Bao Vây Tiêu Diệt (trung)


Người đăng: khuynhtanthienha10@

Người Đế quốc Kinh Hồng lãnh một cái tát quá mạnh, công tác bao vây tiêu diệt
Thiển Thủy Thanh lần thứ hai cũng được tiến hành với khí thế hừng hực hơn
trước.

Lúc này, lộ trình tấn công của Thiển Thủy Thanh đã trở nên vô cùng phức tạp,
càng làm cho người ta hoa mắt. Gạt bỏ mục đích chính trị ẩn giấu phía sau
không nói, nếu chỉ xét đơn thuần trên góc độ quân sự, hành động tác chiến lần
này của Thiển Thủy Thanh cũng rất thành công.

Bởi vì Đế quốc Kinh Hồng bị tổn thất tám vạn quân thủ thành trong trận đại
chiến thành Bình Dương, khiến cho quân thủ thành ở các thành lớn khắp Đế quốc
Kinh Hồng chỉ đủ để bảo vệ tạm thời, nhưng ở các huyện trấn nhỏ thì không đủ
năng lực bảo vệ. Bởi vậy hoặc là Thiển Thủy Thanh không làm, đã làm thì phải
làm đến cùng, hắn chia hai vạn hai ngàn chiến sĩ Thiết Huyết Trấn ra làm tám
đội, trong đó bảy đội, mỗi đội có ba ngàn người phụ trách một đường, đích thân
Thiển Thủy Thanh dẫn theo một ngàn người còn lại phụ trách một đường, xuất
phát theo tám hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc.
Dọc đường bọn họ không hề tấn công thành lớn, chuyên môn tấn công thôn trấn
nhỏ, bất cứ nơi nào có nông trang, hương trấn lập tức ghé qua một lượt. Mỗi
một cánh quân như vậy lại chia làm mười tiểu đội, căn cứ theo binh lực các nơi
mà tiến hành phân chia bố trí. Mười tiểu đội, mỗi tiểu đội khoảng ba trăm
người, có khi mỗi tiểu đội phụ trách một nơi, có khi hai, ba tiểu đội phụ
trách một nơi, không buông tha cho bất cứ nông trang địa phương nào, tiến hành
phân chia tài nguyên của cải, cũng cướp lấy rất nhiều vật tư cho chính mình.

Tác phong rải quân ra đầy trời như vậy lớn gan mà hung hãn, gần như là không
có nơi nào là không chui lọt, xâm nhập tận những ngóc ngách của miền Đông Đế
quốc Kinh Hồng. Nhưng nó cũng có một mối họa ngầm, chính là binh lực phân tán.

Có một số ít thành lớn thấy Thiết Huyết Trấn chia quân ra như vậy, quyết định
thừa dịp suy yếu mà công kích, lập tức triệu tập quân đội tiến hành bao vây
tiêu diệt. Không ngờ Thiết Huyết Trấn phối hợp với nhau vô cùng ăn ý, nếu đối
phương xuất binh định bao vây tiêu diệt, các tiểu đội kỵ binh lập tức lợi dụng
ưu thế về tốc độ nhanh chóng bỏ chạy, dụ dỗ quân địch đuổi theo, rời xa thành
thị.

Khi quân thủ của các thành thị nghĩ rằng đã tìm được cơ hội chiến thắng, cắm
đầu đuổi theo hết sức, cuối cùng lại đưa đầu vào ổ phục kích mà Thiển Thủy
Thanh đã bày ra tỉ mỉ.

Thiết Huyết Trấn lúc này giống như một con rắn khổng lồ, lúc phân tán ra lại
như nhiều con rắn nhỏ vô cùng linh hoạt, nếu kết hợp lại, có thể hình thành
một thân thể hoàn chỉnh liên lạc chặt chẽ với nhau. Cho nên bọn họ cứ ung dung
phân tán ra các nơi, nếu như bị địch nhân đuổi theo lập tức chạy trở về địa
điểm định sẵn. Quân Đế quốc Kinh Hồng đuổi theo còn đang cao hứng chưa phát
hiện ra vấn đề, đột ngột nghênh đón bọn chúng không phải là vài trăm người ít
ỏi như khi trước, mà là từng cánh quân kỵ binh hung hăng đến mấy ngàn, thậm
chí cả vạn người. Lúc này Thiết Huyết Trấn mới bắt đầu tiến hành bọc vòng chặn
đường rút lui, bao vây, tấn công hung hãn rồi tiêu diệt.

Quân Đế quốc Kinh Hồng tự cho là có thể thừa dịp đối phương phân tán binh lực,
há to mồm định nuốt chửng đối phương rốt cục bị đối phương dùng chiến thuật ly
hợp đánh cho tan tác.

Mặc dù bản thân Thiết Huyết Trấn nằm trong chiến lược bao vây quy mô lớn của
người Đế quốc Kinh Hồng, nhưng Thiển Thủy Thanh đã lợi dụng sau trận đại chiến
thành Bình Dương xuất hiện một thời gian ngắn ngủi mà binh lực của địch chưa
kịp tập trung, tạo ra một chiến thuật chống bao vây ở miền Đông Đế quốc Kinh
Hồng. Chiến thuật này không cần chỉ huy cao minh gì cả, chỉ cần thuộc hạ chấp
hành theo đúng kế hoạch, có năng lực ứng biến tùy theo tình hình là đủ. Lúc
này binh sĩ Thiết Huyết Trấn phát huy ra đầy đủ năng lực của những chiến sĩ
tinh anh, biểu hiện của bọn họ làm cho người ta phải thở dài thán phục.

Ngày Sáu tháng Mười Một, ba thành: thành Cao Lũng, trấn Kê Tây, thành Hải Châu
đồng thời xuất binh, mỗi thành năm ngàn, tổng cộng một vạn năm ngàn quân, có ý
định tiêu diệt số binh sĩ Thiết Huyết Trấn đang phân tán rải rác ngay trước
mắt bọn chúng. Kết quả bị quan chỉ huy của hai cánh quân phía Tây và Tây Nam
là Thủy Trung Đường triệu tập binh lực, mai phục liên tục, chỉ chớp mắt đã tạo
ra một tấm lưới lớn, sau đó dần dần khép lại bao vây ba đường đại quân này.
Trước sau vào ngày Bảy, Tám và Mười tháng Mười Một đánh ba trận phục kích vô
cùng ngoạn mục, tiêu diệt được hơn hai ngàn quân địch, số còn lại trốn chui
trốn nhủi, bản thân quân của Thủy Trung Đường thương vong gần như không đáng
kể. Thủy Trung Đường thừa cơ xông tới, đánh chiếm luôn ba thành Cao Lũng, trấn
Kê Tây, thành Hải Châu.

Ngày Tám tháng Mười Một, các thành như Ngân Dương, Phong Lâm… cũng xuất binh
định tiêu diệt hai cánh quân hướng Bắc, bị Bích Không Tình đánh bại, chiếm
luôn bốn thành.

Cùng lúc đó ở phía Nam, Phương Hổ cũng diệt hơn một ngàn quân địch, chiếm hết
toàn bộ các thành lớn.

Duy chỉ có cánh quân hướng Đông vì đã đến gần sát sơn mạch núi Tiếp Thiên, bởi
vậy không có thành lớn để đánh. Vả lại Thiển Thủy Thanh mang theo người ít
nhất, nhiệm vụ thật sự của hắn là thiết lập vùng căn cứ hậu cần đáng tin cậy
cho mình trong sơn mạch núi Tiếp Thiên, dùng chứa vật tư, chuẩn bị sẵn sàng
cho cuộc chiến trường kỳ. Cánh quân hắn mang theo phần nhiều là thương binh
của Thiết Huyết Trấn chưa bình phục, tạm thời không thể chiến đấu.

Ngày Mười Một tháng Mười Một, chỉ trong vòng bảy ngày ngắn ngủi, Thiết Huyết
Trấn phát huy tối đa chiến thuật ly hợp, trừ ra một số ít thành thủ vững không
ra, Thiết Huyết Trấn không thể thừa cơ, bọn họ đã thâu tóm hơn phân nửa miền
Đông Đế quốc Kinh Hồng vào trong phạm vi thế lực của mình, thay người Đế quốc
Kinh Hồng tổ chức một cuộc cải cách mới. Đây là cơ hội mà Thiển Thủy Thanh nắm
bắt được sau đại chiến thành Bình Dương, dùng hết khả năng cướp lấy tài nguyên
chiến tranh cho mình, kéo dài thời gian để chuẩn bị.

Đối với chuyện này, người Đế quốc Kinh Hồng không thể nào chịu nổi.

Tuy nhiên rất nhanh sau đó, Thiết Huyết Trấn dần dần co cụm binh lực lại, bởi
vì lực lượng bao vây tiêu diệt Thiết Huyết Trấn mà thành Bá Nghiệp điều động
tổ chức đã cất bước lên đường.

Lúc này đây người đảm nhận nhiệm vụ bao vây tiêu diệt Thiết Huyết Trấn là
Lương Trung Lưu, thuộc hoàng thân quốc thích. Lão ta là thúc thúc của Lương
Khâu Húc, cũng là người có tài năng quân sự nhất sau Cô Chính Phàm trong Hoàng
thất, tác phong lão luyện thành thục. Rút kinh nghiệm của trận đại bại thành
Bình Dương, khi Lương Khâu Húc tiễn thúc phụ ra đi đã dặn dò năm lần bảy lượt:
“Con người của Thiển Thủy Thanh âm hiểm tàn độc, vì đạt được thắng lợi mà có
thể làm bất cứ chuyện gì. Giao thủ với hắn nhất định phải để ý cẩn thận, coi
chừng ngược lại rơi vào bẫy của hắn. Tuy rằng hiện tại Thiết Huyết Trấn đang ở
trong lãnh thổ của Đế quốc Kinh Hồng ta, lên trời không được, xuống đất không
xong, nhưng lại vô cùng hung hãn, nếu để bọn chúng gần chết phản kích lại, vậy
cũng sẽ làm cho chúng ta tổn thất không nhỏ. Vì vậy không cần nóng lòng lập
công nhất thời, chỉ cần dùng chính binh* từ từ ép tới, đẩy Thiết Huyết Trấn
vào hoàn cảnh không còn đường lui, lúc ấy ắt sẽ nắm chắc phần thắng. Hành động
cướp của người giàu chia cho người nghèo của Thiển Thủy Thanh là một hành động
thất bại, vốn trẫm sợ rằng hắn sẽ đại khai sát giới trong nước, biến miền Đông
Đế quốc Kinh Hồng thành một mảnh đất hoang. Nhưng không ngờ hắn lại làm theo
cách này, đúng là đã khiến cho tổn thất của quốc gia giảm đi đáng kể. Trời
giúp Đế quốc Kinh Hồng, ắt chúng ta sẽ lấy được đầu của Thiển Thủy Thanh để an
ủi vong hồn của các tướng sĩ tử trận.”

(*Chính binh: là quân đường đường chính chính, ngược lại với kỳ binh là quân
xuất hiện bất ngờ, mai phục, đánh lén…)

Ngày Mười Hai tháng Mười Một, quân thủ thành vừa được điều động tới đều đã tập
trung ở miền Trung Đế quốc Kinh Hồng. Sau khi thu nạp đám tàn binh ban đầu,
Lương Trung Lưu lại điều thêm ba vạn quân biên giới tới để hợp đồng tác chiến.
Cùng lúc đó lão ta cách chức tất cả những quan chỉ huy chạy trốn mà không trợ
giúp trong trận đại bại thành Bình Dương, coi như cảnh cáo, thủ đoạn của lão
có vẻ vô cùng linh hoạt, sắc bén.

Đối mặt với hai mươi ba vạn đại quân vừa tập trung của địch, Thiết Huyết Trấn
cảm nhận được áp lực lớn lao, bọn họ bắt đầu chủ động buông bỏ những thành thị
đã chiếm, từ từ rút lui về phía sau. Lúc này binh lực phân tán của Thiết Huyết
Trấn đã tập trung trở lại ở địa điểm chỉ định, mà lần này Lương Trung Lưu chỉ
huy quân bao vây tiêu diệt lại không dùng phương pháp bao vây tứ phía mà
Khương Trác đã sử dụng lần trước.

Lão ta cho đại quân ở một chỗ, từ từ triển khai ra thành một hình rẽ quạt thật
lớn, dùng thế bao vây từ Tây sang Đông chậm rãi ép tới. Lão ta tính toán ép
Thiết Huyết Trấn phải thối lui hoàn toàn tới tận sơn mạch núi Tiếp Thiên, sau
đó sẽ triển khai quyết chiến với Thiết Huyết Trấn trên vùng hoang dã không
người ở đó. Lúc ấy Thiết Huyết Trấn sẽ chỉ có hai lựa chọn, thứ nhất là chờ
chết trong rừng, thứ hai là xông ra quyết chiến, giết được tên nào hay tên
nấy.

Ngày Mười Lăm tháng Mười Một, đại quân của Lương Trung Lưu đã triển khai toàn
diện, bắt đầu ép về phía Đông Đế quốc Kinh Hồng.

Hai mươi ba vạn đại quân chia thành năm cánh quân, trong đó bốn cánh quân ở
hai bên trái phải, mỗi cánh quân có bốn vạn, cánh quân trung lộ có bảy vạn.
Khoảng cách giữa mỗi cánh quân không tới năm mươi dặm, mỗi cánh quân lại chia
thành ba đội, khoảng cách giữa mỗi đội không tới năm dặm, dùng một ít kỵ binh
trong quân để phối hợp tác chiến, bảo đảm quân của các đội đi tới đồng đều,
tạo thành một hình rẽ quạt trải dài trên ba trăm dặm, giống như một bàn tay
khổng lồ, chậm rãi vươn về phía Thiết Huyết Trấn.

Cùng lúc đó, Lương Trung Lưu hạ lệnh cho dân quân ở các địa phương cùng một ít
quân thủ thành còn sót lại chia ra trấn thủ ở những nẻo đường quan trọng sau
khi đại quân rời đi, canh giữ chặt chẽ những nơi hiểm yếu, không để cho Thiết
Huyết Trấn thừa cơ chạy thoát.

Những tin tức liên quan tới vị trí của Thiết Huyết Trấn mỗi ngày đều được đưa
tới chỗ Lương Trung Lưu, sau khi lão xem qua sẽ ra chỉ thị cụ thể cho từng
cánh quân. Trong năm cánh quân, đặc biệt cánh quân trung lộ bảy vạn người do
Lương Trung Lưu đích thân chỉ huy nhô cao lên phía trước, giống như ngón giữa
của một bàn tay, ngày nào cũng thẳng tiến về phía trước hiên ngang oai vệ, khí
phách hùng dũng. Xem ra lần này Lương Trung Lưu hy vọng có thể đích thân dùng
đại quân trung lộ của mình đánh tan Thiết Huyết Trấn.

Đối mặt với sự bao vây tấn công của đại quân Đế quốc Kinh Hồng, Thiết Huyết
Trấn giống như một thiếu nữ chân yếu tay mềm không có khả năng tự vệ, bị ép
lui từng bước một về phía vùng rừng núi Tiếp Thiên. Xem ra bàn tay to lớn
khổng lồ của tên đại hán dã man kia muốn tóm lấy thiếu nữ nuốt chửng, lúc ấy
mới có thể cảm thấy hài lòng.

Tuy nhiên đối mặt với phương thức chiến đấu như Bá Vương giương cung, ỷ vào
sức mạnh để đè ép của đại hán kia, thiếu nữ Thiết Huyết Trấn cũng không phải
là hoàn toàn không có sức phản kích. Trên thực tế, vị thiếu nữ có vẻ mặt đáng
thương này đang mặc một bộ trang phục toàn là gai góc, trong tay sau lưng giấu
một chiếc kéo to. Nếu như đại hán kia tiến tới quá nhanh, nàng sẽ xuất ra một
kéo, trước hết trừ đi mầm móng gây họa cho nàng, sau đó mới ung dung rời đi
trong khi đại hán kia đang quằn quại vì đau đớn.

Hiện giờ, thiếu nữ đã bị dồn vào trong góc, lưng tựa vào núi Tiếp Thiên, có
dấu hiệu không còn đường lui nữa. Hiện tại nên hoàn toàn lui vào trong rừng ẩn
nấp, hay là đợi thời cơ xuất ra một kéo trúng vào chỗ hiểm của đối phương, đó
đang là vấn đề nan giải đối với thiếu nữ Thiết Huyết Trấn.


Đế Quốc Thiên Phong - Chương #198