Kéo Đao Bắn


Người đăng: lmknickmail@

Bị trói chặt trong Lưới trời bắt sẻ, nhưng Quan Ngũ Lang vẫn đứng nguyên tại
chỗ, không những thế, anh ta còn gắng sức để khom lưng xuống. Lẽ nào anh định
dùng chính tấm lưng vạm vỡ để chống đỡ chín mũi phi mâu mỏ phượng nhọn hoắt
chi chít trên trần nhà? Lẽ nào tấm lưng của anh còn rắn hơn cả mai rùa thép
tấm?

Lớp lớp mũi nhọn của phi mâu mỏ phượng rùng rủng rọi ánh hàn quang, những thẻ
tre trên đuôi mâu bị kéo căng, đồng loạt kêu lên ken két. Quan Ngũ Lang biết
rõ, chúng có thể lấy mạng mình chỉ trong nháy mắt, nên anh cần phải hết sức
nhanh chóng vùng vẫy để thoát ra. Thế nhưng cơ thể cường tráng của anh chắc
chắn không thể chui lọt qua mắt lưới, anh chỉ có thể gắng sức đưa đao cán đao
dài mài từ sắt sống ra ngoài.

Đao pháp của Quan Ngũ Lang là Khuyên nhi đao, hay còn gọi là toàn đao pháp
(đao pháp xoay tròn). Mặc dù đao pháp này không có nhiều chiêu thức biến hóa,
nhưng cũng không đơn giản chỉ là nắm chặt cán đao rồi xoay bừa chém loạn, mà
đao pháp còn được chia thành hai loại là vòng đơn và vòng kép. Vòng đơn là chỉ
xoay mũi đao hoặc chuôi đao, vòng kép tức là xoay chuyển cả mũi đao và cán
đao. Sự biến hóa giữa hai kiểu xoay vòng này không chỉ dựa vào lực xoay của
thân người là có thể thực hiện được, mà được khống chế nhờ vào thiết kế xảo
diệu và cơ quan ẩn trong bản thân cây đao.

Tại sao cán đao của Quan Ngũ Lang lại được mài từ sắt sống, chứ không phải làm
từ gỗ tần bì như cán đao thông thường? Nguyên nhân là bên trong chuôi đao có
ẩn tàng cơ quan. Thanh phác đao hai lưỡi này còn được gọi là đao Như ý tam
phân nhẫn (lưỡi chia ba tùy ý), chuôi đao có thể gập thành ba khúc, được nối
liền bằng xích sắt, sau khi các khúc chuôi đao đã được tách rời, hình dạng
giống như côn ba khúc. Trong truyền thuyết, thanh đao ba mũi hai lưỡi của Nhị
Lang Thần có thể tự uốn cong để đả thương địch thủ, nhờ vào gợi ý đó mà người
ta đã sáng chế ra cây đao này. Vì vậy, đao Như ý tam phân nhẫn có một độc
chiêu, đó là trong lúc xoay mình tấn công, có thể đột ngột tách rời mũi đao
hoặc chuôi đao, từ đó thay đổi hướng chém, khiến đối phương không kịp trở tay.

Quan Ngũ Lang là người chất phác. Nếu đao pháp biến hóa quá nhiều, anh sẽ học
không nổi, vì vậy Lỗ Ân và Lỗ Thịnh Nghĩa đã phải bỏ ra rất nhiều công sức vào
thiết kế cây đao, lại nhờ người thợ rèn nổi tiếng từ Quan Ngoại(*) là Nhậm Hỏa
Cuồng dày công tôi luyện, nhằm mục đích lấy đao bù khéo, để bù đắp cho những
điểm yếu về chiêu thức võ công của Ngũ Lang. Ai có thể ngờ một người thô vụng
thật thà như Quan Ngũ Lang trong lúc giao chiến lại có thể ngầm sử hiểm chiêu.
Bởi vậy, chiêu thức khiến đối phương không ngờ tới mới chính là chiêu thức
hiệu quả nhất.

(*) Tức là ngoài biên ải, thường dùng để chỉ khu vực phía đông Sơn Hải Quan
hoặc phía tây Gia Dụ Quan của Trung Quốc.

Quan Ngũ Lang thấy phần lưỡi đao quá rộng, không thể lách qua mắt lưới. Vì vậy
anh mới khom lưng, gắng thò chuôi đao ra ngoài. Sau đó, bấm mở cơ quan, chuôi
đao liền tách ra một đoạn côn sắt dài chừng hơn một thước được nối liền bởi
sợi xích sắt. Quan Ngũ Lang bèn xoay chuyển thân mình, xoay tít khúc côn sắt.
Côn hình vừa kịp thi triển, cả giàn phi mâu mỏ phượng đã ào ào lao xuống như
mưa rào.

Phi mâu tới tấp va vào màn côn sắt, văng ra tứ phía, đan xéo vào những dãy phi
mâu đang lao thẳng xuống ở xung quanh, nháo nhào thành một đám. Chỉ thấy phi
mâu, gỗ vụn, gạch vỡ bay mù mịt. Thế nhưng vòng tròn từ khúc côn vẫn không đủ
lớn, đã có hai ngọn phi mâu lọt qua đâm trúng vào sau mông của Ngũ lang.

Chín mươi chín ngọn phi mâu mỏ phượng đã phóng hết, nằm la liệt kín cả sảnh
đường. Thông thường những loại nút sát thương bố trí dày đặc như thế này đều
là nút tịnh(), không dùng nút đục(*). Bởi vì khi trúng phải nút này, nếu là
cao nhân sẽ lập tức giải được nút, cạm bẫy không thể giữ chân họ; còn nếu như
đã bị nút này trói chặt, chắc chắn khó mà có được cơ hội sống sót. Về mức độ
hiểm độc của đối phương, những người nửa giang hồ nửa thợ mộc trong nhà họ Lỗ
không bao giờ có thể hình dung được.

(*) Tức chỉ dùng một loại ám khí, một lần phóng hết toàn bộ.

(**) Tức là có nhiều chủng loại ám khí xếp thành nhiều lớp, phóng ra theo từng
đợt.

Quan Ngũ Lang không thấy đau đớn, mà chỉ cảm thấy vết thương tê dại và ngứa
rần. Anh liếc mắt nhìn mấy ngọn phi mâu rơi bên cạnh chân, thấy trên mũi mâu
sáng loáng có lẫn chút ánh chàm, chắc hẳn chúng đã được tẩm độc. Bây giờ anh
chỉ có hai sự lựa chọn: một là bình tâm tĩnh khí để hạn chế chất độc phát tán,
đợi người đến ứng cứu; hai là nhanh chóng tìm cách thoát khỏi tấm lưới Dây mây
bờm ngựa đang trói chặt lấy mình, đi tìm người giải độc.

Trong lúc Ngũ Lang còn đang do dự, bỗng từ trên lầu vọng xuống một âm thanh,
khiến anh lập tức đưa ra quyết định. Đó là tiếng kêu lanh lảnh của Lỗ Thiên
Liễu. Với Ngũ Lang, tiếng kêu đó khác nào một mệnh lệnh quyết tử.

Anh không hề thu cán đao lại, vì như vậy sẽ khiến thanh phác đao trở nên ngắn
hơn, càng dễ xoay xở trong tấm lưới. Anh nhích về phía trước chừng hai bàn
chân, giẫm thật chặt lên mảng lưới ở trước mặt, sau đó cố gắng đứng thẳng dậy.
Lúc này hai chân và đầu của Ngũ Lang đã trở thành hai điểm kéo, khiến tấm lưới
bờm ngựa bị kéo căng hết cỡ.

Tấm lưới Dây mây bờm ngựa dai bền đặc biệt, để có thể dùng chân và đầu kéo
căng tấm lưới như Ngũ Lang, lưng eo phải có một sức lực cực lớn. Ngũ Lang từ
nhỏ đã theo nghề chèo thuyền, kéo thuyền trên sông, sau khi đến nhà họ Lỗ, lại
suốt ngày đẵn gỗ khiêng cột. Anh ta bẩm sinh sức lực hơn người, sau khi trải
qua những hoàn cảnh trên đã tôi luyện được một tấm lưng có sức mạnh ghê gớm.

Quan Ngũ Lang “hự” lên một tiếng, vận lực vào lưng eo kéo mạnh, tấm lưới Dây
mây bờm ngựa liền bị kéo thẳng căng như dây đàn. Những dây lưới được kết từ
dây mây và bờm ngựa bị kéo dài thêm nửa thước.

Quan Ngũ Lang đưa mũi đao xỏ ngang vào một mắt lưới, chuôi đao gác trên vai,
sau đó lại vận khí hét lên một tiếng, gồng lưng hết cỡ, kéo lưới thật căng,
cánh tay phải đánh ngang một cú sấm sét vào chuôi đao.

Tấm lưới Dây mây bờm ngựa bền chắc kinh người, nhưng sợi dây dù chắc chắn đến
đâu, sau khi bị kéo căng tới cực điểm cũng sẽ trở nên yếu ớt. Quan Ngũ Lang từ
nhỏ đã quen kéo thuyền buộc cáp, nên anh hiểu rất rõ điều này.

Nút khảm đã bị phá, tấm lưới đã bị thủng một lỗ, mặc dù không lớn lắm. Ngũ
Lang tất bật tay lôi tay cứa một hồi, cuối cùng đã chui ra khỏi tấm lưới.

Vừa thoát thân ra ngoài, Ngũ Lang lập tức cảm thấy hoa mắt chóng mặt, chất độc
bắt đầu phát tán. Anh ta thu lại chuôi đao như lúc ban đầu, tì mũi phác đao
xuống đất, cố định thần trong giây lát. Sau đó bước vội về cây cột ở bên
tường, áp tai lên cột, hơi nheo mắt lại tập trung nghe ngóng.

Đây là một chiêu trong công phu Lập trụ, gọi là “nghe khe hở”. Khi dựng nhà,
giữa cột nhà và rui xà, giữa cột nhà và đá kê cột, giữa cột nhà và xà ngang
nối liền cột với cột đều có điểm ráp nối, trong đó có nhiều chỗ khuất không
thể quan sát bằng mắt. Bởi vậy, nếu muốn biết những chỗ ráp nối có được khít
khao chắc chắn hay không, cần phải dùng tai để lắng nghe, đây chính là kỹ pháp
“nghe khe hở”. Tức là gõ vào một cây cột, cây xà ở chỗ này, rồi áp tai vào một
bức tường chỗ khác để nghe ngóng, sau đó căn cứ vào âm thanh nghe được, lại
căn cứ vào chất liệu gỗ và kết cấu lắp ghép để phán đoán xem bên trong liệu có
khiếm khuyết gì hay không. Thợ mộc bình thường chỉ có thể nghe qua một điểm,
nhiều nhất là hai điểm, còn cao thủ có thể nghe được qua nhiều điểm.

Lúc này Ngũ Lang muốn lợi dụng khả năng truyền âm của cây cột để phán đoán
tình hình trên lầu. Nãy giờ đã không còn nghe thấy tiếng tỳ bà vẳng xuống.
Nhưng ban nãy, trong lúc quyết chiến với “Ngô Câu”, Ngũ Lang có nghe thấy hàng
tràng những tiếng rầm rầm giống như rất nhiều vật nặng va đập xuống sàn gỗ.

Lúc này, qua cây trụ gỗ, Ngũ Lang đã nghe thấy trên lầu có tiếng bước chân rất
đỗi quen thuộc, đang thoăn thoắt di chuyển như đang tránh né. Ngũ Lang cũng
yên tâm phần nào. Thân thủ vẫn hết sức tinh nhanh, chứng tỏ Lỗ Thiên Liễu vẫn
còn ứng phó được. Đồng thời, Ngũ Lang còn nghe thấy một tiếng bước chân khác
rất quái dị, nặng nề hơn bước chân của Lỗ Thiên Liễu, nhưng cũng rất mau lẹ,
đang đuổi sát theo Lỗ Thiên Liễu.

Ngũ Lang không kịp suy nghĩ nhiều, lập tức rút từ trong chiếc gùi tre sau lưng
ra một sợi dây thừng bện bằng gân trâu có sức đàn hồi cực tốt, rồi buộc hai
đầu thừng lên hai cây cột. Để cột nhà được thẳng đứng không nghiêng lệch, sau
khi dựng lên còn phải thực hiện rất nhiều điều chỉnh. Khi đó, cần dùng sợi dây
thừng này để cố định bốn xung quanh cây cột rồi mới tiến hành điều chỉnh, như
vậy vừa có thể giữ cho cây cột không bị đổ, lại có thể dịch chuyển được dễ
dàng mà không cần phải tháo dây thừng. Trong “Tân công trí vật thuyết”(*)
không rõ của ai xuất hiện vào đời Minh có viết: “Người thợ phương Tây dùng dây
bằng gân dựng cột nhà, công sức đều giảm bớt”.

(*) Trước tác ra đời vào thời Minh, chưa rõ người biên soạn là ai, chủ yếu ghi
chép về một số kỹ thuật xây dựng mới, trong đó đa phần được du nhập từ nước
ngoài. Thời đó, cuốn sách này thực sự có tác dụng hướng dẫn và chỉ đạo tích
cực đối với kỹ thuật xây dựng của Trung Quốc, nhưng do môi trường xã hội mê
tín và khép kín lúc bấy giờ, cộng thêm tư tưởng cố chấp cổ hủ của người dân,
nên đã có sự bài trừ mạnh mẽ đối với kỹ thuật được ghi chép trong sách. Bởi
vậy, cuốn sách chỉ được in một hai bản, sau đó không khắc in nữa, đến nay còn
lưu truyền rất ít.

Trên cột vốn đã có các móc sắt để móc tấm lưới Dây mây bờm ngựa, nên sợi thừng
gân trâu được buộc lên rất dễ dàng. Ngũ Lang đặt cây đao Như ý tam phân nhẫn
lên sợi thừng gân trâu, sau đó lùi lại, lôi sợi thừng thật căng như đang kéo
một dây cung lớn. Ngũ Lang lùi dần về phía một cột trụ khác, đây chính là
phương pháp “định vị góc độ qua hai cột’(*) trong khâu Lập trụ, nhưng lúc này
đã được Ngũ Lang biến hóa thành “kéo thừng bắn đao” – một chiêu thức tấn công
thực thụ. Đây là tuyệt chiêu mà Lỗ Ân đã nghiên cứu giúp Ngũ Lang trong quá
trình anh ta học công phu Lập trụ. Nhưng anh ta cũng đã phải đổ mồ hôi sôi
nước mắt học lên học xuống không biết bao lần mới thuần thục được chiêu này.

(*) Một kỹ thuật trong xây dựng thời cổ đại. Thông qua khoảng cách, độ cao
giữa hai cái cột trụ, kéo dây thừng để xác định vị trí các góc nhà, vị trí góc
mái hiên, vị trí đặt xà nóc, từ đó tính toán được số lượng và quy cách của
nguyên vật liệu cần sử dụng.

Cuối cùng, Ngũ Lang cũng đã kéo được sợi thừng tới trước cây cột thứ ba. Rồi
vừa kéo giữ sợi thừng, vừa áp tai vào cột nghe ngóng. Anh ta phải nghe thật rõ
mọi động tĩnh phía trên lầu rồi mới có thể bắn đao đi. Nhưng sau một hồi gắng
sức, độc tính đã phát tác khắp cơ thể. Ngũ Lang cảm thấy hai chân mềm nhũn,
không còn đủ sức trụ lại trước phản lực đàn hồi ghê gớm của sợi thừng gân
trâu, nhất thời không biết nên để sợi thừng kéo mình trượt về chỗ cũ, hay
buông tay phóng đao ra.

Chỉ thoáng chốc do dự, bàn tay thoắt đã buột ra, Như ý tam phân nhẫn lập tức
bắn vọt về phía trước…

Đối diện với mụ béo càng lúc càng bốc mùi hôi thối đến lợm giọng, trong đầu Lỗ
Thiên Liễu vẫn chưa nghĩ ra được biện pháp nào để đối phó. Trong công phu Tịch
trần hay chút vốn liếng Thiên sư pháp sơ sài học mót từ chỗ ông Lục đều không
có chiêu thức nào dùng để hóa giải xác sống, bởi vậy cô chỉ biết né tránh.

Lỗ Thiên Liễu dang rộng hai tay, di chuyển bằng cách trượt chân sang bên cạnh,
bước chân không rộng, biên độ xoay chuyển cũng không lớn. Trong quá trình di
chuyển, Phi nhứ bạc trên hai tay rất tự nhiên bay lượn thành vòng Thái cực,
thân thủ cực thanh thoát mà nhẹ nhàng, hệt như chim én chao mặt sóng.

Mụ xác sống liên tục vặn vẹo cơ thể, hai chân bật hẳn khỏi mặt đất nhảy chồm
chồm mà đi. Mặc dù bật không cao, chỉ khoảng một tấc, nhưng lại vọt đi rất xa.
Đặc biệt trước khi tiếp đất, mũi chân của mụ gần như quét trên sàn nhà, tựa
như một con ngỗng núc ních choãi hai bàn chân to bè trượt trên mặt nước.

Động tác di chuyển tuy rất khác biệt, nhưng hiệu quả về tốc độ lại tương tự
nhau. Lỗ Thiên Liễu chạy kiểu gì cũng không thể thoát thân, mụ béo lúc nào
cũng lù lù ngay trước mặt, cầm chân cô trước lối vào của cầu thang đuôi én bên
trái.

Lỗ Thiên Liễu nhanh chóng quét ánh mắt nhìn khắp lượt đầu tiên, cô nhận thấy
mình có thể lui dần về phía cầu thang, sau đó tìm cơ hội tẩu thoát xuống dưới.
Nhưng trên cầu thang bên phải nơi cô vừa bước lên có bố trí cạm bẫy vô cùng
hiểm độc, thì chắc chắn cầu thang bên trái cũng là khảm diện. Ngay cả khi tại
đây vẫn là khảm diện “đâm trong hộp”, muốn thoát thân vẫn hết sức khó khăn.

Lỗ Thiên Liễu thầm nghĩ, đã khó lòng trốn thoát, chi bằng cứ tìm cách ứng phó
với mụ quái vật này trước đã, rồi tìm cách phá cái bẫy xác này xem sao.

Cô không di chuyển nữa, cũng không tung mình nhảy ra xa, lại càng không có ý
định tẩu thoát xuống cầu thang, mà nhân lúc mụ xác sống còn chưa kịp phong tỏa
hoàn toàn hướng đi đến sân khấu, liền bước theo bộ pháp Liên hoa toái bộ (bước
nhỏ hoa sưn), lập tức lách qua khe hở mà chạy. Mụ xác sống đứng thộn ra một
lát, không biết là ngơ ngác, bất ngờ hay kinh ngạc, đến khi Lỗ Thiên Liễu đã
chạy được năm sáu bước, mụ mới lật đật nghiêng ngả đuổi theo.

Nhìn thấy cái xác đuổi tơi, Lỗ Thiên Liễu cũng ngẩn ra một thoáng, vì mụ ta
giật lùi mà đuổi. Chẳng lẽ mụ ta không thể xoay người? Lẽ nào truyền thuyết đã
nói đúng, “xác đi thẳng ma bay lướt”. Nhưng không đúng, cái xác đi thẳng là
cương thi cứng đơ, còn đây là một cái xác sống mềm oặt.

Lỗ Thiên Liễu đang di chuyển theo bộ pháp hoa sen, hai tay dang rộng, thấy mụ
xác sống đuổi tới, lập tức vận lực múa tít hai tay như hình hai đóa hoa sen.
Khi đóa hoa bên tay phải đẩy về trước mặt, Phi nhứ bạc lập tức tung ra.

Phi nhứ bạc được điều khiển bởi một sợi xích mảnh bằng thép, nối liền với một
tấm khăn nhung mềm mại bọc lấy một quả cầu bằng thép nhỏ bên trong. Kỳ thực
Phi nhứ bạc được chế tác dựa trên nguyên lý của chùy lưu tinh một xích, nhưng
cách sử dụng linh hoạt hơn rất nhiều. Đây chính là chiêu “cánh tay xích” trong
công phu Tịch trần, yêu cầu lực, khéo song hành, đứng trên sàn nhà có thể dùng
nó để lau sạch bụi bặm sau tấm hoành phi hay trong kẻ xà nhà. Kỳ thực, trong
công phu Lục hợp của nhà họ Lỗ, công phu khó tìm được người thích hợp nhất
chính là Tịch trần. Học công phu này không những phải luyện được thuật khinh
công, mà cánh tay cũng phải rèn được công lực cương nhu kết hợp. Như chiêu
“cánh tay xích” nếu rèn luyện tới mức tinh thâm cực điểm, tay chỉ cần rung nhẹ
sợi xích Phi nhứ bạc xoay chuyển, một lần có thể vun lại cát bát đậu xanh tung
tóe trên mặt đất.

Phi nhứ bạc bay đi không xa, chỉ quấn chặt lấy chân một chiếc bàn hoa kê sát
tường. Lỗ Thiên Liễu đột ngột vận kình vào tay giật mạnh, chiếc bàn lập tức
lao vụt về phía mụ xác sống, đập thẳng cánh vào nửa thân người bên trái mụ.
Trên bàn vốn dĩ có bày một chậu hoa, sau cú giật liền văng ra, đúng lúc sắp
rơi xuống đất thì Lỗ Thiên Liễu đã nhanh chóng lao lên đỡ lấy, nhẹ nhàng đặt
lại xuống sàn. Không biết tại sao, Lỗ Thiên Liễu bẩm sinh đã rất mực yêu quý
cỏ cây hoa lá, cô luôn cảm thấy chúng cũng có linh hồn giống như con người.

Chiếc bàn đập thẳng vào mụ xác sống làm bật lên một tiếng trầm đục, mụ béo
văng mạnh sang ngang, không phải là ngã nhào, cũng không hề loạng choạng, mà
cơ thể vẫn thẳng tưng trượt đánh vèo sang bên cạnh chừng bốn năm bước.

Chiếc bàn được đóng từ gỗ gụ lâu năm, góc cạnh cứng rắn không kém gì búa thép.
Góc trán bên trái của mụ xác sống bị cạnh bàn đập nứt một đường, tét thành hai
mép thịt bầy nhầy, một dòng mủ vàng sền sệt giàn giụa chảy ra, hôi tanh lơm
giọng.

Lỗ Thiên Liễu tiếp tục quăng một chiếc ghế thái sư mặt hẹp lưng thẳng về phía
mụ xác sống, nhưng mụ đã tránh được một cách rất mực khéo léo, gần như là chui
qua khe hở giữa bốn chân ghế.

Lại một chiếc ghế thái sư nữa vụt đến, lần này chiếc ghế được quăng lên cao
rồi rơi thẳng xuống. Nhưng cái xác chẳng thèm để ý, vì cái ghế không phải
quăng về phía mụ, mà là quăng về phía cầu thang bên kia.

Chỉ nghe “xẹt” một tiếng khe khẽ mà cực ngắn gọn, chiếc ghế thái sư chỉ còn
lại phần lưng tựa rơi xuống đầu cầu thang. Lỗ Thiên Liễu liếc thấy vết cắt sắc
ngọt mịn như lụa, quả đúng như cô dự liệu, bên cầu thang đó đã gài sẵn một
khảm diện lợi hại gấp bội.

Mụ xác sống chớp lấy cơ hội lập tức xáp tới. Lần này tốc độ của mụ nhanh hơn
rất nhiều, chỉ lắc mình hai cái, đã vụt tới trước mặt Lỗ Thiên Liễu. Lỗ Thiên
Liễu chỉ biết tiếp tục lui về phía sân khấu, vì ở đó có rất nhiều bàn ghế, hẳn
sẽ gây cản trở cho cái xác chỉ biết di chuyển bằng những cú vặn vọ quái dị,
lại không thể nhảy cao.

Trên sân khấu, dãy bàn ghế đầu tiên được làm từ gỗ đàn hương, ghế được sắp về
một hướng, bàn nhỏ ghế to, đó là chỗ ngồi của chủ nhân và khách quý. Dãy thứ
hai được làm từ gỗ gụ, mặt bàn bằng đá cẩm thạch, ghế ngồi xếp ở ba phía, bàn
nhỏ vuông vắn, ghế hẹp lưng thẳng, đây là chỗ ngồi của những người vai vế thấp
trong nhà và khách khứa bình thường. Dãy thứ ba gồm những chiếc bàn hẹp đặt
giữa hai ghế, đây là chỗ ngồi cho những thuộc hạ cấp cao của khách quý và
những người họ hàng xa. Sau nữa chỉ có ghế nhỏ, không có bàn, đó là chỗ ngồi
của trẻ nhỏ, môn khách, quản gia, thầy giáo…

Nhưng thật không ngờ, mặc dù bàn ghế rất nhiều, nhưng động tác của mụ xác sống
vẫn hết sức mau lẹ, dường như mụ đã rất thông thạo cách bài trí của loại bàn
ghế nơi đây. Đầu tiên mụ nghiêng người nhảy dọc vài bước theo lối đi giữa dãy
bàn ghế thứ hai và thứ ba, trở lại trên lối dẫn ra cầu thang, rồi nhảy giật
lùi về phía sân khấu. Có thể thấy, mụ ta chỉ có thể di chuyển tại lối đi và
khoảng trống giữa các dãy bàn ghế.

Chớp mắt, mụ xác sống đã lại áp sát. Lỗ Thiên Liễu đột ngột tung người nhảy về
phía cầu thang bên phải. Mụ xác sống chắc chắn không để Lỗ Thiên Liễu được như
ý, vì mục đích của mụ ta là khóa chặt đường thoát thân của Lỗ Thiên Liễu.

Lỗ Thiên Liễu mới nhảy đi được nửa đường, liền đáp xuống một mặt bàn bằng đá
cẩm thạch. Nó nằm ở dãy bàn thứ hai, và là chiếc bàn gần cửa cầu thang bên
phải nhất. Cô đang nhắm đến cây xà ngang bắc từ trụ đỡ tại cửa cầu thang nối
liền với bức tường phía sau. Phi nhứ bạc từ tay bên phải nhanh chóng vụt ra,
quấn chặt vào thanh xà, liền sau đó Lỗ Thiên Liễu cũng tung mình nhảy lên cao,
sợi xích mảnh nhanh chóng quấn quanh cổ tay, thu ngắn lại. Khi sợi xích đã thu
lại gần hết, co bèn giật mạnh cánh tay, vận lực vào lưng eo, cơ thể lập tức
xoay ngang sang một bên, tựa như đang nằm lơ lửng trên không trung. Cô định
đưa cơ thể bay ngang qua đỉnh đầu của mụ xác sống, sau đó sợi xích sẽ giúp cô
xoay tròn một đoạn, bay qua tay vịn cầu thang, đỗ xuống gờ mép bậc thang ở
phía bên ngoài tay vịn.

Tính toán của Lỗ Thiên Liễu có thể nói là tinh vi cực điểm, động tác của cô
cũng giống hệt như dự tính không sai lệch một ly. Thân người cô đã đu ngang
bên dưới sợi xích, tựa như một phiến lá liễu bay là là mặt nước, rất mực thanh
thoát phiêu diêu.

Đúng lúc, Lỗ Thiên Liễu đang xoay ngang người lướt qua giữa không trung, đột
nhiên cô nhìn thấy bộ móng tay nhọn hoắt như mũi dao của mụ xác sống xỉa tới
ngay trước mặt, nhắm thẳng vào đôi mắt.

Đúng! Lỗ Thiên Liễu tuyệt đối không thể ngờ rằng cái xác quái đản kia lại có
thể nhảy vọt lên cao đến vậy, một độ cao hoàn toàn tỷ lệ nghịch với thân hình
phì nộn của mụ.

Lỗ Thiên Liễu muốn né tránh, chỉ còn một cách duy nhất là buông sợi xích trong
tay ra. Khi bộ vuốt sắc nhọn chỉ còn cách mắt cô chưa đầy ba tấc, cô liền lắc
mạnh cổ tay, buông khỏi sợi xích, cơ thể lập tức đổi hướng. Bộ móng vuốt sắc
lẹm như đao hớt đứt bay mấy sợi tóc trên đỉnh đầu cô.

Lỗ Thiên Liễu theo đà văng về phía bức tường đằng sau. Khi còn cách tường
chừng hai thước, cô giơ hai chân dậm mạnh lên tường, mượn lực bật ngược trở
lại, lăn tròn mấy vòng để tản bớt xung lực, rồi đứng bật dậy.

Chưa đợi cô đứng vững, mụ xác sống lại lắc lư nhảy tới. Cô phát hiện mình đã
trở lại đầu cầu thang bên trái, không biết đang ẩn tàng một khảm diện khủng
khiếp cỡ nào, như một con quái thú đang ngoác miệng chờ sẵn. Bên đầu cầu thang
bên phải, Phi nhứ bạc vắt lủng lẳng trên xà ngang, phất phơ như dải tơ liễu
bay trong gió.

Mụ xác sống đang ngật ngưỡng di chuyển giữa hai đầu cầu thang, áp sát lại gần.
Lỗ Thiên Liễu đứng khựng trước đầu cầu thang bên trái, không biết nên hành
động ra sao.


Lời Nguyền Lỗ Ban - Chương #40