Mã Ngang Tòng Quân


Người đăng: ๖ۣۜSữa

Sáng sớm tinh mơ, Dương Lăng cưỡi ngựa phi về phía sở Dịch thừa. Kẻ nói vô
tâm, người nghe hữu ý, hôm qua y nói ra câu "yên ngựa cứng quá", thế là Ấu
Nương cả đêm làm cho y một cái đệm dày, vắt lên yên ngựa vừa nhẹ vừa êm, khiến
y suốt đường cứ lo mình bị đu đưa lắc lư đến ngã.

Như một tân khoa trạng nguyên(1) diễu hành trên phố, y lắc lư đến cổng sở Dịch
thừa. Đột nhiên từ xa có tiếng vó ngựa gấp rút vọng lại, hơn mười thớt khoái
mã lao vút tới. Dương Lăng quay đầu nhìn sang, thấy một đám vệ sỹ áo giáp sáng
choang đang vây quanh một tướng quân đầu đội khôi giáp, chính là vị Tất Xuân
Tất đô ty đó.

.

Tất đô ty mặt mày tươi rói, chẳng giống gì với khí thế vênh váo ép người ngày
hôm qua. Y gấp roi ngựa, chắp tay cười lớn nói:

- Được Dương lão đệ quan tâm chiếu cố nhiều, bổn tướng đặc biệt đến để cảm ơn
đây.

Đêm qua Quan Thụ Anh vận chuyển lương thảo về doanh và có thuật lại nguyên xi
những lời của Dương Lăng cho y. Trong lúc nhắc lại, nét mặt Quan Thụ Anh vẫn
tràn ngập vẻ kiêu ngạo, tay đội trưởng thân binh tính thẳng như ruột ngựa này
cảm thấy lời của Dương Lăng rất hay.

Tất Xuân đã lăn lộn trên quan trường bấy lâu, sẽ không vì mấy câu đầy sức
truyền cảm (2) đó mà xem Dương Lăng là tri kỷ cả đời, tuy vậy y vẫn cảm thấy
vô cùng sảng khoái, càng thêm hảo cảm với Dương Lăng. Sáng sớm rong ngựa trong
thành, chợt nhớ tới vị Dịch thừa này, y nhất thời cao hứng, bèn phóng thẳng
đến sở dịch để tỏ lòng biết ơn.

Dương Lăng vội bước lên nói mấy lời khách sáo. Tất Xuân nghe nói y muốn đi
viếng một vị trưởng giả nên không tiện bỏ đi ngay, thế là cũng vào viếng để
tránh phải thất lễ.

Nhóm người bọn họ tiến vào sân thì thấy cỗ kiệu màu xanh lục quen thuộc của
Mẫn huyện lệnh dừng ở trong sân. Thì ra các vị đồng liêu đã đến huyện phủ từ
sớm để vấn an đại nhân trước. Vết thương trúng tên của Mẫn tri huyện không
sâu, nhưng vì mũi tên có độc nên mới hôn mê lâu như vậy, đã tỉnh lại rồi thì
không còn đáng ngại nữa. Lão nghe nói Mã dịch thừa đã mất, lại nhớ hồi hôm chỉ
có Dương Lăng bồi tiếp mình nên không khỏi phát sinh cảm giác bầu bí thương
nhau (nguyên văn "thố tử hồ bi" - thỏ chết cáo thương), thế là chẳng màng can
ngăn, lão lập tức ngồi kiệu chạy đến phúng viếng.

Huynh muội Mã Ngang không ngờ Dương Lăng có thể gọi nhiều người có thân phận
đến viếng đến như vậy. Chớ thấy ngày thường Mẫn tri huyện và Mã dịch thừa xưng
huynh gọi đệ mà lầm. Thứ nhất là có tiền bạc "phúng điếu", thứ hai là Mã dịch
thừa tốt xấu gì cũng giắt một lệnh bài Cẩm y vệ ở trên người, bằng không, phải
cực kỳ nể nang lắm thì kém tới mấy cấp mới được người ta đến viếng.

Còn như vị tướng quân mà Dương Lăng đang đưa vào... Cứ thử tưởng tượng một cục
trưởng cục bưu chính huyện qua đời mà lại được lãnh đạo cấp phó tỉnh đến dự
tang lễ, thì sẽ biết ngay người nhà có cảm giác gì.

Những người này, có một số hai huynh muội đều chưa gặp qua lần nào, hiển nhiên
bọn họ đều là nể mặt Dương Lăng mà đến. Vừa nghĩ đến đây, Mã Ngang thật sự cảm
kích Dương Lăng đến rơi nước mắt. Đối với Mã Liên Nhi thì ngoài vẻ cảm kích,
trong ánh mắt của nàng nhìn về phía y còn mang thêm vài phần u oán, khiến
Dương Lăng cảm thấy khó hiểu.

Tất Xuân vốn chỉ định lướt vào rồi ra, nhưng vừa trông thấy Mã Liên Nhi đã
không nỡ bỏ đi. Y không ngờ ở vùng đất nhỏ này lại có thể gặp được một tiểu mỹ
nhân đẹp tuyệt như hoa như ngọc vậy; nàng tuổi trạc mười lăm mười sáu, duyên
dáng thướt tha, thân mặc áo tang, lộ ra dáng vẻ rất đỗi mảnh mai yếu ớt.

Dung nhan mỏng manh như cánh hoa chớm nở đọng giọt sương mai, thật sự yêu kiều
đến không thể diễn tả bằng lời. Ba cô vợ lớn nhỏ của mình cũng có thể xem là
giai nhân xứ Giang Nam, ấy vậy mà không được sáu phần xinh đẹp của nàng ta.

Đến tận lúc hai huynh muội đến trước mặt vị quan trưởng phẩm bậc cao nhất này
để bái tạ, thì Tất đô ty mới thu lại ánh mắt quyến luyến, ngồi ngay ngắn nhận
một lễ của bọn họ, sau đó đưa tay phải đỡ hờ, nói:

- Hai vị hãy đứng lên đi! Lệnh tôn vì nước hy sinh, Tất mỗ rất là tôn trọng,
đến đây bái tế cũng là việc nên làm.

Hai huynh muội bái một lạy nhưng lại không đứng lên, Mã Ngang nói:

- Tướng quân đại nhân, Mã Ngang muốn gia nhập quan binh, giết Thát tử, bảo vệ
Đại Minh, vì phụ thân báo thù, xin đại nhân thành toàn.

- Việc này...

Tất Xuân không khỏi do dự một chút. Nếu như y là binh thuộc doanh thì tuỳ tiện
thu mấy người cũng dễ. Nhưng quân đội của y lại thuộc biên chế vệ sở, lính
dưới trướng đều là quân hộ (3), cha truyền con nối. Tuy cũng có kẻ lén lút mạo
danh đi lính thay, thế nhưng công khai thu nạp trước mặt biết bao người như
vậy thật sự rất bất tiện.

Mã Liên Nhi ngẩng đầu xin:

- Tướng quân đại nhân, huynh trưởng ta học được một thân võ nghệ, làm lính
hầu cũng được. Cầu xin đại nhân có thể cho y cơ hội vì cha tận hiếu, vì nước
tận trung.

Thấy mỹ nhân cất giọng êm ái thỉnh cầu, xương cốt Tất Xuân đã mềm nhũn cả ra.
Cặp mắt tam giác hơi díp lại, đầu óc nóng lên, y bảo:

- Được rồi, mau đứng lên đi! Ngươi đã am hiểu võ nghệ, lại biết viết lách,
trước hết hãy đến làm thân binh cho ta, nhận chức Thập trưởng (4). Sau này lập
được chiến công ta sẽ lại thăng quan cho ngươi.

Mã Ngang hết sức mừng rỡ, dập đầu bái tạ rồi đứng dậy. Thập trưởng tuy là chức
nhỏ, nhưng suy cho cùng vẫn xem như là một quan quân. Mã Ngang vẫn luôn tự cho
mình tài giỏi, tự tin rằng dựa vào võ nghệ của bản thân y chẳng những sẽ có
thể thay cha báo thù, mà còn có thể kiếm một chức quan trong quân đội.

Thấy huynh trưởng nhà mình đã có lối đi, Mã Liên Nhi cũng mừng cho y. Chỉ là
nghĩ đến chuyện huynh trưởng tòng quân rồi, sẽ trơ trọi lại mỗi mình, thâm tâm
nàng không khỏi buồn rầu.

Chiến sự chưa yên nên Tất Xuân không dám nán lại lâu. Ngồi thêm một chốc y
liền cáo từ trở về quân doanh, còn căn dặn Mã Ngang tang sự xong xuôi hãy đến
quân doanh báo danh. Mẫn đại nhân vết thương chưa khỏi nên cũng không thể ngồi
lâu, mà đám quan viên nha huyện đều có sự vụ cần làm, thành thử cũng tuần tự
cáo từ rời đi.

Đáng lý huynh muội nhà họ Mã nên túc trực bên linh cữu (thủ linh) bảy ngày,
sau đó mai táng để cha an nghỉ. Có điều thời đó xem trọng chuyện "lá rụng về
cội", nếu như chết ở quê người, thường đều để quan tài lại ở những nơi như
chùa chiền, miếu mạo, chờ khi có dịp sẽ đưa về quê nhà an táng. Một số nhà gia
cảnh bần hàn, không chịu nổi chi phí vận chuyển đường dài, quan tài thậm chí
phải lưu lại hơn chục năm.

Sau một hồi bàn bạc, hai huynh muội quyết định gửi quan tài ở chùa Phổ Độ nơi
Kê Minh, đợi sau này mới chuyển về quê. Hiện tại Mã Ngang sốt ruột báo thù,
nóng lòng muốn tòng quân, tuy không để tang theo quy định, nhưng cũng xem như
là đã tận hiếu, đương nhiên sẽ không có ai trách móc.

Nhưng lúc này, sắp xếp cho Mã Liên Nhi như thế nào lại trở thành chuyện khó.
Thấy Mã Ngang đưa mắt về phía mình, Dương Lăng liền trấn an:

- Mã huynh không cần phải lo lắng, tiểu thư cứ ở lại nơi này là được!

Mã Liên Nhi lạnh nhạt liếc y, nghiêm mặt bảo:

- Huynh muội ta bây giờ không còn quan hệ gì với sở Dịch nữa, ở lại nơi này
há chẳng phải là danh bất chính ngôn bất thuận sao.

Phụ nữ thích nhất là thù dai, nhất là mấy người đẹp hay được nuông chiều.
Dương Lăng chỉ nghĩ nàng vẫn còn giận tên tiểu lại kia nên bảo:

- Vậy có sao đâu? Lát nữa để ta đi sắp xếp cho nàng là được.

Mã Liên Nhi hếch mũi:

- Ta với huynh không thân thích, lại chẳng phải bạn bè gần gũi, đến lúc đó
không chừng sẽ nảy sinh những lời đồn đại ác ý đấy.

Mã Ngang trừng mắt:

- Ai dám? Hơn nữa... không họ hàng thân thích thì còn đúng, chứ sao lại không
bạn bè gì? Huynh và Dương lão đệ cũng đã xem như là bằng hữu tốt rồi, giúp
huynh chăm lo cho muội tử một chút thì có sao đâu chứ?

Mã Liên Nhi giậm chân, quay ngoắt đầu không thèm để ý tới tên ngốc đó nữa.
Dương Lăng thầm trù tính, cũng cảm thấy Mã Liên Nhi nói có lý. Vì y chỉ là
Dịch thừa tạm thời, ngay cả gia quyến của y cũng chưa dọn vào sở Dịch thừa ở,
nếu như để thêm một cô nương trẻ tuổi sống ở chỗ này, chắc chắn sẽ dẫn đến
những lời ong tiếng ve.

Mẫn huyện lệnh vừa nãy trước lúc rời khỏi cũng nói đã cử người đi thông báo
cho em trai vợ lão, tốt hơn trước tiên cứ để nàng ở cùng với Ấu Nương vài hôm,
còn mình thì chuyển tới ở trong sở Dịch, chờ đến khi chính thức nhận bổ nhiệm,
lúc ấy nhường lại căn nhà nhỏ của mình cho nàng ấy là được. Trong bụng trù
tính như vậy, y nói với Mã Ngang:

- Tiểu thư nói cũng có lý, ở lại nơi này đúng là có điều bất tiện. Ta thấy
nên mời tiểu thư về nhà ta ở trước...

Y vừa nói đến đây, thấy Mã Ngang miệng hả to như hà mã đang ngáp, cặp mày liễu
của Mã Liên Nhi cũng xếch ngược lên nên liền vội bổ sung:

- Úi ... trước để bầu bạn với tiện nội, còn ta dọn đến sở Dịch ở là được rồi.
Chờ khi Thát Tử rút lui, tiểu thư hãy quyết định đi hay ở cũng không muộn.

Mã Ngang vui mừng khôn xiết, sắp xếp như vậy còn có gì phải lo lắng chứ. Mã
Liên Nhi lườm Dương Lăng một cái, suy nghĩ một chút rồi cũng không nói thêm
gì. Chuyện này coi như đã được giải quyết.

Ngay trong hôm đó, Thát Tử chỉ phái ra một toán lính nhỏ do thám quân Minh.
Hai phe đều thăm dò thực lực của đối phương, bên nào cũng không đưa ra quân
đội tác chiến chủ lực.

Lúc trời gần tối, Dương Lăng dẫn người giúp huynh muội Mã Ngang đưa quan tài
của Mã dịch thừa gởi ở chùa Phổ Độ. Mọi chuyện bố trí thoả đáng xong, Mã Ngang
liền đến quân doanh của Tất đô ty báo cáo, còn Dương Lăng dẫn Mã Liên Nhi về
nhà. Ấu Nương là một phụ nữ rất nhiệt tình, lại hết sức đồng cảm với vị đại
tiểu thư gặp nạn này, nên sau khi nghe nói nàng ta chỉ tá túc vài hôm thì
không chần chừ mà đáp ứng luôn.

Mã Liên Nhi đối xử với y thì lạnh lùng băng giá, nhưng khi thấy Hàn Ấu Nương
thì lại trở nên thân thiết, thấy vậy Dương Lăng không khỏi thở phào một hơi.
Cả ngày nay, thái độ của Mã Liên Nhi đối với y, thậm chí ngay cả lúc cười cũng
đều lạnh nhạt, giả tạo. Dương Lăng cũng chẳng biết mình đã đắc tội với nàng ta
ở chỗ nào. Y thật sự vẫn lo vị thiên kim họ Mã này đến nhà rồi vẫn sẽ giở tính
khí tiểu thư. Y nhịn được, nhưng y không thể chịu được bất cứ kẻ nào làm Ấu
Nương buồn giận.

Ấu Nương ít đọc sách, nhưng tính tình thuỳ mị, thông minh lanh lợi, biết cái
gì nên nói, cái gì không nên nói. Mã Liên Nhi từ nhỏ lớn lên ở vùng tắc ngoại,
ghét nhất là dáng vẻ làm bộ làm tịch của bọn con gái đọc nhiều thi thư ở Trung
Nguyên, nên rất hợp với nàng. Chỉ một lúc sau hai người đã rất thân thiết.

Nơi sở Dịch thừa chợt xuất hiện một bóng người lặng lẽ bước vào trạm gác (môn
phòng), hỏi tên lính gác cổng:

- Dịch thừa đại nhân có ở đây không?

Tên lính gác cổng này vốn là dịch tốt, do bị thương lúc ở trên thành nên cử
động khó khăn. Sở Dịch hiện nay đang thiếu người, thế là để cho gã và tên lính
gác cổng ban đầu tạm thời hoán đổi nhiệm vụ. Hắn tưởng kẻ kia tìm Dịch thừa
tạm thời là Dương Lăng, nên vẫn ngồi ở trên đầu giường hỏi:

- Đại nhân vừa mới ra ngoài, ngươi có chuyện gì?

Vừa hỏi hắn vừa dò xét một lượt, thì thấy kẻ đến trên người mặc áo quần thường
dân, mũ trùm đầu da chó sụp sát xuống tận lông mày, nét mặt đầy vẻ phong
sương.

Kẻ đó nghe xong liền lấy từ trong ngực ra một phong thư được dán kín bằng sáp,
đưa cho hắn, bảo:

- Ta từ quan ngoại đến, còn phải trở về ngay trong đêm nay. Phiền ngươi
chuyển cái này tới cho Dịch thừa đại nhân. Cáo từ!

Tên lính gác cổng gật đầu nhận lấy bao thư. Người nọ đẩy cổng, biến vào giữa
màn đêm mù mịt. Tên lính gác cổng nhìn phong thư, thấy chỗ phong ấn vẽ một con
quái ngư. Hắn cũng chẳng để tâm, ngáp một cái, rồi đặt phong thư lên đầu
giường.

Chú thích:

(1) Nguyên văn "khoa quan": trong chế độ khoa cử thời xưa, tân khoa trạng
nguyên sau khi thi đình được đức vua khâm điểm (tự thân chấm điểm), quan viên
lại bộ, lễ bộ sẽ giơ cao thánh chỉ, gõ chiêng dẹp đường. Trạng nguyên thân vận
hồng bào, mão cắm cung hoa (hoa trong ngự uyển), cưỡi tuấn mã, diễu hành trên
ngự nhai ở hoàng cung kinh thành, được vạn dân chúc tụng.

(2) Nguyên văn "thanh tình tịnh mậu": nghĩa đen chỉ cỏ cây phong phú um tùm,
nghĩa bóng chỉ sự truyền cảm và lôi cuốn (trong biểu diễn).

(3) thời xưa tòng quân ở Trung Quốc, các hộ gia đình được phái đi làm quân
sai. Thời Đông Tấn, Nam Bắc triều, hộ tịch của binh sỹ và những người thân
trong gia đình đều thuộc về quân phủ, gọi là quân hộ. Các thế hệ trong quân hộ
cha truyền con nối đều phải đi lính, chưa được phép sẽ không thể thoát khỏi
quân tịch.

(4) một kiểu quân hàm trong quân đội thời xưa: cứ năm người lập ra một Ngũ
tràng (trường), hai mươi người là Thập tràng (trường). Một trăm người là Bách
phu tràng (trường), năm trăm người là tiểu đô thống, một nghìn người là Đại đô
thống. Ba nghìn người là Chính thiên tướng, năm nghìn người là Chính thiên nha
tướng, một vạn người thì thiết lập Chính phó tướng quân.


Ngược Về Thời Minh - Chương #33