Phổ Hoa Hiện Tại - Hai Mươi Bảy Tuổi 4


Sáng sớm ngồi xe điện tới tòa soạn, tinh thần của Phổ Hoa cực kém, đến văn
phòng liền uống thuốc giảm đau.

Lưu Yến bước vào cửa, thấy cô mệt càng quan tâm hỏi han.

“Tiểu Diệp, hôm qua làm sao vậy, sắc mặt xấu quá đấy, bị bệnh à? Hôm qua cô về
sớm, vẻ mặt tổng biên tập rất khó coi”.

“Thế à?”. Phổ Hoa vỗ vỗ má, hy vọng bản thân trông khá hơn chút.

“Nghiêm trọng không? Nhanh làm xong bản thảo đi, hôm qua lúc tan làm phó tổng
biên tập đã giục đấy”. “Ôi... vâng”.

Phổ Hoa bưng cốc trà trốn trong phòng uống nước, trấn tĩnh tinh thần mới trở
về phòng làm việc. Không kịp đọc Nhật báo và Tham khảo bên bàn, đành đặt trở
lại giá sách. Cô lấy ra bản thảo mới thẩm định được một nửa ngày hôm kia trong
ngăn kéo, kiên trì xem tiếp. Bản thảo đang biên tập ấy là một câu chuyện tình
yêu, khác nhau một trời một vực với tâm trạng cô lúc này.

Tổng biên tập tới tòa báo, gọi cô vào phòng hỏi lý do xin nghỉ, thấy sắc mặt
cô không tốt, cũng không trách thêm, cuối cùng lại thúc giục bản thảo đang
được thẩm định.

Phổ Hoa kính cẩn lễ phép nghe hết lời khiển trách, ra khỏi phòng sếp, ngồi
trên ghế, tiếp tục sửa những lỗi sai trên bản thảo một cách máy móc.

Lưu Yến mượn cớ lấy nước tiến sát lại bàn cô nói khẽ: “Cô sao vậy? Không có
tiền thưởng nữa à?”.

Phổ Hoa đang rối như tơ vò, lại phải biểu hiện tự nhiên, không muốn bị đồng
nghiệp nhìn ra, “Không phải... chị Lưu, buổi chiều em có thể còn phải ra
ngoài... trong nhà có chút chuyện...”.

“Thế à... Nghiêm trọng không... Vậy cô làm đi, không quấy rầy cô nữa...”. Lưu
Yến trở về chỗ mình, khẽ nhắc nhở: “Đừng quên xin nghỉ ốm, tiền thưởng cả
năm!”.

Phổ Hoa rất cảm kích, nói cảm ơn xong lại im lặng cúi đầu làm việc.

Trước bữa trưa, cô xin phép tổng biên tập nghỉ nửa ngày, thu dọn đồ đạc rời
khỏi tòa soạn. Cô tìm thấy nơi mình cần đi trên biển báo bến xe bus, rút di
động ra nhắn tin cho Quyên Quyên.

“Mình về trường trung học, buổi tối cậu qua nhé?”.

Quyên Quyên trả lời ngay: “Không vấn đề”.

Khoảng hơn nửa tiếng sau, Phổ Hoa trở về nơi hôm qua cô đã tới, nhưng lần này
cô vượt qua đường lớn, đứng dưới bức hoành phi ở cổng trường.

Trường học đã tan từ lâu, dòng xe và những người tan làm trở về nhà không
nhiều, con đường vô cùng tĩnh lặng. Cô sờ chấn song sắt cổng trường, nhớ lại
cảm giác thân thương quen thuộc ấy, dường như trở về mười mấy năm trước.

Khi đó cô chỉ hơn mười tuổi, cũng từng vô âu vô lo, có rất nhiều khát khao lý
tưởng, làm tác giả, phóng viên, phiên dịch, mỗi ngày đều bạo gan mơ tưởng,
tràn đầy tò mò đối với thế giới bên ngoài. Sáng sớm đeo ba lô tiến bước mạnh
mẽ vào cổng trường, chiều tối đạp xe cùng bạn học mặc sức dạo chơi những con
đường cổ và các ngõ ngách, hưởng thụ cuộc sống giản đơn của một đứa trẻ mười
hai, mười ba tuổi. Cả nhà chuyển từ ngõ nhỏ phía tây thành phố vào tòa nhà cao
tầng, cô thi đỗ trường trọng điểm, bắt đầu cuộc đời học sinh trung học, những
điều này đều được coi là sự chuyển biến trong nhà, đương nhiên, là chuyển biến
tốt nhất, bắt đầu ngày càng đi lên.

Nhưng, như vậy thật ư?

Người giữ cổng đang quét dọn, Phổ Hoa đẩy cánh cổng sắt, bước vào cổng sân thể
dục, qua đó hỏi: “Bác à, cháu có thể vào xem một chút không?”.

Người giữ cổng dừng lại, nhìn cô một lượt từ trên xuống dưới: “Cô là phụ
huynh?”.

Phổ Hoa lắc đầu, nói cụ thể tên thầy giáo và lớp tốt nghiệp của mình.

“À, vậy đi đi, ra sớm nhé”.

Người gác cổng còn tốt bụng chỉ đường cho cô, Phổ Hoa mới phát hiện rằng sau
khi sửa sang, con đường thông từ sân tập thể dục ra cổng trường đã thay đổi.

Con đường nhỏ, dài hơn trăm mét, mỗi bước chân cô đi đều rất cẩn thận. Qua
phòng thường trực, thùng thư to màu xanh đen quen thuộc dưới bệ cửa sổ vẫn
kích cỡ hồi Phổ Hoa học trung học, bề mặt tróc ra từng mảng sơn, cái khóa hoen
gỉ, trên bệ cửa sổ đặt những lá thư không người nhận.

Cảnh tượng này nhất thời khiến ký ức cô sống lại, cô cũng từng rất nhiều lần
đứng ở cùng một nơi, thành kính mở cánh cửa đó tìm bức thư màu tím bên trong.
Tên người nhận là người cô cực kỳ quen thuộc. Vì điều này, cô không biết đã
thêu dệt bao nhiêu phiên bản của câu chuyện với Quyên Quyên, nam chính mỗi lần
đều là anh, nhưng nữ chính trước nay lại không phải bản thân cô.

Men theo con đường thường đạp xe ngày xưa, Phổ Hoa từng bước đi về phía phòng
học. Khi cô nhập học, cây thùy dương bên đường vẫn chỉ là cây non khẳng khiu,
bây giờ đã xòe tán ra một khoảng bóng mát. Khu vực để xe đạp ban đầu đã vẽ
những vạch đỗ xe mới. Cô đứng dưới cây liễu, nhìn chiếc xe đạp dựng bên cạnh
giá bóng rổ, xem mấy cậu nam sinh mặc đồng phục thể thao của trường tập ném
bóng. Tay chân thon dài, mặc sức chạy băng băng trong cơn gió nóng bức, mồ hôi
nhễ nhại, tuổi thanh xuân tự nhiên thoải mái.

Một loại hơi thở mà Phổ Hoa đã từng vô cùng quen thuộc.

Cô bé nữ sinh đẩy xe về nhà đi qua Phổ Hoa, cung kính lễ phép chào cô: “Em
chào cô!”. Cô ngại ngùng không trả lời, men theo sân thể thao bước vào phòng
học.

Sau khi tốt nghiệp, cô chỉ quay lại trường học có một lần, đi cùng Vĩnh Đạo
lấy mô hình máy bay anh để ở trường. Sau đó, cô chưa từng bước chân vào cánh
cửa này.

Phổ Hoa lên tầng tìm thấy phòng học cũ của mình, hôm nay, biển lớp, bàn ghế
đều được đổi, chỉ có cửa sổ bằng kính trong dãy hành lang vẫn cũ, đứng một bên
nhìn xuống dưới, ngoài mấy nam sinh đánh cầu, cô không nhìn thấy cái gì khác.
Có lẽ tâm trạng của người nhìn khác nhau, trời đất từng bát ngát mênh mông bây
giờ xem ra cũng chỉ là một bãi tập nhỏ, những thứ như kích động, mơ hồ, hoang
mang, nghi hoặc lưu lại nơi này, hôm nay sớm đã tan thành mây khói, không còn
chút dấu vết.

Phổ Hoa ngồi trong phòng học một lát, khi đứng lên vô thức quay đầu nhìn một
cái. Bàn ghế trống rỗng, trên mặt bàn có khăn lau sạch sẽ. Mười mấy năm trước,
Vĩnh Đạo từng ngồi chéo phía sau không xa, anh quen dùng bút bi chấm lên ốc
vít ở chân bàn, chống cằm khi nghĩ đến đề thi. Mỗi lần ánh mắt chạm nhau, anh
thường không ít thì nhiều đều quấy rối sự yên tĩnh nơi cô. Có lẽ ngay từ khi
đó đã định sẵn quan hệ giữa bọn họ sẽ không đơn giản như vậy.

Trước khi ra ngoài, Phổ Hoa viết lên bảng, chẳng qua chỉ là vài cái tên, sau
đó lau sạch chữ viết bằng phấn, nhanh chóng hết sức quay trở về con đường cũ,
kết thúc hành trình nhớ chuyện xưa trong thời gian ngắn ngủi.

Xuống dưới lầu, đài phát thanh ở sân tập thể dục vang lên tiếng thông báo
trong không gian yên tĩnh của trường học, mấy cậu nam sinh chơi bóng hẹn nhau
đi lấy xe, từng người khoác ba lô lệch, cười nói rời đi, Phổ Hoa phát hiện một
cô gái đi giữa, bóng lưng nhỏ nhắn, tóc dài cột đuôi ngựa, cậu học sinh bên
cạnh cầm hai cái ba lô. Cô dừng bên cây liễu, chăm chú nhìn họ rời xa, cảnh
tượng thật ấm áp, gợi lên trong lòng cô một tia ngọt ngào.

Ánh mặt trời xuyên qua áng mây chiều đỏ rực, trời dần dần chuyển tối, cái nóng
dịu đi. Phổ Hoa hít sâu một hơi không khí trong gió, dường như có hương thơm
của hoa. Người giữ cổng đang quét dọn, thuận đường giục cô ra về. Cô tới chỗ
thùng thư, đứng lại một lát, cầm tập thư trên bệ cửa sổ lên, phủi nhẹ lớp bụi.
Đang định rời đi lại bị người đối diện làm cho chấn động.

Nỗi đau khổ kìm nén hai ngày nay chớp mắt được thay thế bởi nhịp đập cuồng
loạn của trái tim trong lồng ngực. Cô không thể tin nổi, nhìn Vĩnh Đạo từng
bước lại gần, ngày này giờ này, hôm nay lúc này, họ từng có biết bao cuộc gặp
ngẫu nhiên nhưng điều cô không muốn nhất là gặp anh lúc này.

Phổ Hoa vô thức lủi lại một bước dài, gót chân sượt qua phần gỗ thò ra dưới
chân thùng thư, đau khủng khiếp nhưng còn không bằng cơn đau trong lòng.

“Hi”. Vĩnh Đạo bước tới lên tiếng chào, theo ánh mắt của Phổ Hoa nhìn mấy cậu
nhóc đánh bóng xong về nhà, “Trùng hợp vậy?”.

Anh đút tay túi quần, dừng trước mặt cô. So với lần gặp trước, tóc anh đã cắt
ngắn, lớp râu mỏng từ hai bên má tới cằm, mặt mũi hăm hở, lại có chút chán
chường. Trong áo lộ ra một góc cà vạt, màu sắc hoa văn là phong cách Phổ Hoa
thích, nhưng cô không chắc đó có phải cái mình mua cho anh không. Nghĩ lại, cô
lập tức phủ nhận khả năng này, một người đàn ông vừa kết hôn sao có thể đeo cà
vạt vợ trước mua cho chứ?

Cô tiếp tục quan sát anh, cuối cùng ánh mắt lạc xuống mũi giày. Anh cũng cúi
đầu theo.

“Sao vậy?”. Anh dường như phát hiện ra nơi cô nhìn, cố ý vểnh mũi giày.

Phổ Hoa chưa từng thấy đôi giày đó, cũng chưa từng thấy anh đi màu sắc này
trước đây.

Không đợi cô trả lời, anh cười không chút hứng thú, nhấc giày lên giẫm xuống
đất, “Sao lại nhớ tới trường học vậy?”.

“Xem chút thôi”. Phổ Hoa không biết nên đặt ánh mắt ở đâu, chỉ có thể nhìn
thẳng xuống giá đỡ thùng thư dưới chân.

Người giữ cổng quay lại, thấy họ đứng cùng nhau, cảm thấy có chút kỳ lạ.

“Hai người...”.

“Bác ạ, bọn cháu vào đi dạo vòng vòng”. Vĩnh Đạo rút tay khỏi túi quần, bước
tới định vỗ vỗ vai Phổ Hoa, khi tay anh sắp chạm vào lại thả xuống, cô bất
giác nhăn mày, anh thấy được điều đó.

“Đi, đi với anh vào xem chút, đã sắp tốt nghiệp được mười năm rồi”. Anh đi
trước, băng qua con đường nhỏ, đi vài bước rồi dừng lại quay đầu, dường như
đoán trước được cô sẽ vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ. “Nhanh lên!”.

Người giữ cổng bán tín bán nghi đứng phân loại thư ở cửa phòng thường trực,
không ngừng thò đầu quan sát hai người.

Phổ Hoa bị nhìn tới mức mất tự nhiên, chỉ có thể đi theo, bắt kịp Vĩnh Đạo rồi
vượt lên đi trước anh.

Vĩnh Đạo ngược lại không hề vội vàng, dường như vô cùng thảnh thơi tận hưởng
lần viếng thăm này, nhìn đông, ngó tây, anh đá viên sỏi trên đường lăn tới
chân cô, lại nhặt quả bóng bị vứt bên đường, đập hai phát rồi ném lên rổ bóng.

Bóng đã vào rổ.

Ở cổng vào sân thể thao, anh dựa vào cây liễu không đi, gọi Phổ Hoa.

“Này!”.

Cô vẫn lặng lẽ đi về phía trước, nghe thấy anh gọi, đứng xa xa ở góc chết bên
cạnh tòa nhà.

“Tòa nhà hai tầng có phòng y tế bên đó bị phá đỡ từ năm ngoái rồi, sắp xây tòa
nhà thí nghiệm mới, khoảng mùa thu thì khởi công, do Thành Tự thiết kế, An
Vĩnh muốn mọi người quyên chút tiền cho trường nặn cái gì đó hoặc làm biển”.
Vĩnh Đạo hét to trong sân tập không bóng người, thực ra là muốn nói cho mình
cô nghe, “Căn nhà mái bằng đằng sau tòa nhà thực nghiệm cũng sẽ bị dỡ bỏ để
xây thư viện và phòng đa chức năng, bạn cùng trường trước kia làm, muốn anh
giúp. Lễ kỷ niệm mười năm, mọi người đều nói về gặp mặt, nghe nói đến lúc đó
bọn Khổng Nhượng cũng trở lại, mời cả mấy thầy cô đã về hưu”.

Anh nói xong rồi dừng một chút, quay về phía cô đứng.

Lời của anh, Phổ Hoa nghe rõ mồn một. Trước kia cô không quan tâm tới công
việc của anh, anh đang nghĩ gì cô cũng không hiểu, giữa hai người dường như
cách nhau một lớp giấy mỏng, luôn không nhìn thấu. Bây giờ lớp giấy đó đổi
thành Cầu Nhân, trở thành bức tường dày, không cách nào xuyên qua, đến sự kiên
nhẫn lắng nghe cô cũng không còn nữa.

Thẫn thờ cúi đầu, Phổ Hoa nhìn con đường nhựa dưới chân, không rõ anh nói
những điều này với dụng ý gì.

Vĩnh Đạo đứng dưới cây, tay đút túi quần, không biết làm thế nào. Anh vô cùng
quen thuộc với dáng vẻ thu người vào góc tòa nhà của cô, ánh mắt lơ lửng đến
nơi căn bản không tồn tại, suy nghĩ lạc đến nơi anh không thể tới được. Cô mới
hơn hai mươi tuổi, nhưng lại không hề có nhiệt huyết thanh xuân giống như
người khác, không thích cười, không thích nói chuyện, ít bạn bè, quanh năm
khép mi, chìm đắm trong thế giới của riêng mình.

Anh đã thử phá vỡ, thử biết bao nhiêu lần, nhiều tới nỗi bản thân cũng không
thể nhớ hết được.

Lấy lại tinh thần một lần nữa, Vĩnh Đạo nói: “Văn phòng của các thầy cô cũng
chuyển lên tầng năm rồi, chính là phòng máy tính trước đây. Phòng học ban khoa
học xã hội ở tầng ba bây giờ lớp mười sử dụng, lớp tự nhiên trước đây đổi sang
phòng thí nghiệm. Toàn bộ cấp hai chuyển sang phía nam con đường, bây giờ ở
đây chỉ có cấp ba”.

Phổ Hoa trả lời bằng sự im lặng, đến lắc đầu cũng không thể.

Anh cảm thấy mất hứng, từ bỏ suy nghĩ tiếp tục.

Thế là, hai người họ giống như hai bức tượng điêu khắc đứng ở đó, mỗi người
mang theo tâm sự của riêng mình, dần dần chìm đắm trong ánh tà dương, bóng kéo
thành một đường, sau đó hoàn toàn biến mất.

Đèn của lớp học đêm trên sân tập bật sáng, họ vẫn đứng như vậy. Người giữ cửa
lại ra tuần tra lần nữa, Phổ Hoa mới ngước cái cổ mỏi nhừ lên, cô phát hiện
Vĩnh Đạo vẫn dựa ở dưới cây vừa nãy, ánh mắt ở nơi rất xa, cái bóng nghiêng có
phần cô đơn. Dáng vẻ cô đơn đó không nên xuất hiện nơi anh, không hợp với thân
phận người đàn ông vừa kết hôn.

Cô không có cách nào bình tĩnh để nghiên cứu anh, nói chuyện xưa cùng anh,
nghe anh nói về ngày trước, cô tự cảm thấy rất giả tạo.

“Muốn đi à?”. Anh đứng từ xa hỏi một câu.

Cô không trả lời, quay đầu đi ra bên ngoài. Tiếng bước chân anh luôn theo sát
sau cô.

Trên hành lang ra cổng trường cô bước nhanh, chạy khỏi cổng, chặn xe bên lề
đường.

Một chiếc taxi dừng lại, cô mở cửa muốn bước lên. Phía sau anh gọi một tiếng:
“Diệp Phổ Hoa!”.

Ba chữ rất vang dội, chấn động khiến cô đau đớn, toàn thân run rẩy.

“Cuối tuần này... đừng quên về thăm bố”. Anh bước lại gần, khi cô chui vào xe,
anh nói thêm một câu: “Anh cũng đi, chúng ta gặp ở chỗ cũ”.

Sự chua xót theo lời anh nói từ xương tủy tụ vào khóe mắt, Phổ Hoa đóng cửa
xe, quay đầu, vờ như chưa nghe thấy anh vừa nói gì.


Giường Đơn Hay Giường Đôi - Chương #5