XẢ THÂN TỰ HỔ (Xả thân nuôi hổ)
Lương Tiêu lắc đầu nói:
- Ta chỉ biết Hiểu Sương thật lòng đối xử tốt với ta, ta tự nhiên phải thật
lòng đối xử với cô ấy.
Câu nói đó của y từng chữ từng chữ đều phát ra từ nội tâm, vô cùng thành khẩn,
Hoa Hiểu Sương ngơ ngẩn nhìn Lương Tiêu như ngây như dại. Hoa Thanh Uyên cho
dù tính tình bình hòa, lúc này cũng không khỏi tức giận sôi máu, mặt tím lại,
thất thanh quát lớn:
- Minh Quy, ngươi phát thệ mà không giữ lời, không sợ trời tru đất diệt ư?
Minh Quy cười nói:
- Trời đất là cái rắm gì? Tiểu súc sinh nhà ngươi cứ chửi đi, hai người ổn
thỏa hơn một người nhiều, cho dù ta có lỡ tay làm chết một đứa thì vẫn còn một
đứa.
Nói xong ha hả cười, nắm hai đứa trẻ rảo bước xuống Linh Đài.
Hoa Thanh Uyên mắt thấy Minh Quy tiến nhập "Lưỡng Nghi Ảo Trần trận" nhất thời
thúc thủ không có cách nào, lo lắng nói:
- Tại sao, tại sao chứ?
Rồi đi loạn mấy vòng giống như kiến bò trong chảo nóng. Hoa Vô Xuy không kìm
được gắt lên:
- Loạn quá, con là chủ nhân một cung, sao có thể lâm nguy là loạn?
Liền quay mình quát lệnh mọi người:
- Lập tức mở trọng tâm trong cung, nghịch chuyển Lưỡng Nghi Ảo Trần trận.
Hoa Thanh Uyên nghe vậy giật mình, thất thanh nói:
- Nếu làm như vậy chẳng phải Tiêu nhi và Hiểu Sương sẽ bị nguy hiểm ư.
Hoa Vô Xuy thở dài nói:
- Hiện giờ chỉ còn cách đánh cược một phen. Minh Quy lúc nào còn chưa chạy
được khỏi Thiên Cơ cung thì lúc đó còn chưa dám làm hại hai đứa bé. Nếu để hắn
thoát thân ra ngoài mới vô cùng nguy hiểm. Cho dù ba người bị hãm trong trận
thì sau một lúc, với trí kế của Lương Tiêu không chừng sẽ có một tia sinh lộ.
Hoa Thanh Uyên nghe có lý, vội đi mở cơ quan.
Minh Quy đi lại trong trận đã nhiều năm, vô cùng thành thục, liền chạy như
gió, chạy được khoảng hai dặm thì bỗng cảm thấy không đúng, quay đầu nhìn bốn
phía phát hiện ra thạch trận đã bị nghịch chuyển, không khỏi thất thanh kêu
lên:
- Hoa Vô Xuy con mụ xấu xí đó, dám làm như vậy sao?
Lão biết rõ trong Thiên Cơ cung chỉ có Hoa Vô Xuy có thể dùng tới phương thức
hiểm độc này, trong lúc hoảng hốt mất hết cả phong độ, liền chửi loạn cả lên.
Hoa Hiểu Sương nghe đến mức khó chịu, đưa tay bịt lấy hai tai.
Minh Quy chửi mắng một hồi, đột nhiên trầm tĩnh trở lại, nhìn Lương Tiêu cười
nhạt nói:
- Thằng nhóc nhà ngươi muốn lợi dụng cơ hội bày trò sao?
Liền xoay tay điểm huyệt Hiểu Sương đặt sang một bên, tay trái túm Lương Tiêu,
tay phải bẻ một cành cây vạch trên mặt đất tính toán trận pháp.
Thạch trận tuy lúc chính lúc nghịch, biến hóa vô cùng nhưng thạch tượng trong
trận thì không hề biến đổi, nếu là nhà toán học cao mình thì có thể thông qua
những thạch tượng chạy qua để tính toán toàn diện trận pháp. Minh Quy lúc này
bị hãm trong "Thích khách cảnh", lòng như lửa đốt, liền định thần nhìn một pho
"Dự Nhượng tiềm xí" [xem chú thích 1], dụng tâm tính toán. Dự Nhượng là người
nước Tấn đời Xuân Thu, vì thay chủ nhân báo thù mà nấp trong nhà xí để ám sát
Triệu Tương Tử, nhưng bại lộ bị bắt. Có điều Triệu Tương Tử là nhân vật khí độ
to lớn, vì cho rằng Dự Nhượng trung thành với chủ cũ mà khảng khái thả ông ta
ra. Sau đó Dự Nhượng lại hai lần nữa ám sát Triệu Tương Tử nhưng đều thất bại,
lần cuối cùng bị quân sĩ bắt lại vẫn ngang nhiên bất khuất, vung kiếm tự sát.
Trong "Thích khách cảnh" này đều là tượng những thích khách nhân nghĩa, tượng
nào cũng thu mình chờ phát động, khí thế lăng lệ.
Minh Quy một tay tính toán, một tay giữ chặt hậu tâm Lương Tiêu. Phải biết là
Minh Tam Thu từ nhỏ do ông ta bồi dưỡng lại bị Lương Tiêu đánh bại nên tâm lý
Minh Quy đối với thiếu niên này vô cùng úy kỵ, phải nắm trong tay thì mới có
thể yên tâm. Lương Tiêu nhìn Hoa Hiểu Sương, thấy cô hai mắt rớm lệ, chăm chú
nhìn mình, ánh mắt vô cùng thê lương buồn rầu. Lương Tiêu liền mỉm cười với
cô. Hoa Hiểu Sương thấy vẻ cười của y nhẹ nhàng bình thản, trong lòng ấm lại,
yên tâm hơn nhiều.
Minh Quy liếc mắt nhìn thấy, cười nhạt nói:
- Hai đứa trẻ con các ngươi nếu muốn đầu mày cuối mắt thì bây giờ là đúng lúc
đấy.
Hai người đều hổ thẹn cúi đầu xuống. Minh Quy cười nhạt, lại cúi đầu xuống
tính toán một lúc, bỗng nghe Lương Tiêu nói:
- Tính sai rồi.
Minh Quy buột miệng nói:
- Đánh rắm.
Nhưng lại đổi ý, nghĩ: "Tiểu tử này toán học không có đối thủ, có thể là sai
thật." Nghĩ tới đó liền tính toán lại, quả nhiên trong lúc vội vã đã nhầm lẫn,
tính sai hai bước, nhất thời kinh nghi bất định, cười âm trầm nói:
- Thằng nhóc, ngươi có ý chỉ điểm ta, không sợ ta ra khỏi thạch trận thì việc
đầu tiên là trút lên đầu ngươi sao?
Lương Tiêu cười nói:
- Đằng nào chẳng chết, trước khi chết mà vẫn chọc được được ngươi thì cũng là
một việc khoái hoạt.
Minh Quy trong lòng hồ nghi, nhìn y một lúc vẫn không nhìn ra được gì. Nhưng
lão tính ra được phương vị hiện giờ, dù sao cũng vô cùng sung sướng, cười dài
một tiếng, vừa định đứng dậy thì bỗng thấy tay Lương Tiêu đột nhiên vung lên,
khuỷu tay huých vào eo lưng mình. Minh Quy vốn nghĩ y bị trọng thương, không
còn khí lực, hoàn toàn không tưởng đến lúc này Lương Tiêu còn có năng lực
chống cự, bất giác trong lòng vừa kinh hãi vừa tức giận, vội ấn vào yếu huyệt
ở bối tâm Lương Tiêu, đúng lúc này lão phát giác lưng lạnh toát, rồi một cỗ
sát khí lăng lệ hùng dũng đánh tới. Minh Quy trong lòng chấn động: "Hỏng rồi,
có mai phục." Vội định chuyển mình, Lương Tiêu thừa cơ phát lực, quát lớn một
tiếng đã thoát khỏi tay Minh Quy.
Minh Quy một phút phân tâm đã bị Lương Tiêu thoát khỏi tay, trong lòng tức
giận vô cùng, nhưng sau lưng lão ta sát khí mười phần mãnh liệt, buộc lão phải
quay lại chống cự, không ngờ vừa quay mình nhìn thì sau lưng đến bóng quỷ cũng
không có, chỉ có một pho thạch tượng từ từ đi tới, quỳ xuống dâng cá, chính là
một pho tượng Chuyên Chư. Chuyên Chư là đại thích khách của nước Ngô thời Xuân
Thu, đem thanh đoản kiếm Ngư Trường nhét vào bụng con cá tứ lại lư để ám sát
Ngô vương Liêu. Pho tượng đó nâng khay cúi người, đoản kiếm chuẩn bị xuất, khí
thế lăng lệ quỷ dị.
Minh Quy nhìn đến kinh nghi bất định: "Chẳng lẽ lão phu khẩn trương quá độ,
sinh ra ảo giác." Vội vàng quay mình, đã thấy Lương Tiêu ôm Hiểu Sương chạy
như bay, đã đến gần thạch tượng của thích khách của nước Yên là Cao Tiệm Li,
bất giác lửa giận bùng lên, quát lớn:
- Xú tiểu tử, chạy đi đâu?
Liền tung mình rảo bước đuổi theo. Lương Tiêu ôm theo một người, thân pháp
chậm hẳn, thấy sau lưng tiếng gió nổi liên, Minh Quy đã đuổi đến gần, nhất
thời không thể tránh né liền quay người dùng chiêu "Vũ Dương Phấn Kích" [xem
chú thích 2] đâm ra một hư chiêu. Minh Quy thấy thấy Lương Tiêu chiêu thức
tinh diệu mãnh liệt, trong lòng lại có úy kỵ, thân hình liền chậm lại. Lương
Tiêu thừa cơ lùi tới sau tượng Cao Tiệm Li. Minh Quy lại quát một tiếng, nhảy
ra sau thạch tượng, vừa kịp thấy lưng của Lương Tiêu liền vung tay chụp tới,
ai ngờ chiêu "Phi Hồng Trảo" chưa kịp đánh hết thì lại có một cỗ sát khí tạt
vào mặt, lạnh lẽo thấu xương, khiến lão dựng hết lông tóc, vội vàng dừng thế
công, dốc sức nhảy lùi lại. Vì sự can thiệp này mà một trảo đó của lão uy lực
giảm mạnh, chỉ có ngón giữa vạch vào chân phải Hiểu Sương, tạo thành một vệt
máu. Minh Quy lùi lại hai bước, tim đập thình thịch, rít giọng gào lên:
- Cao nhân phương nào, lén lén lút lút định làm gì?
Mãi không có người đáp lời, lão chuyển qua thạch tượng, nhưng thần nhìn bốn
phía nhưng chẳng thấy ai, chỉ có một pho thạch tượng, tay phải mở tranh, tay
trái giữ chủy thủ, dụi mắt nhìn kỹ thì chính là bộ dạng Kinh Kha ám sát Tần
Thủy Hoàng, hết bản đồ lộ ra chủy thủ. Kinh Kha đó điêu khắc như người sống,
hai mắt lăng lệ tuyệt luân, giống như chim ưng bắt thỏ. Minh Quy cùng tượng đá
bốn mắt nhìn nhay, tuy biết rõ là vật chết nhưng trong lòng cũng ớn lạnh. Lão
liên tiếp gặp việc quái dị, bực tức vô cùng, quay ra nhìn thì thấy Lương Tiêu
đỡ Hoa Hiểu Sương đã chạy tới phía sau một pho thạch tượng. Minh Quy rảo bước
chạy lên, lại thấy sau tượng trống không, chẳng thấy bóng dáng hai người đâu.
Lương Tiêu đỡ Hoa Hiểu Sương chạy được gần ba trăm bước, đột nhiên không chống
cự nổi ngã lăn ra đất, phun ra hai ngụm máu. Hoa Hiểu Sương chống tay đẩy lưng
y lật người lại, lo lắng nói:
- Tiêu ca ca, anh bị thương có nặng không?
Nói chưa dứt nước mắt đã sớm chảy ra. Lương Tiêu thở dốc cười nói:
- Không có gì đáng ngại.
Đưa tay vào ngực áo lấy ra một cái nghiên mực, nói:
- Muội xem, chưởng đó của ta đều đánh lên cái nghiên này.
Hoa Hiểu Sương tức thì vừa kinh hãi vừa mừng rỡ. Nhưng cái nghiên mực đó sớm
đã nứt nẻ, lúc này bị Lương Tiêu bóp mạnh liền vỡ ra làm mấy mảnh. Lương Tiêu
trong lòng thầm thở dài: "Đáng tiếc, ta lại tin Minh lão nhi, xuất thủ mạnh
quá." Nguyên lai, Lương Tiêu lợi dụng lúc mọi người đang ồn ào chửi mắng liền
lấy cái nghiên mực dùng để giải toán bỏ vào trong áo, sau đó vung chưởng tự
đánh mình, cố ý bị Minh Quy bắt dữ để có thể đồng hành, dò xét cơ hội cứu Hiểu
Sương. Nhưng Minh Quy già thành tinh, lừa được lão ta không phải dễ, vì vậy
chưởng đó của Lương Tiêu cực mạnh, sau khi đánh vỡ nghiên mực vẫn thương tới
nội phủ. Chiêu khổ nhục kế đó quả thật vô cùng nguy hiểm, chỉ cần Minh Quy
nhất thời đoán ra, đánh chết y tại chỗ, hoặc giữa đường điểm huyệt y thì Lương
Tiêu đều xuống sông Nại Hà. May là Minh Quy quá ư cẩn thận, thủy chung vẫn
dùng tay nắm chặt y nên Lương Tiêu mới có thể tận dụng cơ hội. Trên đường đi,
Lương Tiêu không tỏ vẻ gì nhưng trong lòng không ngừng tính kế. Đợi lúc đi vào
Thích khách cảnh, mắt thấy Minh Quy tính sai mấy bước liền giả ý thay lão sửa
sai, khiến lão hồ ly đó yên tâm vui mừng, lại nhìn thấy thạch tượng Chuyên Chư
đến gần sau lưng Minh Quy liền thừa cơ sử ra một chiêu "Chu Hợi huy chùy".
Theo phương vị của thạch trận thì sau chiêu "Chu Hợi huy chùy" đó chính là
chiêu "Chuyên Chư hiến lư".
Lương Tiêu bị Minh Quy giữ chặt hậu tâm, sử ra chiêu "Chu Hợi huy chùy" vốn
không thể biến chiêu, nhưng y nắm thời cơ cực chuẩn, một chiêu đó vừa xuất ra
thì pho thạch tượng của Chuyên Chư cũng vừa đi đến, hô ứng với chiêu trước đó
thay y sử ra chiêu "Chuyên Chư hiến lư" đánh tới. Minh Quy vốn là cao thủ võ
học, là người tâm linh mẫn tiệp dị thường, lúc này lại đang chạy trốn nên như
chim sợ cành cong, lúc nào cũng đề phòng. Thạch tượng xuất chiêu, sát khí tự
sinh, Minh Quy phân tâm một chút đã bị Lương Tiêu chạy thoát khỏi tay.
Sau đó, Lương Tiêu thấy Minh Quy đuổi đến, bất đắc dĩ dùng lại cách cũ, sử ra
một chiêu "Vũ Dương phấn kích". "Vũ Dương phấn kích", "Tiệm Li kích trúc" [xem
chú thích 3], "Đồ cùng chủy hiện" vốn là ba chiêu liên hoàn, một lượt tạo
thành. Lương Tiêu sử xong "Vũ Dương phấn kích" liền lùi vào sau thạch tượng
Cao Tiệm Li, thạch trận vận chuyển không lúc nào dừng, hai pho thạch tượng Cao
Tiệm Li, Kinh Kha tiến về phía trước, vừa khéo thay y xuất ra hai chiêu phía
sau. Tuy là thạch tượng nhưng bằng vào uy phong khí thế của hai vị đại hào sĩ
tung hoành cổ kim đó cũng khiến Minh Quy sợ đến lùi lại không ngớt. Nhớ năm đó
Hoa Lưu Thủy thiết lập tám trăm thạch tượng vốn muốn truyền lại võ học, vạn
lần không nghĩ tới mấy trăm năm sau truyền nhân cách thế của ông ta lại có trí
tưởng tượng trùm trời, dùng uy thế của thạch tượng để chấn kinh cường địch.
Chú thích: (theo mienlitangcham)
1. Dự Nhượng tiềm xí (Dự Nhượng nấp trong nhà xí, trích trong "Thích khách
liệt truyện")
Dự Nhượng là người nước Tần, trước kia đã thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, nhưng
không ai biết đến. Dự Nhượng bỏ sang thờ Trí Bá, Trí Bá rất yêu quý và tôn
trọng. Đến khi Trí Bá. đánh Triệu Tương Tử, Triệu Tương Tử cùng mưu với các
nước Hàn, Ngụy, giết Trí Bá. Sau khi đã giết Trí Bá, họ chia đất Trí Bá làm ba
phần. Triệu Tương Tử rất oán Trí Bá, nên sơn đầu lâu của Bá làm đồ đựng rượu.
Dự Nhượng trốn vào trong núi nói:
- Than ôi! Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ! Người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình.
Nay Trí Bá biết ta, ta phải liều chết báo thù để đền ơn, có thế hồn phách của
ta mới khỏi xấu hổ !
Dự Nhượng bèn đổi họ tên làm người bị khổ dịch lẻn vào cung dọn nhà xí, trong
người giấu cái chủy thủ muốn để đâm Tương Tử. Tương Tử vào nhà xí thấy chột
dạ, bắt hỏi người khổ dịch đang dọn nhà xí, thì ra đó là Dự Nhượng, khám trong
người có binh khí. Dự Nhượng nói:
- Ta muốn báo thù cho Trí Bá.
Tả hữu muốn giết, Tương Tử nói:
- Hắn là người có nghĩa, ta chỉ cẩn thận trách hắn là đủ. Vả chăng, Trí Bá
chết không có con cái gì, mà người làm tôi của nó lại muốn báo thù, vậy người
này là một người hiền trong thiên hạ.
Cuối cùng tha cho đi ít lâu sau, Dự Nhượng lại sơn mình làm người hủi,nuốt
than làm người câm, khiến không ai nhận ra hình dạng. Nhượng đi hành khất ở
ngoài chợ, người vợ không nhận ra. Đi gặp người bạn, người bạn nhận được nói:
- Anh có phải Dự Nhượng đấy không?
- Chính tôi.
Người bạn khóc và nói:
- Có tài như anh nếu gửi mình làm tôi thờ Tương Tử,thì Tương Tử thế nào cũng
yêu mến gần gũi anh. Khi Tương Tử đã yêu mến gần gũi anh thì anh làm điều anh
muốn, thế chẳng dễ hơn sao? Bây giờ làm hủy hoại thân thể thế này muốn để báo
thù Tương Tử, chẳng phải khó khăn sao?
Dự Nhượng nói:
- Mình đã đi mình làm tôi người ta, rồi lại tìm cách giết họ, như thế là mang
hai lòng để thờ vua. Vả chăng điều tôi muốn làm là hết sức khó nhưng tôi muốn
làm thế này là để cho hạng tôi thờ vua mang hai lòng ở trong thiên hạ sau này
phải hổ thẹn?
Sau khi đi rồi, được ít lâu Tương Tử sắp ra đi, Dự Nhượng nấp ở chỗ cầu Tương
Tử phải đi qua. Tương Tử đến cầu con ngựa sợ hãi, Tương Tử nói:
- Đây chắc là Dự Nhượng rồi?
Sai người hỏi thì quả là Dự Nhượng. Tương Tử bèn trách Dự Nhượng:
- Nhà ngươi chẳng phải đã từng thờ họ Phạm và họ Trung Hàng đó sao? Trí Bá
diệt họ, thế mà ngươi chẳng báo thù cho họ lại còn gửi mình làm tôi Trí Bá.
Nay Trí Bá đã chết rồi sao nhà ngươi lại một mình vì hắn báo thù sâu sắc như
vậy?
Dự Nhượng đáp:
- Tôi thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, họ Phạm và họ Trung Hàng đều xem tôi là
hạng người thường, cho nên tôi báo đáp theo lối hạng người thường. Còn như Trí
Bá đối đãi với tôi xem như người quốc sĩ, cho nên tôi phải báo thù theo lối
người quốc sĩ.
Tương Tử thở dài, ngậm ngùi khóc mà rằng:
- Than ôi Dự Nhượng! Nhà ngươi vì Trí Bá báo thù, nay danh cũng đã thành rồi.
Quả nhân tha cho nhà ngươi thế cũng đã đủ rồi? Nhà ngươi hãy tự liệu lấy; quả
nhân không tha cho nhà ngươi nữa.
Bèn sai lính vây bắt. Dự Nhượng nói:
- Tôi nghe "bậc vua sáng không che cái tốt đẹp của người, kẻ trung thần có
cái nghĩa phải chết theo danh". Trước đây nhà vua đã tha cho tôi, thiên hạ
không ai không khen nhà vua hiền. Việc ngày hôm nay tôi cố nhiên xin chịu
chết; nhưng xin nhà vua cho tôi cái áo của ngài để tôi được thỏa ý định báo
thù, tuy chết cũng không ân hận. Đó không phải là điều tôi dám mong mỏi, nhưng
cũng xin bày gan ruột như vậy.
Tương Tử bèn khen là người có nghĩa và sai người cầm áo đưa cho Dự Nhượng. Dự
Nhượng tuốt kiếm nhảy lên đâm ba lần và nói:
- Ta có thể chết để báo ơn Trí Bá được rồi?
Rồi phục gươm mà tự sát. Hôm Dự Nhượng chết, các chí sĩ nước Triệu nghe tin
đều sụt sùi.
2. Vũ Dương Phấn Kích:
Tần Vũ Dương là tráng sĩ nước Yên, mười ba tuổi giết người mà mặt không đổi
sắc. Là người đi cùng Kinh Kha ám sát Tần Thuỷ Hoàng Doanh Chính.
3. Tiệm Ly kích trúc:
Tần Thuỷ Hoàng bị Kinh Kha ám sát hụt nên rất tức giận, ra lệnh bắt giết bạn
bè của Kinh Kha trong đó có Cao Tiệm Ly. Tần Thuỷ Hoàng tiếc chàng gảy đàn
trúc giỏi nên đặc cách tha chết, chỉ làm mù hai mắt. Sau đó vua Tần sai Cao
Tiệm Ly gảy đàn trúc, lần nào cũng khen hay, dần dần vua Tần ngồi gần hơn. Cao
Tiệm Ly đổ chì vào đàn trúc, khi Tần Thuỷ Hoàng lại gần bèn giơ đàn lên đánh
nhưng đánh trượt. Tần Thuỷ Hoàng bèn giết Cao Tiệm Ly, suốt đời không gần gũi
người của 6 nước nữa.