Kế Hoạch Diệt Cỏ (hạ)


Người đăng: khuynhtanthienha10@

Hàn Phong quan.

Khi Cô Chính Phàm nói ra biện pháp diệt cỏ, Mịch Tử Âu đã hiểu rằng Cô Chính
Phàm đã định ra một trọng tâm cơ bản cho kế hoạch bao vây tiêu diệt lần thứ
tư.

Trong biện pháp này, trước hết sẽ giải thích toàn diện một phen về khái niệm
lương thảo.

Lương thảo bao gồm cả hai khái niệm là lương và thảo (cỏ), lương là cho người
ăn, cỏ là cho ngựa ăn. Không nên xem thường hai khái niệm này, bản thân nó có
sự khác biệt rất lớn.

Năm đó gia tộc Sa Khố Nhi Luân sở dĩ có thể chỉ mang theo mười hai ngày lương
thực mà có thể chịu được trận phục kích kéo dài trong hai mươi mốt ngày, đó là
nhờ Đại Đế quốc Tây Xi là một Đế quốc thảo nguyên. Tám chục phần trăm diện
tích của Đại Đế quốc Tây Xi chính là thảo nguyên mênh mông, nơi nơi đều có cỏ
xanh, nuôi ngựa không cần phải lo không có cỏ. Cho nên chiến sĩ Sa Khố Nhi
Luân có thể nhờ vào sự kiên cường và nhẫn nại của bọn họ, mỗi ngày chỉ ăn nửa
khẩu phần lương thực mà chịu đựng trong thời gian hai mươi mốt ngày phục kích.

Nhưng chiến mã ăn không đủ no tuyệt đối là không được.

Sở dĩ dân tộc du mục có được kỵ binh lợi hại linh hoạt, tới lui như gió, chính
là nhờ vào ưu thế chiến mã có thể chăn thả tùy ý.

So ra, một quốc gia thành lập từ dân tộc sinh sống bằng nông nghiệp, trong
lãnh thổ quốc gia sẽ có rừng núi, thung lũng, sông ngòi, ngoài ra còn có thành
thị, đường sá, đồng ruộng, nhà cửa… Tất cả những nơi này gần như không có
nhiều cỏ.

Dân tộc sống bằng nông nghiệp vốn điều kiện thiên nhiên không cho phép tùy ý
chăn thả, cho vậy nếu kỵ binh của bọn họ muốn tới lui ngàn dặm, vì để bảo đảm
ngựa không bị đói, nhất định phải mang theo cỏ khô.

Cái gọi là định mức cao nhất chỉ có thể mang theo tối đa mười lăm ngày lương
thảo, chính là đã bao gồm cả lương thực cho người và cỏ cho ngựa, mà sức ăn
của ngựa thật ra là rất lớn.

Cho nên lúc Tướng quân Lý Phi lập nên tiêu chuẩn mười lăm ngày lương thảo mà
nay đã trở thành kinh điển, không chỉ có các chiến sĩ vừa đủ lương thực để ăn
ở ngày cuối cùng, chiến mã cũng giống như vậy. Mà khi Bích Không Tình tập kích
đội hộ lương ở điếm Trú Mã, hắn cũng tiến hành dưới tình huống chỉ mang theo
lương khô mà không mang theo cỏ khô. Bởi vì trận tập kích ấy là triển khai
trên thảo nguyên Phong Nhiêu, cho nên có thể tự do chăn thả. Cho nên cho dù
hắn đánh thắng được trận ấy, cũng không thể nào đủ tư cách so sánh với Tướng
quân Lý Phi.

Mà Đế quốc Kinh Hồng cũng là một quốc gia mà nguồn cỏ không được phong phú cho
lắm, tất cả kỵ binh dưới tình huống không có tiếp viện hậu cần quân nhu đều
phải tự mang theo cỏ khô.

Mang theo càng nhiều, trọng lượng mà ngựa phải chở càng lớn, ảnh hưởng tới tốc
độ và sức bền càng nhiều.

Đề nghị diệt cỏ của Cô Chính Phàm chính là nhắm vào điểm này.

Sở dĩ hiện giờ Thiết Huyết Trấn có thể tung hoành như vậy, nguyên nhân là nhờ
bọn họ sử dụng một người hai ngựa, cho nên mới có thể tới lui như gió. Nếu con
ngựa này mệt mỏi thì lập tức thay đổi con kia, cho nên chiếm ưu thế rất nhiều
so với kỵ binh của Đế quốc Kinh Hồng. Nhưng chúng ta phải nhớ lại câu châm
ngôn kia: ‘Sở trường của nó cũng chính là khuyết điểm của nó”.

Ưu thế về tốc độ này có được là nhờ vào song mã, bởi vậy nhu cầu về lương thực
của Thiết Huyết Trấn cũng rất cao.

Những nơi có người thì sẽ có lương thực, Thiết Huyết Trấn muốn kiếm lương thực
cũng không khó khăn gì, thế nhưng cỏ thì không phải chỗ nào cũng có. Hơn nữa
chiến mã của dân tộc sinh sống bằng nông nghiệp, sau một thời gian huấn luyện
lâu dài đã quen ăn cỏ khô được mang theo, giờ đây năng lực tự tìm kiếm cỏ của
nó giảm sút rất nhiều, không thích hợp cho việc chăn thả.

Nếu không đủ cỏ, ngựa sẽ khó mà chạy nổi. Nếu như lương thực không đủ, biện
pháp duy nhất là giết ngựa mà ăn.

Mà nếu Thiết Huyết Trấn không còn ngựa, cũng giống như con chuột không còn
chân. Sở dĩ chuột có thể đối phó với người là nhờ nó nhỏ bé, tốc độ nhanh
nhẹn, động tác linh hoạt. Mất chân rồi, ngoại trừ nhỏ bé ra thì chuột Thiết
Huyết Trấn không còn ưu thế gì đáng nói, người Đế quốc Kinh Hồng chỉ cần giẫm
một cước là phải chết.

Sở dĩ Thiết Phong Kỳ biết rõ lương thảo trên Điệp Thúy lĩnh chỉ là mồi nhử
cũng phải đi cướp, mục đích chủ yếu không phải vì tìm lương thực cho các chiến
sĩ no bụng, mà là tìm cỏ khô cho chiến mã.

Sau khi Tô Nam Vũ và ba vạn kỵ binh của hắn bị tiêu diệt, người Đế quốc Kinh
Hồng không còn khả năng điều động thêm kỵ binh để tiếp tục truy kích, chính vì
như vậy, người Đế quốc Kinh Hồng cũng chỉ còn cách nghĩ tới đánh vào cỏ để đối
phó Thiết Huyết Trấn.

Ý tưởng này của Cô Chính Phàm có thể nói là một lần nữa đánh trúng vào nhược
điểm của Thiết Huyết Trấn. Cô Chính Phàm dựa trên cơ sở đề nghị lần trước của
Mịch Tử Âu, tiến thêm một bước đẩy mạnh chính sách co cụm tài nguyên. Nhưng cỏ
và lương thực có sự khác nhau rất lớn, muốn cắt đứt nguồn cỏ cung cấp cho
Thiết Huyết Trấn so với cắt đứt lương thực khó khăn hơn rất nhiều, cái giá
phải trả cũng nhiều hơn. Một khi Cô Chính Phàm tiến hành chính sách cắt đứt
nguồn cỏ trong phạm vi cả nước, chuyện này có ý nghĩa rằng người Đế quốc Kinh
Hồng phải phái ra rất nhiều người làm công tác vận chuyển, canh giữ và đốt
trụi cỏ. Vận chuyển là điều động những số cỏ khô cung cấp cho chiến mã của
mình sử dụng, canh giữ là phải phái ra trọng binh canh giữ phần diện tích thảo
nguyên nhỏ bé trong nước. Còn đốt cỏ là đốt những số cỏ không thể mang đi và
số cỏ phân tán ở những địa hình bất lợi không thể canh giữ. Từ đó mới làm được
chuyện không chừa một ngọn cỏ nào cho Thiết Huyết Trấn.

Đây là biểu hiện lên tới đỉnh điểm của chiến lược làm cho đất đai hoang hóa,
cũng là sách lược mà một quốc gia yếu hơn chọn dùng khi phải đối mặt với địch
nhân xâm lấn quá hùng mạnh. Người xưa gọi là ‘không chừa lại một gốc cây ngọn
cỏ’, ở một mức độ nào đó cũng bao gồm ý nghĩa diệt sạch cỏ. Đương nhiên, nếu
chỉ muốn diệt cỏ, vậy không thể xem như hoàn toàn lui giữ cỏ, chỉ có thể áp
dụng những biện pháp từng phần như đã nói ở trên.

Nếu thực hiện chiến lược tiêu diệt cỏ hoàn toàn, cái giá phải trả cho chuyện
này sẽ rất lớn. Lúc ấy không chỉ Thiết Huyết Trấn vì vậy mà mất đi nguồn cỏ
cung cấp cho chiến mã của mình, ngay cả dân chúng trong Đế quốc Kinh Hồng làm
nghề chăn nuôi cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Ví dụ như một người chăn nuôi
gia súc có thể bảo vệ nguồn cỏ của mình bằng hình thức xin quân đội bảo vệ.
Nhưng đối với dân chúng vốn nghèo nàn, vả lại nguồn cỏ vô cùng phân tán mà
nói, hành vi như vậy có thể nói là vô cùng xa xỉ. Cũng vì như vậy, bọn họ sẽ
phải đối mặt với tình cảnh gian nan khi súc vật mà mình chăn nuôi không còn cỏ
để ăn.

Rốt cục Mịch Tử Âu cũng đã hiểu được vì sao mấy ngày qua Cô Chính Phàm vẫn do
dự cân nhắc vấn đề này. Rất hiển nhiên, Cô Chính Phàm đã do dự suy xét xem có
nên dùng kế hoạch này để đối phó với Thiết Huyết Trấn hay không. Hiện giờ
Thiết Huyết Trấn giống như một chứng bệnh mãn tính của người Đế quốc Kinh
Hồng, chữa hoài không hết. Vốn từng nghĩ rằng có thể diệt trừ Thiết Huyết Trấn
một cách dễ dàng, nhưng suy nghĩ này đã trở nên quá ngây thơ trước sự thật
rành rành hiện tại, vì vậy cho nên Cô Chính Phàm không thể không cân nhắc tới
tình huống xấu nhất, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng.


  • Trên cơ sở của lần bao vây tiêu diệt thứ ba, tiến thêm một bước co cụm tài
    nguyên, khiến cho Thiết Huyết Trấn mất đi ưu thế về tốc độ… Ừm, nếu như thật
    sự không còn cách nào khác, cũng chỉ có thể lựa chọn cách này mà thôi.

Mịch Tử Âu bất đắc dĩ gật đầu:


  • Tuy nhiên về mặt quân sự, cần phải tiến hành điều chỉnh một chút mới được.


  • Vậy phải xem tình huống của Thế Quân Dương ra sao rồi hãy quyết định.


Cô Chính Phàm thản nhiên đáp:


  • Nếu như Thế Quân Dương thật sự tiêu diệt được Thiết Phong Kỳ, nêu cao quân
    uy của chúng ta, như vậy chúng ta có thể tiếp tục áp dụng trạng thái chủ động
    tiến công, đuổi giết các lộ binh còn lại của Thiết Huyết Trấn. Nhưng nếu Thế
    Quân Dương không làm được, ta sẽ đề nghị với Quốc chủ dùng sách lược phối hợp
    phòng ngự khu vực!


  • Phối hợp phòng ngự khu vực?


Mịch Tử Âu nghe vậy hoảng sợ, Thiết Huyết Trấn chỉ mới tiến vào Đế quốc Kinh
Hồng hơn nửa năm qua, đã ép người Đế quốc Kinh Hồng phải dùng tới chiến lược
phối hợp phòng ngự khu vực rồi sao?

Cái gọi là phối hợp phòng ngự khu vực, thật ra chính là biểu hiện phòng thủ
giống như chiến thuật mà Thế Quân Dương đã sử dụng để chia cắt miền Nam. Hành
động cụ thể có nghĩa là chủ động liên kết các thành lớn lại với nhau, tiến
hành công tác phong tỏa và phòng ngự theo khu vực. So với ba lần bao vây tiêu
diệt trước đây, chiến lược phối hợp phòng ngự khu vực thật ra không được xem
như lần bao vây tiêu diệt thứ tư, mà là một hệ thống phòng ngự có kế hoạch,
cũng là chiến lược tiến hành áp dụng khi cần nhằm vào đối thủ có thực lực khá
mạnh.

Trong ba lần bao vây tiêu diệt trước, người Đế quốc Kinh Hồng đều chủ động
tiến công, tuy rằng các thành thị đều cố thủ, nhưng mục đích chủ yếu là vì đề
phòng Thiết Huyết Trấn phá phách địa phương, gây ra tổn thất không cần thiết.
Nhưng phối hợp phòng ngự khu vực cũng có ý nghĩa là người Đế quốc Kinh Hồng đã
thừa nhận về mặt quân sự rằng, đối thủ có thực lực ngang bằng với mình, bởi
vậy không tấn công đối thủ toàn diện nữa, mà là khi cần áp dụng thủ đoạn phòng
ngự ở mức độ nhất định, sau đó thông qua vấn đề vật tư bị tiêu hao khiến cho
đối thủ lần lần suy yếu, không đánh mà bại.

Nói trắng ra, ý nghĩa của chiến lược này chính là lấy tịnh chế động, nguyên
nhân của nó cũng rất đơn giản, người Đế quốc Kinh Hồng đã cảm thấy mệt mỏi.
Con chuột Thiết Huyết Trấn này đã chạy khắp trong nhà người Đế quốc Kinh Hồng
quá lâu, chủ nhà dùng đủ các phương pháp cũng chưa diệt trừ được, cho nên chỉ
có thể ngồi xuống nghỉ ngơi, thở vài hơi, sau đó mới nghĩ cách khác.

Phối hợp phòng ngự khu vực nhìn bề ngoài chỉ là một thủ đoạn phòng ngự mà
thôi, nhưng về mặt chính trị thì khác rất nhiều. Bởi vì một khi người Đế quốc
Kinh Hồng áp dụng kế hoạch này, chẳng khác nào bọn họ thừa nhận rằng về mặt
quân sự tạm thời không chống nổi Thiết Huyết Trấn. Chẳng những bọn họ không
thể tiêu diệt đối thủ, trái lại còn phải phòng bị những đòn tấn công của đối
thủ. Thiết Huyết Trấn bị vây khốn ở Đế quốc Kinh Hồng nhưng không phải bó tay
chờ chết, ngược lại bất cứ lúc nào cũng có năng lực phản kích. Đương nhiên bản
thân kế hoạch diệt cỏ hoàn toàn chính là sự thừa nhận rõ ràng nhất của người
Đế quốc Kinh Hồng với thực lực của Thiết Huyết Trấn, nhưng nếu tiến thêm một
bước, áp dụng trạng thái phối hợp phòng ngự khu vực, hiển nhiên đã lộ rõ thái
độ hết sức thận trọng với sự tồn tại của Thiết Huyết Trấn.

Trong mắt Cô Chính Phàm, hiện giờ Thiết Huyết Trấn như vết ghẻ lở của Đế quốc
Kinh Hồng. Nếu lúc đầu coi thường nó, không chịu xử lý ngay lập tức, tới thời
kỳ sau không thể nào không cân nhắc tới chuyện sử dụng một số thủ đoạn xử lý,
bất chấp việc nó có thể làm tổn thương tới bản thân mình.

Vài lời của tác giả:

Chuyện tình cảm giữa Vô Song và Dạ Oanh, mục đích chủ yếu là muốn kể ra thân
thế của Vô Song, chuyện này có liên quan tới chiến cuộc về sau. Về phần Dạ
Oanh, tôi cũng không nói rằng nàng muốn từ chối Vô Song. Nhưng cho dù từ chối
cũng chưa chắc đã không có cảm tình… Cảm tình giữa hai người bọn họ thật ra
chỉ là một trong nhiều góc nhìn đối với chiến tranh mà thôi. Tôi chỉ muốn diễn
tả rõ ràng một chút, trên chiến trường cũng không chỉ có tình huynh đệ mà
thôi, còn có thể có cả tình yêu, cho dù đó là tình yêu không nên xảy ra.


Đế Quốc Thiên Phong - Chương #265