Băng Tinh Hàn


Người đăng: lmknickmail@

Người đó quả đúng là Lỗ Ân. Ông ta đã xuống nước khá lâu, nhưng vẫn chưa phát
hiện được thứ gì đáng giá, cũng chẳng gặp phải thứ gì đáng sợ. Đang chuẩn bị
ngoi lên, chợt phát hiện thấy trong làn nước xa xa ở mé bên phải phía trước
mặt có một đám gì hỗn loạn, nhưng ông không dám lại gần. Ông ta định đợi thêm
một lát rồi tính, biết đợi chờ đôi khi sẽ được làm ngư ông đắc lợi.

Nhưng chờ đợi trong nước không giống như chờ đợi trên bờ, không thể tính toán
bằng lòng kiên nhẫn, bởi vì còn phải tính đến điều kiện sinh tồn. Ông cần phải
lấy hơi, nếu không, chờ đợi cũng sẽ đồng nghĩa với chết ngạt.

Khi Lỗ Ân ngoi lên để thở, liền phát hiện bên dưới mặt nước có một lớp băng.
Lúc này ông mới nhận ra, tia chớp ngoằn ngoèo phía dưới mặt nước mà ông nhìn
thấy khi còn đứng trên thềm đá kỳ thực ra chính là vết nứt khi mặt băng rạn
ra, và ông đã xuống nước từ một khe nước trào lên sau khi băng nứt. Chẳng
trách khi giao chiến với ba nhân khảm vô hình, gã nhân khảm nấp dưới ao có thể
vừa chạm nước đã bật lên, thì ra ngay dưới mặt nước có lớp băng làm điểm thực.

Phương pháp lấy hơi của Lỗ Ân rất đặc biệt, ông nằm ngang người ngửa mặt, chỉ
đưa hai lỗ mũi nhô lên khỏi mặt nước, như vậy người trên bờ sẽ không dễ dàng
phát hiện ra. Đó là phương pháp lấy hơi hoàn hảo trong khi mai phục dưới nước.

Khi Lỗ Ân tiếp tục lặn xuống, ông chợt phát hiện vầng “mặt trời” tròn trong
trăng khuyết đã không còn nữa. Không biết là do từ vị trí này không nhìn thấy,
hay là nó đã di chuyển?

Lỗ Ân hết sức thận trọng di chuyển thân mình sát mặt băng, tiếp tục quan sát
xem vật thể đó vẫn còn hay đã mất.

Khi di chuyển sát dưới mặt băng, ông cảm thấy nhiệt độ nước ở đây có sự khác
biệt rất lớn, dường như giữa lớp nước giáp với mặt băng và lớp nước phía dưới
có một tầng ngăn cách, nhưng tầng ngăn cách này không phải đường thẳng, mà là
một đường chéo như hình rẻ quạt. Bởi vậy lớp băng ở đây chỗ dày chỗ mỏng. Chỗ
mỏng có thể một quyền đấm vỡ, chỗ dày có dùng đá đập búa bổ cũng chưa chắc suy
chuyển, chẳng trách gã nhân khảm trong nước có thể mượn lực từ mặt băng để bật
cao đến thế.

Một đám đen đặc xúm xít với nhau đang di chuyển rất nhanh về phía ông. Vì chỗ
này rất sâu, ánh sáng rọi xuống từ mặt ao không đủ soi sáng, nên rất khó nhìn
rõ. Nhưng Lỗ Ân đoán rằng chúng hẳn cũng tương tự với con quỷ nước đã nhảy ra
từ chậu lá sen, tim ông thoắt cái đã nhảy lên tận họng. Ông lập tức thu nhỏ
hoạt động của tứ chi, khẽ khàng trườn xuống đáy nước.

Ông lao chênh chếch xuống phía dưới, rất gần với vật thể trong suốt lấp lánh
kia. Vốn dĩ có thể nhìn thấy nó sớm hơn, nhưng vì cảm giác lạnh cóng nên nhất
thời chưa thể nhìn rõ. Nhưng giữa ông và vật thể đó bị ngăn cách bởi một cây
cột lớn hình vuông đen trũi, cản trở tầm nhìn, cũng chặn luôn sự lan truyền
của hàn khí.

Lỗ Ân tiện tay cầm lấy đầu sợi dây thừng đang ngậm trong miệng buộc vào một
mấu lồi ra trên cây cột. Ông biết nếu muốn chiến đấu hay giằng co, sợi dây
thừng sẽ trở thành vật cản. Nhưng nếu ông ứng phó không lại, có thể lợi dụng
sợi dây thừng để thoát thân lên bờ. Ông nấp sau cây cột, lén nhìn xem lũ quỷ
kia muốn làm gì. Ông chợt nhìn thấy một thân người đang trôi nhanh về phía vật
thể trong suốt, chốc lát đã bị đông cứng, vẻ như sắp chết đến nơi.

Vật thể trong suốt sáng trắng kia chính là nguồn phát ra hàn khí.

Dưới ánh hàn quang lờ mờ sắc trắng, Lỗ Ân đã nhận ra người sắp bị đông cứng
kia chính là Ngũ Lang. Nhưng ông không lập tức hành động, mà trước tiên ông
thận trọng ước lượng khoảng cách giữa mình, Ngũ Lang, vật thể tỏa ra hàn khí
và lũ quỷ nước, sau đó mới lựa chọn một góc độ thích hợp để nhanh chóng hành
động.

Khi Lỗ Ân kéo Ngũ Lang ngoi lên mặt nước để lấy hơi, đó là ở trong một miệng
giếng. Lỗ Ân không biết đó là nơi nào, nhưng Ngũ Lang thì biết. Đó là mũi
rồng, nhưng nhất thời anh ta không phân biệt được đây là lỗ mũi bên trái hay
bên phải.


  • Ngũ Lang, có tìm được gì ở phía dưới không? – Lỗ Ân hỏi, giọng có phần sốt
    sắng.


  • Không biết, Liễu Nhi xuống trước, con vừa xuống đã phải đánh nhau túi bụi
    với lũ quái vật kia! – Ngũ Lang lúc nào cũng chỉ biết nói thật, đây là điều Lỗ
    Ân không cần phải nghi ngờ.


  • Bây giờ, ngươi hãy nhớ kỹ lời của ta! Cái thứ phun khí lạnh lúc nãy gọi là
    “băng tinh thổ hàn”, muốn phá được nó, cần phải phong kín miệng nhả hàn khí.
    Ngươi hãy tìm cách tiếp cận nó từ bên cạnh, bịt kín miệng của nó lại là được!
    – Giọng nói của Lỗ Ân có phần run rẩy, vì nước ở gần miệng giếng này quả thực
    giá lạnh vô cùng. Ông cố gắng đạp nước đẩy cơ thể lên cao, vì bên dưới có một
    tầng nước lạnh buốt hơn, cần phải tránh xa.


“Băng tinh thổ hàn” là một truyền thuyết do khách đi thuyền từ ngoại quốc kể
lại. Họ nói rằng ở phương nam của biển lớn có một vùng cực nóng, đỉnh núi
thường xuyên khạc lửa, phun ra đá lửa đỏ rực, có thể đun sôi cả một vùng biển
lớn. Đem đá này tới vùng cực lạnh ở phương bắc, nó sẽ nhả hết nhiệt nóng và
thu hút hàn khí. Đợi đến khi nó hút no hàn khí, khối đá sẽ không còn cứng nữa,
cầm vào tay cảm giác như bông. Nhưng đó chỉ là truyền thuyết, chưa ai được tận
tay sờ vào xem nó cứng hay mềm; cho dù sờ được vào, cũng sẽ đông cứng thành
băng chỉ trong nháy mắt.

Loại đá này được gọi là “băng tinh miên thạch”(), hàn khí của nó chỉ có “băng
phách hàn ngọc”(*) mới có thể phong tỏa được. Bởi vì mật độ của băng phách
hàn ngọc có thể ngăn cản không cho hàn khí phát tán ra ngoài. Người ta dùng
băng phách hàn ngọc để chế tạo thành vật đựng kín mít, sau đó trổ một cái cửa
có thể đóng mở, để khống chế hàn khí tỏa ra theo đúng phương vị, góc độ và
phạm vi mong muốn, đó chính là “băng tinh thổ hàn”.

(*) Có nghĩa là đá bông tinh băng. (Nd)

(**) Có nghĩa là ngọc lạnh phách băng. (Nd)

Lỗ Ân vốn là người Định Hải, từ nhỏ đã nghe được truyền thuyết này từ những
người đi biển, nhưng ông không tin. Mãi tới sáu năm trước đây, khi cùng Lỗ
Thịnh Nghĩa tìm đến thác Lạc Thạch tại núi Thiên Cung tỉnh Chiết Giang cùng
đối phương tranh đoạt “kính thạch thiên thư”(*) bên dưới dòng thác. Họ đã tìm
ra vị trí cất giấu nhanh hơn đối phương. Nhưng dòng thác cao cả trăm thước,
không chỉ nước xối cực mạnh, mà còn liên tục có đá tảng đổ từ trên cao xuống.
Đáng sợ hơn nữa, trong thác có loài rận nước cực độc, dính vào da chạm vào máu
là chết tức thì. Họ đã nghĩ ra rất nhiều cách mà vẫn không thể lôi được bảo
bối ra.

Bởi vậy, họ đành quay trở lại Thái Hồ tìm ngư phủ “rùa gai” Du Hữu Thích mượn
tấm áo giáp đồng xuyên nước(**) để vào lấy báu vật. Nhưng đến khi họ trở lại,
“kính thạch thiên thư” đã bị người ta lấy mất. Dòng thác cao trăm thước chỉ
còn vài tia nước lơ thơ, băng kết trên thác và đầm nước dưới chân vẫn chưa tan
hết. Lúc đó giữa tháng năm, có thể khiến cả thác nước đóng băng, họa có là
thần tiên. Lỗ Thịnh Nghĩa cho rằng có lẽ trời không giúp mình, nên buồn bã
quay về. Lúc đó Lỗ Ân đã nghĩ đến “băng tinh thổ hàn”, nhưng lại không nói ra.
Vì ông vẫn cho rằng đó là thứ không có thực.

(*) Sách trời trong đá gương. (Nd)

(**) Do Khương Tử Nha chế tạo, nguyên liệu lấy từ đồng của cây cột đồng mà Trụ
Vương dùng để thiêu đốt người, trong thứ đồng này chứa đựng tinh huyết và oán
khí của những người từng bị ống đồng nung chết.

Hiện giờ, Lỗ Ân vẫn chưa thể xác định vật thể đó là thứ gì. Nếu nó quả thực là
băng tinh thổ hàn, cũng không biết phương pháp của mình có hữu dụng hay không.
Nhưng giờ đây cũng chẳng còn cách khác, đành phải liều thử chiêu này xem sao.

Họ lại tiếp tục lặn xuống nước. Trước mệnh lệnh của sư phụ, Ngũ Lang cũng
không bao giờ chần chừ. Anh ta di chuyển về phía sau cây cột vuông, sau đó bám
sát đáy nước tiến đến gần vật thể kia. Băng tinh thổ hàn trông có vẻ giống như
một cái hũ, đã là cái hũ thì chắc chắn sẽ có miệng hũ. Ngũ Lang biết nhiệm vụ
của mình là bịt miệng hủ lại, nhưng lấy gì để bịt đây?

Anh ta di chuyển mấy vòng quanh miệng hũ, nhưng không tìm ra cơ quan để đóng
hũ lại. Thế là anh ta chuyển sang tìm kiếm trên thân hũ, cũng không phát hiện
được gì. Giờ thì chỉ còn lại một vị trí chưa động đến đó chính là đáy hũ.

Người thô lỗ vẫn chỉ là người thô lỗ, anh chỉ biết hành động, mà rất ít khi
biết cân nhắc trước sau. Anh ta thậm chí chẳng buồn nghĩ ngợi, đã đẩy nghiêng
cái hũ đi, rồi ngó nghiêng xuống dưới đáy.

Vừa nghiêng hũ, Ngũ Lang loáng thoáng nghe thấy những tiếng leng keng như của
dây xích. Anh ta cũng chẳng để tâm, chỉ chúi mũi vào quan sát phần đáy hũ,
nhưng vẫn không thấy gì khác lạ. Đến khi ngẩng đầu lên, anh ta mới phát hiện
trước mặt đã xuất hiện thêm nhiều chiếc hũ hình dạng giống hệt nhau, nhưng
kích thước lại lớn nhỏ bất nhất.

Sáu cái, đã xuất hiện thêm sáu cái hũ nữa, cái cao cái thấp, lơ lửng trong
nước. Có thể lờ mờ nhìn thấy chúng được nối với nhau bởi thứ gì đó, trông
giống những sợi dây xích lớn.

Ngũ Lang khựng lại một chút, anh ta ý thức được rằng có lẽ mình đã phạm sai
lầm, nhưng là sai lầm gì thì lại không biết. Anh ta từ từ hạ cái hũ trở về vị
trí ban đầu, nhưng đột nhiên, sợi xích phía sau cái hũ rung lên một cai. Một
trong sáu cái hũ mới xuất hiện bỗng lật nhào trở lại. Ngũ Lang đột ngột cảm
thấy có một luồng nước lạnh cực mạnh lao thẳng về phía mình, phạm vi rất rộng,
không thể tránh né, nên bị đâm sầm một trời giáng. Đúng vậy, luồng nước không
chỉ giá lạnh dị thường, mà còn mang theo lực đạo dữ dội. Sau cú va đập, cơ thể
Ngũ Lang trượt đi trên mặt bùn một đoạn xa rồi mới nổi bềnh lên.

Ngũ Lang đã bị đánh ngất hay lạnh quá mà chết ngất không ai biết được. Chỉ
biết anh ta đã hoàn toàn thân tê liệt, hoàn toàn không còn lấy một chút tri
giác.

Lỗ Ân ở bên cạnh đã nhìn rõ tất cả. Cách sắp xếp của những chiếc hũ có vẻ
giống như trận pháp, nhưng là trận pháp gì thì ông không nhìn ra. Những băng
tinh thổ hàn được đựng trong những cái hũ to nhỏ lộn xộn, cách sắp xếp hình
như cũng không theo quy tắc nào. Dường như giữa chúng chẳng liên quan gì với
nhau, không hiểu tại sao lại có sợi dây xích nối liền.

Chắc chắn chẳng phải là thứ gì tốt đẹp. Một thiết kế thoạt trông không có điểm
gì đặc biệt, nhưng kỳ thực lại hết sức thần kỳ, chẳng phải chỉ trong nháy mắt
đã khiến Ngũ Lang trúng đòn độc hay sao? Hơn nữa bảy cái nút trong khảm diện
đều được làm từ băng tinh thổ hàn cực kỳ hiếm có trên đời, huyền cơ trong đó
chắc chắn không phải tầm thường, chưa biết chừng thứ ông muốn tìm bên dưới
thác nước năm xưa lại chính là ở đây.

Chiếc hũ vừa lật ngược đã trở lại vị trí ban đầu. Lỗ Ân tiếp tục suy nghĩ kỹ
lưỡng một hồi, cuối cùng ông nhằm đến một cái hũ khá lớn trong bọn, rồi bám
sát đáy nước nhanh chóng lại gần. Ông vô cùng thận trọng, vì nhìn vào tình
trạng Ngũ Lang bị tấn công khi nãy, có thể thấy rõ băng tinh thổ hàn không
những lan tỏa ra hàn khí, mà còn có kình lực vô cùng mạnh mẽ. Nguồn năng lượng
này có lẽ cũng là một hiện tượng tự nhiên, tương tự như điện, từ.

Tóm lại, cho dù là hàn khí hay hàn kình, Lỗ Ân cũng chỉ có một phương pháp ứng
phó duy nhất, đó là không để nó đụng vào. Ông nhẹ nhàng lần đến dưới đáy hũ,
sau đó bám sát theo thân hũ khẽ khàng lần lên tới miệng. Tại sao lại bám sát
thân hũ? Vì như vậy khả năng bị những chiếc hũ khác công kích sẽ rất nhỏ.
Thông thường khi thiết kế khảm diện, người ta sẽ không để lực đạo của nút này
tác động lên một nút khác, hay nói cách khác, sáu chiếc hũ còn lại sẽ không
thể phun hàn khí về phía chiếc hũ mà Lỗ Ân đang bám sát. Thế nhưng những gì
diễn ra trong thực tế lại hoàn toàn không giống như ông dự tính. Khi đầu ngón
tay của ông lần theo thân hũ lên trên, va khẽ vào gờ nổi trên cổ hũ, chiếc hũ
vẫn đứng yên bất động, nhưng một băng tinh thổ hàn chênh chếch bên dưới nó đá
lật đánh vèo một cái.

Lỗ Ân cảm thấy có một luồng hàn khí cực mạnh kèm theo một lực đạo ghê gớm đánh
thẳng tới sau lưng. Cơ thể của ông chớp mắt đã lạnh đến đông cứng, tê liệt như
xác chết. Xác thân cứng đờ đã không còn điều khiển được nữa, cứ thế dật dờ nổi
lên mặt nước.

Mặc dù vậy, thương thế của Lỗ Ân vẫn nhẹ hơn Ngũ Lang rất nhiều. Vì ông đã
nhìn thấy toàn bộ quá trình Ngũ Lang bị dính đòn nên đã có phòng bị. Khi ngón
tay của ông vừa chạm đến mép gờ, ông đã lập tức khom lưng rụt cổ. Khi luồng
kình lực dội đến, ông liền ưỡn ngực cong lưng, giảm bớt được một phần lực đạo.
Bởi vậy, thương thế của ông do lạnh cứng nhiều hơn va đập.

Khi ông nổi lên tới gần mặt nước, liền phát hiện lớp băng không biết từ lúc
nào đã trở nên rất mỏng, thậm chí một số chỗ đã tan hết. Rất có thể do băng
tinh thổ hàn thay đổi vị trí, không còn hơi lạnh để duy trì trạng thái đông
cứng cho lớp băng nên nó đã tan chảy nhanh chóng. Không còn lớp băng, ông
không phải mất công xoay xở, đã nổi được lên mặt nước. Nhiệt độ hài hòa trên
mặt nước đã giúp ông nhanh chóng thoát ra khỏi cơ lạnh cứng khủng khiếp. Vừa
đúng lúc đó, ả đàn bà mang mặt nạ ly miêu trắng bạc đạp nước chạy vụt qua. Ông
lập tức vung đao, chém ngang qua hạ bộ của ả.

Trong khoảnh khắc Lỗ Ân ngoi lên lấy hơi, ánh mắt tự nhiên liếc về phía nút
dây thừng mà ông đã thắt trên lan can đá. Nút dây đã bị tuột mất, tự dưng một
ý nghĩ bỗng lóe lên trong trí não ông.

“Kết thừng tính số chồng chập” là một phương pháp mà Lỗ Ân đã đọc được trong
một cuốn sách cổ. Trước kia, ông và Lỗ Thịnh Nghĩa đã tìm được một cuốn sách
có tên là “Số đạo” trong một ngôi nhà cổ ở Kim Hoa, nội dung giảng giải về các
phương pháp tính toán đặc biệt từ thời viễn cổ cho đến cuối đời Minh. Ông còn
nhớ có một phương pháp tính toán cổ xưa nhất gọi là “kết thừng tính số chồng
chập”, thông qua cách thắt nút trên dây thừng để tiến hành tính toán. Nhưng
phương pháp kết thừng tính số chồng chập cần phải tiến hành thắt nút và tháo
nút theo một trình tự nhất định. Nếu khi tháo nút làm đảo lộn thứ tự, nút thắt
nhầm còn chưa kịp tháo ra, những phần còn lại trên sợi dây đã xoắn với nhau
thành mấy cái nút nữa. Đây là phương pháp tính toán tốt nhất trong làm ăn buôn
bán, có tác dụng phòng ngừa tiểu nhân và hỗ trợ cho trí nhớ. Như vậy, những hũ
băng tinh thổ hàn được nối liền bởi dây xích ở dưới kia phải chăng cũng có một
nguyên lý với phương pháp kết thừng đếm việc?

Thế là Lỗ Ân liền hít một hơi thật sâu rồi lặn ngay xuống nước.

Sau khi lặn xuống đáy nước, Lỗ Ân đã liên tục thay đổi rất nhiều vị trí để
quan sát bảy chiếc hũ lơ lửng kia. Đột nhiên, ông nhìn thấy một khuôn mặt, một
mặt người cực lớn. Khuôn mặt được phác họa bởi những sợi xích nối liền bảy cái
hũ, còn bảy cái hũ băng tinh thổ hàn to nhỏ so le vừa hay nằm đúng vị trí của
thất khiếu mắt, tai, mũi, miệng trên khuôn mặt.

Kết thừng tính số chồng chập, đúng, nếu quả thật nó giống với nguyên lý kết
thừng tính số chồng chập, cần phải xuất phát từ thất khiếu để tìm ra trình tự.

Theo lý luận về mạch lạc trên khuôn mặt trong Đông y truyền thống, thì mắt
nhìn mũi, mũi nhìn miệng, hai tai thông với miệng họng. Thất khiếu đều cần có
khí vận hành, mà nguồn của khí lại xuất phát từ miệng họng. Nếu theo nguyên lý
này, cần phải bắt đầu từ “miệng”.

Lỗ Ân rất tự tin vào phán đoán của mình, nhưng vẫn hành sự vô cùng cẩn trọng.
Sau khi lựa chọn được một góc lý tưởng, ông thả lỏng thân hình, cơ thể linh
hoạt như một con cá, nhanh chóng tiếp cận với hũ băng tinh thổ hàn tương ứng
với vị trí miệng.

Bàn tay vừa chạm vào hũ băng tinh thổ hàn, sau lưng ông lập tức có một cây cột
trụ to lớn hình vuông đổ nghiêng xuống, kéo theo hai dòng nước ngầm từ hai bên
ập lại, xộc thẳng vào sau lưng Lỗ Ân. Ở trong một luồng nước mạnh như vậy, rất
khó có thể khống chế cơ thể, vì hoàn toàn không có điểm đặt chân hay điểm mượn
lực. Vì vậy, cả Lỗ Ân và cái hũ đều bị đẩy đi hai ba thước.

Khuôn mặt đã bị biến dạng. Khi phần miệng cử động với biên độ lớn, thường sẽ
kéo theo hai tai chuyển động theo, khuôn mặt này cũng tương tự như vậy. Nhưng
vì khuôn mặt quá to lớn, nên mức độ biến dạng cũng không đến nổi quá nhiều.
Miệng đã di chuyển, đôi tai theo đó cũng chỉ hơi xoay đi một chút, phần miệng
của hai hũ băng tinh thổ hàn ở tai cũng khẽ nghiêng đi.

Bỗng nhiên, Lỗ Ân không thể nhúc nhích được nữa, cơ thể như bị đè chặt dưới
một vật nặng nghìn cân, tứ chi cứng nhắc không thể cử động, khắp người nhanh
chóng bị bọc kín trong một lớp băng mỏng. Bởi vì hai miệng hũ cũng đồng thời
nhắm thẳng vào ông, hai luồng hàn kình đối xứng từ hai phía đã giữ chặt ông
lại, trong khi hai luồng hàn khí cực mạnh làm ông đông cứng.

Xem ra thứ tự đã sai, cái nút cần gỡ đầu tiên không phải nằm ở miệng, nhưng
bây giờ mới biết thì đã quá muộn. Ở trong khảm diện, một lựa chọn sai lầm cũng
đồng nghĩa với việc kết thúc một tính mạng.

Sau khi Quan Ngũ Lang bị băng tinh thổ hàn đánh trúng, toàn thân tê liệt, mất
đi tri giác, may mà bên miệng còn ngậm túi khí, nếu không, số mạng coi như đã
xong. Anh bị trúng thương trước, nhưng lại nổi lên mặt nước sau Lỗ Ân.

Lỗ Thịnh Nghĩa nhìn thấy Ngũ Lang, liền cất tiếng gọi. Nhưng Ngũ Lang không
đáp, chỉ nhìn thẳng về phía Lỗ Thịnh Nghĩa, rồi hự lên một tiếng trong cổ
họng, bóng khí màu trắng đang ngậm trước miệng lập tức biến thành đỏ đen lẫn
lộn.

Máu đã phun đầy vào trong bóng khí, nhưng Ngũ Lang không chịu nhả cái bong
bóng ra, vì bên trong vẫn còn lại một hai hơi thở. Khảm diện phía dưới ghê gớm
khó lường, khi Ngũ Lang nổi lên, đã nhìn thấy sư phụ tiếp tục lặn xuống. Cậu
không muốn để sư phụ gặp thêm nguy hiểm, vì vậy máu ứ vừa phun ra, Ngũ Lang
lập tức ngoắt đầu, tiếp tục lặn xuống nước.

Vừa ngụp xuống, Ngũ Lang đã nhìn thấy Lỗ Ân đang bị khảm diện khống chế, thế
là anh ta bất chấp tất cả, nào là hàn khí, hàn kình, nào là dây xích, vò hũ,
nào là khảm diện, nút thắt, tất cả đều biến sạch khỏi đầu. Ngũ Lang vung cây
phác đao, nhằm vào dây xích chém tới. Anh ta chắc mẩm rằng chỉ cần chặt đứt
dây xích, cắt đứt liên kết là có thể cứu được sư phụ.

Phác đao chém lên sợi xích, sợi xích đương nhiên không đứt, nhưng hai hũ băng
tinh thổ hàn đang khống chế Lỗ Ân lập tức tự khóa miệng lại.

Lỗ Ân nhanh chóng chìm nghỉm xuống dưới như một khối đá nặng nề. Mặc dù đã
thoát khỏi băng tinh thổ hàn, nhưng cứ chìm thẳng xuống đáy nước sâu hun hút
thế kia, vẫn sẽ không còn cơ hội sống. Ngũ Lang vội lật người bơi theo, muốn
giữ lấy sư phụ. Khi vừa lặn xuống, Ngũ Lang tiện tay chém thêm một đao lên sợi
xích ngắn nối liền hai “con mắt”. Đao vừa chém xuống, hai hũ băng tinh thổ hàn
ở hai lỗ mũi lập tức khép miệng. Đúng vậy, Ngũ Lang chỉ đánh bừa chém đại,
nhưng lại tìm ra đúng thứ tự và vị trí nút lẫy. Cách bố trí của đối phương quả
là kỳ diệu tuyệt luân. Họ không đặt cơ quan đóng mở của băng tinh thổ hàn trên
thân hũ, mà lại thiết kết trên dây xích. Mặt khác, để hóa giải khảm diện này
cũng không phải là bắt đầu từ thất khiếu, mà là theo thứ tự lần lượt từ thiên
linh, mi tâm, sơn căn, nhận thượng, hai gò má, hai huyệt thái dương. Ngũ Lang
đã vô tình thực hiện được hai bước thứ nhất và thứ hai.

Đúng vào lúc này, bảy chiếc hũ bỗng rung lên kịch liệt, sau đó cả khuôn mặt từ
từ méo mó và xoay chuyển. Các đoạn xích quấn lấy nhau rối loạn, những chiếc hũ
va đập, dồn lại với nhau. Khuôn mặt càng lúc càng rúm ró, tốc độ xoay chuyển
cũng mỗi lúc một nhanh, cuối cùng xoắn với nhau thành một đám, mau chóng lao
thẳng về một khoảng tối ở bên cạnh.

Ngũ Lang chỉ thực hiện bước thứ nhất và bước thứ hai, những bước còn lại chưa
thực hiện nốt, khiến cho lực đạo hàn kình của toàn bộ khảm diện chuyển vận
không được cân bằng, phương hướng của lực đạo cũng phát sinh thay đổi. Bởi
vậy, toàn bộ thiết kế bị co kéo, va đập, quấn rối với nhau thành một khối.
Khảm diện mới chỉ bị phá, chứ chưa được giải. Kỳ thực cho dù người nhà họ Lỗ
biết cách giải khảm, nhưng chỉ dựa vào một mình Ngũ Lang cũng chẳng làm được
gì. Bởi vì khảm diện này cần phải đồng thời tiến hành khóa miệng tại hai chỗ.

Không biết những chiếc hũ kia đã đập vào đâu, nhưng Ngũ Lang đã cảm nhận rất
rõ, ở phía đó có một mảng đất đá rất lớn sạt lở xuống. Nhưng anh không còn tâm
trí đâu mà để tâm tới chuyện đó. Anh nhả ra chiếc bong bóng lợn đã hết nhẵn
không khí ra, tay chân quạt nước thật lực, nhanh chóng đuổi theo sư phụ.

Mặc dù Lỗ Ân chìm xuống rất nhanh, nhưng Ngũ Lang còn bơi nhanh hơn, thoáng
chốc đã túm được ông, rồi nhanh chóng đạp nước kéo ông nổi lên.

Vừa ngoi lên khỏi mặt nước, Lỗ Ân há miệng hít ngược một hơi dài, bật ra một
tiếng kêu khiếp đảm.

Ngũ Lang sững người kinh ngạc, không phải vì tiếng kêu của Lỗ Ân, mà vì cảnh
tượng trên bờ ao.

Căn lầu nhỏ đã sụp đổ hoàn toàn, thềm đá cũng đã mất tăm. Tất cả nhà cửa,
tường vách, đình hiên, hành lang, non bộ có thể từ mặt ao đều đã đổ nát. Len
lỏi giữa những đống đổ nát là dòng nước màu xanh đen giống hệt như mặt nước ao
đang dâng lên. Cây cối cỏ hoa xung quanh bờ ao cũng đổ ngả nghiêng, chồng chéo
hỗn độn trên đống đổ nát và mặt nước.

Sau cái hít ngược rùng rợn, Lỗ Ân cũng nhanh chóng tỉnh lại. Sức sống của
thiết huyết đao khách vốn vô cùng mãnh liệt, chỉ có điều hàn kình chưa hết,
tay chân vẫn cứng ngắc không thể cử động. Chỉ hơi quay đầu, Lỗ Ân cũng đã nhìn
rõ cảnh tượng trước mắt. Nhưng ông vẫn không quá hoảng loạn, chỉ hít thở một
cách khó khăn và gấp gáp, nói với một giọng run rẩy:


  • Chúng ta lặn xuống rồi bơi ra phía cổng sau!

Ngũ Lang liền xác định phương hướng đại khái của cổng sau, rồi cả hai người
cùng hít vào một hơi thật dài, tiếp tục lặn xuống nước. Dưới dòng nước xanh
đen, vô số thứ tạp nham trôi nổi, đất đá ở phía trên lả tả trút xuống không
ngừng. Ngũ Lang kéo Lỗ Ân bơi nhanh về phía cổng sau.

Nhưng hướng đó không hề có đường thoát. Không chỉ mình hướng đó, mà tất cả
phương hướng đều đã không còn đường sống. Một hàng rào bằng thép ròng đã chắn
ngang trước mặt họ. Hàng rào kết từ những cây thép to bằng ly rượu, không thể
bẻ cong hay vặn gãy, trông hệt như ngọn đinh ba thép trong tay quỷ dạ xoa đoạt
hồn, ngang ngược vô tình ép con người ta vào cõi ma quỷ dưới đáy nước sâu.


Lời Nguyền Lỗ Ban - Chương #58