- Thư Của Cử Nhân


Người đăng: ๖ۣۜSữa

Cao Văn Tâm ngơ ngác đứng lặng hồi lâu, rồi mới buồn bã thở dài:

- Thế sự ấm lạnh, tình người như sương khói. Văn Tâm đến nông nỗi này đã khổ
lắm rồi. Dương đại nhân, tội gì người lại đa sự, khiến ta phải xấu hổ thêm ?

------------------------

Chương chín mươi lăm Thư Của Cử Nhân

------------------------

Sáng sớm hôm sau, nữ thần y Cao Văn Tâm tiểu thư thoát khỏi nhạc tịch*, được
một chiếc kiệu nhỏ lặng lẽ đưa ra khỏi thành.

(*: chỉ thân phận kỹ nữ)

Buổi trưa, thượng thư bộ Lễ Vương Quỳnh được hoàng đế ân chỉ thả ra khỏi ngục.
Vương thượng thư tóc bạc trắng vừa ra khỏi đại ngục của bộ Hình liền được đám
quan viên chạy tới vây đón hỏi han ân cần như một anh hùng chiến thắng trở về.
Phong thái ấy (của lão) thật là oanh liệt. Hơn phân nửa số quan viên trong
triều đã kéo tới đây. Ba vị đại học sĩ mặc dù không tiện lộ diện song cũng sai
người tới chúc mừng.

Phủ Thượng thư bày ra đại yến, một đám quan viên có tài văn chương không khỏi
chia vần đấu thơ nghênh đón chúc mừng một phen. Rượu uống chưa mềm môi, Vương
Quỳnh đã giơ cao chén, bước ra giữa đại sảnh, vòng tay nói:

- Các vị đồng liêu hảo hữu, Vương Quỳnh xúc phạm thiên nhan, bị giam vào
ngục. Nhờ có các vị hảo hữu tìm mọi cách giúp đỡ, Vương mỗ mới thoát khỏi ngục
tù. Vương mỗ thật sự phải đa tạ các vị. Chén rượu này, lão phu xin kính mọi
người!

Vương Quỳnh dứt lời, lập tức giơ cao chén uống cạn một hơi. Lão tuy bày rượu
thết đãi đáp tạ các vị đồng liêu ở nhà, song vẫn nghiêm túc tuân thủ lễ nghi:
một thân quần áo hiếu (tang) phục cho tiên đế, râu trắng tóc bạc, mặt ngời
chính khí. Những quan viên đến đây chúc mừng thấy thượng thư kính rượu, lần
lượt đứng dậy đáp lễ.

Thượng thư bộ Lại Mã Văn Thăng cười đáp:

- Vương thượng thư phẩm đức văn chương đứng đầu, thiên hạ kính ngưỡng, thân
là thượng thư bộ Lễ lại càng tận chức tận lực. Ngày ấy vì khuyên can hoàng
thượng giữ lễ, nhất thời kích động phẫn nộ mà xúc phạm tới thánh giá, vốn cũng
không phải là chuyện lớn gì. Cho dù chúng tôi không dâng thư xin miễn tội,
hoàng thượng cũng nhất định sẽ xá tội cho đại nhân.

Vương Quỳnh nghe thiên quan* bộ Lại khen ngợi như thế, không khỏi cười vui vẻ,
trở về chỗ ngồi rồi nói:

- Mã thượng thư quá khen, thượng quốc như Hoa Hạ của chúng ta là lễ nghĩa chi
bang, thực lễ(1) chi quốc, thánh nhân sáng lập ra ngũ lễ(2), chúng ta phải
hiểu lễ, học lễ, thủ lễ, trọng lễ. Đây là đại sự cai trị quốc gia, ổn định xã
tắc, trật tự nhân dân, lợi cho con cháu. Thân là thần tử há có thể thấy vua
phạm lỗi mà không nói? Nhưng có thể khuyên được hoàng thượng thủ lễ, đừng nói
là ngồi tù, cho dù phải mất mạng thì đã sao?

(*: chỉ thượng thư bộ Lại)

Vương Ngao gật đầu lia lịa khen hay:

- Thánh nhân dùng lễ để soi sáng cái đức, dùng lễ để kính trọng cái đức. Có
câu người mà không có lễ thì không thể sống, việc mà không có lễ thì không
thành, quốc gia mà không có lễ thì không yên. Đại nhân mạo phạm thiên nhan
trực ngôn can gián có thể nói là gương tốt cho bá quan. Chúng tôi dâng sớ xin
thánh thượng tha tội, ấy chính là bổn phận.

Hữu đô ngự sử, thị lang bộ Binh, tổng đốc quân vụ Tuyên Hoá, Đại Đồng và Sơn
Tây là Lưu Vũ Lưu đại nhân nghe vậy chợt nói:

- Theo hạ quan biết, sáng nay thống lĩnh thân quân thị vệ Dương Lăng Dương
đại nhân từng xin hoàng thượng tha cho đại nhân. Y là người tâm phúc của hoàng
thượng, nói không chừng lần này đại nhân được ra ngục, người góp sức nhiều
nhất chính là Dương đại nhân đó.

Vương Quỳnh nghe xong phật ý không vui, cười lạnh:

- Một thằng oắt con, ỷ là cựu thần Đông cung, mới có thể ra vào triều đường.
Hắn thì biết gì? Hừ! Lúc lão phu khuyên nhủ hoàng thượng quay về điện để túc
trực bên linh cữu, chính hắn đã buông lời gièm pha ngăn cản. Lão phu tức giận
mới lấy nghiên mực ném hắn. Sao hắn lại có thể cầu xin cho lão phu?

Dương Phương nghe vậy thưa:

- Chuyện Dương Lăng góp lời cầu xin cho Thượng thư đại nhân quả thật là có.
Nhưng ... theo bản quan thấy, nhất định là hắn thấy lúc Thượng thư đại nhân
vào tù, mọi người phản đối, bá quan phẫn nộ, để tránh cho mình khỏi trở thành
mục tiêu công kích, mới làm bộ làm tịch như vậy!

Thị lang bộ Hình Triệu Giản Chi vỗ đùi đánh đét:

- Đúng vậy, lão đại nhân ở trong ngục mấy ngày nay chắc hẳn còn chưa biết,
tên Dương Lăng đó còn dâng lời với hoàng thượng, bảo quan viên ở những tỉnh
giàu có trong thiên hạ không được nhậm chức tại tỉnh nhà, lấy cái tên mỹ miều
là “phòng ngừa tham ô”. Bây giờ loạn đến rối tinh rối mù cả lên.

- Cái gì?

Vương Quỳnh giận run người:

- Đạo trị thế, không dùng pháp lệnh để ép buộc, mà lấy giáo hoá làm đầu. Nếu
muốn phòng tham ô, phải nói về lễ nhạc, chính bản thân phải thực hiện, phổ
biến giáo hoá, tuân thủ phong tục. Thay vì dùng chế độ phòng tham ô, chi bằng
lấy đạo đức để giáo hoá? Làm vậy chẳng phải là bỏ gốc lấy ngọn sao?

Thượng thư bộ Công Từ Quán nhìn thấy quan viên chung quanh bàn luận về chính
sách mới do Dương Lăng đề ra, phần lớn đều không tán thành, trong lòng bèn
mừng thầm, mỉm cười:

- Vương thượng thư nói đúng. Dùng pháp lệnh để cấm đoán chỉ là giải pháp nhất
thời, mà giáo hoá mới là biện pháp lâu dài. Những việc trị nước này, vẻn vẹn
một tên tú tài đồng tiến sĩ xuất thân như hắn có thể hiểu được sao?

Thị lang bộ Lại Tiêu Phương vốn là bộ hạ cũ của Vương Quỳnh khi còn nhậm chức
ở bộ Lại, vì mặt mũi nên không thể không tới chúc mừng. Nhưng lão là người
bụng dạ hẹp hòi, Vương Quỳnh vì tư tâm mà từng chèn ép lão, Tiêu Phương vẫn
luôn luôn canh cánh trong lòng. Lúc này thờ ơ quan sát, thấy bọn họ đa số mang
lòng đố kị với sự thăng tiến nhanh chóng của Dương Lăng, người được tân đế tin
tưởng, thì trong lòng không khỏi thầm cười nhạt, lặng lẽ tự tính kế riêng của
mình

Thượng thư bộ Binh Lưu Đại Hạ cau đôi mày trắng nói:

- Ừm, lão phu cũng thấy tiểu tử đó gây chuyện hơi quá đáng. Hôm qua Hoàng
Thượng đột nhiên xuất cung đến hoàng trang ở tây giao, đêm đến màu sắc ngập
trời trong sơn cốc tây giao, mà Thần Cơ doanh Tả Tiêu Quân phụng thánh dụ đóng
quân ở nơi đó. Hôm nay trên triều, lão phu đã hỏi về việc đêm qua, hoàng
thượng lại nói là quan khán diễn võ ban đêm. Theo lão phu thấy, hắc hắc...

Lưu Đại Hạ nói tới đây không nói nữa, chỉ không ngừng lắc đầu.

Vương Cảnh Long và mấy tên bạn tri giao của hắn đang ngồi chung một mâm ở
phòng bên, nghe được bọn họ nói chuyện, Triệu Ung bèn cười đáp:

- Các vị, đã nghe chưa? Lúc này có nhiều bá quan trong triều đang rất bất mãn
với tên gian nịnh đó. Chỉ là đáng tiếc không nắm được chứng cứ phạm pháp của
hắn. Nếu chúng ta có thể lập được kỳ công này, chẳng phải sẽ sảng khoái lắm
sao?

Dương Lâm lắc đầu nói:

- Khó, bá quan trong triều ai mà không tai mắt thông tỏ? Nếu hắn có gì, sớm
đã bị người nắm thóp rồi.

Triệu Ung cười lạnh nói:

- Dương lão đệ, kẻ làm đại sự không câu nệ tiểu tiết. Dương Lăng gian trá
giảo hoạt, làm việc cẩn thận, mới khiến người ta không nắm được nhược điểm của
hắn. Tìm không được nhược điểm, chẳng lẽ chúng ta không thể tạo cho hắn một
cái sao?

Vương Cảnh Long nghe xong ngạc nhiên hỏi:

- Phải làm sao mới tạo được đây? Hay là Triệu huynh có diệu kế gì? Nếu như có
bằng chứng thật thì được.

Đoạn hắn thấp giọng nói:

- Nhưng ngụy tạo chứng cớ hãm hại đại thần là tội lớn đó.

Triệu Ung cười lạnh một tiếng:

- Thuận Khanh, nếu không phải vì Dương Lăng chọc giận lệnh tôn, lão đại nhân
sao lại nổi giận mà kinh động thánh giá chứ? Lão nhân gia tuổi quá thất tuần,
còn phải chịu cảnh lao ngục, thân là con, thù này nếu không báo, thật uổng
phận làm nam tử hán hiên ngang rồi.

Vương Cảnh Long bị hắn khích đỏ bừng mặt, vội vã chống chế:

- Tiểu đệ sao lại không muốn trả thù cho gia phụ? Có điều nếu không có bằng
chứng thật thì sẽ không thể làm gì được hắn đâu!

Triệu Ung cười ngạo nghễ nói:

- Biện pháp không phải là do người nghĩ ra sao? Hai ngày trước đệ từng tới
Dương phủ nhờ Dương Lăng giúp cho thế bá, hôm nay mượn cái cớ này đến nhà tạ
ơn, chủ động giao du với hắn. Hừ, đợi sau khi kết thân với hắn rồi, chúng ta
sẽ tùy cơ mà hành sự.

Nói đoạn hắn thấp giọng thì thầm:

- Thậm chí nếu như thật sự không tìm thấy gì, vậy cứ tạo dựng vài tang chứng
đổ tội cho hắn. Đến lúc đó nắm được thóp hắn, bá quan hạch tội, còn không đánh
đổ được hắn sao? Chỉ cần làm khéo, hắn có chứng cớ gì mà nói là chúng ta vu
oan giá họa chứ?

Cha của Triệu Ung là thị lang bộ Lại, thủ đoạn trị người của nha môn này ít
nhiều hắn cũng từng nghe qua một chút. Thật ra Triệu Ung không có ân oán gì
với Dương Lăng, chỉ là sớm nghe cha và thúc bá bề trên rất bất mãn với Dương
Lăng, cho rằng hắn không phải là quan tốt, nên muốn làm anh hùng trượng nghĩa
trừ gian.

Vương Cảnh Long nghe xong, thoạt lấy làm mừng, nhưng suy nghĩ một chút thì lại
khó xử nói:

- Nhưng... ngày mai Dương Lăng đã đi đôn đốc kiến tạo đế lăng, chẳng lẽ ta
phải đuổi theo tới đế lăng hay sao?

Triệu Ung vừa mới nghĩ ra một trọng tội đủ để khiến cho Dương Lăng 'rơi đài',
vừa nghe vậy thì càng mừng rỡ, không khỏi hớn hở đáp:

- Hay lắm, hắn không có ở nhà, trong phủ chỉ còn lại một đám nữ quyến không
kiến thức, càng tiện bề cho chúng ta hành động.

Vương Cảnh Long trợn mắt, tức giận hỏi:

- Triệu huynh, Dương phủ chỉ còn một đám nữ quyến, ta làm sao có thể đến nhà
thăm viếng được?

Nghe nói thế, Triệu Ung cũng ngớ ra. Dương Lâm lại cười khà khà trả lời:

- Tiểu đệ đã có biện pháp rồi. Hôm nay không phải Hoàng Thượng đã xóa bỏ thân
phận nhạc tịch cho con gái của phạm quan Cao Đình Hòa, giáng vào nhà họ Dương
làm nô lệ sao? Tẩu phu nhân bị bệnh triền miên, mãi vẫn chưa tìm được lương y.
Vậy Vương huynh có thể đi tới Dương phủ đáp tạ một phen, sau đó đề cập tới
việc chẩn trị bệnh. Thiết nghĩ không lý nào Dương Lăng không đồng ý. Như vậy
cho dù khi hắn không có ở nhà, chẳng phải là Vương huynh vẫn có thể quang minh
chính đại vào nhà sao?

Triệu Ung nghe vậy cả mừng, khen rằng:

- Đúng vậy, kế này thật tuyệt. Thuận Khanh cứ theo kế mà làm, đợi khi nắm rõ
nội tình trong nhà họ Dương, chúng ta sẽ từ từ mưu tính!

Vương Cảnh Long nghe xong cũng không khỏi động lòng. Chẳng biết vì sao, trong
tâm trí hắn đột nhiên hiện lên hình bóng của hai nữ tỳ xinh đẹp động lòng
người.

* * *

Ánh nắng rọi xuống hoa viên mang đầy vẻ phong nhã theo phong cách Giang Nam
của Cao phủ, xinh tươi và rực rỡ, rồi chiếu lên cánh cửa đá đã bị rêu xanh phủ
màu xanh biếc. Mỗi khi nghe có tiếng chân nhè nhẹ vang lên, đám cá vàng cá đỏ
đang tung tăng bơi lội trong ao dưới bóng râm của hành lang cửu khúc đổ xuống
vội lủi trốn vào trong những khóm rong.

Vô số những dây hoa tử đằng trên hòn giả sơn rũ xuống, thả lơ lửng trên ao,
trông như một tấm rèm tuyệt đẹp, kéo dài tới những cây cột trên hành lang
quanh co, che khuất ánh mặt trời, chỉ còn lại vô số tia nắng loang lổ xuyên
qua những kẽ lá.

Cảnh sắc yên tĩnh ưu mỹ như vậy, nhưng Dương Lăng lại hoàn toàn không có lòng
để thưởng thức. Đêm qua y hộ tống hoàng đế Chính Đức hồi kinh, buổi sáng phái
thân binh theo Lưu Cẩn đến Giáo Phường ty truyền thánh dụ, hộ tống tiểu thư
nhà họ Cao về, rồi lại phụng mệnh ở lại trong cung.

Dương Lăng còn tưởng rằng tiểu hoàng đế lại nghĩ ra trò chơi gì đó, muốn sai y
đi làm. Không ngờ sau khi bãi triều, hoàng đế Chính Đức lại muốn y ngày mai
tức khắc đi đến Thái Lăng vì nhiều đại thần trong triều bất mãn với việc y cứ
lần lữa trong kinh thành, không chịu phụng chỉ làm việc. Dương Lăng bắt buộc
phải đáp ứng.

Thân phận và địa vị hôm nay đã khiến y thỏa mãn rồi, cũng không mong mỏi thêm
tiếng tăm chi. Y chỉ mong có thể dành nhiều thời gian hơn bầu bạn với Ấu
Nương. Nhưng đã dấn thân vào trong giang hồ cuộc sống đã không còn do mình
định đoạt nữa. Y không phải là công tử vương hầu, sinh ra đã được ngậm thìa
vàng bát bạc. Muốn có được cuộc sống không lo không nghĩ thì phải xắn tay làm
khi có việc. Có điều để hoàn tất công trình Thái Lăng ít nhất cũng phải bốn
tháng mà hắn còn được bao nhiêu cái bốn tháng để lãng phí đây?

Dương Lăng ôm bầu tâm sự, chậm rãi đi về phía trước. Đang cảm thấy khó mà mở
miệng nói việc mình sẽ rời nhà với Ấu Nương, đột nhiên nghe thấy tiếng đàn
khoan thai réo rắt vang lên. Y biết đó là Tuyết Lý Mai đang đánh đàn. Dừng
cước bộ lại lắng nghe một chút, trong lòng lại càng buồn hơn, Dương Lăng không
khỏi thở dài, rồi tiếp tục đi về phía trước.

Trong hành lang đá thấp thoáng những hàng lá xanh, vừa vào đã có cảm giác u
nhã mát mẻ. Dương Lăng vừa rẽ qua một góc, chợt thấy sau khúc quanh lộ ra một
mái đình nhỏ hình lá sen được xây trồi trên mặt nước Mái đình xanh biếc, bốn
cột làm bằng gỗ, toát lên vẻ cổ kính.

Dưới đình ao nước dập dờn, trên đình có một người con gái xinh đẹp đang ngồi
dựa vào lan can. Nàng mặc một bộ đồ xanh, hai tay vịn vào lan can, cằm tựa lên
tay, mặt soi bóng nước, mái tóc đen huyền như mực, trên trán quấn một tấm băng
trắng.

Dương Lăng tự nhiên đi chậm lại. Thiếu nữ áo xanh nghe tiếng bước chân liền
quay đầu nhìn. Dương Lăng thấy hình như mình chưa gặp người thiếu nữ này bao
giờ, bất giác ngẩn người ra.

Thiếu nữ đó vừa quay đầu nhìn thấy y, liền vội vàng đứng dậy bước tới, yêu
kiều sụp người vái chào:

- Văn Tâm chờ đại nhân đã lâu. Đại ân đại đức của đại nhân tiểu tỳ suốt cuộc
đời này cũng không thể nào báo đáp được. Xin đại nhân nhận một lạy này của
tiểu tỳ!

Vừa nói nàng vừa quì gối dập đầu lạy ba cái.

Dương Lăng nghe vậy tức thì tỉnh ngộ. Thì ra thiếu nữ này chính là vị nữ thần
y mà mình cứu về. Y vội vàng đỡ nhẹ rồi nói:

- Xin tiểu thư hãy đứng lên, đừng xưng hô như thế. Dương Lăng thật sự rất hổ
thẹn vì không thể thuyết phục Hoàng Thượng miễn xá cho cô. Nhưng thân phận nô
lệ lúc này chỉ để ngụy trang ứng phó với người ngoài mà thôi. Nữ thần y danh
tiếng khắp kinh sư, Dương Lăng tuyệt đối không dám đối đãi như tỳ nữ đâu.

Dương Lăng vừa nói, vừa quan sát nàng. Đêm qua trán nàng chảy máu, mặt đầy
những vệt nước mắt, tóc tai bù xù, mặt mày đỏ bừng. Buổi sáng khi thức dậy
cũng trông rất khó coi, lúc này trang điểm lên thực sự dễ coi hơn nhiều.

Ngũ quan nàng không phải là tuyệt mỹ, không đáng yêu như Ấu Nương, lại không
quyến rũ như Liên Nhi. Nhưng đoan trang thanh khiết, khắp người từ trong ra
ngoài đều khiến cho người ta có một cảm giác không nhiễm bụi trần. Vẻ tao nhã
này, không phải chỉ dựa vào tướng mạo là có thể có được.

Cao Văn Tâm nhẹ nhàng đứng dậy, thấp giọng thưa:

- Cao gia gặp phải nguy nan, tiểu tỳ nhà tan cửa nát, nay đã là người tứ cố
vô thân. Đại nhân đã cứu tiểu tỳ, ân đức ấy tựa như núi cao biển rộng. Huống
chi thánh chỉ dễ sửa như vậy sao? Đại nhân có thể làm tới mức này, đã là kết
cục mà tiểu tỳ mơ cũng không dám mơ tới rồi. Tiểu tỳ cũng không dám có suy
nghĩ dại dột gì nữa, chỉ muốn làm một tiểu tỳ trong Dương phủ. Ba chữ Cao Văn
Tâm này, từ nay không nhắc tới nữa cũng được.

Đêm qua lúc Dương Lăng gặp nàng, thiếu nữ này cũng như một nữ tử tầm thường:
hốt hoảng, thất thố, kinh hãi, tuyệt vọng. Không ngờ bây giờ vẻ mặt lại trầm
tĩnh như nước, lời lẽ tự nhiên phóng khoáng, hoàn toàn khác hẳn với đêm qua.

Dương Lăng nghe nàng nói như thế, trong lòng không khỏi thầm kêu khổ. Trong
nhà có một Ngọc Đường Xuân, một Tuyết Lý Mai với thân phận không rõ ràng đã
khó xử lắm rồi. Nếu lại thêm một vị nữ thần y nữa vào đây, vậy hậu hoa viên
nhà họ Dương thật quá náo nhiệt rồi.

Dương Lăng vội đáp:

- Đây chỉ là một thân phận hờ mà thôi, tiểu thư hà tất để ý. Tôi biết tiểu
thư đã hứa gả cho công tử của Lý viên ngoại ở lân thôn. Chút nữa tôi sẽ cử
người đi tới thông báo với Lý công tử một tiếng, sớm ngày đón cô về thành hôn

Khóe miệng Cao Văn Tâm lộ ra vẻ như mỉa mai, lại như tự giễu, lạnh nhạt thưa:

- Đại nhân, nhà Lý công tử là dòng dõi thư hương, quan lại thế gia. Y lại
đường đường là cử nhân Đại nhân cho rằng y sẽ cưới một đứa con gái phạm quan,
một nữ nhân đã từng ở Giáo Phường ty sao?

Nói tới đây, ánh mắt vốn bình tĩnh của nàng đột nhiên nhòa đi, đau đớn nhìn
Dương Lăng. Dương Lăng chợt nghẹn lời, né tránh ánh mắt nàng rồi nói:

- Tiểu thư thuộc giới nữ lưu, tai bay vạ gió từ trên trời giáng xuống, sao cô
có sức kháng cự đây? Phàm là người có vài phần thiện lương, ai mà nhẫn tâm
trách móc nặng nề cô chứ? Như vậy đi, tôi lập tức soạn một phong thư, sai
người đưa tới Lý phủ.

Cao Văn Tâm vừa mở miệng, còn chưa kịp nói gì thì Dương Lăng đã xoay người vội
vã đi luôn. Cao Văn Tâm ngơ ngác đứng lặng hồi lâu, rồi mới buồn bã thở dài:

- Thế sự ấm lạnh, tình người như sương khói. Văn Tâm đến nông nỗi này đã khổ
lắm rồi. Dương đại nhân, tội gì người lại đa sự, khiến ta phải xấu hổ thêm ?

Dương Lăng không nghĩ tới việc cứu người xong còn phải giải quyết một đống
chuyện rắc rối. Bây giờ nơi y ở chính là nhà của Cao gia. Dù cho Cao Văn Tâm
là tiểu thư hay nha đầu, để ở đây cũng đều không thích hợp lắm.

Kỳ thật trong lòng y cũng thấp thỏm không yên, không biết vị Lý cử nhân kia có
quan tâm tới việc Cao gia gặp nạn, có quan tâm tới Cao tiểu tỷ từng bị đưa vào
Giáo Phường ty không? Bây giờ y cũng là hết nước đành liều đường, chỉ hy vọng
có thể dựa vào thân phận và uy tín của mình, viết một phong thư giải thích
những gì đã trải qua, để vị cử nhân lão gia đó tin tưởng mà thôi.

Dương Lăng trở vào thư phòng, viết gấp một phong thư, rồi giao cho lão quản
gia, bảo lão lập tức tới Lý phủ một chuyến. Lão quản gia cả đời ở nhà họ Cao,
tuy rằng hôm nay Cao gia mắc nạn, nhưng lão vẫn còn rất nhiều cảm tình với chủ
cũ, vừa nghe Dương đại nhân muốn tác hợp cho tiểu thư cùng Lý gia, lập tức cầm
lấy bức thư phấn khởi chạy tới thôn Lý gia.

Dương Lăng vừa mới sai quản gia đi, Vương Cảnh Long đã đem tứ sắc lễ(3) đăng
môn bái phỏng. Dương Lăng thấy lần trước y cố nén giận ôm hận, ra vẻ mềm mỏng
xuống nước nhờ vả, tưởng rằng một khi Vương Quỳnh ra tù, vị Vương công tử này
cũng sẽ không đến nhà nữa. Không ngờ Vương thượng thư vừa mới được phóng
thích, y đã tới tỏ lời cảm ơn.

Vương Cảnh Long có lòng ‘kết giao’, nên không còn vác bộ mặt tức giận nhưng
không dám nói ra như lần trước tới nữa. Vẻ mặt và động tác lần này đã tự nhiên
hơn nhiều,. Dương Lăng cũng không muốn kết thù với Vương thượng thư vốn có môn
sinh bạn cũ khắp thiên hạ, thấy vị Vương tam công tử thập phần nhiệt tình, y
cũng không dám thất lễ, bèn vội dâng trà đãi khách. Chuyện trò không vui không
nhạt cả buổi, Vương Cảnh Long mới chuyển đề tài, nói rằng muốn đem thê tử đến
đây, xin vị nữ thần y nhà họ Dương khám và chữa bệnh cho nàng.

Dương Lăng tưởng rằng y vì nguyên do này mới thay đổi thái độ từ ngạo mạn
chuyển sang cung kính, vì vậy thái độ vốn mang theo vài phần đề phòng ban đầu
lúc này cũng lập tức được giải trừ.

Y tính toán một chút. Nếu công tử nhà họ Lý đọc xong thư của mình mà chịu tiếp
nhận Cao tiểu thư, thì để việc Ấu Nương bị bệnh không bị người ta vạch trần,
mình vẫn phải thường xuyên mời Cao tiểu thư tới phủ. Ấu Nương vốn không có
bệnh, việc này chỉ là thuận nước giong thuyền, thế nên y không ngại mà lập tức
đồng ý luôn với Vương Cảnh Long.

Vương Cảnh Long lại đàm đạo một hồi, thấy hôm nay Dương Lăng tiếp khách, trong
phòng chỉ có bốn gã gia nhân hầu hạ, không gọi hai người tỳ nữ xinh đẹp mà lần
trước mình gặp ra, biết rằng hôm nay không có duyên được gặp, thế là đành thất
vọng cáo từ ra về.

Dương Lăng tiễn Vương Cảnh Long xong, trở lại thư phòng ngồi một chút. Khoảng
thời gian hai chén trà sau, lão quản gia đã vội vã chạy về, Dương Lăng trông
thấy cả mừng, vội vàng đón lão vào nhà hỏi:

- Lão quản gia, đã đưa thư rồi à? Công tử họ Lý nói sao?

Lão quản gia tức giận đến mặt đỏ bừng bừng, căm phẫn thưa:

- Lão gia, tiểu nhân cầm thư của người chạy tới phủ Lý viên ngoại. Nào ngờ
nhà họ Lý cứ như tránh ôn thần ấy, đến cả cửa cũng không cho lão nô vào, chỉ
bảo lão nô nhét thư vào khe cửa. Lão nô đợi nửa canh giờ, công tử Lý gia mới
viết một phong thư, lại nhét vào khe cửa chuyển ra, từ đầu đến cuối ngay cả
mặt cũng không thấy.

Dương Lăng nghe lão quản gia nói xong, lòng không khỏi trầm xuống. Y vội lấy
phong thư hồi âm của Lý công tử, mở ra đọc kỹ. Phong thư này là một phong thư
theo thể văn ngôn điển hình, lời văn cao siêu, nội dung sâu xa, khiến vị ”tú
tài dỏm” đọc bức thư văn nhã tỉa tót của gã cử nhân thật đó vất vả vô cùng.

Dương Lăng xem từng chữ cả một buổi, mới đại khái hiểu được nội dung bức thư.
Thư của vị Lý công tử này tuyệt không hề đề cập tới việc nhà họ Cao gặp nạn,
cũng không đề cập tới chuyện Cao tiểu thư bị đưa vào Giáo Phường ty. Trong
thư, đầu tiên là nói về lễ nghĩa liêm sỉ mà một nữ tử phải tuân thủ, sau đó
lại tự hào kể về sự tích làm quan vinh quang chói lọi của nhà họ Lý từ thời
Ngũ Đại đến nay. Cuối cùng rất khách khí hỏi một câu rằng: đại nhân muốn cử
nhân như ta đây làm phu quân của tỳ nữ nhà ngươi sao?

Dương Lăng xem xong, lập tức nghẹn họng. Trong lúc y đang ngẩn người, Hàn Ấu
Nương khấp khởi chạy vào, hỏi:

- Tướng công, sáng nay thiếp làm canh mơ chua hiện đang ướp lạnh dưới giếng,
chàng có muốn uống một chén không?

Dương Lăng lau mồi hôi đáp:

- Ừm... Ấu Nương à, lấy cho ta chăn nệm chiếu gối. Đêm nay tướng công sẽ
không về hậu viện nữa, mà sẽ ngủ trong thư phòng này.

Chú thích:

(1) “thực lễ” là lễ nghi về ẩm thực. Lễ nghi về ẩm thực là những quy tắc chuẩn
mực đạo đức và xã hội trong sinh hoạt ăn uống mà mọi người phải tuân thủ.

(2) “Ngũ lễ” chỉ năm loại lễ chế cổ đại, bao gồm:

1. Cát lễ: lễ cúng bái thiên thần (Hạo Thiên thượng đế), địa chi (Ngũ Đế) và
nhân quỷ (tiên vương, tiên đế)

2. Hung lễ: lễ phúng viếng chia sẻ đau thương khốn khó

3. Quân lễ: lễ thao diễn và chinh phạt quân sự

4. Tân lễ: lễ tiếp đãi tân khách

5. Gia lễ: lễ nghi về kết nối quan hệ và tình cảm giữa người với người

(3) Chỉ bốn loại lễ vật, tượng trưng cho bốn mùa, hàm ý chúc phúc cát tường.
Bốn loại lễ vật (thường là món ăn) khác biệt tuỳ theo phong tục từng vùng, ví
dụ thịt, cá, gà, vịt, rượu, trà, thuốc lá…


Ngược Về Thời Minh - Chương #95