Người đăng: Reapered
Sang ngày thứ hai, Thanh Thành gọi Phương Kiếm Minh tỉnh dậy. Tiểu tử này đêm
qua ngủ ngon lành, nào biết đâu rằng trong khách sạn đã có chuyện gì phát
sinh. Thanh Thành trả tiền phòng và tiền ăn tối qua cùng lúc rồi ăn sáng ngay
trong khách sạn. Ngay sau đó, chín người bọn họ bắt đầu lên đường.
Họ đi thêm hai ngày nữa, vượt qua địa giới Hà Nam, tiến vào trong vùng Hồ Bắc.
Phong thái của dân cư đã lạ lẫm, khẩu âm lại cũng vô cùng khác biệt. Phương
Kiếm Minh nghe thấy khẩu âm người địa phương nói với nhau, học theo cả nửa
ngày trời mà vẫn không xong, bứt rứt khó chịu. Nó chỉ biết mỗi một câu chửi là
“Đồ điếm nhà ngươi”. Thanh Thành nghe được nói nó mấy câu, Phương Kiếm Minh
chỉ cười hi hi không để ý đến.
Bạch mi lão nhân đó và thiếu niên anh tuấn đằng sau trông thấy chỉ khẽ mỉm
cười, năm võ tăng Thiếu Lâm thì nghiêm mặt lại. Ngày hôm đó, họ đi tới một bến
đò bên bờ Trường Giang. Chỉ thấy nước sông cuồn cuộn nơi xa, cuốn trôi theo
không biết bao nhiêu bụi trần. Cũng đã từng có không biết bao nhiêu tao nhân
mặc khách vì dòng sông này mà xướng lên những bài thơ ca tụng nó.
Nguyễn Tịch thời Ngụy Tấn có Vịnh hoài thi, một tuyệt tác:
Trường Giang thăm thẳm nước, lặng soi bóng phong lâm
Bờ sông lan dại nở, quấn chân vó ngựa tầm
Tiết xuân vương nỗi nhớ, mãi ngóng chốn xa xăm
Trông chờ ai mòn mỏi, hoa thắm tỏa hương thầm
Kẻ sĩ dù xuất chúng, mây trôi cứ vô tâm
Thương con chim hoàng tước, lệ rơi rơi khôn cầm.
Và cả “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lý Thanh Liên (Lý
Bạch) đời Đường nữa:
Tiễn người rời bước Hoàng Hạc lâu
Tháng ba hoa nở sang Dương Châu
Trời xanh nhuộm cánh buồm xa lắc
Mây sóng Trường Giang biếc một màu.
Những bài thơ này về sau đều trở thành tuyệt xướng (bài thơ được mọi người
thích ngâm vịnh. ND).
Phương Kiếm Minh thấy con sông lớn đến vậy, không ngăn nổi thi hứng trỗi dậy,
niệm liền vài lần những bài cổ thi đã từng học ở Thiếu Lâm tự, biểu đạt tâm
tình lần đầu được trông thấy Trường Giang. Với sự hào hứng của nó, bạch mi lão
nhân nghe thấy, khẽ than: “Bao nhiêu năm qua, có biết bao nhiêu võ lâm hào
kiệt thần công cái thế, rồi một đêm vẫn là không tránh khỏi cái kiếp phải qua
đời. Con xem nước của con sông Trường Giang này, nó chỉ chảy về chỗ thấp hơn,
còn thì không tính toán được mất gì, đâu có như người nhân thế thích tranh
danh đoạt lợi.”
Phương Kiếm Minh nghe thấy, nói: “Lão gia gia. Con từng nghe Chưởng môn sư bá
tổ nói rằng, bởi vì vạn vật có linh hồn, có thất tình lục dục, không có những
cái đó, chúng ta lấy gì để trở thành chủ nhân của thế giới được đây? Người chớ
thấy nó luôn chảy xuôi dòng, thực ra nó cũng biết sướng vui, sầu khổ, bi
thương đó, không thì thanh âm của nó người ta làm sao nghe thấy được.”
Bạch mi lão nhân vừa nghe xong liền chăm chú quan sát đánh giá tiểu tử mệnh
danh “người thông minh nhất Thiếu Lâm Tự”. Ông từng thấy có người nói tên oắt
con này thông minh hiểu chuyện như thế nào. Lúc đó ông chỉ cho rằng tiểu hài
tử tiểu thông minh thôi, đến khi đi cùng nó những ngày qua cũng chưa từng có
dịp nói chuyện nhiều với nó. Hôm nay thấy trong lời nó nói còn hàm chứa cả
thiền lý, ông đã nhìn Phương Kiếm Minh bằng một con mắt khác.
Thanh Thành ở bên nghe được, trong lòng thầm cao hứng. Phương Kiếm Minh là đệ
tử của ông, ông đương nhiên lấy đó mà ngạo nghễ rồi. Bạch mi lão nhân nhìn kỹ
Phương Kiếm Minh vài lượt, đột nhiên trầm giọng nói: “Lời con nói đúng lắm,
đáng tiếc rằng con và Phật có duyên mà lại vô duyên, đời này không làm được
một hòa thượng đích thực, quả là một hạt giống tốt.”
Thanh Thành vừa nghe, không tin được, thầm nhủ: Lão sao mà biết đồ nhi của ta
không làm hòa thượng được? Ta là một hòa thượng, lẽ nào Minh nhi trong tương
lai không ly khai Thiếu Lâm Tự không được sao?
Đột nhiên ông nghĩ tới việc rồi đến một ngày Minh nhi trưởng thành, muốn xông
pha giang hồ, rời khỏi mình, vậy thì bản thân có chút không quen lắm, trong
lòng không ngăn nổi chút buồn rầu. Tục ngữ nói: Con người có thất tình lục
dục. Kể cả hòa thượng cũng không miễn được. Thanh Thành tính ra cũng chưa phải
là một hòa thượng đắc đạo, cảm thấy thương tâm âu cũng đâu phải chuyện bất
bình thường.
Mấy người bọn họ còn đang nói chuyện, một con thuyền lớn từ từ cập bến. Neo
vừa thả xuống, trong chốc lát, một đội nhân mã từ trên thuyền bước xuống. Đi
đầu là một người cưỡi trên lưng con tuấn mã cực kỳ uy mãnh, người này thân
hình gầy mà cao, trông như một chiếc cần câu, niên kỷ áng chừng xấp xỉ tứ
tuần. Sau lưng y là tám đại hán mình mặc kình trang, lưng đeo đại đao.
Chỉ thấy khi đám này xuống thuyền rồi, người kia chỉ liếc qua bọn họ, da mặt
hơi nhăn lại chứ không nói gì rồi lướt qua mấy người Phương Kiếm Minh mà đi.
Bất thình lình, có người nói lớn: “Họ Giang kia! Lão thân hỏi ngươi, tên Hồ
Bất Quy của Ma giáo các ngươi ở nơi nào? Lão thân phải tìm hắn tính sổ.” Theo
tiếng nói, một nhân ảnh mang theo một đạo kình phong ập tới bên hán tử cao
gầy.
Phương Kiếm Minh và mọi người quay đầu nhìn lại, trông thấy một lão bà tử tóc
điểm bạc. Bà xông tới phía trước hán tử cao gầy, tay trảo vươn ra, thủ chỉ vừa
chạm vào vạt áo của đối phương nhưng không hiểu sao thấy trơn tuột như thể
chạm phải khối băng, không tóm được gì.
Bạch mi lão nhân nhìn thấy, cười bảo: “Tên này đích thực có chút công phu.”
Thanh Thành trong lòng chấn động, nhớ đến một người.
Lão bà tử không trảo trúng đối phương, lại phóng tiếp một chưởng. Hán tử cao
gầy chỉ khẽ mỉm cười, lách mình chuyển thân, chưởng của lão bà tử tuy chạm vào
tay trái hắn nhưng lại tựa hồ chạm phải da rắn, thủ chưởng của bà từ cánh tay
hắn trượt xuống dưới… Không đợi cho chiêu thức đi hết, lão bà tử nhún mình
nhảy lên, phi ngay ra một cước, đá thẳng vào bên háng đối phương, chiêu này sử
ra có đôi phần ngoan độc.
Hán tử cao gầy không vì thế mà giận, vẫn mỉm cười như trước, ngạnh tiếp một
cước của lão bà tử. Bạch mi lão nhân xem đến đây, cười nói: “Có trò vui để coi
rồi.” Lời vừa dứt, lão bà tử đó thân hình run lên, ngã văng ra mấy trượng bên
ngoài. Phương Kiếm Minh nhìn thấy, vỗ tay cười: “Hay lắm, hay lắm.” Thì ra
ngọn cước của lão bà tử vừa mới tiếp xúc vùng xương chậu của đối thủ, sắp sửa
phát lực nhưng không hiểu sao võ công của y lại quá ư kỳ quái. Nơi bà phát lực
như thể bị chìm vào trong bùn lầy, chạm phải “đầm lầy” này lại thấy nó trở nên
đàn hồi vô cùng, đẩy lão bà tử ở trên cao bắn văng ra xa.
Hán tử cao gầy cười ha hả: “Tôn đại nương à, Hồ huynh ở đâu ta thực không
biết. Bà sao không đi tìm nơi khác đi.”
Lão bà tử giận dữ, hét lên: “Họ Giang kia, lão thân biết Ma giáo các người khi
phụ chúng ta lão ấu vô lực. Khổ nhi đưa thiết tỳ bà của ta ra đây. Ta muốn xem
xem hắn có tránh nổi vũ khí bằng thép đúc của ta hay không.”
Nói xong bà đưa tay trái ra, chỉ thấy một tiểu nữ hài mười ba mười bốn tuổi.
Cô bé người dong dỏng, sắc mặt có phần hơi trầm lắng, tay đang cầm một cây
thiết tỳ bà. Tiểu nữ hài đỏ mặt, nói: “Nãi nãi, người… tính lại xem, chúng ta
bỏ đi thôi.” Lão bà tử kia thấy cô bé không chịu đưa thiết tỳ bà lại, bực mình
nói: “Nha đầu ngươi không biết thế nào là tốt xấu, ta muốn báo thù cho cha
ngươi, lẽ nào ngươi không muốn sao?”
Hán tử cao gầy nghe thấy, khuôn mặt cười cợt nghiêm lại, nói: “Tôn đại nương.
Bà chớ có nói lung tung. Hồ huynh và nhi tử của bà cùng luận võ, lại chính là
do nhi tử của bà cưỡng bách nữa. Huynh ấy qua đời sau khi luận võ, không biết
vì sao lại chết trong kỹ viện. Chuyện này không thể trách Hồ huynh được. Ma
giáo chúng ta càng không thể hại người già cả hay con trẻ. Ta dùng thân phận
Xà đàn Sứ giả của Ma giáo để bảo đảm với lão ấu các người.”
Lão bà tử đó nghe xong, miệng cười lạnh, đột nhiên phi thân qua đoạt lấy thiết
tỳ bà trong tay tôn nữ, quay mình nhắm thẳng tới Giang Phong mà ra chiêu.
Giang Phong đích thực là một kẻ có tư cách, thấy vậy mà không nổi nóng, thân
hình nhẹ lướt tránh ra sau rồi lại lật mình nhảy lên ngồi yên ổn trên lưng
ngựa. Hắn huýt sáo một tiếng, cười nói: “Điên rồi, điên rồi. Tôn đại nương
điên thật rồi.” Hai chân hắn kẹp vào bụng ngựa, giật mạnh dây cương, con ngựa
liền nhảy lên, phóng ra bên ngoài khoảng một trượng năm thước, vó ngựa kêu lên
đắc đắc, lại xa thêm chục trượng nữa. Tôn đại nương đuổi không kịp. Đám đại
hán thấy thủ lĩnh đã đi rồi, lập tức lên ngựa, dây cương căng roi ngựa quất,
vó ngựa dậm như sấm rền, bám theo sau Ma giáo Xà đàn Sứ giả Giang Phong, kẻ đã
sớm đi xa khỏi rồi.
Lão bà tử tức uất, chửi bằng tiếng của người địa phương không ai nghe hiểu.
Tiểu nữ hài nghe thấy, sắc mặt càng đỏ hơn. Lão bà tử chửi thêm vài câu rồi
quay người nhìn tiểu nữ hài, khe khẽ thở dài rồi rời khỏi bến đò. Tiểu nữ hài
vội vã đuổi theo, bám lấy y phục của nãi nãi. Hai người vừa mới gây ra một
trường “nháo kịch” lại tiếp tục cuộc hành trình vô định của mình.
Phương Kiếm Minh thấy họ đã đi xa rồi, nói: “Sư phụ à, họ thật đáng thương.
Con mà là nhi tử của bà ấy, sẽ không cùng với tên họ Hồ kia tỷ thí đâu.”
Thanh Thành nói: “Đúng vậy, bọn họ thực là đáng thương. Chỉ có điều trên thế
giới này còn có những người đáng thương hơn. Họ ăn không đủ no, mặc không đủ
ẩm, lại còn bị quan đàn áp nhiễu nhương. Tương lai khi con lớn khôn phải để ý
cứu trợ họ, vậy mới không uổng công vi sư dạy dỗ.”
“Được mà, sư phụ. Con từ nay về sau sẽ không ăn nhiều uống lắm nữa. Thầy có
thể cùng với con làm ước pháp tam chương (ba điều ước định. ND) không?”
Thanh Thành rùng mình, hỏi: “Ước pháp tam chương gì nào?”
Phương Kiếm Minh nói: “Sư phụ, chỉ cần chúng ta thấy người cùng khổ, không
quan tâm có bao nhiêu, chúng ta đều tiếp tế cho họ; thấy chuyện bất bình, liền
khẳng khái xông ra, trượng nghĩa xuất thủ; thấy kẻ làm điều tà ác, chết vạn
lần còn chưa đủ, cũng không thể xuôi tay làm ngơ. Sư phụ có thể làm được
chăng?”
Lời của Phương Kiếm Minh vừa nói ra liền làm chấn động mấy người bọn họ. Ai mà
nghĩ được nó mới chưa tới tám tuổi, lại có thể nói ra lời như thế. Thanh Thành
sống vài chục nắm rồi, lần đầu tiên cảm thấy bản thân mình còn không được như
một tiểu hài tám tuổi. Ông cười ha ha, nói: “Hảo đồ nhi. Với câu nói này của
con, vi sư dù có chết cũng chết không còn gì hối hận nữa.” Bàn tay nhỏ bé của
Phương Kiếm Minh và bàn tay hộ pháp của sư phụ Thanh Thành chạm vào nhau,
tiếng vang trong trẻo truyền ra khắp không trung.