Thiển Thị Binh Pháp


Người đăng: khuynhtanthienha10@

Ngày Mười Hai tháng Sáu năm Một Trăm Lẻ Bảy lịch Thiên Phong, Thiển Thủy Thanh
chính thức xuất bản quyển Thiển thị binh pháp cho người đời chiêm ngưỡng.

Quyển Thiển thị binh pháp vừa ra đời đã làm cho các quan viên trong triều chấn
động.

Binh thư đọc qua thấy như đơn giản nhưng có ý nghĩa phi phàm, ảnh hưởng sâu
xa, mang đầy sắc thái văn hóa hấp dẫn, có thể người khác không biết, nhưng Nam
Sơn Nhạc hiểu rất rõ ràng.

Không ai ngờ được Thiển Thủy Thanh tự nhốt mình trong phủ một thời gian không
làm gì cả, cuối cùng lại viết ra một quyển binh thư như vậy. Mặc dù một chiêu
này không phải nhằm đả kích Nam Sơn Nhạc, nhưng nó còn hơn là đả kích, mức độ
nặng nề của nó vượt xa những đòn đả kích của Thiển Thủy Thanh trong quá khứ.

Mà Thương Dã Vọng cũng giật mình kinh hãi đối với quyển Thiển thị binh pháp
của Thiển Thủy Thanh, nghe nói sau khi ông ta xem xong, không nhịn được phải
vỗ bàn khen ngợi hết lời.

Hội triều hôm ấy, vì chuyện quyển Thiển thị binh pháp mà lập tức trở nên sôi
nổi hẳn lên.

Trầm Dục của Ty Lễ Nghi được Nam Sơn Nhạc xúi giục, đứng ra vạch lỗi thiếu
kinh nghiệm cầm quân của Thiển Thủy Thanh, căn bản là không đủ tư cách sáng
tác binh thư, hành vi này chẳng qua là để lấy lòng mọi người mà thôi. Các
tướng như Chu Đan Tâm của phủ Quân Vụ liền châm chọc khiêu khích, nói rằng
những kẻ có tài năng thật sự trong thiên hạ, kinh nghiệm không quan trọng, mà
quan trọng là có năng lực hay không. Kinh nghiệm của Trầm đại nhân có thừa,
nhưng năng lực có lẽ còn kém một chút.

Một trận đại chiến võ mồm lập tức được triển khai, tiếng tranh cãi ồn ào huyên
náo tới mức Thương Dã Vọng phải cất tiếng quát ngay trên triều.

Sau đó, Thương Dã Vọng ra lệnh cho Đại học sĩ của Chương Tu Các là Văn Mạc mở
binh thư ra đọc cho tất cả cùng nghe.

Văn Đại học sĩ theo lệnh mở binh thư ra đọc, dần dần những tiếng hít thở sâu
càng ngày nổi lên càng nhiều:

"Kẻ chưa đánh mà mưu toan chiến thắng, đương nhiên phải tính toán rất nhiều,
người chưa đánh mà mưu toan không thắng được, cũng phải tính toán không ít.
Tính toán nhiều mới thắng được, tính toán ít không thắng, huống chi là không
tính toán? Từ đó có thể thấy rằng chiến cục trong thiên hạ, nhìn vào chuyện
tính toán vạch kế hoạch trước khi đánh ắt có thể biết được thắng hay bại. Kẻ
dùng binh giỏi, điều động quân không cần tới hai lần, vận chuyển quân lương
không cần tới ba chuyến, lấy lương thực của quân địch dùng cho quân mình, ắt
lương thực sẽ không thiếu. Dùng binh phải thần tốc, chưa nghe qua kẻ nào đánh
lâu mà mang lại ích lợi cho quốc gia, cũng chưa từng nghe qua kẻ nào dùng binh
đánh lâu mà thắng lợi. Kẻ không biết cái hại của chuyện dùng binh chậm chạp,
không thể nào biết cách dùng binh cho giỏi.

Dùng binh quý ở chỗ tốc chiến tốc thắng, không quý trọng đánh chậm chạp rề rà.
Phương pháp dùng binh, chiếm toàn quốc của địch là thượng sách, đánh tan quân
địch là hạ sách. Bách chiến bách thắng, không giỏi cũng thành giỏi, không đánh
mà thắng, càng giỏi hơn. Thượng sách là dùng mưu, kế đó là giao chiến, kế nữa
là chinh phạt, hạ sách là công thành. Phép công thành bất đắc dĩ lắm mới phải
dùng, vì nếu hao binh tổn tướng mà không hạ được thành, ắt trở thành tai họa.
Phép dùng binh, quân ta đông gấp mười quân địch thì bao vây, đông gấp năm thì
tấn công, đông gấp đôi thì chia ra tiêu diệt. Chỉ có kẻ biết người biết ta,
lấy khỏe đánh mệt, lấy thực đánh hư mới có thể trăm trận trăm thắng.

Trong đạo dùng binh, vừa phải có mưu lược vừa phải mạnh mẽ, không có kế nào là
không thể dùng, không có phép nào là không khả thi, giữa lúc sống chết nguy
nan, phải lập tức vứt bỏ đạo của người quân tử! Đạo dùng binh không có đạo lý
nào là thường thắng, nhưng có phương pháp khiến cho bất bại. Gặp kẻ không thể
thắng thì ta thủ, gặp kẻ có thể thắng được thì ta công. Kẻ giỏi về phòng thủ,
nấp dưới chín tầng đất, kẻ giỏi tấn công, động trên chín tầng trời, như vậy
mới có thể tự bảo vệ mình mà toàn thắng. Khi một Tướng quân bất bại gặp một
Tướng quân thường thắng, đương nhiên Tướng quân bất bại sẽ có hy vọng giành
phần thắng hơn."

Từng lời từng chữ trong quyển Thiển thị binh pháp này làm cho mọi người trong
triều nghe đến nỗi trợn mắt há mồm.

Đây không đơn giản chỉ là một tác phẩm sao chép lại, mà Thiển Thủy Thanh còn
thêm vào rất nhiều hiểu biết của mình về chiến tranh. Chỉ vài đoạn vừa kể trên
đối với các tướng trong Đế quốc mà nói, có thể xem như xua tan mây để thấy ánh
mặt trời, tiến hành phân tích hết sức chu đáo về chiến tranh từ cá nhân cho
tới toàn quốc, đứng trên góc độ chiến lược của toàn cục.

Thiển Thủy Thanh trình bày vô cùng sâu sắc và trực tiếp, hắn gọi thẳng chiến
tranh là đại sự thứ nhất của quốc gia, ở nơi sống chết, không thể không giết.
Một trận chiến có chất lượng cao, đầu tiên là ở chỗ phòng ngừa chu đáo, chuẩn
bị càng đầy đủ, phần thắng càng nắm chắc. Ngoài ra, dùng binh không quý ở chỗ
đánh lâu, mà quý ở chỗ tốc chiến tốc thắng, dùng mưu thì có thể dùng bất cứ
thủ đoạn tồi tệ nào, không cần e ngại pháp luật, chiến tranh càng không có đạo
quân tử, xin mời quân tử tránh xa ra một chút.

Quan trọng nhất là, Thiển Thủy Thanh vạch ra từ căn bản rằng, chiến tranh
không có phương pháp nào là thường thắng, chỉ có đạo giữ cho bất bại mà thôi.
Từ xưa tới nay các danh tướng anh hùng, sở dĩ có thể lập nên kỳ công cái thế
không phải là vì bọn họ có bí quyết chiến thắng nào đó trong tay, mà là bọn họ
nắm giữ bí quyết làm thế nào để không bại trận. Khi hai Tướng quân tài giỏi
gặp nhau, người nào gần với khả năng bất bại hơn, hy vọng thắng lợi của người
đó càng lớn hơn một chút.

Khi Tướng quân thường thắng gặp gỡ Tướng quân bất bại, Tướng quân bất bại sẽ
thắng.

Tư tưởng trong quyển Thiển thị binh pháp hoàn toàn trái ngược với tư tưởng
quân sự của Đế quốc Thiên Phong từ trước tới nay, một mặt coi phương thức chủ
động tấn công tích cực là quan trọng nhất trong chiến trận, một mặt vạch ra tư
tưởng sâu xa tiềm ẩn của chiến tranh, làm cho mọi người trong triều nghe thấy
đều khiếp sợ.

Tuy nhiên, sự chấn động kia chỉ mới bắt đầu.

Quyển Thiển thị binh pháp này, Thiển Thủy Thanh chia ra thành hai mươi chương,
đó là một hệ thống được trình bày bao gồm hình thức quốc gia, chiến lược tổng
thể, tính toán địa hình, địa thế, địa lợi, thiên thời, tố chất binh sĩ, cung
ứng tài nguyên, phương pháp dùng binh, thưởng phạt các tướng, bên cạnh đó còn
có rất nhiều ví dụ quân sự thực tế để tham khảo cơ bản.

Thiển thị binh pháp chỉ ra rằng: "Tiến quân bất ngờ ở nơi tưởng chừng không có
bất ngờ, đi ngàn dặm mà không mệt mới có thể xông vào nước địch như vào chỗ
không người. Địch tấn công, ắt vì công mà không thể thủ, địch phòng thủ, ắt vì
phòng thủ mà không thể tấn công. Kẻ giỏi tấn công, địch không biết thủ như thế
nào, kẻ giỏi phòng thủ, địch không biết phải công vào đâu. Ẩn nấp như vô hình
không tiếng động, ắt có thể giáng cho địch những đòn chí mạng. Tiến quân sao
cho địch không thể cản, đánh vào chỗ hư, lui quân sao cho địch không thể đuổi
theo vì không kịp.

Về mặt kế sách phải hiểu rõ sự được mất, tác chiến phải nắm rõ động tĩnh của
địch, địa hình phải biết những nơi hiểm trở, tính toán thà dư còn hơn thiếu.
Đạo dùng binh, lấy xảo trá mà lập, hành động phải nhanh nhẹn linh hoạt, biến
hóa lúc hợp lúc phân, nhanh như gió, ổn như núi, nóng như lửa, ngấm ngầm khó
biết, động như sét đánh. Chiếm lấy từng vùng, sau đó mở rộng ảnh hưởng, hành
động quyền biến."

Lúc nghe tới phần này, Chu Đan Tâm không nhịn được kêu to:


  • Hay cho câu "Lấy xảo trá mà lập, hành động phải nhanh nhẹn linh hoạt, biến
    hóa lúc hợp lúc phân, nhanh như gió, ổn như núi". Thiển Thủy Thanh, lúc ngươi
    đánh Chỉ Thủy đúng là làm như vậy, Chu Đan Tâm ta hôm nay hoàn toàn khâm phục
    ngươi!

Thiển Thủy Thanh chỉ mỉm cười nói:


  • Quyển binh thư này nhân cảm xúc mà viết ra, còn rất nhiều chỗ cần sửa chữa,
    xin các vị nghe xong chỉ giáo giùm!

Chu Đan Tâm đáp:


  • E rằng phải làm phiền Thiển Tướng quân chỉ điểm cho chúng ta. Quyển binh
    thư này tuyệt đối là binh thư hay nhất mà lão Chu ta đã đọc từ trước tới nay,
    có thể nói là lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Quả nhiên Thiển Tướng
    quân là kỳ tài ngút trời, không chỉ có thể đánh thắng trận, còn có thể viết ra
    binh thư truyền bá, đời sau biết tới quyển binh thư này, nhất định Thiển Tướng
    quân sẽ lưu danh thiên cổ.

Thiển Thủy Thanh khẽ khom người với Chu Đan Tâm:


  • Không dám, không dám, Chu đại nhân khen ngợi quá lời!

Lúc hắn quay đầu lại, sắc mặt Nam Sơn Nhạc đã xám như tro tàn.

O0o

Hôm ấy, Thiển Thủy Thanh xuất ra Thiển thị binh pháp đã chuẩn bị tỉ mỉ, làm
cho triều đình Đế quốc Thiên Phong chấn động một phen. Từ Hoàng đế cho tới văn
võ bá quan đều vô cùng bội phục vị Tướng quân trẻ tuổi thiên phú hơn người
này. Quyển binh thư này có thể nói là tác phẩm quan trọng nhất mà Thiển Thủy
Thanh đặt nền móng cho địa vị đại sư về binh pháp cho mình trong tương lai.
Mặc dù sau đó, Thiển Thủy Thanh cũng viết thêm vài tác phẩm lý luận quân sự để
bổ sung, đúc kết kinh nghiệm, nhưng không còn tác phẩm nào làm chấn động toàn
đại lục như quyển binh thư này.

Sau đó không lâu, quyển Thiển thị binh pháp này được truyền bá rộng rãi trên
phạm vi toàn đại lục.

Quyển binh thư này bằng vào bút pháp sắc bén, sự quen thuộc về chiến tranh,
tầm nhìn rộng rãi trên nhiều góc độ, tư tưởng chiến tranh vô cùng rộng lớn
tinh thâm, cùng với lý luận chiến thuật mới mẻ hoàn toàn, làm cho kinh sợ toàn
đại lục. Gần như mỗi người sau khi xem xong quyển binh thư này đều bị thuyết
phục, chỉ có thể thở dài tấm tắc ngợi khen. Các tướng lĩnh quân sự nổi danh
của các quốc gia phải kêu lên thất thanh, rằng Đế quốc Thiên Phong đã có người
kế tục, Thiển Thủy Thanh ắt sẽ kế thừa y bát của Liệt Cuồng Diễm, trở thành
Chiến thần của Đông đại lục, thậm chí còn có thể trở thành đệ nhất Chiến thần
của toàn đại lục.

Nghe nói tướng trấn thủ Hàn Phong quan là Cô Chính Phàm sau khi được quyển
binh thư này, trước tiên xem qua toàn bộ, sau đó suy tư một hồi lâu rồi mới
nói:


  • Đại địch tương lai của Đế quốc Kinh Hồng không phải là Liệt Cuồng Diễm, mà
    chính là Thiển Thủy Thanh. Nếu không trừ người này, Đế quốc Kinh Hồng vĩnh
    viễn không có một ngày được bình yên!

Vương hầu Tháp Lan của Đế quốc Mạch Gia, sau khi đọc qua quyển binh thư này
lập tức dâng biểu lên Hoàng đế Đế quốc Mạch Gia, xin phân phát quyển binh thư
này cho tất cả tướng lĩnh cao cấp của Đế quốc Mạch Gia, lệnh cho tất cả phải
dốc lòng học tập đạo dùng binh của Thiển Thủy Thanh trong đó.

Đại nguyên soái Tư Ba Tạp Ước của Công quốc Thánh Uy Nhĩ sau khi xem quyển
binh thư này, thở dài một tiếng:


  • Một ngày còn có Thiển Thủy Thanh ở Đế quốc Thiên Phong, e rằng Công quốc
    Thánh Uy Nhĩ chỉ có thể theo sau người khác!

Ngoại trừ các nước xung quanh Đế quốc Thiên Phong ra, thậm chí Nhai quốc ở cực
Bắc, Phong quốc ở cực Nam, Đại Đế quốc Tây Xi ở cực Tây đều tỏ ra hưởng ứng
quyển binh thư này này vô cùng mạnh mẽ, vừa kinh sợ trước tài năng của Thiển
Thủy Thanh, đồng thời cũng tỏ vẻ thán phục không thôi.

Thậm chí Quốc chủ của Phong quốc còn nói thẳng rằng:


  • Đại lục Quan Lan từ ngàn năm nay chưa có một người nào có thể phân tích và
    trình bày về đạo dùng binh một cách tinh tế và tỉ mỉ như Thiển Thủy Thanh.
    Thiển Thủy Thanh hắn quả là anh hùng cái thế, hàng trăm năm nữa chưa chắc đã
    có ai có thể vượt qua!

Ngay cả dũng tướng của Đại Đế quốc Tây Xi, Chiến thần Tây đại lục thanh danh
hiển hách Cách Long Đặc, nghe nói sau khi được quyển binh thư này lập tức nhốt
mình trong phòng ba ngày không ra khỏi phòng.

Sau ba ngày, câu đầu tiên của Cách Long Đặc sau khi ra khỏi phòng chính là:
"Ta đã hoàn toàn hiểu rõ quyển binh thư này, Thiển Thủy Thanh, ngươi là đối
tượng mà ta khao khát được giao thủ nhất, ta hy vọng có thể gặp được ngươi
trên chiến trường!"

Theo Thiển thị binh pháp truyền khắp thiên hạ, danh vọng của Thiển Thủy Thanh
cũng lên như thuyền lên theo nước. Không ai có thể hoài nghi rằng, vị tướng
lĩnh trẻ tuổi chỉ bằng vào hơn một vạn người mà đánh hạ cả Chỉ Thủy này là nhờ
vào vận may hay nhờ vào đối thủ yếu ớt kém cỏi. Vị trí đại tông sư về binh
pháp của Thiển Thủy Thanh, nhờ vậy đã hết sức vững vàng.

Theo sự xuất hiện của quyển binh thư này, địa vị của Thiển Thủy Thanh trong
lòng Thương Dã Vọng càng vững chắc hơn xưa. Cũng theo đó, chính là áp lực nặng
nề đè lên đôi vai Nam Sơn Nhạc.

(Những đoạn binh thư ở trên được viết bằng cổ văn, không phải là văn bạch
thoại. Vì trình độ có hạn, nên mình chỉ có thể dịch phỏng ý mà thôi, chắc chắn
không thể nào tránh khỏi có sai sót, mong quý độc giả vui lòng châm chước, đa
tạ!)

Sau khi Thiển thị binh pháp ra đời, phạm vi truyền bá của nó càng ngày càng
lan rộng, sinh ra ảnh hưởng vô cùng sâu xa rộng lớn đối với vận mệnh quân sự
của toàn bộ đại lục Quan Lan.

Trong tác phẩm này của Thiển Thủy Thanh, hắn không chỉ vạch ra sự tàn khốc vô
tình của bản thân chiến tranh, đồng thời cũng giải thích hết sức hoàn hảo về
mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế.

Trong ấy viết rằng: "Quân sự, chính trị và kinh tế không phải ra những cá thể
đứng riêng rẽ với nhau, trên thực tế là những thành phần hỗ trợ lẫn nhau tạo
nên một quốc gia. Thực lực của một quốc gia không chỉ nằm ở chỗ mở mang bờ
cõi, mà còn nằm ở hai chữ Giàu và Mạnh. Quốc gia rộng lớn mà yếu ớt, hay nhỏ
bé mà hùng mạnh, trong lịch sử có hàng hà sa số. Bởi vậy nếu như nói chính trị
là nền tảng của quốc gia, kinh tế là trụ cột của quốc gia, như vậy quân sự
chính là rường mái che chắn gió mưa, là cửa lớn bằng sắt thép để bảo vệ, cũng
là bầy chó dữ buộc sau hàng rào đề phòng kẻ trộm. Bởi vậy một khi hai quốc gia
triển khai chiến tranh, không thể chỉ đánh giá về mặt quân sự mà thôi, đồng
thời cũng phải đánh giá về cả hai mặt kinh tế và chính trị.

Không có chính trị ổn định làm hậu thuẫn, không có kinh tế sung túc duy trì,
cho dù tướng lĩnh có tài ba đến mức nào cũng không thể đánh một trận ngoạn mục
được."

Ở điểm này, từ chiến dịch tiêu diệt Chỉ Thủy của Thiển Thủy Thanh là có thể
nhìn ra, mặc dù nhờ vào tài năng quân sự xuất sắc của Thiển Thủy Thanh, khiến
cho trận chiến tranh diệt quốc này có được chiến cục thoải mái nhất từ trước
tới nay. Nhưng nếu như không nhờ có nền kinh tế hùng mạnh, dồi dào nhân lực,
vật lực ủng hộ sau lưng, đồng thời nhờ đối thủ yếu ớt kém cỏi, Thiển Thủy
Thanh cũng không thể nào lập nên kỳ tích như vậy được.

Bởi vậy, Thiển Thủy Thanh đã chỉ rõ trong tác phẩm của mình rằng, trước khi
bắt đầu một trận chiến, trước tiên phải làm công tác chuẩn bị quân sự, không
chỉ chuẩn bị điều động lực lượng, huấn luyện đầy đủ, cung ứng vật tư, đồng
thời cũng phải thâm nhập vào hậu phương của địch, dụ dỗ khiến cho địch phạm
sai lầm về quyết định chính trị, cùng phá hoại nền kinh tế của địch.

Quan niệm mở rộng chiến tranh ra toàn cục này có thể nói là chưa từng có trên
đại lục Quan Lan từ xưa tới nay. Mặc dù xuất phát từ nhu cầu cần phải giữ bí
mật, cho nên Thiển Thủy Thanh không đưa ra ví dụ thực tế để chứng minh cho lý
luận của hắn, nhưng lối suy nghĩ áp dụng chiến lược trên toàn cục này của hắn
đã làm cho tất cả mọi người chấn động.

Cùng lúc đó, Thiển Thủy Thanh cũng vạch ra rằng, cái gọi là hữu đạo (có chính
nghĩa) thì được rất nhiều trợ giúp, vô đạo thì được rất ít trợ giúp, chữ Đạo
ấy, thật ra là chỉ đạo chiến tranh, đạo quân vương, mà không phải là đạo của
người quân tử. Kẻ đắc đạo, chính là kẻ có hiểu biết về đạo của chiến tranh.

Mà đạo chiến tranh, bộ mặt thật của nó là tàn khốc cùng giả dối, vĩnh viễn
không có liên quan gì tới đạo làm người.

Thân là Quốc chủ đương nhiên phải ôm lòng hoài bão cả thiên hạ, lấy chuyện
sinh tồn của vạn vật sinh làm trách nhiệm của mình. Nhưng dù có lòng Bồ Tát,
vĩnh viễn phải cần tới thủ đoạn của đồ tể!

Đương nhiên Thiển Thủy Thanh cũng không chỉ tôn sùng phương diện âm mưu kỹ xảo
mà thôi, trên thực tế, hắn cho rằng khi hai phe chiến đấu với nhau, phe có
nhiều khả năng thắng lợi nhất lúc nào cũng là phe dũng cảm hơn. Lòng can đảm
lúc nào cũng đáng tin cậy hơn là chiến thuật khéo léo, trong cuộc chiến tranh
trường kỳ càng quan trọng hơn nữa. Đây cũng là nguyên nhân thật sự của chuyện
người văn minh, thông minh khó chống lại người của các bộ tộc man rợ, văn hóa
thấp kém.

Một cánh quân, quan trọng nhất là hệ thống chỉ huy và tổ chức kết cấu, mà muốn
bảo đảm và gắn bó quân đội tiến hành chiến đấu có tổ chức, ắt phải nhờ vào sĩ
khí. Binh sĩ không sợ chết là những người đáng kính nhất, đáng sợ nhất trong
thời đại này. Nếu so sánh giữa một vị tướng lĩnh thông minh cùng với một vị
tướng lĩnh giỏi về tổ chức, thường xuyên kích thích ý chí chiến đấu của thuộc
hạ mình, người thứ hai vĩnh viễn có giá trị hơn người đầu tiên.

Bởi vậy, Thiển Thủy Thanh cũng có nói trong tác phẩm của mình rằng: "Hai quân
gặp nhau, kẻ nào dũng cảm hơn, kẻ đó sẽ chiến thắng, nếu có được một Đại Tướng
quân thông minh trí tuệ, đương nhiên sẽ có khả năng tránh được vận mệnh phải
tử chiến đến cùng rất lớn, nhưng khi quyết chiến không tránh khỏi dẫn tới kết
cục phải tử chiến tới cùng, cũng cần phải có can đảm đối mặt và dũng khí quyết
tử sa trường. Chiến tranh là sự kết hợp giữa âm mưu và lòng can đảm, người có
lòng can đảm chính là Hổ tướng, người có được âm mưu là Trí tướng, duy chỉ có
đồng thời có được cả hai đức tính này, như vậy mới có thể trở thành Đại tướng
bất bại, quyết thắng ra ngoài ngàn dặm.

Thế nhưng bất kể là Tướng quân như thế nào, trước khi bọn họ có thể chăm sóc
quan tâm thuộc hạ của mình, chiêu hiền đãi sĩ, có thể chiến đấu hăng hái, mỗi
một Tướng quân thành công có thể có cách làm khác nhau, nhưng một Tướng quân
đặt sinh mạng của dân chúng phe địch lên trên sinh mạng của binh sĩ phe mình
vĩnh viễn sẽ không thể thành công! Cho nên tướng tài trong thiên hạ, không có
tướng giàu lòng nhân nghĩa, tướng giàu lòng nhân nghĩa chính là bại tướng!"

Quyển binh thư này của Thiển Thủy Thanh giống như một trận cuồng phong thổi
quét qua toàn đại lục, làm cho cả thế giới đều rung động.

Lúc các Tướng quân được quyển binh thư này như được báu vật, lập tức tiến hành
học tập nghiên cứu, phân tích lý giải không biết mệt mỏi, bọn quan văn của các
nước lại đồng thời có thái độ và ngôn luận hoàn toàn ngược lại.

Bọn chúng trăm miệng một lời chỉ trích Thiển Thủy Thanh, gọi hắn là đồ tể tay
dính đầy máu tanh, đồng thời còn tự cao tự đại, nói lời ngông cuồng, làm đảo
lộn khái niệm quân sự cơ bản xưa nay, làm hại con cháu đời sau.

Đế quốc Mạch Gia công khai chỉ trích Thiển Thủy Thanh lòng lang dạ sói, làm
hại thiên hạ.

Vài vị Đại Công tước của Công quốc Thánh Uy Nhĩ ra thông cáo chung, nói rằng
người Đế quốc Thiên Phong có ý định khơi lên đại chiến trong thiên hạ, lòng
tham không nhỏ, kêu gọi các nước xung quanh phải cẩn thận.

Người Đế quốc Thiên Phong đáp trả một cách mỉa mai, nói rằng chỉ một quyển
binh thư mà làm các quốc gia kinh động như vậy, thật sự là thiên hạ không loạn
mà lòng người tự loạn.

Thừa tướng của Đế quốc Kinh Hồng là Ích Tử Khiêm lên tiếng tuyên bố Đế quốc
Kinh Hồng tuyệt không sợ hãi Đế quốc Thiên Phong, nếu Thiển Thủy Thanh có bản
lãnh thật sự, xin mời tới Hàn Phong quan thi triển thủ đoạn ra xem thử, người
Đế quốc Kinh Hồng sẽ cho hắn biết thế nào là liều mạng đến máu chảy đầu rơi.

Ngược lại Đại Đế quốc Tây Xi xa cuối chân trời lại tỏ ra vô cùng tán thưởng và
mong đợi. Đường đường Tây Chiến thần Cách Long Đặc lại nói ra một câu khiến
cho người đời kinh hãi: "Nếu Thiển Thủy Thanh có thể đến Đế quốc Tây Xi chúng
ta, ta nguyện hai tay đem chức vị Đại Nguyên soái nhường cho hắn! ". Tuy nhiên
đối với 'thịnh tình' của Cách Long Đặc, Thiển Thủy Thanh chỉ đành xin miễn cho
kẻ bất tài, địch nhân thổi phồng mình lên như vậy, có khi là thủ đoạn hãm hại
tốt nhất. Tây Chiến thần trên đại lục vừa ra tay, liền hết sức cố gắng châm
ngòi ly gián, quả nhiên không phải là chuyện mà người bình thường có thể nghĩ
bàn.

Quyển binh thư này đã khiến cho các nước chug quanh nổ ra một trận đại chiến
võ mồm, cho dù là Thiển Thủy Thanh cũng không thể không cảm thấy khâm phục thủ
đoạn gây nên sóng gió phi thường của chính bản thân mình.

O0o

Trong phủ Thừa tướng.


  • Khốn kiếp, khốn kiếp, tất cả đều là khốn kiếp!

Nam Vô Thương hung hăng đá bay một tên người hầu trong phủ ra ngoài:


  • Tất cả cút hết ra ngoài cho ta, ta không muốn nghe bất cứ tin gì về Thiển
    Thủy Thanh nữa cả!


  • Làm càn!


Nam Sơn Nhạc sầm mặt đi vào:


  • Đường đường là Trấn Đốc của Thiết Huyết Trấn, chỉ mới suy sụp một chút đã
    trở nên như vậy, ngươi xem ngươi có còn phong độ của một Đại tướng hay không?


  • Phụ thân!


Nam Vô Thương kêu to:


  • Hiện tại Thiển Thủy Thanh hắn mượn thanh thế của binh thư, danh vọng lên
    cao như mặt trời giữa ban trưa, người nói xem làm sao con bình tĩnh được? Ngay
    sáng hôm nay, lão khốn Công Tôn Thạch kia liên kết với Thiên Hạ Vân gia cùng
    nhau đề xuất với Hoàng thượng, chia Chỉ Thủy ra làm năm tỉnh của Đế quốc Thiên
    Phong, gọi chung là cụm Mâu Hải. Hoàng đế đã đồng ý đề nghị của bọn chúng,
    giao cho Quý Cuồng Long suất lĩnh Quân đoàn Trung Ương nhậm chức Tổng đốc quân
    sự của cụm Mâu Hải, còn chức Tổng đốc hành chính không ngờ lại giao cho tên
    hàng tướng Sở Hâm Lâm! Người bảo con làm sao nhịn được?


  • Chuyện này ta đã biết, vốn chúng ta đã thương nghị xong xuôi cùng Thiên Hạ
    Vân gia, chức Tổng đốc quân sự cụm Mâu Hải sẽ do ngươi đảm nhiệm. Nhưng sau
    khi bệ hạ ban hôn, lão thất phu Vân Phong Vũ kia liền lật lọng, rốt cục để cho
    Quý Cuồng Long không công mà chiếm được tiện nghi, lại còn cất nhắc tên hàng
    thần Sở Hâm Lâm nữa chứ, thực lực của Thiển Thủy Thanh nhờ vậy mà tăng lên
    thêm một tầng nữa.


  • Phụ thân, hiện tại đối phó với Thiển Thủy Thanh càng ngày càng khó, chúng
    ta phải nghĩ cách mới được!


  • Nếu như nôn nóng và nổi giận có thể giải quyết được vấn đề, ta cũng không
    ngại cùng nổi giận với ngươi tại đây.


Nam Vô Thương lập tức nín thinh.

Lúc này Nam Sơn Nhạc mới trầm giọng nói:


  • Thiển Thủy Thanh thích treo cao, chúng ta cứ việc để mặc cho hắn trèo, hắn
    trèo càng cao, chúng ta càng cao hứng. Tranh chấp trong triều không hề đơn
    giản như hắn tưởng tượng, hắn càng làm ra nhiều chuyện, khả năng phạm sai lầm
    của hắn càng cao. Trừ phi hắn nắm chắc đánh một đòn mà tiêu diệt được Nam gia
    chúng ta, nếu không, sớm muộn gì Thiển Thủy Thanh cũng chết trong tay ta mà
    thôi. Nhớ kỹ lời ta đã nói với ngươi, kẻ muốn làm đại sự phải biết bình tĩnh
    và nhẫn nhịn...


  • Dạ, con hiểu rồi.


Nam Vô Thương nói với vẻ không cam lòng.

Đúng lúc này, cợt có người hầu từ ngoài vào bẩm báo:


  • Lão gia, bên ngoài phủ có người cầu kiến.


  • Người nào vậy?


  • Là một thư sinh, tự xưng họ Mẫn, tên là Mẫn Giang Xuyên.


  • Chưa từng nghe qua, không tiếp!


  • Dạ, lão gia, nhưng người này nói rằng hắn tới đây cầu kiến lão gia là có
    chuyện quan trọng, còn nói...


  • Nói cái gì?


  • Có quan hệ tới tính mạng của người nhà lão gia.


  • Khốn kiếp!


Nam Vô Thương nổi giận:


  • Tên nào dám làm càn như vậy?

Tên người hầu kia sợ tới mức run lên lập cập, vội đáp:


  • Tiểu nhân cũng biết tên nọ làm càn, nhưng hắn còn nói, hắn đến đây...vì
    chuyện có liên quan đến...người ở đối diện chúng ta!

Đối diện?

Không phải là chỉ phủ của Thiển Thủy Thanh hay sao?

Mắt Nam Sơn Nhạc chợt chớp ngời:


  • Nếu đã là như vậy, cho tên kia vào đây. Đúng rồi, hắn nói tên hắn là gì?


  • Mẫn Giang Xuyên.


Nam Sơn Nhạc hơi cau mày lại, tên này dường như lão đã nghe qua ở đâu thì
phải...

O0o

Trong phủ của Thiển Thủy Thanh.


  • Sáng nay vừa nhận được tin, chuyện gầy dựng lại Quân đoàn Ưng Dương đã được
    triển khai toàn diện, do Tổng Suất Vân Lam lo liệu. Kế hoạch này phải hoàn
    thành việc xây dựng sơ bộ trong vòng ba tháng, trong vòng một năm phải huấn
    luyện cho lực chiến đấu của binh sĩ đạt được quy mô sơ bộ. Mặt khác, các châu
    ở Tây Nam cũng đã bắt đầu chuẩn bị động viên chuẩn bị cho đại chiến.

Người vừa nói là người mới được bổ nhiệm làm Tổng đốc hành chính của cụm Mâu
Hải Sở Hâm Lâm, ba ngày trước, ông ta cũng đã được Thiển Thủy Thanh bí mật
điều tới từ thôn Thạch.

Chuyện bổ nhiệm nhân sự lúc nào cũng đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh
chính trị. Sau khi điều đám quan viên môn hạ của Nam Sơn Nhạc đi Chỉ Thủy,
Thiển Thủy Thanh vẫn còn cảm thấy lo lắng, nên đích thân tranh thủ chức Tổng
đốc hành chính cụm Mâu Hải cho Sở Hâm Lâm. Có ông ta ở đó, Nam Sơn Nhạc sẽ
không làm nên được trò trống gì ở cụm Mâu Hải. Từ trước tới nay luôn luôn là
đánh chiếm thì dễ nhưng thống trị lại khó khăn, những chuyện như xây dựng lại
bộ máy chính quyền, kiểm kê tài sản, hợp nhất quân đội, trấn an lòng dân, khôi
phục lại trật tự ở các nơi tuyệt đối là những công tác cực khổ, rườm rà mà hao
tốn thời gian và tâm huyết. Sở Hâm Lâm vốn là chính khách lão luyện, hiểu biết
về Chỉ Thủy của ông ta rõ ràng vượt xa những người khác, đảm đương chức vị này
có thể nói là có thừa năng lực, đồng thời cũng coi như Đế quốc Thiên Phong ban
thưởng cho công thần, nhờ chuyện này mà có thể khoe khoang khắp thiên hạ.

Đây là một nước cờ khá cao tay của Thiển Thủy Thanh.


Đế Quốc Thiên Phong - Chương #154