Chiến Tranh Chiêm Thành- Chân Lạp (4)


Người đăng: PTQDung

.
.
.
Quyển II: Anh Hào Tụ Hội


  • Báo cáo tướng quân, quân Hồng Bàng đã chiếm xong cảng Larati.


  • Nhanh vậy sao?- Tướng Mahat Trasin hỏi lại, cẩn thận nhận tờ chiến báo,
    đồng thời cũng nhìn vào những người đang ở trong lếu chỉ huy cùng mình. Đây là
    lều chỉ huy của liên minh quân sự cùng Chân Lạp đánh Chiêm Thành.


Quân Chân Lạp sau nhiều thời gian bị cầm chân tại tuyến tấn công chính, lãng
phí rất nhiều quân và vật tư đã quyết định mở thêm một mũi tấn công khác, đánh
vòng từ hướng bắc của Chiêm Thành, nhằm vào Laja là chính. Ý đồ của họ là tàn
phá hậu phương quân Chiêm Thành, làm khả năng hậu cần của Chiêm Thành suy yếu,
buộc đối thủ phải chia quân, dàn mỏng lực lượng trên các mặt trận để dễ tiêu
diệt và cuối cùng là ép đối phương phải đầu hàng do không chịu nổi áp lực và
tiêu hao chiến tranh.

Để làm được điều này, quân Chân Lạp cần một lực lượng quân đội đủ mạnh để
khiến đối phương phải chú ý, nhưng họ không thể phân binh ra được, vì như thế
sẽ làm yếu đi khả năng tấn công của các mũi tấn công chính. Sau đó tướng Mahat
Trasin- một vị tướng già đã trải nhiều trận đề nghị dùng quân các nước lân
bang làm chính, quân Chân Lạp là chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ này. Các nước
được kêu gọi tham dự vào cuộc chiến này bao gồm: Ai Lao, Bồn Man, Lão Qua và
Hồng Bàng. Sở dĩ quân Hồng Bàng được kêu gọi tham dự là vì quân Chân Lạp biết
rằng Hồng Bàng từng chiến đấu với Chiêm Thành. Hơn nữa do họ cũng đang thiếu
lực lượng, nên mời được thêm ai thì mời, chứ cũng không nghĩ quân Hồng Bàng sẽ
tham gia.

Sau khi quân Hồng Bàng do Hoàng Anh Kiệt mang tới hội quân, liên quân của Chân
Lạp đã hội họp được khoảng 2 vạn quân, trong đó Chân Lạp 5000 quân, Ai Lao
4000 quân, Bồn Man 4000 quân, Lão Qua 4000 quân còn Hồng Bàng thì làm tròn là
3000 quân. Chỉ huy Chân Lạp là tướng Mahat, quân Ai Lao do một vị hoàng thân
tên gọi Chohan Xinhan, quân Bồn Man do vua của họ là Chao Khản đích thân chỉ
huy, Lão Qua thì có tướng chỉ huy Khua Bana. Sau khi gặp mặt nhau, các bên lập
tức mở tiệc ăn uống, kết minh. Rượu quá ba tuần, Mahat đánh mắt, một vị quan
văn của Chân Lạp, người đã đi du thuyết các nước đem quân đến Chiêm Thành lần
này đứng lên làm vài câu mào đầu.


  • Các vị, hiện nay quân Chiêm Thành không biết tiến thoái, làm nhiều điều lầm
    lỡ, thường xuyên gây hấn, xâm phạm biên cương Chân Lạp. Dẫu vua ta có lòng
    nhân nghĩa nhưng quân Chiêm Thành quá mức cứng đầu, khiến vua ta phải cho quân
    trừng trị. Nay các vị ứng nghĩa mà tới giúp sức, thật là những vị anh hào.


  • Ngài Khansa nói vậy là không đúng rồi, từ bao lâu nay quân Chiêm Thành cậy
    mình có biển, độc quyền kinh thương muối, giá tăng vô tội vạ, làm cho dân
    chúng Lão Qua không thể mua nổi, có năm phải ăn nhạt hàng tháng trời, đó thực
    là người và thần đều phẫn nộ.- Khua Bana lập tức tiếp lời, thể hiện sự ủng hộ
    tuyệt đối với Chân Lạp. Lão Qua là nước nhỏ, gần với Chiêm Thành, nhưng không
    có cảng biển, muối họ có phải nhập chủ yếu từ Chiêm Thành, nhưng giá Chiêm
    Thành đưa ra lại quá cao, mâu thuẫn hai bên khá cao.


  • Người Chiêm Thành cậy có cảng lớn, hàng hóa nhập vào họ nhiều, nên hàng hóa
    đưa vào các nước thì lấy giá đắt mà bán, đến khi mua của chúng ta thì lại ép
    giá rẻ, thực là bọn gian thương.


  • Quân Chiêm Thành lấn người yếu, sợ kẻ mạnh, thực là bọn chả ra gì!


  • Đúng, đúng!- Các phe còn lại liên tục hò reo cổ vũ. Danh bất chính thời
    ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tất sự bất thành, cuộc họp này nói trắng ra là
    để các phe tha hồ nghĩ cách bôi xấu quân Chiêm Thành, rồi viết hịch để lấy cớ
    phát động chiến tranh mà thôi.


  • Các vị, hiện nay quân Chiêm Thành ngoan cố chống cự quân Chân Lạp ở mặt
    trận phía tây, dù quân Chân Lạp anh dũng nhưng Chiêm Thành dựa vào địa lợi vẫn
    gây cho quân Chân Lạp nhiều thương vong. Vua tôi vốn là người thương dân,
    không nỡ muốn dân chết nhiều, nhưng tội Chiêm Thành không thể bỏ qua. Nhân
    được biết Chiêm Thành tàn ác với các nước, nên muốn họp thành liên minh, đánh
    quân Chiêm, lập lại trật tự.


  • Đánh Chiêm Thành, lập trật tự.


  • Các vị, trên trời không có hai mặt trời, quân không có hai tướng, quân ta
    họp nhau lại để đánh Chiêm Thành là việc nghĩa, nhưng quân các phe vốn chưa có
    sự quen biết, tướng lĩnh chưa hề có sự tương giao, nếu chẳng may về sau vì
    hiệu lệnh không quen, dẫn tới việc chiến trường bất trắc thì thật không nên.
    Vậy nhân cơ hội này, ta hãy bầu ra một chủ tướng chung, để giúp việc quân thêm
    trôi chảy.


  • Điều này thực là đúng đắn!- Mọi người trong trướng tuy cũng gượng gạo,
    nhưng không ai phản đối, vì việc này ai cũng đoán được phần nào. Tất nhiên,
    việc dễ dàng đồng thuận cũng không nhanh, mọi người đều muốn cá kiếm chút gì
    đó.


  • Chân Lạp khởi xướng tấn công, đòi lại công bằng cho các tiểu quốc bọn tôi,
    vậy xin chủ tướng quân Chân Lạp đứng ra lãnh đạo chúng tôi!- Trái lại, Hoàng
    Anh Kiệt do mong sớm bước vào trận chiến, nên không chút do dự, lập tức đứng
    ra ủng hộ Mahat. Có người đầu tiên, thì những người còn lại phải sớm tỏ ra ủng
    hộ, tránh bị nghi là thiếu quyết tâm.


Nhờ có Kiệt ủng hộ sớm, mọi việc thuận lợi và nhanh hơn hẳn với dự kiến, liên
quân lập tức chọn được chủ tướng là Mahat, phó tướng là Chao Khản- vua Bồn Man
và Chohan Xihan- hoàng thân Ai Lao, còn Kiệt do là nước quá nhỏ với Khua Bana
thì không cò ý tranh, nên tự nhận chức tiểu đệ.

Sau khi phân vai xong, việc tấn công cũng được đưa ra bàn bạc. Mahat tin rằng
quân Chiêm Thành dù đang vất vả phòng thủ mặt tây, thì quân đội còn lại cũng
không ít, nếu không muốn nói là còn khá nhiều, vì thế họ phải thực hiện những
đòn tấn công có sức tập trung cao, đông về số lượng, mạnh về cường độ. Và quan
trọng nhất là các tướng lĩnh phải đồng lòng nhất trí, không tị nạnh, kể cả khi
nhận được những việc khó khăn, ít có cơ hội cướp bóc, chịu nhiều thương vong.
Tất nhiên không ai nói không, nhưng sợ rằng việc này trên thực tế sẽ khác
nhiều đây.


  • Chúng ta muốn tấn công địch, thì trước tiên cần một mũi tấn công thọc sâu,
    thu hút địch khiến chúng phải tập trung lực lượng vào đó, nhờ thế những chỗ
    khác sẽ yếu mỏng, đủ để quân ta đánh tan hoàn toàn.


  • Khu mỏ Tà Pharan thế nào?- Khua Bana nói ngay.


  • Khu đó thì gần Bồn Man thật, nhưng địa hình rất khó cho đại quân công kích,
    nếu đánh nơi đó thì quân tôi tổn thất lớn lắm.- Tể tướng Bồn Man là Vùa Dang
    phản bác tức thì.


  • Khu đồn trú Tráng tuy quân tập trung nhiều, nhưng vì thế nếu tấn công, ắt
    làm chúng phải sợ hãi mà tập trung quân ứng cứu.- Hoàng thân Ai Lao đề nghị.


  • Nơi đó khó đánh lắm!- Đến lượt Khua Bana từ chối, vì chỗ đó gần Lão Qua,
    nếu đánh Lão Qua sẽ ăn đủ, với cả lần này đánh Chiêm Thành chỉ là để giúp kiếm
    chế quân Chiêm Thành cho Chân Lạp thôi, đánh vừa vừa là đủ. Nếu bây giờ Lão
    Qua đánh nơi đó, thì sau này Chân Lạp được lợi ắt sẽ rút đi, Chiêm Thành giận
    cá chém thớt là xong Lão Qua rồi.


  • Tôi xin đề nghị để quân Hồng Bàng đánh trận này. Chúng tôi sẽ đánh cảng
    Larati.


  • Ha!- Câu nói của Hoàng Anh Kiệt khiến mọi người ngạc nhiên nhìn vào cậu ta.


  • Larati là một cảng quan trọng, nếu bị đánh đối phương ắt phải tập trung
    quân tới. Nhưng quân các vị không ai có đường ra biển, Hồng Bàng có, nên chúng
    tôi xin đánh.


  • Nếu thế thì còn gì bằng!- Mahat gật gù tán dương. Tất cả những người còn
    lại trong phòng đều nhìn Kiệt với ánh mắt khá quái dị. Một mặt họ thấy Kiệt
    khá thông minh, đánh cảng Larati thì cướp bóc cũng được một khoản đấy, nhưng
    mặt khác họ lại khinh bỉ trò thông minh vặt này. Tất cả những ai ngồi đây sẽ
    không cho cậu ta hưởng lợi mà không chịu xuất huyết.


  • Nếu thế thì xin nhờ tiểu vương đây nhé. Nhưng xin ngài nhớ cho, để tránh
    việc có người lánh nặng tìm nhẹ, chúng tôi sẽ cử giám quân, được chứ.


  • Rất sẵn lòng.


Liên quân cũng bàn bạc thêm rất lâu, theo đó quân Hồng Bàng dù đánh được cảng
Larati xong cũng không được rút, mà phải lấy đó làm căn cứ đánh lan ra, buộc
quân Chiêm Thành phải quay ra ứng cứu và tập trung quân về đó. Quân Hồng Bàng
chỉ được rút khi nào thương vong quá 1/3, còn không sẽ phải đợi tới khi liên
quân tới phá vây.

Từ khi cuộc họp kết thúc, quân Hồng Bàng đã chuẩn bị chừng nửa tháng rồi xuất
kích. Và chỉ mất 2 ngày từ khi xuất phát, họ đã đánh chiếm xong cảng Larati,
quả là một hiệu suất đáng kinh ngạc. Có điều tất cả những người đang đứng
trong lều chỉ huy đều hiểu rằng từ giây phút này thì quân Hồng Bàng mới đứng
trước thử thách: quân Chiêm Thành bắt đầu tụ lại chỗ họ. Chỉ khi quân Chiêm đã
bị dụ đủ để làm phòng tuyến phía bắc mỏng đi, liên quân mới nhất tề xuất động.


Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite - Chương #77