, vệ binh thủ thành không biết vì lý do gì mà nhiều gấp ba
lần bình thường, tra xét rất nghiêm ngặt, phát hiện ra kẻ khả nghi thì sẽ giữ
lại để tra hỏi, cho tới khi biết được người đó không phải giang dương đạo tặc,
hay kẻ giết người phóng hoả, mới thả cho đi.
Đúng vào giờ tỵ, một hắc y nam tử đầu đội nón tre tới bên ngoài thành, trong
tay cầm một trường kiếm, hiển nhiên là người trong giang hồ. Hắn hơi ngẩng đầu
lên, liếc nhìn vệ binh ở thành môn, miệng lộ nét cười, dùng tay kéo mũ xuống,
che sụp đi khuôn mặt, trà trộn vào trong đám người, từng bước tới gần thành
môn.
Đằng sau hắn mười trượng, lúc này đang có ba nam tử cũng giả trang kỳ cục, vừa
đi vừa nói chuyện, trên người họ đều mặc một chiếc áo bó sát màu lam, trong đó
có một người lưng còn đẹo một đoản đao kim sắc cong cong, dáng người hơi cao,
xem ra chưa tới năm mươi tuổi. Một người có cái đầu giống như hổ, đặc biệt to,
xương sống cong xuống, giống như bị gù, nhưng không rõ lắm, người thứ ba là
một hán tử béo tốt, áo trên không đóng cúc, lộ ra cái bụng da tròn như cái
trống, cái mặt thì tròn tròn, nếu hắn không có tóc trên đầu thì thật giống
phật di lặc.
Ba người họ chỉ chú trọng nói chuyện, chưa tới cửa thành, đột nhiên nghe vệ
binh nói: “tên này,…nói ngươi đó, người đội nón đó, ngươi bỏ nón ra đi, để lão
tử xem ngươi là ai, trông như thế nào.”
Ba người trong lòng thấy lạ, liền ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một hắc y hán tử
đầu đội cái nón to, cái nón đó sụp xuống rất thấp. Vệ binh muốn tra xét hắn,
cũng đúng thôi, ba vệ binh đang định lên, lại nghe thấy người đó cười ha ha,
tay phải nhấc lên chiếc mũ trên đầu ra, lộ ra một khuôn mặt rất anh tuấn, tuổi
tác chưa tới ba mươi.
Nguồn: http://4vn.eu/forum/showthread.php?19407-Thieu-Lam-Bat-Tuyet-
Chuong-249&page;=19#ixzz3OCRlmwFi