Người đăng: ๖ۣۜSữa
Trong kinh, an nhàn và ít bị ảnh hưởng bởi hồi náo loạn này hơn cả là những
người dân không liên quan; khi bọn họ nghe thấy tiếng súng giật mình chạy ra
khỏi nhà thì lại bị bọn Cẩm y vệ đột nhiên xuất hiện khắp phố lớn ngõ nhỏ đuổi
về như đuổi vịt. Chờ hơn nửa canh giờ không thấy có thêm động tĩnh gì, bọn họ
liền yên tâm cởi quần áo leo lên giường ngủ tiếp.
Thế nhưng, tuy đêm nay không có người gõ mõ, không có tiếng trống canh thúc
giục người ta dậy sớm chầu triều vậy mà số quan viên có thể ngủ lại chẳng có
mấy ai.
Đại học sĩ Lưu Kiện đầu đội mão quan, lưng thắt dây đai, quan phục chỉnh tề
ngồi lẫm liệt trong phòng khách, hai cây nến đỏ thếp vàng đã cháy hết, tim nến
chập chờn như ông lão gần đất xa trời, thoạt mờ thoạt tỏ, có thể chìm vào
trong chiếc chén đồng đầy sáp bất cứ lúc nào.
Rất lâu sau, từ cánh cửa đóng chặt bỗng vang lên mấy tiếng gõ "cốc cốc". Lưu
Kiện mở bừng hai mắt, quát:
- Không phải ta đã nói không được đến quấy rầy ta rồi sao? Có phải là Cẩm y
vệ đến bắt người không? Bảo bọn chúng tự đến mà gọi ta!
Lão quản gia ngoài cửa rụt rè khẽ giọng đáp:
- Lão gia, Cẩm y vệ trên đường phố đều rút đi hết rồi. Bây giờ... đã đến lúc
chầu triều rồi ạ.
Lưu Kiện thở phào nhẹ nhõm, ngỡ ngàng đứng dậy: "Cẩm y vệ đã rút đi rồi à?
Không ai đến bắt mình ư?"
Đêm qua nghe tiếng pháo nổ đùng đoàn ở Đông An môn, Lưu Kiện cả kinh liền leo
lên lầu gác trong nhà trông về phía xa, vừa đúng lúc loạt đại pháo thứ hai của
Phùng Đường phát xạ, mấy căn phòng bị đạn bắn tung, bốc cháy.
Lưu Kiện trông thấy Đông tập sự xưởng xảy ra chuyện thì vội bảo gia nhân ra
ngoài quan sát song lại bị Cẩm y vệ đuổi về. Lưu Kiện nghe vậy liền biết không
hay, bèn lập tức mũ áo chỉnh tề ngồi trang nghiêm trong phòng khách chờ Hoàng
thượng đến bắt người. Không ngờ lúc ánh dương ló dạng, Cẩm y vệ lại rút đi.
Chuyện gì xảy ra vậy? Chẳng lẽ không phải Hoàng thượng bị tấu chương can gián
của bá quan làm cho nổi giận mà ngang tàng bắt giết trung lương ư?
Lưu Kiện cảm thấy mù mờ hồi lâu, lòng tự tin dần quay trở lại: "Thiên tử tuy
tuổi còn nhỏ, song cũng biết lấy giang sơn xã tắc làm trọng. Y há dám lỗ mãng
như vậy? Cho dù pháo lửa oanh kích Đông xưởng là Hoàng thượng bắt người thì
nhất định cũng chỉ là giết gà doạ khỉ, lấy đó để đe doạ bá quan. Ta thân là
người đứng đầu trong ba đại học sĩ đương triều, là trọng thần được tiên đế uỷ
thác lại há có thể so đo công danh lợi lộc cá nhân mà không đoái hoài đến
giang sơn Đại Minh? Hoàng thượng có thể không có Đông xưởng nhưng không thể
không có những người như chúng ta, bằng không lấy ai giúp ngài gánh lấy giang
sơn đây? Quyền lực của ngài có thể đối phó Đông xưởng nhưng có thể đối phó với
lòng son dạ sắt của văn võ cả triều không? Ta phải lập tức chạy vào cung tập
hợp bá quan dâng tấu trừ gian. Thành bại được thua, hoạn lộ và vận nước đều sẽ
phụ thuộc vào lần hành động này."
Lưu Kiện ưỡn ngực, khôi phục lại vẻ uy nghiêm trước đây, đằng hắng một tiếng,
rồi cao giọng quyết đoán:
- Lấy cái hốt(*) của lão phu, chuẩn bị kiệu vào chầu!
(*) thẻ bằng ngà, bằng ngọc hoặc bằng tre của quan lại, khi vào chầu sẽ cầm
hốt bằng hai tay
Bậc ngọc thềm rồng, ngói vàng mái đỏ, cột đá cẩm thạch có đôi rồng quấn quanh.
Cổng chào chạm rồng trổ phượng nguy nga sừng sững lộ ra cung điện uy vũ và
trang nghiêm. Lúc tia nắng ban mai đầu tiên rọi lên nóc điện Phụng Thiên son
vàng lộng lẫy cũng là lúc bá quan vào chầu.
Trên cầu Kim Thuỷ, dẫn đầu là ba vị đại thần tóc bạc phất phơ, áo dài ống
rộng, tay cầm hốt ngọc hiên ngang cất bước. Ở hàng thứ hai là Lục bộ Cửu khanh
đầu đội mũ ô sa vuông, bận quan phục đỏ thắm. Tiếp đó là những quan viên mặc
áo bào xanh lá và xanh lam. Từng hàng người trang nghiêm tiến thẳng vào trong
cung điện.
Chỉ sau một khoảng thời gian trao đổi ngắn ngủi ngoài Ngọ môn, tập hợp tin tức
mỗi bên có được thì các quan viên đã biết đại khái tình hình cụ thể về những
gì xảy ra ở Đông xưởng và trong cung, trong lòng ai nấy đều hiểu được vị Hoàng
đế trẻ tuổi xưa nay chỉ biết bướng bỉnh ham chơi đã giành động thủ trước rồi.
Thiên tử nổi giận, vậy thì đã sao? Hoàng thượng dù bắt một đám tôi tớ của
xưởng vệ cũng chẳng phải không dám động đến một cọng lông măng của bá quan văn
võ đó ư? Kẻ sĩ chính là chỗ dựa của xã tắc. Hôm nay tảo triều, bá quan đồng
tâm hợp lực nhất định phải ra sức khuyên can, không trừ được gian nịnh thề
không bỏ qua.
Trên điện Kim Loan, đối mặt với cái ngai vàng trống rỗng, bá quan trang nghiêm
đứng yên, sĩ khí dâng cao, đón đợi tiểu hoàng đế thăng triều...
Mặt trời đã lên cao ba con sào, bá quan nãy giờ đang kiềm nén lửa giận nay đã
chờ đợi mệt mỏi lắm rồi, đội ngũ đã mất đi sự chỉnh tề, không ít người lặng lẽ
đổi tư thế đứng để gót chân đỡ đau. Khí thế dần lặng tiêu tán.
Đám người bắt đầu trở nên mất trật tự, Tạ Thiên bực mình lớn tiếng nói với
thái giám đứng hầu:
- Đã quá giờ tảo triều rồi, xin giục Hoàng thượng mau chóng thăng điện!
Như thể đã đợi bá quan sốt ruột phải giục mình từ lâu, Ngự tiền thái giám Điền
công công đáp một tiếng, bước ra từ sau điện, chậm rãi bước lên thềm rồng, hất
cây phất trần, từ tốn đưa mắt nhìn bá quan trên điện một vòng rồi cao giọng
tuyên:
- Hoàng thượng thăng điện, bá quan tiếp giá!
- Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế! - Tiếng hô vang rền rung chuyển ngói điện
như thật lòng muốn ra oai phủ đầu Hoàng thượng.
Trong vòng một đêm, niềm tin đánh tan thế lực cường đại vốn không biết phải
đối phó thế nào của vua Chính Đức càng thêm vững chắc, y càng thêm tin tưởng
lời phán đoán và căn dặn của Dương Lăng trước khi ra đi. Cái khí thế biển gầm
núi lở đó chẳng những không thể khiến y chùn bước mà ngược lại còn khơi dậy
ngạo khí của y.
Trai muốn đẹp thì mặc đồ đen (1). Hôm nay bá quan đến đông đủ như vậy, vua
Chính Đức lại mặc một bộ thường phục rồng lượn màu đen làm tôn lên khuôn mặt
anh tuấn của y.
Y khoan thai bước ra, tự nhiên điềm tĩnh bước lên thềm rồng trong ánh mắt dò
xét của bá quan. Nhìn các bá quan đang khấu đầu quỳ gối trên đại điện, lần đầu
tiên y thật sự cảm thấy mình đứng trước mặt bọn họ mà không cần phải sợ miệng
lưỡi sắc bén của bọn họ.
Hoàng đế Chính Đức bước ra đằng sau long án, thong thả ngồi xuống, chậm rãi
quét cặp mắt sáng ngời một vòng rồi hất hàm với Điền công công, khoé môi nở nụ
cười nhẹ.
Điền công công hiểu ý bèn bước lên trước một bước, cao giọng tuyên:
- Bá quan bình thân. Mời ba vị đại nhân của Đô Sát viện, Đại Lý tự và Thông
Chánh ty bước lên nghe chỉ!
Các vị đại thần đứng dậy. Quan viên Tam ty trong Cửu khanh thoáng ngẩn ra, ngỡ
ngàng bước lên phía trước, vén áo bào quỳ xuống và hô:
- Thần tiếp chỉ!
Điền công công tuyên:
- Thánh dụ, Vương Nhạc của ty Lễ Giám và các thái giám thủ lĩnh đố kị người
tài, vì mưu đoạt ty Lễ Giám mà bịa đặt phỉ báng, hãm hại đại thần. Phạm Đình
của Đông xưởng tiết lộ cơ mật, sau lại mưu đồ gây loạn, Hoàng thượng đã hạ chỉ
lệnh cho Tây xưởng, Nội xưởng và Ngự Mã giám dẹp loạn. Nay giao phạm nhân cho
Tam ty thẩm vấn, Tây xưởng, Nội xưởng giám sát thẩm tra. Khâm thử!
Bá quan nghe vậy bèn xôn xao cả lên. Điền công công lạnh nhạt đảo mắt, quát
lớn:
- Yên lặng! Kẻ nào còn ồn ào vô lễ, sai võ sĩ điện tiền trục xuất khỏi cung!
Quan viên các viện Tam ty đưa mắt nhìn nhau. Hoàng thượng bất thình lình hạ
chỉ sai bọn họ đi xét án, bọn họ lại không thể thương nghị với các vị quan
viên trên kim điện, bèn đành phải tuân theo:
- Chúng thần tiếp chỉ!
Điền công công lại tuyên:
- Thánh dụ, đám người Lưu Cẩn và Cốc Đại Dụng của Nội giám có công tố giác và
dẹp loạn. Lập tức phái Lưu Cẩn nắm giữ ty Lễ Giám kiêm Đề đốc binh mã Đoàn
doanh, Cao Phượng làm thái giám giữ ấn, La Tường làm thái giám chấp bút, Khâu
Tụ và Nguỵ Bân làm thái giám chấp hành, Trương Vĩnh làm Đề đốc binh mã Kinh
doanh, Cốc Đại Dụng nắm giữ Đông tập sự xưởng, Mã Vĩnh Thành nắm giữ phủ Nội
vụ. Nay hiểu dụ bá quan!
Lý Đông Dương vừa nghe thì lòng liền trĩu xuống, Hoàng thượng đã hốt hết quan
viên Nội đình trong một mẻ.
Ngoài tội hãm hại vu cáo đại thần trong triều, không ngờ còn gán thêm tội danh
mưu phản không thành, tách biệt bọn chúng và chuyện diệt trừ Dương Lăng cùng
Bát Hổ ra hoàn toàn. Cho dù có người muốn cầu xin gỡ tội cho bọn chúng cũng sẽ
phải suy nghĩ thật kỹ thiệt hơn trong đó.
Đáng lo hơn là toàn bộ Đề đốc ty Lễ Giám và tứ đại thủ lĩnh thái giám đều đổi
thành người trong đám Bát Hổ, Kinh doanh và Đoàn danh cũng nằm trong tay bọn
chúng. Ty Lễ Giám này cai quản tất cả những việc lễ nghi, luật phát và canh
phòng gác cổng trong hoàng thành.
Quan trọng hơn nữa là bọn chúng coi quản tấu chương trong ngoài và ngự tiền
khám hợp (2), so với việc "Phê hồng" (3) những phiếu nghĩ (*) của Nội các,
thực quyền của nó còn lớn hơn cả Thủ phụ (người đứng đầu) Nội các. Bây giờ
muộn hạch tội bọn chúng đã là chuyện không thể.
(*) Phiếu nghĩ là tấu chương mà quan lại các nha môn trung ương và địa phương
được Nội các căn cứ theo những điều luật điển chương và pháp quy có liên quan
thay mặt xử lý sơ bộ, để chuẩn bị cho vua tham khảo. Xem hình
Từ lúc nào mà thủ đoạn của Hoàng thượng lại cay độc như vậy? Dựa vào mấy tên
Bát Hổ ngu đần đó có thể nghĩ ra được biện pháp này sao? Lý Đông Dương cùng Tạ
Thiên và Lưu Kiện lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau, không hẹn mà cùng nghĩ đến một
người.
Đã không thể trừ Bát Hổ, hôm nay chỉ có thể tránh mũi nhọn, công kích một cá
nhân của bọn chúng, chỉ cần tạo ra một kẽ hở thì mọi chuyện vẫn rất có hy
vọng. Lưu Kiện quyết định dứt khoát, cũng không kịp bàn bạc với Tạ Thiên và Lý
Đông Dương đã lập tức bước ra khỏi hàng tâu luôn:
- Hoàng thượng, thần có tấu! Dương Lăng của Nội xưởng phụng chỉ tuần sát
phương nam, dùng thuyền quan trữ riêng hàng hoá để chuyển bán kiếm lời, lại
còn thu nhận đút lót vô tội vạ. Để che đậy tội lỗi, y nguỵ tạo xảo trá, mang
lòng dâm ô, lại còn lạm sát đại quan triều đình mà y ghét. Nay y đã hồi kinh,
xin Hoàng thượng cũng giao Dương Lăng cho Tam ty trừng phạt để diệt trừ mầm
hoạ.
Hoàng thượng Chính Đức nhếch mép, nghĩ bụng: "Mấy tên này quả nhiên chưa từ bỏ
ý định", y thoáng yên lặng một chút, rồi từ tốn phản bác:
- Lưu đại học sĩ, Dương Lăng tiện đường thay phủ Nội vụ khuân chuyển một ít
vật phẩm hoàng gia mua sắm mà thôi, việc này đã bẩm báo cho trẫm từ lâu, cớ
sao lại nói trữ riêng hàng hoá, chuyển bán kiếm lời? Còn về phần thu nhận đút
lót thì đó đều là để che mắt phạm quan đang bị điều tra. Những thứ đó hiện đều
đã được nộp vào đại nội rồi. Chuyện Dương Lăng dùng diệu kế vạch trần Mạc
Thanh Hà và Viên Hùng hai thái giám trấn thủ bại hoại triều cương tội ác tày
trời, khanh không thể không biết chứ? Đại học sĩ là người đứng đầu Nội các,
nói phải có chứng cứ mới được.
Lưu Kiện nghe vậy thì hơi cứng họng. Số lượng hàng hoá trên ba chiếc thuyền đó
của Dương Lăng thật sự khổng lồ, mới chuyển có một thuyền vào trong kinh mà đã
chất biết bao xe lớn xe nhỏ, cuồn cuộn đưa vào phủ của ai thì lão biết rõ rành
rành. Nhưng đó đều là hoàng thân quốc thích, công thần huân khanh, chẳng lẽ có
thể nêu tên cả đám ra à? Về phần đồ lậu mà Dương Lăng tự mang riêng cho bản
thân y, nếu Hoàng thượng muốn che giấu cho y thì còn tra xét ra được sao?
Tạ Thiên lập tức rời khỏi hàng tâu:
- Hoàng thượng! Thần nghe nói Vương thượng thư bộ Lễ của Kim Lăng vừa tranh
cãi với Dương Lăng thì liền bị mưu sát ngay trong đêm đó. Dương Lăng rất đáng
bị hiềm nghi, nên lập tức bắt y truy vấn, tra rõ sự thật mới phải.
Vua Chính Đức mặt tựa cười mà không phải cười, y khẽ thở dài một tiếng rồi
nói:
- Nghe nói? Lại là nghe nói! Ở đây trẫm lại có bằng chứng, rằng một đám nô
tài của ty Lễ Giám vì hãm hại Dương khanh nên lập kế sát hại Vương thượng thư
rồi giá hoạ cho Dương khanh. Chuyện này có khẩu cung của Đới Nghĩa ở ty Lễ
Giám và phong thư lục xét ra được từ chỗ của Phạm Đình. Trẫm đang muốn Tam ty
cùng tra vụ án này một lượt, nếu Tạ ái khanh hứng thú chi bằng cũng đi dự thẩm
án vậy.
Lại là một đòn trời giáng, Tạ Thiên cũng cứng họng đứng ngây ra đó. Trong lòng
lão vốn cũng hoài nghi đó là độc kế Đông xưởng nhằm lôi kéo được nhiều quan
viên hơn, có điều vì tình thế cấp bách cho nên lão không thể không vịn theo.
Lòng mang nặng quan niệm bảo thủ, Tạ Thiên hiển nhiên hết sức tin tưởng lời
nói này của Chính Đức, thế là trong nhất thời cũng không biết nên che giấu
lương tâm, hy sinh Vương Quỳnh mà tiếp tục hãm hại Dương Lăng để bảo toàn đại
nghĩa, hay là nên báo thù cho vị đồng liêu chết oan này cho tận nghĩa riêng.
Bá quan trên điện thì như bùng nổ, bất chấp thất lễ trước mặt quân vương.
Không ngờ từng là đồng minh lại chính là hung phạm lập mưu hãm hại Vương
thượng thư. Không lẽ những lời đồn đãi liên tục đó thật sự là gian kế của Đông
xưởng? Một bộ phận quan viên bắt đầu đã bị dao động, cái khí thế kiên cường
thề trừ gian diệt nịnh đó đã mất sạch sành sanh.
Lý Đông Dương cụp mắt lại, hít một hơi rồi ghìm giọng hỏi:
- Hoàng thượng! Đông xưởng cách xa ngàn dặm, sao có thể biết Vương thượng thư
sẽ bày tiệc mời Dương Lăng trước đó? Sao lại biết đôi bên sẽ trở mặt trên bàn
tiệc? Việc này quá sức lạ kỳ, chỗ đáng ngờ trong đó rất nhiều, có thể tuyên
triệu Dương đại nhân lên điện để hỏi một chút chăng?
Hoàng thượng Chính Đức chau cặp mày kiếm, khuôn mặt tuấn mỹ chợt bùng lên một
sự phẫn nộ, y cao giọng:
- Chỗ đáng ngờ rất nhiều? Tại sao Trương Tú của Cẩm y vệ lại bày mai phục ở
Thiên Tân vệ? Tại sao Đông xưởng lại phái ra hơn hai vạn phiên tử chặn mọi nẻo
đường về kinh? Bọn chúng năm lần bảy lượt ngăn cản Dương khanh hồi kinh, rõ là
vì trong lòng có quỷ nên sợ điều ác mình làm bị bại lộ!
Đoạn y đập bàn, cả giận quát:
- Dương khanh hiện vẫn còn đang trên đường về kinh, vừa nãy trẫm đã hạ chỉ
lệnh cho Lưu Cẩn dẫn quan binh Thần Cơ doanh đi trước để tiếp ứng. Nếu như
Dương khanh có gì sơ xuất, trẫm nhất định sẽ bắt đám nô tài đó đền mạng!
"Dương Lăng vẫn chưa hồi kinh?" Lý Đông Dương nghe mà cả kinh. Bắt giữ một đám
quan viên Nội đình quan trọng của ty Lễ Giám, bí mật điều binh tiêu diệt Đông
xưởng, đàn áp các Doanh của cả Cửu thành, chẳng lẽ một loạt những hành động
vừa thận trọng vừa hiểm độc này đều là chủ ý của đương kim Hoàng thượng?
Kế hoạch mà ty Lễ Giám và bọn họ ngầm thoả thuận là trong khi Dương Lăng đang
trên đường về kinh thì bá quan sẽ dâng sớ can vua, kế tiếp lấy tội danh chống
lại lệnh bắt giữ mà giết chết Dương Lăng. Đông xưởng đột nhiên thay đổi kế
hoạch, tận sức tận lực ngăn cản Dương Lăng hồi kinh, chẳng lẽ thật sự bởi vì
trong lòng có quỷ ư?
Lý Đông Dương là Thái phó của hoàng đế Chính Đức nên biết rất rõ tính tình của
vị tiểu hoàng đế này. Tiểu hoàng đế thông minh dũng cảm, nhưng tuyệt đối không
có loại cơ trí này, sẽ không thể có thủ đoạn này.
Nếu như Dương Lăng vẫn chưa vào kinh vậy thì hành động đêm qua ắt phải xuất
phát từ gợi ý của Bát Hổ. Chẳng lẽ tám cái tên hoạn quan chỉ biết gièm pha
nịnh hót này lại giả chó để ăn hổ: đầu tiên cố ý kích cho bá quan phẫn nộ, kế
đó dẫn dụ Đông xưởng giá hoạ Dương Lăng để di dời ánh mắt của bá quan, đồng
thời ép Dương Lăng phải ngồi cùng thuyền với bọn chúng, sau cùng đến lúc mọi
người không để ý đến tác dụng của bọn chúng nữa thì đột ngột ra tay đoạt lấy
quyền hành?
Lý Đông Dương thạo về bày mưu vạch kế cho nước mà lại kém về tính kế cho bản
thân, nào có thể nhìn rõ được âm mưu quỷ kế vô cùng tinh tế này. Lão càng nghĩ
càng cảm thấy có lý.
Kẻ có lợi nhất trong hồi biến cố này chính là Bát Hổ. Dương Lăng chẳng những
không được chút lợi lộc nào mà dưới sự vây bắt của hơn hai vạn nhân mã, có thể
sống trở về hay không vẫn còn khó nói đây. Lẽ nào Dương Lăng và chúng ta đều
đã bị lợi dụng, trở thành con cờ trên bàn cờ mặc cho người ta bố trí rồi sao?
Rồi như thể chưa nguôi cơn giận, Chính Đức hổn hển đứng dậy, nói:
- Hôm qua ty Lễ Giám gây loạn trong cung, hai vị lão nhân gia Thái hoàng thái
hậu và Hoàng thái hậu cũng bị hoảng sợ, trẫm phải đến hậu cung thăm viếng. Nếu
như các khanh có chuyện quan trọng thì để sớ lại chờ duyệt đi. Thoái triều!
Cũng không đợi đám quan dập đầu bái lạy, hoàng đế Chính Đức bèn bước xuống ngự
thềm rồi lách vào sau bình phong mất dạng.
Lưu Kiện ngạc nhiên quay người lại, lão thấy mấy trăm ánh mắt đều tập trung
lên người đợi lão đưa quyết định. Lão là lãnh tụ của bá quan, bày ra trận địa
to lớn như vậy nếu chỉ tố cáo một tiếng rồi bỏ qua thì uy tín của lão sẽ rớt
sâu ngàn trượng, thanh danh trong giới học sĩ quan trường cũng sẽ mất sạch.
Nội đình bị san bằng với tội danh gây loạn, không hề liên can gì với tội danh
mà bọn họ cáo buộc cho Dương Lăng và Bát Hổ. Lão đã không thể tiếp tục bước
trên con đường "trừ gian" này được nữa.
Nhưng hiện tại Bát Hổ nắm quyền lớn trong tay, mất đi sự phối hợp của Nội đình
liệu lão còn có thể buộc tội được sao?
Từ trong ánh mắt của rất nhiều quan viên, lão đã nhìn thấy một sự xa lạ, đã
không còn đó sự tín nhiệm mù quáng, một người hô trăm kẻ dạ, cùng tiến cùng
lùi nữa. Thái độ của rất nhiều người đối với Dương Lăng đã bị dao động.
Công khai lên án Dương Lăng dường như khó mà có được lý lẽ chính đáng nữa. Lên
tiếng phê phán Bát Hổ đang bừng bừng khí thế, quyền bính trong tay, có công xả
thân dẹp loạn lại là một quyết sách chính trị hết sức ngu xuẩn, bảo lão làm
sao làm đây?
Lưu Kiện lộ một nụ cười chua chát nơi khoé môi: sức mạnh là con dao hai lưỡi,
nếu không thể làm người bị thương tất kẻ bị thương sẽ là mình. Lão dựa vào
phẩm chất và uy đức mới có được sự tín nhiệm của bá quan. Muốn bảo vệ phẩm
chất và uy đức này thì lão sẽ không thể "biết khó mà lùi" chỉ bo bo giữ mình
được.
Sức mạnh từng khiến lão có thể hô mưa gọi gió một thời giờ lại đang đẩy lão,
đẩy lão lên một vực thẳm chính trị mà đạo nghĩa không cho phép quay đầu...
Mỹ tửu hà bạn hiểm tượng sanh, sầu sát nhân, tiền vô tiến lộ, hậu vô thối
lộ...(*)
(*) trích trong bài "Dải cờ đỏ trên trái đất" của nhà thơ cách mạng Nguỵ Nguy
魏巍. Tạm dịch: Đang uống rượu ngon bên sông bỗng gặp phải cảnh hiểm nguy, lo
đến chết lòng người, phía trước không lối đi, đằng sau không lối thoát...
Dương Lăng cùng Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm đang trên đường hồi kinh.
Y rời kinh ngay trong đêm song không ngờ lại không theo kịp tốc độ truyền loan
của tin tức Đông xưởng bị tiêu diệt mà sáng sớm ngày hôm sau mới bắt đầu
truyền ra khỏi kinh. Đám phiên tử Đông xưởng vừa hay tin liền hoang mang lo
lắng không biết phải làm sao, thế là cái đám phiên tử Đông xưởng vừa ra khỏi
kinh thành diễu võ giương oai, ngông cuồng tự đại bèn cúp đuôi ảo não chạy về.
Giữa đường, đám người giang hồ vừa được thu nạp gần đây bắt đầu lén bỏ đi, lại
chui vào núi rừng (*) để kiếm ăn.
(*) nguyên văn Tam sơn Ngũ nhạc, thành ngữ phiếm chỉ các ngọn danh sơn hoặc
các nơi
Lúc Dương Lăng tìm được bọn họ, bốn mươi tay thị vệ chỉ còn lại hai mươi sáu
người, quá nửa đã bị thương. Chiếc xe ngựa vốn cực kỳ hào hoa và chắc chắn
cũng long tróc trật trẹo, lắc lư sắp rã, cắm vương vãi khắp trên mui xe là
những mũi tên lông đuôi diều hâu, có thể suy ra bọn họ đã trải qua bao nhiêu
trận chiến tàn khốc.
Trông thấy vậy tim Dương Lăng muốn nhảy khỏi lồng ngực, cuống quýt nhảy xuống
ngựa chạy đến bên xe. Cưỡi ngựa suốt một ngày một đêm, đi được đến đây y cũng
đã không còn chút sức lực, vừa thấy Cao Văn Tâm nghe tiếng chạy ra khỏi xe và
bình an vô sự, y liền gần như thoát lực mà khuỵu xuống.
Cao Văn Tâm lật đật chạy tới, cũng mặc kệ đang có nhiều người xung quanh như
vậy bổ nhào vào lòng Dương Lăng, không cầm được mà nước mắt tuôn đầy hai má.
Nàng không sợ vì Dương Lăng mà chết, song có thể sống để gặp lại y đã khiến
nàng mừng đến rơi lệ.
Thành Khởi Vận cũng hờ hững bước tới mấy bước rồi mới mỉm cười dừng lại, môi
hé mở, khuôn mặt hiện lên một nụ cười dịu dàng nhàn nhạt. Thì ra cái cảm giác
suýt chết lại được trùng phùng khiến người ta xúc động như vầy.
Kế hoạch của bọn họ vốn rất chu đáo, duy chỉ quên có một điểm: đó là chiếc xe
ngựa. Tiểu Lâu và Cao Văn Tâm đều không biết cưỡi ngựa, hơn nữa ngồi trong xe
kín đáo chắc chắn cũng an toàn hơn. Nhưng mà một chiếc xe ngựa chắc bền lại do
bảy tám con ngựa kéo phóng băng băng tròng trành xóc nảy cả ngày trong đồng
không mông quạnh, không đường không lối thì tuổi thọ của nó còn được bao nhiêu
chứ?
Vì cái sơ suất nhỏ xíu này nên thiếu chút nữa tính mạng của bọn họ đã bị chôn
vùi. Chạy chầm chậm thì bánh xe còn quay được, song khi phóng nhanh thì bánh
xe thực sự không quay kịp, chiếc xe chẳng khác nào bị tám thớt ngựa kéo trượt
trong bùn đất. Chỉ cần cứ tiếp tục như vậy khoảng chừng hai dặm nữa thì cả
chiếc xe sẽ bị long ra.
Ban đầu Tiểu Lâu hạ lệnh rút quân, lui vào gia nhập với quan binh vệ sở ở
Thạch Gia trang, giữa đường lại không thể không dừng lại, bị phiên tử ở mấy lộ
tập hợp đồng loạt truy đuổi theo đến, thế là hai bên triển khai giáp chiến.
Khó khăn lắm bọn họ mới vừa đánh vừa lui về được đến nơi này, cách vệ sở còn
có năm dặm bỗng nghe từ xa lại có tiếng vó ngựa dồn dập, còn tưởng lại có đại
quân nha sai Đông xưởng đuổi đến, nhìn kỹ lại thì thấy là nhân mã của Dương
Lăng nên không khỏi mừng như điên.
Dương Lăng cũng đã mệt mỏi đến rã rời, buộc lòng phải chui vào trong chiếc xe
ngựa mà đi đường cứ lắc qua lắc lại như múa ương ca (*) đó, chuẩn bị đến thị
trấn phía trước mới đổi xe mới.
(*)ương ca: loại hình vũ đạo dân gian lưu hành chủ yếu ở vùng nông thôn miền
bắc Trung quốc, có vùng còn biểu diễn câu chuyện, dùng chiêng trống đệm nhạc,
có vùng cũng biểu diễn câu chuyện nhưng giống như hình thức ca vũ kịch
Hai mươi sáu tay thị vệ sức tàn lực kiệt, ai nấy trên người ít nhiều đều mang
thương tích, nhưng có như vậy thì sau khi về kinh mới thích hợp để "triển lãm"
cho người ta xem. Dương Lăng đành phải nhẫn tâm mang bọn họ cùng gấp rút lên
đường, đợi khi về kinh rồi mới nghỉ ngơi dưỡng thương thật tốt.
Mấy ngày đêm qua dù có lúc tạm thời thoát ly khỏi sự truy đuổi của địch, tránh
được vào vùng hoang dã nhưng Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm vẫn chưa hề được
ngon giấc, cặp mắt đã thâm quầng. Dương Lăng nhìn thấy mà đau lòng, bèn ôm lấy
vai Cao Văn Tâm, nhẹ giọng bảo:
- Văn Tâm, dựa vào vai huynh nghỉ một chút đi, đợi đến thị trấn phía trước
đổi xe lớn rồi muội nghỉ ngơi cho khoẻ.
Cao Văn Tâm kề sát y như vậy, lại được y dịu dàng quan tâm như thế chỉ cảm
thấy mọi cực khổ trải qua đều xứng đáng cả, lúc đầu nàng chỉ dựa vào vai Dương
Lăng để nghỉ ngơi nhưng dần dần bị chiếc xe đong đưa qua lại, cơn buồn ngủ kéo
đến, nàng từ từ ngã vào lòng y mà ngủ một cách ngon lành.
Thành Khởi Vận ngồi bên kia Dương Lăng, thấy y cẩn thận từng li từng tí ôm Cao
Văn Tâm vào lòng, che chở vỗ về thì trong mắt không khỏi hiện lên vẻ hâm mộ.
Đến khi Dương Lăng quay đầu qua, vẻ mặt của nàng lại thoắt cái đã khôi phục sự
bình tĩnh.
Dương Lăng mỉm cười nói với nàng:
- Nhị đáng đầu cũng nghỉ ngơi một chút đi, ba dặm tới sẽ có một thị trấn nhỏ,
đến nơi đó chúng ta sẽ nói chuyện tiếp.
Được người ta xưng hô bằng chức quan vốn là một việc mãn nguyện biết dường
nào, nhưng lúc này đây Thành Khởi Vận lại không cảm thấy vui tai chút nào,
trong lòng hơi có chút mất mát. Nàng gượng cười, lại nghĩ rằng Dương Lăng đã
chạy được đến nơi này vậy đại cuộc trong kinh tất đã định, lòng thích công
danh lợi lộc của nàng thoáng lại đã chiếm thượng phong.
Nàng phấn khởi hỏi:
- Đại nhân, đại cuộc trong kinh có phải đã định rồi không?
Dương Lăng gật nhẹ đầu đáp:
- Ừm, những kẻ nào có thể động tay đều đã bị chặt mất tay đi, còn những kẻ có
thể động mồm mép đó cũng không đáng lo, sau khi trở về kinh chậm rãi tiêu
khiển là được.
Thành Khởi Vận nghe xong lời nói dí dỏm của Dương Lăng thì không khỏi nhoẻn
miệng tươi cười. Nàng đưa những ngón tay búp măng như ngọc tháo mũ quan ra,
búi mớ tóc mai xoã rối khi trốn chạy lên rồi nhét vào lại trong mũ.
Do thói quen lâu năm, tuy rằng mới vừa trải qua cuộc huyết chiến sinh tử, thân
thể lại mệt mỏi rã rời song lúc ngửa cần cổ cao vút trắng mịn, cử chỉ ấy vẫn
vô cùng ưu nhã, động tác của mười ngón tay cũng tao nhã tựa hoa lan.
Đang đội mũ quan lại, trong lúc ánh mắt di chuyển nàng chợt thấy Dương Lăng
đang nhìn động tác của mình, khuôn mặt liền nóng rần rồi vội mỉm cười che
giấu:
- Đại nhân, ty Lễ Giám có quyền "Phê hồng", ngày trước mỗi khi Mạc Thành Hà
nhắc đến chức quan của ty Lễ Giám thì hâm mộ không thôi, vị trí cao quý đó sẽ
đủ để đối chọi với ngoại đình, cũng là vị trí quan trọng nhất mà lần hành động
này bỏ trống. Lúc đại nhân hồi kinh không hề bàn bạc và xác định những nhân
tuyển cho vị trí này, vậy bây giờ do ai làm vậy?
Dương Lăng nói:
- Là một nội giám hầu hạ bên cạnh Hoàng thượng lúc người còn làm thái tử, tên
là Lưu Cẩn, lúc rời cung ta và Hoàng thượng đã bàn bạc và quyết định chuyện
này. Tiêu diệt Đông xưởng xong sẽ do lão ta đảm nhiệm chức ấy.
Thành Khởi Vận vui mừng nói:
- Ồ? Là người thân cận từng theo hầu khi Hoàng thượng còn làm thái tử à? Vậy
là người đắc lực rồi, chúng ta có một người như vậy bên cạnh Hoàng thượng, sau
này hành sự sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Dương Lăng suy nghĩ một chút rồi lắc đầu nói:
- Người này... cũng không hẳn là người của chúng ta.
Thành Khởi Vận vừa nghe liền sốt sắng, buột miệng hỏi:
- Sao chứ? Như vậy sao được? Một khi quyền rơi vào tay, nếu như lão cũng bừng
dã tâm cùng chúng ta tranh quyền thì làm sao? Lẽ ra đại nhân phải nên nắm ty
Lễ Giám trong tay mới phải.
Dương Lăng nhướng mày nói:
- Vậy trừ khi bản quan lập tức vung đao tự thiến.
Thành Khởi Vận tuy không sợ "đồ mặn" song nghe vậy cũng hơi ngượng ngùng mắc
cỡ, nàng đỏ mặt nói:
- Ý ty chức là... đáng lẽ đại nhân nên giao ty Lễ Giám vào tay một người chịu
nghe lời người mới phải.
Dương Lăng thở dài rồi đáp lại:
- Ta còn không hiểu cái lý lẽ này sao? Nhưng trong nội giám ta vốn không quen
biết mấy người, nếu đề xuất bừa một ai đó thì cô nghĩ Hoàng thượng sẽ chịu để
gã đảm nhiệm chức vụ trọng yếu như vậy ư? Vị trí quyền lực bị bỏ trống, mấy kẻ
hầu hạ cận kề Hoàng thượng đó nhất định sẽ muốn lấp vào, nếu cùng chúng tranh
quyền đoạt lợi sẽ khiến chúng biết chúng ta đang đề phòng, cho nên thà cố tỏ
ra hào phóng vậy.
Thành Khởi Vận không nói gì, một hồi sau mới hỏi:
- Sau khi đại nhân vào kinh dường như đã lo nghĩ chu toàn, kế hoạch lại đã
thay đổi một chút, vậy Đoàn doanh và Kinh doanh thì sao? Chắc cũng không nằm
trong tay người mà đại nhân có thể khống chế hoàn toàn phải không?
Nghe trong ngữ khí của nàng mang theo chút quở trách, Dương Lăng giải thích:
- Những người này ít nhất trước mắt sẽ không làm khó chúng ta, tương lai nói
không chừng cũng sẽ có tác dụng lớn. Không phải là ta không muốn khống chế mà
hoàn toàn là không có người thích hợp để tiến cử.
Đoạn y khẽ thở dài một hơi, giọng xa xăm:
- Lúc bản quan và Hoàng thượng thương nghị về những nhân tuyển này, ta mới
đột nhiên phát hiện ra rằng ta vốn không có bao nhiêu người có thể dùng được.
Ta thăng tiến quá nhanh, giống như một gốc cây mọc lên vội vã. Trong khoản
thời gian ngắn ngủi này ta vốn không kịp tạo ra mạng lưới quan hệ cho chính
mình. Rễ của ta quá nông vẫn chưa thể bám chặt vào đất, cành của ta cũng quá
yếu vẫn chưa thể chịu được phong ba. Nếu ôm hết thảy quyền lực vào trong tay
mình thì vinh quang vô tận của ngày hôm nay chưa hưởng được mấy đã biến thành
dao sắc kề cổ.
Ánh mắt chợt loé lên, y khẽ giọn:
- Cây cao gió cả (4). Chỉ có biến những kẻ này thành một khu rừng thì chúng
ta mới có thể an toàn ẩn nấp trong đó rồi từ từ phát triển.
Dương Lăng nói xong thấy Tiểu Lâu không đáp lại thì quay đầu nhìn nàng, chỉ
thấy nàng đang dùng ánh mắt thú vị nhìn y, bèn hỏi:
- Cô nhìn gì vậy?
Tiểu Lâu nhoẻn miệng cười duyên, ngọt ngào nói:
- Đại nhân nói phải đó, đầu năm đại nhân mới bắt đầu làm quan, cuộc sống vẫn
còn rất dài mà. Ty chức... không nên nóng vội như vậy.
Đã lâu Dương Lăng không nghe nàng dùng giọng nói ngọt ngào như vậy, mà quả
thực y cũng không hiểu nàng đang nói gì.
Y cảm thấy không được thoải mái bèn vặn người, chợt nghĩ đến cái kỳ hạn một
năm mà chính mình lúc này cũng đang rất mơ hồ, thế là lại thở dài một hơi.
Tiếng thở dài của Dương Lăng vừa dứt, vầng trán sáng mịn của Tiểu Lâu đã dựa
lên vai y, thở hắt ra một hơi dài rồi nhẹ nhàng nói:
- Đại nhân, ty chức cũng rất mệt rồi, xin mượn vai người dùng một chút.
Chú thích:
(1) nguyên văn "Nam yếu tiếu, nhất thân tạo". Màu đen là màu của sự oai
nghiêm, nên thường được dùng trong trang phục đàn ông.
(2) đối chiếu hợp ấn. Thời xưa, công văn được đóng dấu ở chính giữa, xé đôi,
đương sự mỗi người giữ một nửa, gọi là khế, đến khi cần dùng thì sẽ ghép lại,
đối chiếu mối ghép con ấn, làm bằng chứng.
(3) Công văn của quần thần tấu lên do hoàng đế đích thân phê duyệt, những thứ
khác thì do quan viên Ty lễ giám mô phỏng theo nét bút trên tấu chương của Nội
các mà sao chép, hoặc phụng chỉ sửa đổi, rồi dùng bút đỏ phê lên, gọi là "Phê
hồng" (phê bằng bút đỏ).
(4) nguyên văn "Mộc tú vu lâm, phong tất tồi chi": cây trong rừng mà quá nổi
bật thì sẽ bị gió thổi gãy. Ý nói một người mà xuất chúng thì sẽ bị ghen ghét
và đố kị.