Âm Khí Tỏa


Người đăng: lmknickmail@

Con đường dẫn đến vườn hoa rất ngắn, mới vài bước đã đến chỗ ngoặt. Đi qua chỗ
ngoặt là một bức tường màu trắng ngà, trên đỉnh tường là một sống ngói xanh
uốn lượn như sóng, trên tường có một khung cửa tròn không có cánh. Nhìn qua
cửa tròn vào trong, chỉ thấy mờ mờ ảo ảo. Trong buỗi chiều âm u, khoảng sân
nhỏ đã nổi sương mù.

Lỗ Thiên Liễu đứng yên trước cửa, ba giác trong sáng dần đi vào trạng thái vô
ngã.

Gần đây, cô phát hiện thấy công lực của ba giác đã được nâng cao đáng kể. Cô
không nói với ai, mà lẳng lặng đến phòng của ông Lục lấy trộm cuốn “Huyền
giác” để xem. Khi cô và ông Lục tới núi Long Hổ, đã được chưởng giáo thiên sư
râu bạc tặng cho cuốn sách này. Vốn dĩ ý của thiên sư là muốn ông Lục chọn
thời điểm thích hợp giản giải cho Lỗ Thiên Liễu nghe. Nhưng ông Lục lại không
hề nhắc đến cuốn sách này nữa, có lẽ ông đã quên bẵng từ lâu.

Cuốn sách thực sự rất mực uyên thâm, với trình độ đạo học cộng thêm năng khiếu
huyền học của Lỗ Thiên Liễu, sẽ khó mà hiểu nổi. Nhưng Lỗ Thiên Liễu bản tính
thông minh, lại là một trí thông minh đặc biệt. Cô cứ lật từng trang sách,
nhưng không xem kỹ tất cả nội dung, vì những thứ cần biết đều sẽ tự nhiên nhảy
vào trong mắt.

“Dị giác cần tâm tính điều khiển, tập trung tinh thần xem rõ ràng. Vô ngã vô
hình, biết được gió từ cánh muỗi, kiến chạy dưới đất”. Những lý luận huyền học
kiểu này, Lỗ Thiên Liễu tựa như đã biết từ rất nhiều năm trước, chỉ là muốn
dùng cuốn sách này để nghiệm chứng cho mình.

Lẫn trong làn khói sương mờ ảo là những làn hương thơm thanh tao, có lẽ là
hương thơm của cành lá còn tươi. Cùng với những tiếng lao xao vọng lên khe
khẽ, hương thêm mỗi lúc càng thơm nồng nàn. Kỳ thực, tất cả những điều này chỉ
có Lỗ Thiên Liễu cảm nhận được, còn Ngũ Lang đang đứng sau cô không hề có một
chút cảm giác.

Lỗ Thiên Liễu không biết tiếng lao xao phát ra từ đâu, nhưng cả âm thanh và
hương thơm đều mang lại cho cô cảm giác rất dễ chịu, tự nhiên và ấm áp tựa như
gặp được bạn bè thân thích. Không chút do dự, cô bèn bước vào trong khoảng sân
mù mịt khói sương.

Quan Ngũ Lang vẫn bám sát phía sau, tay kéo theo cái xác sống. Lúc đầu, anh
muốn đi lên phía trước, nhưng Lỗ Thiên Liễu không cho. Quan Ngũ Lang cũng đã
quen với điều này, vì lần nào cũng vậy, xét về khả năng ứng phó trong khảm
diện, chẳng ai dám tin tưởng anh ta.

Lỗ Thiên Liễu đã đi vào trong sân, không những không cho Ngũ Lang đi trước, mà
còn ngoảnh đầu ra hiệu cho anh chàng đừng đi theo mình nữa. Lỗ Thiên Liễu còn
hiểu Ngũ Lang hơn cả bản thân anh ta. Một gã vụng về, hấp tấp như anh ta, kỳ
thực không hề thích hợp với nghề khảm tử. Hầu như lần nào ra ngoài làm việc,
anh chàng cũng mang thương tích mà về. Nhưng gã ngốc này phúc lớn mạng lớn,
lần nào cũng nhặt lại được cái mạng từ chỗ ngàn cân treo sợi tóc.

Nhưng Ngũ Lang cũng có một ưu điểm đáng quý, đó là biết nghe lời, nghe lời mà
không cần hỏi tại sao. Bảo anh ta đứng lại, anh ta liền đứng ngay ngoài cửa
không đi theo nữa. Nhưng trước khi Lỗ Thiên Liễu khuất hẳn trong làn sương mù,
anh bèn dựng ngược cây đao, nói với theo:


  • Có chuyện gì gọi tôi ngay nhé!

Lỗ Thiên Liễu quay lại thè lưỡi, làm mặt hề với anh ta, nhưng do sương mù dày
đặc, Ngũ Lang không nhìn rõ lắm.

Mới chỉ bốn năm bước, Lỗ Thiên Liễu đã chìm hẳn trong làn sương dày đặc. Đi
thêm bốn năm bước nữa, cô bỗng dừng lại. Vì tất cả phần da thịt phía ngoài của
cô đều cùng lúc cảm nhận được, có thứ gì đó đang tiến lại gần! Mặc dù tốc độ
không nhanh, nhưng quỹ đạo chuyển động lại vô cùng kỳ quặc. Đồng thời, thứ đó
còn đang hít thở, đang lớn lên, đang vận động, nhưng cảm giác không giống với
một vật sống.

Hai chiếc Phi nhứ bạc như hai con rắn trườn ra khỏi ống tay áo của Lỗ Thiên
Liễu không một tiếng động. Không hiểu tại sao, rõ ràng cô biết sắp có chuyện
xảy ra nhưng lại cảm thấy dường như việc đó không hề liên quan tới mình. Dường
như cô đã đến một nơi không thích hợp và một thời điểm không thích hợp. Hơn
thế nữa, cô còn phát giác ra rằng, thứ đang từ từ bao bọc lấy cô kia, rất tự
nhiên đã đem lại cho cô một cảm giác ấm áp thân thương tựa như gặp người thân
thiết. Nhưng trong cảm giác này chứa đựng quá nhiều thứ phức tạp: bất lực,
nghẹt thở, giãy giụa tuyệt vọng, không còn lối thoát.

Một sợi tơ mềm mại dịu dàng bắt lên mu bàn tay Lỗ Thiên Liễu, nó rung rinh,
lẩy bẩy, co cuộn, vươn dài mà tiếp tục tiến lên. Một sợi tơ tương tự bắt vào
ống quần của cô. Lại một sợi tơ lớn hơn, mang theo hai chiếc lá một trước một
sau, tựa như một đôi cánh không đối xứng, khẽ khàng đè lên mu bàn chân của Lỗ
Thiên Liễu.

Phi nhứ bạc rời khỏi bàn tay bay vụt đi, là chiếc bên tay trái. Chiếc bên tay
phải cũng bay theo sát sạt, phần đầu đuổi theo cán day của Phi nhứ bạc phía
trước rồi quấn chặt lấy như một màn ảo thuật.


  • Kéo này!

Giọng nói của Lỗ Thiên Liễu không hề thanh hầu như không có vẻ hoảng loạn.
Nhưng trong lòng cô đã căng thẳng tới muốn nghẹt thở.

Quả cầu trên đầu Phi nhứ bạc phía trước đã quấn lên chuôi đao của Ngũ Lang,
Ngũ Lang vội nắm chặt chuôi đao, rồi bắt lấy sợi dây xích. Anh ta đã bỏ cái
xác xuống từ lúc nãy, để trống hai tay chờ sẵn.

Lỗ Thiên Liễu bay bỗng lên hệt như một cánh diều có hình người, chân gần như
không bén đất, bị Ngũ Lang lôi vụt ra khỏi khoảng sân. Chính trong khoảnh khắc
đó, Lỗ Thiên Liễu đã nghe thấy tiếng đứt gãy, tiếng kêu thét, tiếng rú thê
thảm.

Chiêu thức vừa rồi là do Lỗ Thiên Liễu và Ngũ Lang tự tập luyện với nhau, họ
đã sử dụng nó không chỉ một lần. Nguy hiểm nhất là lần trên núi Tử Kim ngoài
thành Kim Lăng, Quan Ngũ Lang đã kéo Lỗ Thiên Liễu thoát khỏi hang rắn bạch
ngọc. Thế nhưng kiếp nạn cô vừa thoát khỏi có vẻ còn nguy hiểm hơn rất nhiều
so với năm đó.

Màn sương trong sân mỗi lúc càng thêm đậm đặc, tiếng lao xao khi nãy đã trở
nên khô khốc như tiếng ma quỷ đang khóc lóc nỉ non, hơn nữa, còn là tiếng khóc
của một bầy ma quỷ.

Âm thanh lớn dần, bây giờ cả Ngũ Lang cũng đã nghe thấy. Nhưng trong tai Ngũ
Lang, âm thanh đó giống như hàng vạn con bọ hung đang nhào lộn xoắn xuýt với
nhau.


  • Là rồng ma giũ vảy(*) à? – Ngũ Lang nghệt ra cả nửa ngày, cuối cùng mới
    nghĩ ra được một câu chuyện ma quái có chút liên quan.

(*) Đây là một thần thoại dân gian Trung Quốc, kể rằng xưa kia rồng trên trời
hạ phàm, giao hợp với giao long ở đầm Mặc Ngọc, giao long có thai, sinh ra bảy
con rồng ma. Sau này bảy con rồng ma đi gây họa cho nhân gian, sát hại sinh
linh, nên Vương Mẫu phái thần tướng xuống bắt lên trời, bị đè dưới bảy cây cột
trụ trong Thất Tinh Nghê Hà làm bệ đỡ cột. Cứ qua bảy bảy bốn mươi chín ngày
lại cho phép chúng kén đáo trở mình vào lúc nửa đêm, để rũ bộ vảy trên mình.

– Không phải đâu, chắc chắn là không phải! – Mặc dù Lỗ Thiên Liễu nói bằng
giọng Ngô êm ái dịu dàng, nhưng giọng điệu lại vô cùng kiên định. – Là một thứ
mọc dài ra rất nhanh!

Những tiếng lào xào không hề vượt ra khỏi bức tường và cánh cửa tròn, dường
như có một chướng ngại vật vô hình ngăn cản chúng lại.

Màn sương ập đến nhanh, tan đi cũng rất nhanh, Lỗ Thiên Liễu nhanh chóng nhìn
rõ cảnh tượng trong sân. Kín rợp khắp nơi là dây leo chằng chịt, nhưng chúng
đã bắt đầu khô héo, mép lá đều đã quăn vàng.

Bên tai Lỗ Thiên Liễu mơ hồ nghe thấy tiếng than thở của cành lá đang già cỗi,
đang ngậm ngùi trong cơn hấp hối. Không biết tại sao, từ nhỏ Lỗ Thiên Liễu đã
đặc biệt có duyên với cỏ cây hoa lá. Trong cảm giác của cô, thực vật cũng là
những cơ thể sống giống như động vật, chúng cũng biết vui, mừng, buồn, sợ. Cô
thường xuyên cảm thấy thực vật đang trò chuyện, đang giao cảm với mình. Cô
từng đem cảm giác này kể lại với ông Lục, nhưng ông Lục lại cười cô, nói rằng
cô là một cây liễu thành tinh đã được lão gia nhặt về.

Lỗ Thiên Liễu chưa bao giờ trong thấy loại thực vật này, nhưng cô đã nghe nói
đến. Nhớ lại những ngày ở núi Long Hổ, mấy vị đạo sĩ cứ như cả trăm năm không
được nói chuyện với ai, thi nhau túm lấy cô thao thao bất tuyệt suốt mấy ngày
trời. Đều là muốn khoe khóe tài năng kiến thức, cùng những trải nghiệm nguy
hiểm thót tim đã gặp. Ngay cả chưởng giáo thiên sư và mấy vị tổ thiên sư, thái
tổ thiên sư đã bế quan suốt mấy năm ròng cũng gọi cô đến tán gẫu đủ chuyện.
Đến ngày cuối cùng, khi họ sắp ra về, chưởng giáo thiên sư cho người mang tới
một tờ thiếp, bên trên có viết: “Những câu chuyện gẫu nên ghi nhớ, ngày sau
mới biết ứng số trời”. Tờ thiếp viết rất nôm na, dường như sợ rằng Lỗ Thiên
Liễu đọc không hiểu. Thực ra Lỗ Thiên Liễu đã đi theo ông Lục nhiều năm, những
ngôn từ thiền môn đạo nghĩa cô hiểu được rất nhiều. Thậm chí nhiều lời lẽ
thiền đạo uyên thâm mà người khác không hiểu được, cô có thể một lời chỉ rõ,
cứ tựa như bẩm sinh đã biết.

Nhớ năm đó, Ngô thiên sư ở điện Đạo Thanh đã kể cho cô nghe câu chuyện “sinh
tử một khắc, tơ hồng âm hồn”. Dây tơ hồng mọc trên mộ, không phải là cỏ, mà là
loài dây leo. Không hiểu tại sao nó chỉ mọc trên những ngôi mộ âm khí cực
thịnh. Có người nói nó do oán khí kết thành, có người nói nó là râu của ma quỷ
dùng để bắt mồi. Khi loại dây leo này sinh trưởng, nó có thể quấn đổ bia mộ,
bóp chết cây cối xung quanh, thậm chí có khi còn lôi bật cả quan quách dưới
đất lên.

Loài tơ hồng mà Ngô lão đạo nói đến lại không giống với những nơi khác. Một
lần, khi ông đi thu nhặt hài cốt vảy đỏ ở bãi lau sậy bên bờ Hồng Trạch, đã
nhìn thấy loại tơ hồng từ lúc sinh ra đến lúc chết đi chỉ trong một khắc(*).
Dây tơ hồng mọc ra từ trên mộ của hài cốt vảy đỏ, khi nó chui lên khỏi đất,
xung quanh ngôi mộ liền bao phủ bởi một lớp sương mù lạnh lẽo. Do vị trí,
phương hướng của mộ trên bãi bùn ven sông rất khó tìm, nên Ngô lão đạo dẫn đầu
đã đi vượt qua khu vực này. Đến khi ngoảnh đầu nhìn lại, thì sương đã tan hết,
chỉ còn nhìn thấy một đám dây khô lá đỏ như máu. Đi cùng ông còn có một sư đệ,
hai sư điệt, một người dẫn đường và một người chèo thuyền đều bị trói chặt
trong đám tơ hồng, đã biến thành năm cái xác khô quắt. Dây tơ hồng đã hút kiệt
máu và thể dịch trong cơ thể họ, nhưng dù vậy chúng cũng chẳng sống thêm được
bao lâu, chỉ chốc lát đã khô héo mà chết.

(*) Một khắc là một phần tám canh giờ, tương đương với 15 phút hiện nay.

Lỗ Thiên Liễu không hiểu tại sao mình có thể khẳng định thứ ở trước mặt chính
là dây tơ hồng âm hồn. Mặc dù đây không có mồ mả, mặc dù khu vườn tuyệt đẹp
này chắc chắn không thể chôn xác chết, mặc dù cô không ngửi thấy bất cứ mùi ô
uế nào, nhưng ý thức của cô đã khẳng định chắc chắn, đây chính là dây tơ hồng.
Dây tơ hồng mang lại cho cô một cảm giác thực thân quen, cũng tựa như kẻ thù
từ kiếp trước. Nhưng dù thế nào đi nữa, vẫn có một điểm hiển nhiên, nếu khi
nãy cô không kịp thời gọi Ngũ Lang kéo vụt ra ngoài, chắc chắn bây giờ đã trở
thành một cái xác khô trong đám dây héo úa.

Người bạn cũ đã chết rũ, hay nói chính xác hơn, là đã ngấm ngầm chuẩn bị tái
sinh. Vì rễ và hạt của chúng không hề chết, không biết lúc nào sẽ lại đội đất
chui lên.

Lỗ Thiên Liễu và Ngũ Lang nhanh chóng băng qua khoảng sân nhỏ chằng chịt dây
leo tàn úa, rồi đi qua một khung cửa hình tròn tương tự trên bức tường đối
diện. Ngũ Lang vẫn kéo theo mụ xác sống, vì Lỗ Thiên Liễu đã nói, thứ này sẽ
cần dùng đến.

Qua khỏi khung cửa tròn, con đường phía trước chia làm hai ngã rẽ ngang sang
hai bên. Hai người lại tiếp tục đứng lại giữa ngã ba.

Ngũ Lang im lặng nhìn Lỗ Thiên Liễu, anh ta vốn không có chủ kiến, chỉ biết
đợi Lỗ Thiên Liễu đưa ra quyết định.

Lỗ Thiên Liễu ngẩng đầu quan sát cấu tạo của phòng ốc xung quanh, sau đó lại
bước sang hai ngã phải trái mỗi phía năm bước, dùng ba giác đặc biệt để rà
soát một lượt về hướng đi của mỗi bên. Nhưng kết quả đã khiến cô phải hoang
mang khiếp sợ.

Một luồng khí âm hàn luồn qua cánh mũi ẩm nóng của cô, xộc thẳng tới đỉnh đầu,
khiến nắp hộp sọ như bị một mũi kim lạnh buốt xuyên qua, các lỗ chân lông trên
những phần da thịt lộ ra ngoài đột ngột co thắt lại, từng sợi lông tơ cũng
thấy run rẩy. Cô đã cảm thấy cả hai phương hướng đều lan tỏa một màn khí âm
hàn dày đặc, đang bủa vây lại gần. Màn âm khí đậm đặc như vậy thường chỉ xuất
hiện tại những bãi tha ma hàng trăm năm. Nhưng những bãi tha ma hàng trăm năm
chắc chắn sẽ có mùi ô uế kèm theo, trong khi làn âm khí này không hề có một
chút mùi ô uế hay ẩm mốc, mà là một làn khí âm hàn trong trẻo, linh động.

Cũng chính vẻ trong trẻo linh động này đã khiến cô sợ hãi. Nếu như nó là những
thứ không sạch sẽ, thì công phu Tịch trần của cô cộng với phương thuật mà ông
Lục dạy cho còn có thể đối phó được ít nhiều. Nhưng luồng khí trước mặt họ giờ
đây đã vượt qua khái niệm người và ma quỷ, đó là làn khí do trời đất tự sinh
ra, hoặc do tiên đạo tu luyện thành. Trước một đối tượng mà bản thân mình sùng
bái và ngưỡng vọng, làm sao có thể hủy diệt cho được?

Nhưng điều khiến Lỗ Thiên Liễu khiếp sợ không chỉ có vậy. Cô nghe thấy trong
luồng âm khí đến từ bên trái phát ra những âm thanh quái dị, giống như tiếng
nghiến răng, giống như tiếng gãi sột soạt, cũng giống như tiếng ngáy phì phò.
Còn trong luồng khí đến từ bên phải lại liên tục có những tiếng “xùy xùy”
không dứt, giống như hơi khí đang phun ra. Từ trong những âm thanh đó, Lỗ
Thiên Liễu cảm nhận rất rõ sự oán độc và đen tối. Chắc chắn chúng là những thứ
rất quái đản và âm hiểm, nhưng cô lại không thể ngửi ra được những hiện tượng
này. Phải chăng cũng giống như ở lầu xem kịch, cả hai loại cảm giác đều chính
xác, cả hai hiện tượng đều tồn tại song song?

Lỗ Thiên Liễu đột ngột xoay người, vì ba giác đặc biệt của cô đã phát hiện, họ
đã không còn đường lui nữa. Trong khoảng sân họ vừa băng qua, trong lúc những
sợi tơ hồng đang khô úa héo tàn, cũng đang từ từ bốc lên một làn âm khí tương
tự, trào qua cánh cửa, bao bọc lấy hai người. Tình huống trước mắt đang thôi
thúc Lỗ Thiên Liễu phải lập tức đưa ra quyết định, chọn ra một phương hướng
chính xác.

Lỗ Thiên Liễu vô cùng căng thẳng, nhưng nét mặt của cô vẫn bình tĩnh như
không. Còn Quan Ngũ Lang đương nhiên không hề hay biết mình đang rơi vào tình
cảnh thế nào. Đừng nói anh ta, trong toàn bộ khu nhà này cũng không ai có được
những cảm giác đặc biệt như của Lỗ Thiên Liễu.


  • Bên kia có lẽ là giếng trời của chính đường, lão già gầy đét khi nãy có nói
    kén xác nhện càng ở phía đó! – Hiếm hoi lắm mới thấy Quan Ngũ Lang lên tiếng.
    Về bố cục và cấu tạo nhà cửa, anh ta không hề thua kém bất cứ ai trong nhà họ
    Lỗ. Đây chính là thành quả có được sau vô số nỗ lực khổ luyện đổ mồ hôi sôi
    nước mắt.


  • Đúng, đó chính là giếng trời của chính đường chúng ta đi qua bên đó! – Lỗ
    Thiên Liễu vừa lên tiếng, Ngũ Lang suýt chút nữa cho rằng mình đã nghe lầm,
    thậm chí còn cho rằng Lỗ Thiên Liễu cố tình nói ngược để trêu chọc mình. Vốn
    dĩ anh ta nói câu này, là muốn nhắc nhở Lỗ Thiên Liễu đừng nên đi về phía đó,
    không ngờ Lỗ Thiên Liễu lại đưa ra quyết định như vậy. Nhưng anh ta chỉ khẽ
    máy miệng một cái, rồi lập tức rẽ sang con đường bên phải, đi thẳng đến chính
    đường.


Thực ra trong lòng Lỗ Thiên Liễu rất cảm kích Ngũ Lang đã nhắc nhở cô, giúp cô
đưa ra quyết định. Mặc dù tại giếng trời trong chính đường có kén xác nhện
càng, nhưng dù sao hai người đã mang theo mụ xác sống. Lão xác khô từng nói,
mụ xác sống có thể thu phục kén xác nhện càng, chưa biết chừng tiếng “xùy xùy”
lẫn trong âm khí lại được phát ra từ kén xác nhện càng cũng nên. Đồng thời,
còn có một điểm quan trọng hơn cả, đó là người trong nhà họ sau khi tiến vào
đã bị chia tách, hiện giờ không biết họ đang ở đâu. Rõ ràng là đối phương đã
có sự chuẩn bị trước, giăng sẵn cạm bẫy đợi con mồi chui vào. Bởi vậy, cổng
sau chắc chắn đã bị phong kín, nên cần phải tìm ra một đường lui khác. Đây là
khuôn viên của khảm tử gia, nếu muốn giữ được mạng sống, nhất định phải biết
cách tư duy ngược. Đã không thể rút lui theo cổng sau, vậy chưa biết chừng
chiếm lĩnh cổng chính lại là cách hay.

Mới đi được hai bước, hai người chợt phát hiện trong giếng trời ở chênh chếch
phía trước bỗng nổi gió, trong gió còn cuốn theo những giọt mưa to đến khác
thường. Lỗ Thiên Liễu nhận ra những giọt mưa này, đó chính là kén xác. Trong
thời gian ở trên núi Long Hổ, chưởng môn thiên sư đã cho cô xem hai cái kén
xác được nuôi trong lọ. Nhìn thấy kén xác, cô lập tức nghĩ tới kén xác nhện
càng. Xem ra khảm diện có bố trí kén xác nhện càng đã động rồi, chắc hẳn đang
vây khốn người bên mình. Lỗ Thiên Liễu lập tức điểm chân bật liền mấy bước
dài, chạy lên phía trước. Chỉ qua một chỗ ngoặt, họ đã nhìn thấy cánh cửa nách
hình rẻ quạt, nhìn thấy tấm rèm pha lê, còn thấy cả một thân người đẫm máu
đang lao bổ tới.

Âm khí tại đây lại càng dày đặc khác thường, nhưng có xen lẫn chút ít hơi khí
của xác chết, chắc hắn là do kén xác phát ra. Vậy còn luồng âm khí đang tỏa ra
từ đâu?

Trong tai Lỗ Thiên Liễu, tiếng ‘xùy xùy” khi nãy giờ đây đã được khuếch đại
thành tiếng mưa lâm râm trên phiến lá. Còn tiếng thở hổn hển của con người
toàn thân nát bấy đẫm máu kia khác nào tiếng sấm động. Trong khi tiếng gió gào
rít điên cuồng kia, vì do con người tạo ra, nên thính giác của cô hầu như
không có mấy phản ứng. Ba giác trong sáng của cô chỉ có phản ứng mạnh đối với
những thứ có linh tính. Bởi vậy, từ những tiếng “xùy xùy”, cô nhận ra những
giọt mưa chính là kén xác nhện càng; từ tiếng hổn hển như tiếng sấm, cô nhận
ra thân người đẫm máu kia chính là ông Lục.

Tiếng quát lanh lảnh bằng giọng Ngô của Lỗ Thiên Liễu không những đã cản được
cú liều mình của ông Lục, mà còn khiến những cao thủ đang ém mình trong sân
bỗng ngây ra một lượt. Trận cuồng phong đột nhiên ngừng bặt, mấy cánh cửa song
hoa trước chính sảnh bỗng mở toang, vô số giọt mưa vốn đang bị gió cuốn lượn
vòng trên không trung, thoắt cũng rào rào rơi xuống, nhảy tưng tưng hỗn loạn
trên nền đá xanh.

Ông Lục biết quân cứu viện đã đến, không cần phải vội vàng liều mạng nữa. Vốn
định phá vỡ rèm mưa, bây giờ ông lập tức đổi sang thế né tránh các giọt mưa.
Ông tránh trái né phải, lảo đảo cuống quýt, bộ dạng vô cùng thảm hại. Những
vết thương khắp mình mẩy khiến hành động của ông không được linh hoạt. Đồng
thời, để phòng ngừa bất trắc, trong khi tránh né, ông vẫn kiên trì bám theo
các đường kéo dài từ “điểm đối xứng sáu phần”.

Cuối cùng thì cũng né được toàn bộ các giọt mưa, ông Lục lúc này mới thả lỏng
thân người, sụp ngay xuống trước ngưỡng cửa chính sảnh. Vừa sụp xuống, một cơn
đau đớn kịch liệt bỗng dội lên như muốn xé nát toàn bộ cơ thể ông, máu tươi
đặc quánh lại trào ra từ các vết thương, thấm qua lớp áo bông, theo mép áo
giọt giọt nhỏ xuống. Ông gắng gượng ngẩng mặt lên, một khuôn mặt biến dạng vì
đau đớn, bị che kín bởi vết máu khô và lửa cháy. Nhưng chỉ trong chớp mắt, tất
cả những cảm xúc đó đã được thay thế bởi sự kinh ngạc tột độ. Ông đã nhìn thấy
một bức tranh treo ngay giữa chính đường.

Lỗ Thiên Liễu đã xông thẳng qua cánh cửa nách hình rẽ quạt, lúc này cô mới
dừng chân. Cô muốn đến gần hơn để nhìn cho kỹ kén xác nhện càng là thứ quái
quỷ gì. Vì mặc dù lão thái giám xác khô đã tiết lộ có thể dùng mụ xác sống để
đối phó với kén xác nhện càng, nhưng đối phó bằng cách nào, cô lại không hề
biết.

Đúng lúc đó, cuồng phong lại tiếp tục khởi lên, nhưng không còn xoáy tròn nữa,
mà lần này chỉ thổi theo một hướng. Những giọt mưa rơi vão đầy sân bị gió gom
lại một chỗ, tiếp tục kết thành một tấm rèm pha lê thứ hai, dập dềnh bay đến
chụp xuống đầu Lỗ Thiên Liễu.

Chỉ thấy mụ xác sống lao vụt qua tường, nhảy lên phía trên tấm rèm pha lê.
Nhưng tấm rèm không bị vỡ mà lật ngược lại, bọc ngay lấy mụ xác sống. Thì ra
Quan Ngũ Lang thấy tấm rèm sắp chụp xuống Lỗ Thiên Liễu đến nơi, trong khi anh
ta lại bị Lỗ Thiên Liễu chặn lại sau lưng, trong lúc cấp bách, đành phải quăng
mụ xác sống qua tường.

Mụ xác sống đã bị tấm rèm cuộn chặt, một vài giọt mưa còn sót lại trên mặt đất
cũng lao cả lại, bám lấy cơ thể mụ xác sống. Ngay cả những máng ngầm chảy dốc
xuống, cũng có những giọt mưa chạy ngược trở lên, nhanh chóng tụ lại xung
quanh mụ xác sống. Cuồng phong cũng không thể ngăn cản chúng, dường như có một
vật chất vô hình đã nối liền chúng với cái xác tẩm đầy độc tố.

Lỗ Thiên Liễu đừng rất gần mụ xác sống, cô đã thấy rõ trong những cái kén gần
như trong suốt kia có những bóng côn trùng màu xanh lam thò ra chiếc gai nhọn
hoắt màu đen, xuyên vào thân thể mụ xác sống. Mụ xác sống phình lên nhanh
chóng, tựa như quả bóng bơm căng. Lỗ Thiên Liễu vội vã thoái lui mấy bước, vì
sợ cái xác sẽ thình lình nổ tung. Đám kén xác vừa mới đây còn trơn bóng căng
tròn, giờ đã quắt queo, biến thành hai lớp màng mỏng bọc lấy con trùng phát ra
ánh sáng xanh lam leo lét. Con trùng đó chính là nhện càng.

“Việt tuyệt thư”(*) có viết: “Tiêu sao (nhện càng) nhả tơ cực bền, không sợ
mưa to gió lớn”.

(*) Không biết tác giả là ai, viết vào thời nào, ban đầu được khắc trên bia,
nội dung viết về những câu chuyện kỳ dị trên đất Việt. Sau này bia vỡ, chỉ còn
lại bản rập bia. Về sau, bản rập bia cũng bị rách nát, nên đành phải chép lại
thành sách. Đến nay vẫn còn bản chép tay tàn khuyết, nếu chất lượng tốt có giá
trị rất cao.

Trong “Dị trùng điểm phả”(*) đời Nguyên có viết: “Có loại nhện càng ưa độc uế,
nhập vào kén xác, hút đầu nhả dịch, lọc bỏ tạp chất trong thi độc, hình thù
kén xác trong sáng như ngọc… Gặp vật sống chết, bám lấy nhả hết dịch kén, sau
đó lại hút vào, kén to như bánh xe”.

(*) Trước tác của Khang Duyệt Tùng người Sơn Đông, sống vào đời Nguyên. Mới
đầu cuốn sách này có lẽ chuyên ghi chép về các loài dế, vì phần đầu có đến một
nữa chuyện miêu tả về đặc điểm của các loài dế và phương pháp nuôi dế, nửa sau
mới bắt đầu ghi chép về những loại côn trùng kỳ dị khác. Viện bảo tàng Đài Bắc
có bản gốc từ đời Nguyên của cuốn sách này.

Kén xác nhện càng thực chất chính là một loài nhện thích hút mở người. Chúng
không biết kết mạng, chỉ biết nhả tơ, nhưng sợi tơ có thể bay đi rất xa, độ
bắt dính cực cao, cũng vô cùng dai bền. Bởi vậy, khi chúng kết dính với nhau
tạo thành tấm rèm, gió lớn thổi vào cũng không tan rã. Đó cũng là nguyên nhân
khiến cuồng phong không thể ngăn cản chúng tiến về phía mụ xác sống. Mặt khác,
kén xác nhện càng không những bản thân mang chất kịch độc, mà còn rất thích
hút chất độc. Phương pháp hút thức ăn của chúng là trước tiên bơm mỡ độc trong
mình vào cơ thể con mồi, khiến con mồi bị tê liệt mà chết. Đợi đến khi thể
dịch trong con mồi biến thành dịch độc, chúng lại hút đầy vào trong kén.

Mụ xác sống là xác tẩm trăm độc, thể dịch trong mình vốn đã chứa đầy chất kịch
độc. Vì vậy, sau khi kén xác nhện càng bơm dịch độc vào trong thi thể, chúng
không cần phải chờ đợi mà lập tức hút ngược trở lại.

Đến lượt mụ xác sống nhanh chóng xẹp xuống, thể dịch bị hút đầy vào trong từng
kén xác. Xác sống lúc một teo tóp, kén xác lại một căng tròn, trong như một
đám dưa vàng lúc nhúc. Đúng, giống hệt dưa vàng, vì thể dịch của mụ xác chết
là nước vàng đục ngầu, chúng còn phải nhả hút gạn lọc nhiều lần mới được trong
suốt long lanh như cũ. Sau khi nhả hết lượng nước dư thừa và tạp chất, kén xác
mới trở lại kích thước ban đầu. Nhưng vẫn có một điểm khác biệt, đó là độc
tính của chúng sẽ tăng lên gấp bội. Giờ đây, không những không được chạm vào
chúng, cho dù có dùng vũ khí để giết chúng, cũng phải đề phòng dịch độc bắn
phải. Thành phần của dịch độc đã vô cùng phức tạp, không ai biết phải dùng
thuốc gì để giải.

Lúc này, mụ xác sống đã trở nên quắt queo hơn cả lão xác khô khi nãy. Còn kén
xác nhện càng trướng phình lên gấp mấy lần, tạm thời mất đi khả năng tấn công.
Chúng dính với nhau thành một chuỗi dài, chậm chạp lăn về phía máng ngầm. Kén
xác nhện đã trở nên vô dụng, quay về trong khảm, nên gió cũng đành phải dừng
lại.

Ông Lục đang sững sờ ngồi sụp trước cửa chính sảnh, bỗng một cơn chấn động
khiến ông giật mình bừng tỉnh. Cơn chấn động đến từ phiến đá xanh ngay bên
dưới ông. Không những chấn động, dường như phiến đá còn hơi lún xuống. Không
biết lại là một khảm diện ghê gớm nào nữa?

Một cảm giác sợ hãi còn khủng khiếp hơn cả cái chết chạy dọc từ đỉnh đầu đến
gót chân, ông Lục vội vã bò dậy, loạng choạng chạy về phía cửa nách, mới được
hai bước đã ngã dúi dụi. Ông liền dùng cả bàn chân lẫn tay bạt mạng bò tới.

Đang bò, ông chợt thấy Quan Ngũ Lang đang định chạy tới giúp, nên cuống quýt
vừa xua tay, vừa hét lớn không cho Ngũ Lang đến gần, vì ông có cảm giác mình
đang ở trên mặt đầm lầy, sức nặng của hai người chắc chắn sẽ khiến họ lọt thỏm
xuống.

Ngũ Lang vội dừng bước, nhìn vào cánh tay đang lắc mạnh của ông Lục, anh biết
ông không cho phép anh lại gần. Ông Lục mở miệng muốn gào lên thật lớn nhưng
không bật ra được tiếng nào.

Lỗ Thiên Liễu không hề nhìn ông Lục, cũng chẳng có phản ứng gì đối với hành
động của Ngũ Lang. Cô cứ đứng đờ ra trước cửa viện, đôi mắt khép hờ, giống như
đang lắng nghe, lại càng giống như vận khí.

Ông Lục cũng ý thức được rằng mình không thể lên tiếng được nữa, nhưng giờ
không phải lúc quan tâm tới chuyện này, ông chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi
nơi đây. Ông đã bò rạp trên đất, tay chân dang rộng mà đẩy người đi, trông hệt
như một con rùa biển.

Cuối cùng, ông Lục chỉ còn cách Lỗ Thiên Liễu và Ngũ Lang gần một bước chân,
ông cố gắng vươn dài cánh tay về phía trước, hy vọng có ai đó kéo lấy tay
mình, hoặc chụp được cổ chân của ai đó.

Lỗ Thiên Liễu vẫn không để ý tới ông Lục, dáng vẻ tựa như đang mơ ngủ. Ngũ
Lang vội cúi xuống đưa tay ra, định kéo ông Lục dậy. Lỗ Thiên Liễu đột ngột
bừng tỉnh từ trong vô thức, nét mặt căng thẳng dị thường. Cô lập tức giữ lấy
Ngũ Lang, kéo anh ta lùi nhanh ra ngoài cửa viện hơn mười bước.

Bàn tay của ông Lục đã sắp chạm đến tay của Ngũ Lang, giờ đờ ra tại chỗ, hai
mắt dại đi như mắt cá chết nhìn chằm chằm xuống nền đá bên dưới cơ thể, ông
thậm chí không dám thở mạnh. Một lúc lâu sau, ông mới từ từ ngẩng đầu lên, đưa
ánh mắt nhìn về phía Lỗ Thiên Liễu. Lỗ Thiên Liễu cũng đang nhìn ông, hai cặp
mắt lặng lẽ nhìn thẳng vào nhau như đang muốn trao đổi điều gì.

Cánh tay đang vươn ra của ông Lục từ từ hạ xuống đặt thật nhẹ lên trên nền đá.
Sau đó, ông hết sức khẽ khàng di chuyển cơ thể về phía trước, nhưng ánh mắt
của ông không đổi hướng, vẫn nhìn chằm chằm vào mắt Lỗ Thiên Liễu.

Quan Ngũ Lang rất muốn chạy ra giúp ông Lục. Anh ta là người chân chất rất
mực. Ông già râu bạc kia ngày thường đối xử với anh và Lỗ Thiên Liễu rất tốt,
sớm tối có nhau, khác gì người một nhà. Giờ đây, mắt nhìn ông toàn thân máu
thịt chan hòa, lê lết trên đất, mà không chịu giúp thì còn mặt mũi nào nữa.
Không hiểu hôm nay Lỗ Thiên Liễu bị làm sao, cô là người thân thiết nhất với
ông Lục kia mà? Tại sao lại lạnh lùng đến vậy?

Ngũ Lang vừa định tiến về phía ông Lục, Lỗ Thiên Liễu đã giữ chặt lấy cánh tay
anh ta, ghé sát vào tai nói thật khẽ:


  • Đừng làm gì, cũng đừng lên tiếng! – Khi nói câu này, đôi mắt của Lỗ Thiên
    Liễu vẫn nhìn thẳng vào mắt ông Lục.

Câu nói này khiến Ngũ Lang rất bất ngờ, vì Lỗ Thiên Liễu không nói tiếng Ngô,
mà nói tiếng Quan Thoại giọng Bắc Kinh tròn vành rõ chữ. Bình thường cô không
bao giờ nói chuyện với người trong nhà bằng tiếng Quan Thoại, ngoại trừ một
tình huống duy nhất, đó là trong tình thế cực kỳ nguy hiểm va cấp bách. Vì cô
sợ lúc đó nói tiếng Ngô sẽ xảy ra hiểu lầm, khiến đối phương nghe không rõ, để
lỡ thời cơ.

Nhưng Ngũ Lang lại thấy tình thế trước mắt không hề có vẻ gì nguy hiểm, nên
anh ta hơi ngoảnh sang nhìn Lỗ Thiên Liễu, nghĩ thầm: “Có chuyện gì đâu, sao
lại căng thẳng đến thế? Hay là trúng tà rồi?”

Lúc này ông Lục không bò giống con rùa nữa, mà hệt như con ốc sên, nhích từng
tí một về phía trước, cố gắng không phát ra tiếng động. Ông trườn theo một
đường ngoằn ngoèo, nhẹ nhàng tiến về phía họ.

Cuối cùng, ông Lục cũng đã đứng dậy được nhờ sự nâng đỡ của Lỗ Thiên Liễu và
Ngũ Lang. Chặng trườn bò khi nãy đã vắt kiệt sức lực của ông, lại thêm đầy
mình thương tích, đau đớn dữ dội, mất máu quá nhiều, nên hai chân mềm nhũn
xuống không đứng vững, phải nhờ Quan Ngũ Lang đỡ lấy.

Hai mắt ông Lục ướt nhòe những nước, ông đang vô cùng xúc động. Ông là người
giàu tình cảm, nếu không ông đã không vì một người đàn bà chỉ có duyên phận
một đêm mà mộng hồn điên đảo suốt hơn hai mươi năm; chỉ vì một lời nói mà từng
ấy thời gian ông chịu sống gửi trong nhà họ Lỗ. Nhưng không hiểu tại sao ngày
hôm nay, khi gặp lại người đàn bà mà ông tưởng nhớ suốt bấy nhiêu năm, ông lại
không hề vui mừng hay xúc động. Trong khi hai đứa trẻ này ông ngày ngày giáp
mặt, mới xa cách có hơn một canh giờ, vừa nhìn thấy đã trào lên nỗi xúc động
và cảm khái tựa hồ sinh ly tử biệt.

Ông xúc động, chủ yếu là vì thấy hai đứa nhỏ vẫn bình an vô sự, như vậy chít
ít ông đã chưa phụ rẫy ơn tri ngộ với nhà họ Lỗ, và cũng vơi đi ít nhiều cảm
giác tội lỗi trong lòng.

Trong cơn xúc động, ông vẫn cảm thấy sợ hãi tột độ, và cũng không biết tại
sao, giờ đây ông không thể nói nên lời. Để tránh cho lúc bò không phát ra
tiếng động, ông đã bỏ lại quả chuông Tử phong trong giếng trời. Nhưng thẻ tre
vẫn còn trong tay, ông run rẩy kẹp lấy thẻ tre, viết trên nền đất ướt cạnh con
đường rải đá ba chữ: “Ngự long cách”.

Lỗ Thiên Liễu lập tức chau mày, hỏi thật khẽ:


  • Bên dưới nền đá phải chăng là Âm thế ma long?

Ông Lục lại viết mấy chữ méo mó: “Không biết”.


  • Làm thế nào bây giờ? – Lỗ Thiên Liễu lại hỏi.

Tay của ông Lục đã đỡ run hơn, nét chữ trên đất bùn cũng trở nên rắn rỏi: “Tìm
hàm rồng, đoạt ngọc rồng”.


Lời Nguyền Lỗ Ban - Chương #49