Văn Hóa Người Việt


Người đăng: mocchauhuyn

Sau khi chuẩn bị xong hết mọi việc thì mặt trời đã lên cả sào rồi. Lý Anh Tú
mặc vào giáp đồng, hông đeo đoản kiếm, lưng lại mang theo một chiếc nỏ cùng
một túi tên. Phải nói rằng bộ giáp này rất vừa vặn với thân người của hắn,
giáp bằng đồng nhưng cùng khá nặng, Lý Anh Tú ước chừng chỉ riêng áo giáp đã
là hơn năm ký. Ngoài ra còn có các vòng giáp bảo vệ cổ tay, chân. Lý Anh Tú
cũng làm cho mình một đôi dép gỗ, dùng dây gai buộc lại. Người Việt xưa thường
có thói quen đi chân đất, vì nó rất linh hoạt cho việc di chuyển, một phần
cũng vì giày dép ngày xưa chất lượng rất kép, dễ rách nên người Việt không ưa
chuộng lắm. Chỉ có giới nhà giàu, quý tộc mới mang giày, dép mà thôi. Nhưng Lý
Anh Tú lại là người hiện đại, thói quen mang dép đã theo hắn hai mươi mấy năm,
bảo hắn không mang thật sự khó chịu.

Lý Anh Tú đi đến trại lính, tám binh sĩ đã đứng đợi sẵn ở đó, còn có cả Cao Lỗ
và Thạch Tiến. Lý Anh Tú dẫn đầu đoàn người đi ra khỏi cổng làng, Cao Lỗ và
Thạch Tiến chắp tay nói.

- Chúc Việt vương một đường bình an.

- Được rồi, quay về làm việc đi, ta sẽ sớm trở về.

Lý Anh Tú vẫy tay, cũng không quay đầu lại mà dẫn theo tám binh sĩ đi về phía
con suối nhỏ. Đúng vậy, mục tiêu của hắn chính là tìm được một nơi thích hợp
để xây dựng căn cứ mới, trồng lúa nước. Theo suy nghĩ của Lý Anh Tú, hắn sẽ
men theo con suối tìm đến hạ nguồn ắt sẽ có sông, có sông thì sẽ trồng được
lúa nước, theo sông đi tiếp xuống hạ lưu ắt sẽ gặp được biển, mở ra một con
đường mới. Phải biết Hải Việt tộc chính là xuất thân từ đâu. Tiền thân Việt
quốc cũng có những sự phát triển rất mạnh mẽ về hàng hải, tuy về sau bị tụt
hậu so với phương Tây nhưng không thể phủ nhận rằng Việt quốc từng có một thời
hoàng kim về hải quân.

Đám người Lý Anh Tú một đường đi theo con suối xuống dưới hạ lưu, dựa vào mặt
trời Lý Anh Tú chắc mẩm bọn hắn đang đi về hướng Đông, tuy rằng không biết mặt
trời ở nơi đây có đúng là mọc đằng Đông, hạ đằng Tây hay không. Tốc độ của mọi
người cũng không phải là nhanh, bởi vì vừa đi họ vừa phải đề phòng thú dữ,
trong rừng rậm thế này nguy cơ không phải chỉ một hai, với kiến thức nửa với
như Lý Anh Tú phải nhờ đến tám binh sĩ bảo hộ. Từ tám binh sĩ Lý Anh Tú học
được khá nhiều điều. Nhất là về nền văn minh Đông Sơn mà đa số con cháu sau
này ít người tìm hiểu đến.

Nền văn minh Đông Sơn, khởi nguyên của nhà nước Văn Lang đã từng có một nền
văn minh, văn hóa rực rỡ không thua kém bất kỳ một nền văn hóa nào trên thế
giới, thậm chí là nền văn hóa phương Bắc bên cạnh. Phải biết rằng Bắc quốc đã
hai lần bị ngoại ban thống trị, nhưng thay vì bị đồng hóa thì những thế lực đó
lại bị chính nền văn hóa của Bắc quốc đồng hóa. Đến mức sau này cả lãnh thổ,
người dân của họ cũng thuộc về Bắc quốc. Có một điều mà đa số người sau này
nhìn nhận đó là Bắc quốc nội chiến thì giỏi, nhưng kháng chiến thì dở, đất đai
rộng lớn sau này đa số lại có được từ chính những dân tộc ngoại lai xâm chiếm
họ đánh chiếm, nhưng sau đó lại bị đồng hóa văn hóa, đồng hóa dân tộc. Thế mới
thấy được một dân tộc bị xâm chiếm về văn hóa, dân tộc đó sẽ bị hủy diệt. Bắc
quốc cũng sớm nhận ra được điều đó nên khi đô hộ Việt quốc một ngàn năm, bọn
hắn đã cố gắng phá nát cả nền văn hóa của Việt quốc. Việt quốc có chữ viết,
bọn hắn hủy chữ viết, Việt quốc có tín ngưỡng, bọn hắn dùng phật giáo, đạo
giáo để xâm chiếm, Việt quốc có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, bọn hắn dùng nho
giáo “ngu trung” để mị dân, Việt quốc có trang phục đậm đà bản sắc, bọn hắn
bắt người Việt mặc Hán phục,… Thế nhưng không vì vậy mà người Việt bị đồng
hóa, ngược lại lại Việt hóa lại những người phương Bắc, tuy một số tinh hoa bị
mất đi, một số điểm bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Bắc nhưng đều được cải
biến để phù hợp với người Việt. Điều đó cho thấy nền văn hóa của người Việt là
một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc rất mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức một nền
văn hóa phát triển như Bắc quốc cũng không thể xâm chiếm được.

Đi đến trưa Lý Anh Tú liền dừng lại để mọi người nghỉ trưa. Sáng giờ ước chừng
bọn hắn đã đi được ba dặm đường. Phải nói rằng hệ thống rất phúc lợi khi cho
Lý Anh Tú một cơ thể khỏe mạnh, nếu không với thể chất một con mọt sách như
kiếp trước muốn hắn đi bộ một quảng đường xa như vậy là điều không thể.

Lý Anh Tú có thể thấy được lòng suối đang dẫn mở rộng, sớm thôi bọn hắn sẽ tìm
được dòng sông. Hắn thực sự rất trông đợi hành trình phía trước, có thể tìm
được một vùng đất hứa cho Hải Việt tộc. Binh sĩ dừng lại nghỉ ngay bên cạnh
con suối, hai người đi canh gác, những người khác lại nổi lửa nấu cơm. Bởi vì
chưa triệu hoán ra được thợ làm gốm nên chén đũa của mọi người làng Cổ Loa đều
làm bằng tre, mà nồi thì được đúc bằng đồng.

Có người nói văn hóa dùng đũa xuất phát từ Bắc quốc, nhưng thực ra không phải
vậy. Từ thời Văn Lang - Âu Lạc các tộc người Bách Việt (trong đó có người Lạc
Việt) đã biết dùng đến đũa xuất phát từ nền nông nghiệp trồng lúa nước. Các
món ăn thường ngày chủ yếu là rau dưa, cơm cá rất khó cho việc ăn bằng bốc
tay. Thậm chí từ trong những chuyện cổ tích đôi đũa từ thời Hùng Vương cũng đã
xuất hiện như trong truyện “sự tích Tràu Cau” có một chi tiết người con gái
dọn cơm cho hai anh em sinh đôi nhưng chỉ để một đôi đũa, người nào nhường cho
người kia ăn trước thì người đó là em. Rõ ràng đôi đũa đã xuất hiện từ sớm và
rất quen thuộc với cư dân Văn Lang - Âu Lạc. Ngược lại Bắc quốc trong sách
lịch sử văn hóa có một dòng thế này: “Thời tiên Tần không ăn dùng đũa, mà lấy
tay bốc”. Điều này phù hợp với cư dân trồng bắp, mạch, ăn bánh bao, uống súp
thịt. Rõ ràng chỉ khi người Bắc tiến xuống thôn tính vùng đất của Bách Việt họ
mới tiếp thu văn hóa dùng đũa của cư dân nơi đây.

Trong bốn nước đồng văn đều có văn hóa dùng đũa, nhưng văn hóa dùng đũa của
người Việt rất khác biệt. Đũa người Nhật thì bằng gỗ có trang trí hoa văn, đũa
người Triều Tiên thì thường bằng kim loại và dẹt, cả hai nước này đầu đũa đều
khá nhỏ. Riêng Việt quốc người miền Bắc đũa làm bằng tre mà miền Nam thì đũa
làm bằng thân dừa là hai loại cây phổ biến của hai miền. Đũa Việt quốc truyền
thống đều có dáng tròn, đầu không quá nhỏ, để mộc mạc không sơn phết, người
Việt đều thích những thứ tinh xảo, không quá cầu kỳ. Trong bữa ăn của người
Việt, đũa không chỉ là sự nối dài của cánh tay mà còn thể hiện tình cảm của
lứa đôi, vợ chồng, bởi vì đũa chỉ hoàn thành nhiệm vụ khi có đủ một cặp, cũng
như vợ chồng ấm êm thì phải thành đôi. Ngoài ra đũa không chỉ gắp thức ăn cho
mình mà còn cho cả người thân thể hiện sự quan tâm, nồng ấm trong gia đình
Việt.

Nền văn hóa của người Việt quốc xoay quanh gia đình, đoàn kết, tôn trọng lẫn
nhau. Nó đã từng có một thời kỳ phát triển rực rỡ không thua kém bất cứ nền
văn hóa nào trên thế giới. Nhưng giờ nghĩ lại những tinh hoa văn hóa lại bị
hủy diệt bởi bọn ngoại ban xâm lược, con cháu khó lòng tìm lại những đỉnh cao
của nền văn hóa ông cha khi xưa. Thật tiếc thay.

Khi Lý Anh Tú cảm khái thì nồi cơm đã được nấu xong, mọi người ngồi lại thành
vòng tròn lấy Lý Anh Tú làm chủ vị. Lúc này hắn lấy ra một ống tre được bịt
kín, mở nắp ống ra một mùi thơm phứt tỏa ra làm tám tên binh sĩ đôi mắt bừng
sáng. Lý Anh Tú lấy một cái bát sạch đổ thứ thức ăn màu đỏ bên trong ra. Đây
là một món ăn cách mạng được gọi là “thịt hộp Việt Minh” chế biến từ thịt heo,
muối, củ riềng và nhiều nhất chính là ớt. Món ăn này khi bỏ vào ống tre bịt
kín có thể để được rất lâu. Lý Anh Tú dự kiến chuyến đi lần này có thể sẽ mất
vài ngày nên chuẩn bị một chút để binh sĩ bổ sung thêm dinh dưỡng. Bởi vì hiện
tại dân số tại Cổ Loa không phải quá nhiều, lại có vài người hằng ngày đi săn
bắn nên thịt không phải quá thiếu. Lý Anh Tú càng ưu tiên cho binh sĩ của
mình. Dù sao hành trình phía trước không biết sẽ có nguy hiểm gì, tính mạng
của hắn phụ thuộc hoàn toàn vào tám binh sĩ này.

Nghỉ ngơi chốc lát đoàn người lại tiếp tục lên đường, men theo suối để đi Lý
Anh Tú thấy rõ ràng tốc độ của dòng nước đã chậm lại, thế nhưng đi mãi đến hết
ngày họ vẫn chưa phát hiện ra được dòng sông mà con suối này chảy đến. Mãi đến
trưa ngày hôm sau đoàn người Lý Anh Tú đi đến một vách đá dựng đứng. Đến đây
dòng suối liền biến mất.


Đế Chế Đại Việt - Chương #5