Thành Quả Ban Đầu


Người đăng: ๖ۣۜSữa

Mặt đất phủ màu trắng xóa, Dương Lăng phấn khởi trở về từ Nội xưởng. Vứt roi
ngựa cho gia nhân, y xoa tay đi đến hành lang cười hỏi:

- Hôm nay không có ai đến à?

Cao quản gia giúp y cởi chiếc áo khoác màu vàng sẫm lợp nhung bên trong rồi
trả lời:

- Đêm qua tuyết lớn, có thể mấy vị đại nhân cảm thấy đi đường bất tiện, vì
vậy cả ngày hôm nay rất yên tĩnh ạ.

Áo khoác được cởi ra, bên trong là một bộ mãng bào vàng óng. Bộ mãng bào này
rất giống long bào nhưng bên trên lại thêu rồng vàng bốn vuốt, kém một vuốt so
với long bào. Mãng bào, phi ngư bào, đấu ngưu bào (1) đều không phải là quan
phục theo phẩm tước triều đình mà là thuộc tứ phục (*) do Hoàng thượng đặc ý
ban cho.

(*)trên ban cho dưới gọi là "tứ".

Hiện tại Lưu Cẩn và Cốc Đại Dụng cũng đã được ban cho mặc mãng bào, tuy nhiên
mãng bào của Cốc Đại Dụng thêu hình một con mãng xà nằm nghiêng còn mãng bào
mà Dương Lăng và Lưu Cẩn được ban cho lại thêu bốn con mãng xà ngẩng đầu nhìn
thẳng, tôn quý vô cùng.

Vu Vĩnh đã trở về từ phương nam. Thương nhân kinh doanh thóc gạo ở Huy Châu và
thương nhân chủ chốt buôn trà và ngựa ở Thiểm Tây bị gã dùng lợi to mê hoặc
đều đã đáp ứng hợp tác cùng Nội xưởng còn thương nhân Chiết Giang thì không
cần phải kể. Những thân hào cự phú này đều có thế lực to lớn vô cùng.

Có bọn họ gia nhập liên minh cộng thêm sự phối hợp của thái giám trấn thủ các
nơi khiến chỉ một hoạt động này của Nội xưởng đã lấn át nhiều năm kinh doanh
cực khổ của Đông xưởng và Cẩm y vệ. Căn cơ của tổ chức tại phương nam không
những nhanh chóng được ổn định mà còn nắm giữ năng lực khổng lồ.

Dương Lăng không ngờ một tên Vu Vĩnh chưa từng được ai xem trọng lại có bản
lĩnh lớn như vậy. Y mừng đến cười không khép miệng được, lập tức mời mấy vị
tâm phúc đắc lực vào ngày tết ông Táo dẫn theo gia quyến đến nhà cùng mở hội
uống rượu. Thượng quan đã khoản đãi như vậy thực là một ân đức to lớn vô cùng
nên đám người Ngô Kiệt, Hoàng Kỳ Dận và Vu Vĩnh đương nhiên mừng rỡ đáp ứng
ngay.

Lúc này Chúc Chi Sơn đã hớn ha hớn hở đến Đào Nguyên nhậm chức, chàng ta mang
theo tất cả gia nhân biết trồng loại cây từ Nam Dương này vào kinh. Điều khiến
cho Dương Lăng kinh ngạc và vui mừng chính là ngoài hạt ngô ra thì Chúc Chi
Sơn còn có cả ớt, lạc (đậu phộng), khoai tây và một loại thực vật mang tính
thưởng thức khác; căn cứ theo miêu tả của người nông dân ấy về giống thực vật
này thì Dương Lăng biết được giống cây đó tên là cà chua.

Những người đó nào phải nông dân gặp nạn từ Nam Dương trở về nữa mà thật sự đã
là Đường Tam Tạng thỉnh được Đại thừa chân kinh rồi; Dương Lăng may mắn đến
rạng rỡ mặt mày. Còn nhớ những giống cây vừa giàu chất dinh dưỡng lại dễ sinh
trưởng này truyền vào phương Tây đã nhiều năm, bị người dân nơi đó cho rằng có
độc nay lại sắp khai hoa kết quả tạo phước cho dân Đại Minh trước rồi.

Từ miệng của Chúc Chi Sơn y biết được mấy người Đường Bá Hổ sau khi nghe nói
về việc làm của y thì đều rất là hâm mộ liền cũng bày tỏ tâm nguyện muốn tham
gia làm quan, báo đáp triều đình, tuy nhiên chuyện này tạm thời vẫn chưa vội.

Song điều khiến cho y hưng phấn nhất chính là rốt cuộc Hỏa Giả Á Tam và thợ
thuyền của Nội xưởng đã nghiên cứu và chế tạo ra được loại súng kiểu mới. Loại
súng mới này có tầm bắn đạt tới 40 trượng (khoảng 130 mét), xa gấp đôi và tốc
độ bắn nhanh hơn gấp sáu lần so với súng trước đây, sức uy hiếp của nó đã hơn
xa trước kia.

Nhìn khẩu súng đó mà Dương Lăng cảm thấy quy trình nhồi đạn vẫn còn hơi khó
khăn, hơn nữa y còn nhớ nòng súng thời hiện đại hình như còn có rãnh xoắn, tạo
chuyển động xoay tròn cho viên đạn, lực ly tâm khiến cho viên đạn được bắn đi
xa hơn.

Dương Lăng giải thích những nguyên lý này cho các chuyên gia về khí giới rồi
lại vẽ ra kết cấu cơ bản của loại đạn hiện đại. Những người thợ mới được trọng
thưởng này liền lập tức quên mình lao đầu vào cuộc nghiên cứu. Dương Lăng biết
đãi ngộ cho nhà phát minh vào thời đó kém đến đáng thương cho nên mới ban
thưởng hậu hĩnh cho mấy vị thợ thầy chế tạo này khiến rất nhiều chưởng ban và
đáng đầu Nội xưởng ghen tỵ không thôi.

Y vốn định nhờ Hỏa Giả Á Tam tiếp tục giúp cải tiến hỏa pháo một chút. Bất
luận là xưa hay nay thì tác dụng của hỏa pháo trên chiến trường đều không thể
coi thường do chúng có sức sát thương kinh người. Tiếc rằng số lượng nguyên
liệu trên tay y lại không đủ để nghiên cứu loại vũ khí cỡ lớn như vậy, hơn nữa
nó cũng động chạm tới sự kiêng kị của triều đình, xem ra chỉ có cách đợi cho
súng trường cải tiến có thêm thành quả thì khi đó chính mình sẽ bẩm báo với
Hoàng thượng để hợp tác cùng cục Quân khí.

Dương Lăng giậm cho rơi tuyết đọng trên giày rồi đi vào đại sảnh, bụng nghĩ:
"Hôm nay bọn Cốc Đại Dụng, Trương Vĩnh và Miêu Quỳ đều không đến phủ, bên Tiêu
Phương cũng không có động tĩnh gì xem ra trong triều không có việc gì hệ trọng
vậy mình đi xem thử việc ươm giống cây trồng tiến triển thế nào rồi. Chúng
chính là báu vật của mình."

Y quay đầu ngước nhìn đỉnh tháp cao hơn trăm trượng ở trước mặt. Đó là đại
giáo đường mới đang được xây dựng, đã có dáng dấp một giáo đường Cơ Đốc. Vì
trời chuyển lạnh mà tuyết lại rơi dày cho nên hiện đã dừng thi công. Đỉnh tháp
trắng lóa một màu tuyết tạo cho người ta cảm giác lạ lẫm.

Dương Lăng mỉm cười chậm rãi bước vào hậu đình. Trong sân được bao phủ bởi một
màu trắng bạc, trắng xen lẫn hồng, ngọn giả sơn và hành lang đá nổi bật trong
tuyết, trông đẹp đến lạ thường. Xa xa vẳng lại tiếng đàn trong vắt khiến người
nghe sảng khoái tâm hồn như bước vào tiên cảnh.

Dương Lăng bước chậm lại, nghiêng tai lắng nghe tiếng đàn, thầm nghĩ: "Là ai
gảy đàn vậy nhỉ, nghe âm điệu thành thạo, hiển nhiên không phải là Ấu Nương
mới biết đàn sơ sơ. Xem ra nếu không phải là Tuyết Lý Mai thì nhất định là
Thành Khởi Vận rồi."

Vốn Dương Lăng định lợi dụng ảnh hưởng của mình với hoàng đế, cho dù không thể
dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm biển cũng phải buộc mở một hai bến cảng. Nhất là Thiên
Tân vệ, nằm sát dưới chân thiên tử, nhất định phải mở cửa. Nơi này địa lý
không bằng phương nam nhưng vị trí chính trị lại quá quan trọng.

Nơi này có mở cửa đối ngoại thì mới có thể mau chóng mở rộng tầm mắt và quan
niệm của văn võ bá quan, tầm mắt và quan niệm này đang khống chế đường lối
chính sách chính của Đại Minh. Chỉ cần trong số bọn họ có ba phần chịu đồng ý
và chấp nhận quan niệm của mình thì sẽ không lo Đại Minh không sớm giải trừ
cấm biển.

Ấy vậy mà không ngờ có nhiều rắc rối như thế. Đầu tiên là do giải cấm nên mới
liên quan đến cấy cày, vì cấy cày mà dính dáng đến thay đổi giống cây trồng.
Lần lữa cho đến hôm nay mục đích quan trọng nhất vẫn chưa bắt đầu, hành trình
trở về Nam của Thành Khởi Vận cũng vì vậy mà năm lần bảy lượt bị hoãn lại
khiến nàng ta đành phải ở lại trong Dương phủ.

Bước vào phòng tấu đàn bên trong phòng khách, Dương Lăng không kìm được kinh
ngạc. Người con gái đang chậm rãi khéo léo lướt ngón gảy đàn ấy không ngờ lại
là Cao Văn Tâm. Nàng khoác chiếc áo ngắn tay cân vạt màu bạc bằng da chồn, tôn
lên dung nhan thanh nhã, môi đỏ răng ngà. Trông thấy Dương Lăng bước vào thì
ánh mắt nàng thoáng lộ ra vẻ vui mừng, vội đưa tay chặn dây đàn lại.

Tiếng đàn thoáng ngân lên rồi ngưng bặt, Cao Văn Tâm bước xuống chiếc giường
la hán, khuôn mặt thuần khiết khẽ ửng hồng, nàng hơi khom người vái chào:

- Ra mắt... đại nhân.

Từ sau khi trong cung truyền chỉ cho Cao Văn Tâm nhận bổng lộc triều đình, làm
nữ quan Thái Y viện thì Dương Lăng liền cho xây thêm một khu nhà trong khoảnh
sân vườn rộng mấy mẫu ở hậu viện dành riêng chị em nhà họ Cao cư ngụ. Tuy chi
phí sinh hoạt thường ngày vẫn do nhà họ Dương cung cấp nhưng cũng có thể xem
như ở nhà riêng nên Cao Văn Tâm cũng không tiện đến thăm hằng ngày, do đó hai
người ít khi gặp nhau. Không ngờ hôm nay đến lại gặp nàng, Dương Lăng mới biết
nàng gảy đàn hay như vậy.

Trước đây Cao Văn Tâm gọi Dương Lăng là "lão gia", sau khi được xóa bỏ thân
phận nô tỳ, vì nàng còn là nghĩa tỷ kết bái của Ấu Nương cho nên đúng ra nên
gọi Dương Lăng là "muội phu" nhưng Cao Văn Tâm nào chịu. Một khi hai tiếng
muội phu thốt ra nàng sẽ mất đi một đức lang quân như ý, thế nên nàng vẫn cứ
dựa theo chức quan mà gọi Dương Lăng là đại nhân.

Dương Lăng thấy nàng mặc áo cánh và váy bó thêu sợi màu lam nhạt, lúc xuống
giường dưới đáy váy ẩn hiện chiếc quần (tất khố) đơm hoa màu hồng nhạt, đôi
giày đế cao đầu phượng màu đỏ pha vàng. Lúc nàng đứng lên, cặp hoa tai bảo
thạch màu xanh khẽ đong đưa hợp cùng vóc dáng thanh tú làm toát lên một vẻ đẹp
tao nhã.

Dương Lăng cười nói:

- Đây là bài 'Phong Nhập Tùng' mà Ấu Nương học, ta rất thích nghe. Ban đêm
nghe bài từ khúc thanh nhã này dễ ngủ vô cùng, không ngờ cô cũng thích bài
này. Sao chỉ có mình cô ở đây, những người khác đâu rồi?

Cao Văn Tâm nghe y nói vậy thì mặt thoáng ửng hồng. Vì nàng nghe Ấu Nương nói
rằng Dương Lăng thích nhất là nghe bài từ khúc này mà trong tay lại không có
khúc phổ cho nên mới nhờ Thành Khởi Vận chỉ dạy cho. Tâm sự con gái này sao
nói cho Dương Lăng biết được! Nàng mỉm cười liếc mắt về phía chiếc giường khẽ
nói:

- Dạ, còn có một vị nữa, Thành nhị đáng đầu của đại nhân cũng ở đây.

Lúc này Dương Lăng mới để ý đến phía trong giường, cạnh đầu giường là Thành
Khởi Vận đang nằm dựa nghiêng trên một chiếc đệm gấm, trên người đắp một tấm
chăn xanh biếc chỉ để lộ khuôn mặt trắng ngà, hai má đỏ au, mắt đẹp mơ màng
đang say sưa ngủ.

Dương Lăng không nhịn được cười bảo:

- Làm khó nàng ấy rồi! Từ nhỏ đến giờ chưa từng lên phương bắc, chưa từng cảm
nhận thời tiết lạnh như vậy. Người ta nói 'miêu đông' (2), đúng là ‘miêu
đông’, nàng ấy thật sự trông như con mèo cả ngày chỉ biết ngủ, sắp thành ủ
đông rồi.

Cao Văn Tâm phì cười, liền đó liếc vội Dương Lăng một cái, sắc mặt có phần kì
lạ song Dương Lăng lại không phát hiện. Y mới hơn hai mươi, Thành Khởi Vận lớn
hơn y sáu bảy tuổi vậy mà trong lúc vô ý khẩu khí y thốt ra dường như lại coi
Thành Khởi Vận nhỏ hơn mình. Cao Văn Tâm nào biết tuổi tác tâm lý của Dương
Lăng lớn hơn không chỉ chục tuổi.

Thành Khởi Vận lờ mờ nghe thấy có tiếng đàn ông, bèn khẽ mở hai mắt, nhìn thấy
Dương Lăng, liền vội ngồi dậy, tung chăn, chào hỏi:

- Đại nhân đã về rồi à, ty chức thất lễ.

Dương Lăng đáp:

- Khổ cho cô rồi, không thích nghi được với khí hậu phương bắc phải không?
Bây giờ vẫn chưa tính là lạnh lắm đâu, đến lúc thật sự lạnh thì nước cũng đóng
thành băng ấy - Vừa nói đến đây y nhìn sang chiếc giường cùng tấm chăn trên
đó, ánh mắt thoáng trở nên thất thần.

Hai má Thành Khởi Vận nóng lên, nàng mất tự nhiên nhìn lại trang phục của
mình: áo khoác lụa cân vạt màu trà đơm hình chim nhạn ngậm bông lau, bên ngoài
lại khoác thêm chiếc áo chẽn màu xanh lót nền hồng đào, cổ áo lụa bạch lĩnh
dựng thẳng, đầu cổ thêu hoa, cúc áo hình ong mật ruổi hoa (3), tuy rằng hơi
thùng thình nhưng thắt lưng thanh mảnh không che giấu được bộ ngực vun cao.
Sao đại nhân lại nhìn mình như vậy?

Thành Khởi Vận thấy ánh mắt Dương Lăng vẫn nhìn mình chằm chằm mà chỗ cặp đùi
dưới chăn bị y nhìn bắt đầu nóng lên và nhột nhạt. Nàng mím môi, khẽ dịch tay
sang một bên giường rồi nhỏ nhẹ:

- Đại nhân, ngài làm sao vậy?

Dương Lăng thoáng ngẩng người, rồi mới sực tỉnh:

- Hả? À... - y hít vào một hơi thật sâu rồi nói:

- Ta nhớ lúc này năm ngoái trời lạnh hơn bây giờ nhiều, căn nhà ọp ẹp trong
sơn cốc, cửa sổ cũng bị gió lùa vào, trong nhà khi ấy chỉ có một chiếc giường
và tấm chăn bông sờn rách, không khác chiếc giường này là bao. Đêm nào Ấu
Nương cũng đều đắp chăn bông cho ta còn mình thì chỉ đắp tấm chăn mỏng tanh,
cứ vậy mà chống chọi qua nửa mùa đông...

- A! - Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận đều trợn tròn mắt. Nhất là Thành Khởi
Vận chưa từng đến nơi phương bắc này, vừa tưởng tượng ra còn lạnh hơn lúc này
mấy phần, bên giường lại không có lò than mà cửa sổ còn bị gió lùa, như vậy
còn không phải là muốn lấy mạng người ta sao? Thảo nào... thảo nào y đối xử
với Ấu Nương tốt như vậy, vì nàng ấy mà dám kháng cả thánh chỉ, bị chém cũng
không sờn lòng.

- Than ôi... - Dương Lăng lắc đầu nhè nhẹ, thở dài một tiếng rồi nói:

- Lúc đó, ta chỉ muốn lang bạt kiếm chút gia nghiệp để Ấu Nương không phải
chịu thêm khổ cực, như vậy đã là đủ rồi. Ai ngờ... lòng người mãi mãi không
bao giờ biết đủ cả, nay gia nghiệp đã có rồi thế mà ta vẫn muốn có thêm...

Khi nghèo chỉ biết lo thân, giàu rồi lại muốn lo cho mọi người. Lúc này đây
đứng trên vị trí này, có cơ hội khiến Đại Minh trở nên hùng mạnh hơn, có cơ
hội để cho bá tánh giàu sang sung túc hơn, thử hỏi là một người chỉ cần có
chút trách nhiệm, ai sẽ có thể chống cự lại với sự mê hoặc này?

Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm không biết tâm sự của y, tưởng rằng y đang ám
chỉ đến công danh lợi lộc. Thành Khởi Vận mỉm cười bảo:

- Đại nhân nghĩ vậy thật ra cũng không có gì sai. Hôm qua vì phu nhân mà lo
toan, ấy là cho tận trách nhiệm của người chồng, hôm nay vì triều đình mà lo
toan, ấy là để tận trách nhiệm của kẻ bề tôi, ngày mai còn phải vì con cháu mà
lo toan. Cuộc đời con người bao giờ cũng có đủ loại lý do để ép mình luôn
tranh đấu không ngừng. Muốn không màng đến thế sự thì cho dù đại nhân có chịu
thì người khác cũng sẽ không chịu.

Vừa nghe nàng ta nói vậy thì Dương Lăng chợt nhớ rằng từ lúc mình trở về đã
hơn một tháng, ngày nào cũng siêng năng "cày bừa", tuổi của ba người vợ xinh
xắn của mình cũng không lớn, thân thể non nớt lại thường hay nũng nịu kêu chịu
không nổi. Hiện tại ngay cả dưa leo trồng dưới hầm sưởi cũng sinh trưởng không
ngừng mà sao thân thể bọn họ vẫn chưa có động tĩnh gì vậy? Chẳng lẽ y thuật
của Cao Văn Tâm đã thất bại rồi sao?

Nghĩ đến đây, Dương Lăng cảm thấy không vui, y thở dài nói:

- Các cô cứ tiếp tục đàn đi, ta đi ra phía sau.

Thành Khởi Vận vội vàng xuống giường, xỏ giày, vuốt nhẹ chiếc váy sợi nếp cạnh
viền vàng da dê thêu đính hoa văn rồi cười duyên dáng:

- Phu nhân đang ở dưới hầm sưởi trong hậu viện, ty chức cũng ngủ đủ rồi, đi
cùng đại nhân qua đó xem một chút vậy.

Trong hầm sưởi trồng vài giống cây, đồng thời ươm trồng rất nhiều mầm củ khoai
lang và khoai tây. Dương Lăng nghĩ sau này nếu muốn đồng thời trồng trọt ở bốn
nơi sẽ cần số lượng lớn người làm để chỉ điểm, vì vậy đã dùng điều kiện lương
cao để mời về mấy chục thợ trồng trọt lành nghề của bản địa, cho bọn họ đi
theo gia đình người Hoa từng sống ở Nam Dương nọ học tập kỹ thuật vun bón và
ươm trồng. Nhà truyền giáo Nhã Các Tư cũng thường xuyên ghé đến để chỉ điểm
một ít về kỹ xảo trồng trọt và những việc cần chú ý.

Thấy phu quân hết sức coi trọng chuyện này, bản thân lại giỏi việc đồng áng
nên Hàn Ấu Nương thường đến hầm sưởi để phụ giúp, đồng thời cũng học cách
trồng trọt những giống cây này. Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận thì dốt đặc về
phương diện này, hơn nữa quả thật hai nàng có phần xem thường nghề nông và
cũng không có hứng thú như vậy.

Còn Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai thì cho dù bản thân mình cảm thấy thế nào
đi chăng nữa nhưng khi đại phu nhân đã đích thân xắn tay vào làm thì hai người
cũng không thể ngồi yên trong nhà. Thế là hai mỹ nhân yêu kiều e lệ cũng mặc
quần áo vải thô vào rồi đi theo Ấu Nương bón phân tưới nước, chăm bón hoa mầu.

Hầm sưởi trong hậu viên rất lớn, được quan binh Nội xưởng xây cất dưới sự
hướng dẫn của các vị sư phụ trồng trọt rau cải trong hầm sưởi hoàng gia: hai
phần ba nằm dưới mặt đất, một phần ba nằm bên trên. Lều lán phủ kín giàn hoa
mầu, xây đường hầm thông gió đặc biệt, trên nóc lắp sáu cửa sổ, ánh sáng được
dẫn vào bằng cách chiết xạ bởi hơn hai mươi tấm gương đồng lớn chiếu cho bên
trong hầm sưởi sáng như ban ngày.

Dương Lăng cùng Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm đi qua hơn hai mươi bậc thang
xuống dưới hầm, chỉ thấy ba hàng giàn lán trồng đủ các loại mầm cây xanh mượt.
Những thứ này chủ yếu để trồng thử, qua xuân sẽ dời trồng trực tiếp ở vùng
này. Phải đến lúc đó thợ làm vườn đã được đào tạo xong mới sẽ mang giống cây
đến ba nơi còn lại trồng trọt.

Lão gia tử Vương Đông Hoài của gia đình trở về từ Nam Dương nọ đang dẫn mấy
người nông phu chỉ vào một bụi khoai giải thích gì đó, sau đó ngắt một đoạn rễ
cắm vào trong đất. Trông thấy Dương Lăng và hai người Thành Khởi Vận, ông ta
liền vội khum tay, kính cẩn thưa:

- Lão gia.

Dương Lăng khoát tay bảo:

- Mọi người cứ tiếp tục đi, không cần để ý đến ta. Phu nhân đâu?

Vương Đông Hoài chỉ vào bên trong nói:

- Phu nhân đang ở bên trong, đang kiếm ngắt trái cây tên là 'ớt' do lão gia
ban đó ạ.

Lúc Dương Lăng phát hiện ra quả ớt này thì kinh ngạc và mừng lắm, có điều cái
tên mà Vương Đông Hoài gọi nó rất là khó đọc, hiện tại y còn không nhớ nó gọi
là gì nữa, thế nên lúc đó y thuận miệng đặt tên cho nó, gọi nó là 'quả ớt'
luôn.

Thứ này chỉ thích hợp trồng ở nơi ôn đới, mọc suốt quanh năm, so với hai ngày
trước mầm ớt xem ra đã nhú rất cao rồi, nụ hoa nở ra trăng trắng. Dương Lăng
gật đầu rồi đưa hai người đi tiếp. Đằng xa trên một mảng sắc xanh tươi mới nơi
ánh sáng vừa vặn rọi thẳng vào, ba người Hàn Ấu Nương, Ngọc Đường Xuân và
Tuyết Lý Mai đang mặc áo dài xanh cân vạt ống bó, ngoài khoác áo bông cộc tay
màu tro đang hào hứng nhẹ nhàng chăm sóc cho những mầm xanh đó.

Dương Lăng liền gọi:

- Ấu Nương

Hàn Ấu Nương nghe tiếng liền quay đầu, mừng rỡ kêu lên:

- Tướng công, chàng mau lại đây mà xem, những cây ớt này đã bắt đầu ra hoa
rồi này. Sau này nó sẽ kết thành quả ớt đỏ mà chàng nói để cho vào lẩu đúng
không? Thật muốn biết nó sẽ có mùi vị gì đây - nói đoạn nàng quay sang Cao Văn
Tâm khẽ cười chào:

- Văn Tâm tỷ tỷ.

Dương Lăng nghe nói cây ớt đã ra hoa, chân bèn bước dồn, mừng rỡ chạy đến xem.
Hàn Ấu Nương xắn áo, để lộ một cánh tay trắng như trứng gà bóc, tươi cười chỉ
vào nụ mầm xanh mởn:

- Tướng công xem, hoa đã nở thât nhiều, cả chỗ này đều do thiếp chăm sóc đó -
nàng hớn hở nói, giọng hết sức tự hào.

Cạnh bên, chồi non của đám cây cà chua cũng cực kỳ tươi tốt. Dương Lăng biết
những thứ này đều cần phải được cắt tỉa có điều y cũng không biết được phải
cắt tỉa trước hay sau khi khai hoa, càng không biết phải cắt tỉa cái gì, có
điều y đoán cắt tỉa là để đề phòng mầm cây lớn lên chỉ ra lá mà không cho quả
cho nên y bảo nông phu gieo mầm những quả cà đó theo nhóm, mỗi nhóm hai cây,
chia làm mười nhóm, chuẩn bị áp dụng phương pháp cắt tỉa trước và sau khi khai
hoa đồng thời ghi chép sự thay đổi, sau đó dựa vào tình trạng sinh trưởng mới
phán đoán xem phương pháp nào là chính xác.

Dương Lăng nhìn mảng cây ớt đó thấy quả nhiên mới có mấy ngày mà rất nhiều cây
đã nở hoa, có hoa mới vừa hé nụ, mầm dưới đài vẫn còn xanh non.

Hàn Ấu Nương duyên dáng mỉm cười lay tay y và nói:

- Tướng công, lúc nào mới sẽ kết quả vậy, cái quả be bé dài dài và đo đỏ mà
chàng nói đó?

Dương Lăng vuốt chóp mũi nàng một cái đầy trìu mến rồi cười đáp:

- Theo tình trạng này có thể sẽ không ra được mấy quả đâu.

- Hả? - Hàn Ấu Nương tròn xoe mắt kinh ngạc. Nàng thấy Dương Lăng hơi khom
lưng, thò tay chọn một bông hoa trắng đã khá lớn ngắt một cái. Hàn Ấu Nương
không kiềm được kêu lên xót xa.

Lại thấy Dương Lăng ngắt đài hoa, vừa cẩn thận cầm nhuỵ hoa thoa nhẹ lên trên
từng đoá hoa đã nở rộ vừa cười nói:

- Ấu Nương, cây gì ra hoa đều cần phải thụ phấn, bình thường nàng chỉ trồng
trọt trên mặt đất chắc không biết đâu đúng không? Phương pháp thụ phấn có khi
là mượn sức gió, đôi khi chỉ cần chút gió nhẹ cũng có thể đưa phấn trên một
đoá hoa đến thụ phấn cho những bông hoa khác. Nhưng đa phần là nhờ những con
ong mật, hoặc những côn trùng khác bò qua bò lại trên đoá hoa, phấn hoa bám
vào trên chân của chúng, sau đó chúng bay đi thụ phấn cho hoa khác. Dưới hầm
sưởi này mùa đông trồng rau thì còn được, chứ trồng những loại cây kết quả,
gió thì quá yếu, lại không có ong mật, cho nên cần phải thụ phấn nhân tạo cho
chúng.

Đạo lý này đừng nói là người biết làm ruộng như Hàn Ấu Nương không biết, bụng
đầy thi thư như Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm không biết mà ngay cả mấy vị sư
phụ chăm lo hầm sưởi của ngự điền (ruộng của vua) được phái tới đứng bên cạnh
vô tình nghe được cũng đều kinh ngạc vô cùng, nói:

- Không ngờ lại có đạo lý như vậy? Tiểu nhân thấy bình thường vài loại cây ăn
quả trồng đều sinh trưởng rất tốt nhưng sao mùa đông muốn trồng một ít trong
hầm sưởi cho Hoàng thượng ăn thì lại cho ra rất ít trái. Khi ấy chỉ nghĩ tiết
trời không tốt, không thể nghịch thiên hành sự, không ngờ là vì nguyên nhân
này. Đại nhân thật sự... thật sự là bác học đa tài, trở về tiểu nhân nhất định
sẽ thử nghiệm một chút mới được.

Dương Lăng cười gượng gạo nói:

- Đó là một nguyên nhân. Có điều trái cây trồng vào mùa đông sẽ không thể bì
được so với trồng trong thời tiết bình thường, do độ ấm, ánh nắng mặt trời,
khí hậu kém hơn rất nhiều. Ừm... nếu các vị muốn thu hoạch được trái cây ngon
thì phải cố gắng mô phỏng ra hoàn cảnh khí hậu tương ứng mới được.

Vị sư phụ ngự điền đó gật đầu lia lịa, hận không thể lập tức chạy về trồng thử
vài cây. Thụ phấn nhân tạo cho từng cây là một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại
và tỉ mỉ, chưa được bao lâu thì Dương Lăng đã mất kiên nhẫn liền vứt đoá hoa
đi rồi nói:

- Đi thôi, thông gió nơi này cũng không tệ, có điều vẫn hơi ngột ngạt. Hôm
nay Văn Tâm đến thăm nàng, chúng ta ra ngoài uống trà đi.

Hàn Ấu Nương ngoan ngoãn để im cho y nắm tay lôi đi, hàng người vừa nói vừa
cười đi ra ngoài. Dương Lăng thuận miệng hỏi:

- Ngọc Nhi, Tuyết Nhi, sáu trướng phòng (nhân viên kế toán) trong Nội xưởng
ta phái theo hai nàng học cách ghi chép sổ sách hiện đã học xong chưa?

Ngọc Đương Xuân vừa vuốt ống tay áo vừa đáp:

- Dạ, sáu vị tiên sinh đó đều là trướng phòng lâu năm. Đây chỉ là học thêm
một phương pháp mới cho nên họ học rất nhanh, chưa đến hai ngày đã thuộc rồi,
lại còn mày mò ra được rất nhiều nguyên tắc ngay cả thiếp và Tuyết Nhi cũng
không nghĩ tới.

Dương Lăng nói:

- Đó là lẽ đương nhiên! Những tiên sinh này đều là tay tổ có nghề về ghi chép
sổ sách. Phương pháp ghi sổ này ta cũng chỉ nhớ được có bấy nhiêu, nay đem dạy
cho bọn họ, chỉ cần hiểu được nguyên lý trong đó đương nhiên bọn họ sẽ có thể
bổ sung hoàn thiện hơn. Nếu như bọn họ đều biết rồi vậy thì dễ làm hơn. Vài
ngày nữa ta phải để bọn họ đến bộ Hộ, bộ Công chỉ dạy những trướng phòng ở đó
một chút. Hiện tại trong triều muốn thống kê một ít con số cũng tốn quá nhiều
công sức đi!

Tuyết Lý Mai nãy giờ nôn nóng như muốn nói điều gì đó nhưng bên cạnh Dương
Lăng có nhiều người nên nàng cũng không tiện mở miệng, mãi đến khi đến cửa hầm
lúc men theo bậc thềm leo lên nàng mới nhân cơ hội sáp lại ghé vào tai Dương
Lăng nói nhỏ một câu thật nhanh. Dương Lăng vừa nghe lập tức quay phắt người
lại, kinh ngạc lẫn mừng rỡ kêu lên:

- Thật không?

Tiếp đó y quay đầu lại dìu vịn hai vai Ấu Nương nói:

- Nha đầu nàng đó, có phải là muốn để tướng công lấy phép nhà ra 'hầu hạ'
không vậy? Tại sao... tại sao có thai rồi mà cũng không nói cho ta biết? -
Giọng y run rẩy, mang theo một sự vui mừng.

Giọng y vang lớn, Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm mới cất được nửa bước thì
thiếu chút nữa đã ngã nhào. Hai người cũng lập tức xoay lại đánh xoạt một cái
rồi chạy đến bên cạnh Hàn Ấu Nương vừa kéo tay nàng nhìn lên xuống đánh giá
vừa lia lịa hỏi thăm không ngớt, đẩy Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai sang một
bên.

Mặt Hàn Ấu Nương tức thì thẹn tới đỏ bừng, cặp mắt đen láy cụp xuống không dám
nhìn ai. Cuối cùng nàng vừa lúng túng nhìn chằm chằm xuống đất vừa lí nhí nói:

- Ưm... có thể... đại khái... có lẽ..., Ôi chao Tuyết Nhi! Biết vậy đã không
nói cho muội hay.

Nàng giậm nhẹ chân, trừng mắt oán trách liếc sang Tuyết Lý Mai rồi mới bẽn lẽn
cúi đầu nói với Dương Lăng:

- Tướng công, người ta cũng không dám xác định... sợ lỡ đâu uổng công vui
mừng cho nên mới không nói ngay...

Cao Văn Tâm lập tức cầm lấy cổ tay Ấu Nương bắt mạch, bốn bề tức thì im phăng
phắc. Dương Lăng cảm thấy tim mình muốn nhảy khỏi lồng ngực. Hàn Ấu Nương mím
chặt môi, không dám nhìn sắc mặt của Cao Văn Tâm, chỉ chăm chăm ngó tướng công
mình, ánh mắt nhu mì, khuôn mặt đỏ bừng.

Một hồi sau, Cao Văn Tâm mới thở hắt ra một hơi thật dài, nhẹ nhàng buông tay
Ấu Nương ra. Dương Lăng sốt ruột kêu lên:

- Thế nào vậy, Văn Tâm, Ấu Nương nàng ấy...?

Hàn Ấu Nương cũng hồi hộp nuốt nước miếng. Cao Văn Tâm nhìn Hàn Ấu Nương với
một ánh mắt phức tạp rồi khẽ giọng:

- Chúc mừng muội, Ấu Nương.

Tuyết Lý Mai và Ngọc Đường Xuân vừa hâm mộ vừa mừng rỡ reo lên. Dương Lăng
cũng vui đến quên mình, cầm tay Ấu Nương hưng phấn hồi lâu, rồi mới vui sướng
cười lớn nói:

- Hay lắm, Ấu Nương bảo bối của ta chưa từng khiến ta thất vọng. Ha ha ha,
mau mau, chúng ta mau đi lên trên, không khí nơi này không tốt, sau này nàng
không cần phải xuống đây nữa.

Nghe Cao Văn Tâm nói xong thì trái tim của Hàn Ấu Nương yên tĩnh trở lại, thấy
bộ dáng hí hửng của tướng công, trong lòng nàng cũng cảm thấy hết sức ngọt
ngào. Nàng khẽ níu tay y, thấp giọng nài nỉ:

- Tướng công, người ta thích chăm sóc những thứ này mà, thiếp muốn xem chúng
kết ra trái đỏ như lửa, hẳn là sẽ đẹp lắm.

Dương Lăng vung tay nói ngay:

- Không thành vấn đề! Chốc nữa ta sẽ kêu người trồng chúng vào chục cái chậu,
đặt toàn bộ trong nhà chúng ta, thế nào? Thế còn... cà chua, khoai lang, nàng
có muốn không?

Hàn Ấu Nương gật đầu lia lịa như gà mổ thóc, hân hoan đáp:

- Muốn muốn muốn, thật tốt quá. Tướng công, chàng thật tốt với Ấu Nương.

Dương Lăng ngạo nghễ nói:

- Vậy thì mỗi loại đặt mười chậu đi. Nàng có chút việc để làm thì tâm tình
mới tốt, tâm tình tốt thì con cái đẻ ra sẽ thông minh. Ha ha ha..., đi thôi,
chúng ta lên nào.

Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai chạy theo sát dìu đỡ Hàn Ấu Nương khiến cho
nàng vừa bực vừa cảm thấy buồn cười, bèn mắng khẽ:

- Làm cái gì vậy hả, tỷ đâu có sao đâu! Nhưng mà muội đó nha Ngọc Nhi, lúc
nãy đi xuống thiếu chút té nhào đó. Tỷ không cần dìu đâu.

Dương Lăng cũng cảm thấy Ấu Nương mới có thai không cần phải làm lớn chuyện
như vậy nhưng khi nhìn bậc thang dốc đứng thì y vẫn cảm thấy lo lắng, thế là
không yên tâm mà giữ chặt tay Ấu Nương và nói:

- Đi, để tướng công giúp nàng, sau này nàng đừng đến nơi này nữa. Có điều vận
động thân thể thì vẫn nên, mỗi ngày tướng công sẽ đưa nàng ra ngoài tản bộ,
dẫn nàng đi dạo khắp thôn.

Được y quan tâm săn sóc chu toàn như vậy, Hàn Ấu Nương cảm thấy ấm áp không
thôi. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai hận chính mình
đã không thể sớm mang trong mình bảo bối của tướng công để hưởng thụ một chút
sự quan tâm và săn sóc ấy, Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm mỗi người cũng mang
tâm sự riêng. Đoàn người chậm rãi rời khỏi căn hầm.

Những bông tuyết mềm mại lượn lờ rơi xuống, tin Dương gia có vị tiểu chủ nhân
sắp ra đời khiến cả phủ vui mừng khôn xiết. Vào mùa đông đa phần nông dân đều
ở trong nhà, trong thôn ngoại trừ vài ba đứa trẻ nghịch ngợm chạy nhảy ngoài
đường thì khó lòng thấy được bóng người nào khác.

Lúc khói bếp trên mái nhà vài hộ gia đình còn chưa tan đi thì cổng lớn phủ nhà
họ Dương đã được mở ra. Dương Lăng khoác chiếc áo lông cừu dài, oai phong lẫm
liệt bước ra ngoài, phía sau y là Cao Văn Tâm, Thành Khởi Vận bầu bạn cùng Ấu
Nương cũng đang rời khỏi phủ.

Ba người đều khoác áo choàng da cáo màu tuyết trắng, mũ Chiêu Quân khắc hình
mây trôi, ba mỹ nhân khí chất bất đồng dịu dàng bước đi trong tuyết, xinh đẹp
tú lệ khiến người ta nhìn mà quên hết những thứ tầm thường. Bước theo sau là
sáu tên gia đinh, lặng lẽ che chắn cho bọn họ.

Dương Lăng nói:

- Đi chậm thôi, chúng ta sẽ đến đầu thôn thả bộ.

Đoàn người rời khỏi thôn, chậm rãi bước bên bờ ruộng phủ màu trắng xoá. Dương
Lăng chỉ tay vào một mảnh đất, hỏi:

- Văn Tâm, mảnh đất này là của cô đúng không?

Cao Văn Tâm gật đầu, nheo cặp mắt tròn nhìn mảnh trang viên đã hoà chung một
màu với xung quanh và nói:

- Dạ, Cao gia mấy đời hành nghề y, vốn không thạo việc đồng áng cho nên ruộng
đất không nhiều, chỉ có mười mẫu đất này. Tuy hiện nay đại nhân đã trả lại cho
hạ quan nhưng hạ quan cũng không biết làm gì với chúng. Nếu như đại nhân muốn
trồng những giống cây Nam Dương nọ vậy xin cứ lấy mà dùng.

Hàn Ấu Nương mừng rỡ hỏi: "Tướng công muốn dùng toàn bộ mảnh đất này để trồng
các giống cây mới sao? Sao chàng không bỏ ra giá cao mua lại toàn bộ số đất
chung quanh luôn?"

Dương Lăng cười lớn nói:

- Cô nàng ngốc này, nàng quên chuyện tướng công bán đi mảnh ruộng nghèo đã bị
Dương lão thái công mắng cho một trận rồi ư? Trong hộ nông dân người ta coi
đất đai như tính mạng, cho dù có trả gấp mười gấp trăm lần thì bọn họ vẫn sẽ
không chịu bán đâu.

Thành Khởi Vận cười lãnh đạm nói:

- Không chỉ là vậy, cho dù mua hết nơi này nhưng làm sao để thuyết phục những
tá điền đó trồng các loại cây mới cũng sẽ là việc tốn nhiều sức lực đó.

Dương Lăng nghe vậy thì cảm thấy bất ngờ, bèn nói:

- Liên quan gì đến tá điền vậy? Nếu như nơi này là đất của ta thì chẳng phải
ta muốn trồng gì thì trồng nấy sao? Tá điền không đồng ý à? Không sợ ta đuổi
bọn họ sao?

Hàn Ấu Nương, Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận nhất tề tròn mắt kinh ngạc nhìn y,
một hồi lâu Thành Khởi Vận mới bật cười nói:

- Hôm nay ở dưới hầm sưởi chăm sóc hoa mầu đại nhân lộ ra học vấn rất cao sao
những lẽ thường như thế lại không biết vậy? Hi hi hi, không có địa chủ nào dám
đối đãi với tá điền như vậy đâu. Đối đãi kiểu như với đầy tớ như vậy thì có,
nhưng cũng hiếm vô cùng.

Dương Lăng nghe mà cảm thấy khó hiểu vô cùng. Y biết hình tượng của địa chủ
đều là hung thần ác sát, là những ác bá mặt mũi dữ tợn sao lại không làm chủ
được đất của mình?

Thành Khởi Vận giải thích:

- Đại nhân! Những tài chủ ở thôn quê này có mấy loại, một là có được gia
nghiệp tổ tiên truyền lại, hai là làm quan nơi khác, buôn bán phát tài rồi về
quê hưng gia lập nghiệp, mua nhiều ruộng đất mà trở thành địa chủ. Ba là cần
cù tiết kiệm, thông minh hiếu học, giỏi việc kinh doanh lại cả đời kiềm ăn
kiệm dụng, tiết kiệm được bao nhiêu đều bỏ vào mua ruộng mua đất, dần dần rồi
trở thành địa chủ. Loại thứ tư ấy là chèn ép bán buôn, bóc lột lãi nặng mà
thành tài chủ nhưng chỉ chiếm số ít. Thật ra những thân sĩ thôn quê này cũng
từng đọc "Tứ Thư" "Ngũ Kinh", tôn sùng 'đạo Khổng - Mạnh', thương nghèo cứu
già, giúp đỡ quả phụ, xây trường dựng lớp, cứu tế thiên tai, xây cầu sửa
đường, hoà giải tranh chấp. Quan viên địa phương phần lớn cần dựa vào những
thân hào nông thôn địa phương này cho nên bọn họ rất coi trọng danh vọng cá
nhân. Cưỡng bách tá điền khuất phục là việc mà rất hiếm người làm, hơn nữa
tiếng ác truyền xa cho nên sẽ không có tá điền nào chịu trồng trọt trên đất kẻ
đó. Nói đại khái là năm nay tá điền cày thuê cho địa chủ này, năm sau có thể
bỏ đi không cày, chuyển sang cày thuê cho địa chủ khác. Nếu như là tá điền có
sẵn nông cụ và trâu cày trong nhà thì càng được các chủ điền tranh nhau chiêu
nạp. Dẫu sao địa chủ làm vậy cũng là vì kiếm lời, nếu tự chăn nuôi trâu cày và
chuẩn bị nông cụ thì sẽ tốn kém hơn nhiều.

Cao Văn Tâm vừa đi theo cạnh Hàn Ấu Nương vừa nói:

- Đúng đó, đại nhân, hơn nữa địa tô là nộp lương tô (thóc lúa) và kim tô
(tiền bạc), chỉ cần người ta nộp đủ tô thuế đúng hạn thì họ trồng gì đi nữa
địa chủ cũng không có quyền can thiệp. Cho dù là tôi tớ trong nhà thì chỉ cần
là ông chủ thông minh một chút cũng phải đối đãi cẩn thận bằng không bọn họ
không làm hết sức, kẻ chịu thiệt thòi sẽ là đám ông chủ nọ. Đất nhà hạ quan
không nhiều nhưng đầu tháng hoặc ngày rằm cha của hạ quan vẫn phải cho tôi tớ
tá điền ít thịt, ngày lễ ngày tết còn đưa cho bọn họ chút lương thực, quần áo
đồ dùng, làm như vậy mới có thể giữ lại những tá điền giỏi, những tôi tớ hiền
lành chịu làm việc. Nếu làm theo cách của đại nhân, hi hi... chưa tới mấy năm
thì ruộng tốt trong tay cũng sẽ trở nên hoang vu hết thôi.

Dương Lăng thoáng đỏ mặt, ngượng ngập không biết nói gì. Y đâu biết thì ra địa
chủ còn bị nhiều hạn chế như vậy, còn tưởng rằng chỉ cần mình trở thành địa
chủ thì sẽ có thể muốn gì làm nấy, giờ thì...

Dương Lăng khẽ nhíu mày, ngẩn người nhìn mảnh ruộng đó, xem ra cảnh tượng phổ
biến trồng trọt ở khắp ngoại thành, đến lúc được mùa khiến cho bá quan rung
động sẽ không thể xuất hiện rồi. Cho dù những địa chủ đó chịu bán, y sẽ phải
làm thế nào để ép đám tá điền đi trồng các giống cây mới đây?

Không thể đem so sánh nơi này với đám đất bạc màu mà mình chuẩn bị cho trồng
thử ở Thiểm Tây được. Dân chúng nơi ấy đã được hứa hẹn cung cấp khẩu phần
lương thực tương ứng, năm nay anh muốn bọn họ trồng gì bọn họ cũng sẽ đồng ý.
Nhưng bên ngoài kinh thành phần lớn đều là ruộng màu, cái giá phải trả e rằng
phải gấp mấy lần mới có thể khiến cho dân chúng động lòng. Nhưng còn những địa
chủ đó thì phải làm thế nào đây?

Chậc, mấy ngày nay một mặt mải lo việc Nội xưởng nghiên cứu chế tạo súng mới,
mặt khác dò thám xu hướng cải cách chính trị của Lưu Cẩn trong kinh mà y đã
xem nhẹ những việc này. Nếu như sang xuân để sĩ tốt khai khẩn ít ruộng đồi thì
không biết hiệu quả sẽ ra sao.

Thành Khởi Vận thoáng đảo mắt, nói:

- Đại nhân, tâm địa bồ tát mà dùng thủ đoạn bồ tát sẽ không thể làm cho mưa
rào khắp chốn, nhưng nếu tâm địa bồ tát mà dùng thủ đoạn tu la cứu giúp cho
thiên hạ sẽ lại có thể cứu khốn cho dân. Không bằng đại nhân giao việc này cho
ty chức, chỉ cần bày ra chút kế mọn ty chức nhất định sẽ có thể đoạt được bảy
khoảnh ruộng đất của hoàng trang một cách dễ dàng.

Dương Lăng quay đầu lại nhìn nàng thật lâu, chỉ thấy cặp mắt đen láy trên
khuôn mặt trắng ngà của nàng đang nhìn y không chớp, bông tuyết rơi trên má
nàng hoá thành giọt nước, mấy sợi tóc dài dính lại bên trên làm y không nỡ
trách mắng mà chỉ thở dài rồi nói:

- Chưa tạo được phước cho dân mà đã muốn làm ác rồi à?

Thành Khởi Vận lặng lẽ cúi đầu. Nàng chậm rãi bước đi một hồi, trong đầu bỗng
nghĩ ra một biện pháp, khoé môi không khỏi lộ ra một nụ cười đắc ý. Nàng ngẩng
đầu định gọi Dương Lăng song chợt ngậm miệng lại, thầm nghĩ: "Mình tạm thời
bàn bạc với Ngô đại đáng đầu trước, đợi khi thành công sẽ kể cho y sau, để y
được chứng kiến thủ đoạn của mình. Cho dù không dùng thủ đoạn của ác bá thì
mình vẫn là Gia Cát trong giới nữ nhi!"

Nàng vươn bàn tay trắng nõn như ngọc đợi một bông tuyết rơi vào trong lòng bàn
tay, chưa kịp cảm nhận cái vị se lạnh thì bông tuyết đã hoá thành giọt nước.
Khẽ thở ra một hơi, nàng thấp giọng ngâm:

"Tương tư như tửu thuần dục huân, bán tuý thường ký mộng trung tầm.

Đông phong diêu ký tinh oánh tuyết, hà thời tu đắc lạc mai hoa?"

(Nỗi tương tư giống như rượu thuần dễ say, khi say người ta thường chìm vào
trong giấc mơ mà tìm kiếm bóng hình người còn lại

Gió đông đưa bông tuyết đến, biết khi nào mùa đông mới có thể nhìn thấy được
hoa mai?)

Hàn Ấu Nương đi theo Dương Lăng một lúc chợt phát hiện Thành Khởi Vận còn rớt
lại ở phía sau, bèn quay đầu lại gọi:

- Thành cô nương... í?

Mắt nàng rất tinh, lúc này sắc trời tuy đã chạng vạng nhưng từ xa nàng vẫn
trông thấy hai thớt khoái mã một trước một sau đang phi băng băng lại. Nàng
bất giác dừng chân kéo tay áo Dương Lăng nói:

- Tướng công, có khoái mã tới, sợ là có chuyện rồi!

Trong đám sáu tay gia đinh có kẻ xuất thân là phiên tử trong quân đội nên sớm
đã rút ra phác đao và súng ngắn giấu trong áo choàng bông ra, quát lớn:

- Kẻ nào? Mau ghìm cương chạy chậm lại!

Người chạy phía trước nhảy phóc xuống ngựa, rảo bước đến thưa:

- Ty chức từ Đại Đồng chạy đến, có quân tình khẩn cấp cần bẩm báo. Ngô đại
đáng đầu sai ty chức xuống núi bẩm báo trước cho Xưởng đốc đại nhân, đại đáng
đầu ông ấy sẽ theo sau.

Chú thích:

(1) đấu ngư bào

(2) tiếng địa phương phương bắc, chỉ ai đó nằm lì trong nhà cho qua mùa đông,
giống như con mèo ngủ đông.

(3) loại cúc áo thịnh hành thời Minh, chính giữa là hình hoa cúc, hai bên là
hình ong mật hoặc bươm bướm. Phan Kim Liên trong truyện Kim Bình Mai từng mặc
loại áo cân vạt có loại cúc này.


Ngược Về Thời Minh - Chương #164