Nhân Quỷ Vì Huynh Đệ Xích Thằng Hựu Phọc Lang


Người đăng: tieulongkute

Đêm ấy, trong lúc tân lang và tân nương vầy duyên cá nước, lạc bước Vu Sơn thì
Tử Khuê gặp ma. Chàng đang mơ màng giấc điệp thì nghe có tiếng gọi nhỏ :


  • Quách công tử! Quách công tử!

Tử Khuê giật mình thức dậy, điếng hồn nhận ra một bóng đen đang đứng lù lù
cạnh giường. Chàng ngồi bật lên, kinh hãi đến mức cứng cả quai hàm, chẳng nói
nên lời, chỉ trố mắt nhìn lão già áo đen, râu ria bờm xờm.

Lão ta mỉm cười trấn an :


  • Lão phu là Lỗ Trục đây, công tử chớ sợ.

Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu khâu nhỏ, hàm răng lão trắng nhỡn
nhưng không đáng sợ vì chẳng có răng nanh. Tử Khuê thở phào ấp úng :


  • Té ra là Lỗ phán quan! Chẳng hay túc hạ tìm Quách mỗ vì chuyện gì?

Lỗ Trực ngồi xuống cạnh giường vui vẻ nói :


  • Lão phu chán nghề phán quan nên đã xin Diêm Vương đổi làm Chiêu Vong tuần
    sứ, lo công việc dẫn độ những oan hồn vất vưởng trong thiên hạ về “Quỷ môn
    quan”.

Gương mặt lão đoan chính, uy nghiêm nhưng khá thân thiện khiến Tử Khuê bớt ái
ngại. Chàng cười bảo :


  • Đáng lẽ Quách mỗ phải có chén rượu để mừng cho túc hạ mới phải đạo.

Tiếc rằng đêm đã khuya, xin hẹn dịp khác.

Lỗ Trực lộ sắc mừng :


  • Nếu công tử không tỵ hiềm âm dương cách biệt thì lão phu sẽ rất vui mừng
    được cùng nhau đối ẩm. Từ sau trận tỷ quyền ở Hầu phủ, Lỗ mỗ rất ngưỡng mộ
    công tử, muốn được kết làm bằng hữu.

Tử Khuê bối rối đáp :


  • Niên kỷ của Lỗ túc hạ còn hơn cả gia phụ, làm sao tại hạ dám tự xưng bằng
    hữu?

Lỗ Trực mỉm cười lắc đầu :


  • Trong vòng luân hồi, mỗi chúng sinh đều trải qua hàng trăm nghìn kiếp, sao
    có thể nói ai già hơn ai? Công tử cứ gọi lão phu là Lỗ đại ca là đủ rồi!

Tử Khuê nghe cũng có lý, ôm quyền vái :


  • Tiểu đệ bái kiến đại ca!

Lỗ Trực vái trả rồi phấn khởi bảo :


  • Lão phu phải kiếm mấy cân rượu để uống mừng mối giao tình hiếm có này mới
    được. Hiền đệ hãy chờ ta một chút.

Lão nói xong thì biến mất chẳng chút tăm hơi, lát sau quay lại với vò rượu lớn
và một đùi dê nướng. Hai thứ này chắc là của nhà bếp Lư gia trang.

Trong phòng ngủ Tử Khuê có một chiếc bàn nhỏ, nơi đặt đĩa đèn dầu lạc cùng hai
chiếc ghế đôn. Hai người ngồi ở đấy mà thù tạc, chuyền tay nhau vò rượu và đùi
dê, ăn uống rất thâm tình.

Lỗ Trực cười nói sảng khoái thế mà chẳng đánh động đến bất cứ ai ở những phòng
bên. Tử Khuê kinh ngạc hỏi han thì lão đắc ý giải thích :


  • Hiền đệ cứ yên lòng. Khi lão phu không muốn thì ngoài ngươi ra chẳng ai có
    thể nhìn thấy hoặc nghe được giọng nói của lão mỗ cả.

Chợt lão chính sắc bảo :


  • Quách hiền đệ! Hôm nay lão phu đến tìm ngươi là vì có chuyện quan trọng.
    Mong ngươi cố bình tâm mà nghe tin dữ. Thiên cơ bất khả lậu nên lão phu chỉ có
    thể tiết lộ sơ lược rằng cuộc đời hiền đệ vô cùng sóng gió, đầy dãy tai ương.
    Bởi vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào ngươi cũng không được phép tuyệt vọng, chán
    nản mà phải kiên cường tồn sinh bằng cái tâm của một kẻ hiểu rõ đạo đời.

Tử Khuê chột dạ đáp :


  • Tiểu đệ ngu muội, chẳng dám chắc hiểu được đại đạo, chỉ cố giữ tấm lòng
    nhân hậu. Nhưng giang hồ ân oán triền miên, tay tiểu đệ đã nhiều lần nhuốm
    máu, lòng vô cùng hổ thẹn và chắc rằng không tránh khỏi nghiệp quả xấu.

Lỗ Trực nở nụ cười độ lượng :


  • Hiền đệ đã đi đúng hướng rồi đấy. Đức nhân chính là đạo trời. Hổ dữ cũng là
    chúng sinh nhưng kẻ giết hổ để tự vệ, để bách tính được yên vui thì không tạo
    sát nghiệp. Tuy nhiên không sát sinh thì vẫn tốt hơn, sau này hiền đệ hãy cố
    chừa cho đối thủ một cơ hội hồi đầu hướng thiện.

Tử Khuê gật đầu tỏ vẻ hiểu ý và tò mò hỏi :


  • Lỗ đại ca! Thần thánh của Đạo giáo và Phật giáo chẳng giống nhau, kinh
    nghĩa cũng vậy. Thế thì thực ra ai đúng ai sai, ai có ai không?

Lỗ phán quan cười khanh khách đáp :


  • Hiền đệ cứ nên tin rằng chư Phật hay Tam Thanh đều hiện hữu và giáo lý của
    họ đều cần thiết cho cuộc sống này.

Rồi lão nói lảng sang chuyện khác :


  • Này Quách hiền đệ! Sáng mai ngươi không cần phải đi Hồ Nam nữa.

Tử Khuê ngơ ngác hỏi lại :


  • Tại sao vậy?

Lỗ Trực bùi ngùi đáp :


  • Lệnh sư thúc Kỳ Hoàng chân nhân Cổ Sĩ Hoành đã chết đêm hôm kia rồi. Đúng
    ra lão ta còn thọ được mười hai năm nữa, song do kẻ thù phép thuật quá cao
    cường, đã dùng phép “Ám Tinh Đoạn Thần” giết chết Cổ chân nhân trong Quỷ trận.

Tử Khuê đau đớn hỏi :


  • Lỗ đại ca! Chẳng hay hung thủ là kẻ nào vậy?

Lỗ phán quan tư lự đáp :


  • Người ấy là Quân Sơn chân nhân Đường Mai Giản, trên núi Quân Sơn giữa hồ
    Động Đình. Lão ta tuổi độ bát thập, võ nghệ cao cường, tinh thông võ trận kỳ
    môn lẫn yêu thuật. Đường Mai Giản vốn là bằng hữu với Cổ Sĩ Hoành và ba năm
    trước có mượn của họ Cổ mảnh “Chiếu yêu Bát quái bảo kính”, vật trấn sơn của
    Huyền Hư phái ngày xưa. Do Cổ chân nhân tin rằng Quách hiền đệ sẽ khôi phục
    lại tông môn Huyền Hư phái nên ông ta đã đến Quân Sơn đòi lại bảo kính, vật
    tượng trưng cho quyền Chưởng môn nhân. Nào ngờ lão chết toi Đường Mai Giản lại
    rắp tâm chiếm đoạt bảo vật, đã lừa Cổ Sĩ Hoành vào “Oan Hồn quỷ trận” mà sát
    hại. Sau đó họ Đường đốt xác nạn nhân, rải xuống hồ để phi tang.

Tử Khuê nghe xong căm hận bảo :


  • Tiểu đệ thề sẽ rửa thù cho sư thúc và đoạt lại bảo vật của sư môn.

Lỗ Trực cau đôi mày lưỡi mác, trầm ngâm suy nghĩ một lúc lâu mới nói :


  • Ngươi không cần phải đi. Ít tháng nữa Đường lảo quỷ sẽ vào đất Hà Nam này.
    Lúc ấy ngươi báo thù cũng không muộn.

Tử Khuê sực nhớ đến chuyện hôm trước, đỏ mặt trách móc :


  • Sao đại ca lại dòm ngó chuyện phòng the của tiểu đệ?

Lỗ phán quan cười khà khà :


  • Lão phu nào có hứng thú với chuyện ấy. Chẳng qua lão phu muốn thành toàn
    mối lương duyên của ngươi với nha đầu họ Dịch mà thôi. Từ nay lão phu chả bao
    giờ bén mảng đến khi ngươi đang hưởng lạc.

Và lão đắc ý kể công :


  • Đáng lẽ ngươi phải tạ ơn Lỗ mỗ mới phải. Ta phải năn nỉ mãi nên cái lão Hoa
    Đà mới chịu dạy cho phương pháp trị bệnh lãnh cảm của Tái Vân đấy. Sau này nếu
    có dịp đi ngang núi Thiếu Hoa Sơn thì vợ chồng ngươi nhớ thắp nén hương cảm tạ
    lão ta.

Hai người chuyện trò, bàn bạc thêm một lúc lâu thì gà gáy sáng. Lỗ phán quan
bưng vò rượu nốc cạn rồi cáo từ. Tử Khuê ngồi lại một mình, tiếc thương vị sư
thúc tài hoa. Chàng thầm khấn vái hương hồn Cổ chân nhân và hứa với ông rằng
sẽ phục hưng Huyền Hư phái để ông mỉm cười nơi chín suối.

Vài khắc sau, đoán rằng phụ mẫu đã dậy, Tử Khuê thay áo bước ra ngoài, tìm đến
phòng của họ để vấn an.

May thay Trương Thiên Sư và Bang chủ Cái bang cũng có mặt ở đấy, đang nói về
cái chết của Cửu Hoa Thánh Y. Lỗ phán quan đã ứng mộng thông tin cho Trương
Sách biết việc ấy.

Gần giữa tháng bảy, đoàn người về đến Hứa Xương và khoảng đầu tháng tám thì
Quách Thiên Tường tiến hành việc tu sửa Quách gia trang để sửa soạn đám cưới
Tử Khuê. Hôn lễ sẽ cử hành vào tháng tư sang năm.

Đồng thời cũng ở gần đó, một tòa Kỹ gia trang cũng được xây dựng gấp rút. Kỹ
Tòng Thư quyết định ở lại Hứa Xương để an dưỡng tuổi già, bên cạnh vợ chồng em
gái và các cháu.

Công trình sư của cả hai công trình ấy chính là chàng xấu trai Tang Đông Dã.
Dưới sự chỉ huy của gã, bốn mươi hai tên hàng binh Xoa Lạp cốc kiến tạo một
mật thất cực kỳ kiên cố và đầy dẫy những cơ quan tinh xảo, phía dưới vườn hoa
lối sau Quách gia trang. Khi nguy biến mọi người có thể ẩn nấp ở đấy mà không
sợ chết đói. Lúc bình thường, mật thất sẽ là nơi luyện võ kín đáo của Tử Khuê.

Dù rất muốn gần gũi tình lang nhưng vì thân phận tôn quý mà nữ Hầu tước Trình
Thiên Kim phải quay về Hầu phủ, để một mình Đông Nhạc Tiên Hồ Dịch Tái Vân đến
Quách gia trang hầu hạ cha mẹ chồng.

Nhưng Tái Vân chỉ hưởng lợi thế được đúng hai tháng thì Tử Khuê lại phải lên
đường. Lão chết tiệt Lỗ phán quan đã xuất hiện đêm đầu tháng mười, báo rằng
Quân Sơn chân nhân có mặt ở Lạc Dương. Lão ta còn không cho Tái Vân đi theo Tử
Khuê, viện cớ rằng nàng đã thoát khỏi cơn giận của Lôi Thần, chẳng cần bám lấy
Tử Khuê nữa.

Đêm ấy Lỗ Trực đã nhậu nhẹt với Quách Thiên Tường và Kỹ Tòng Thư khá lâu. Được
đối ẩm với ma là cơ hội ngàn vàng nên hai lão nhân vật cao hứng, uống thả giàn
và say bí tỷ.

Sáng mùng hai, Tử Khuê một mình một ngựa rời Hứa Xương. Từ Hứa Xương đi Lạc
Dương, lữ khách phải ngang qua Đăng Phong, nên trưa ngày mùng sáu Tử Khuê có
mặt ở đấy. Chàng rất ngạc nhiên khi thấy trong thành Đăng Phong đầy dẫy những
khách giang hồ. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi một địa phương sắp có biến cố
hay thịnh hội gì đó. Nhưng Đăng Phong rất gần núi Tung Sơn, vậy phải chăng
chính Thiếu Lâm tự là nguyên nhân?

Đến trước cửa Khai Tân đại phạn điếm, Tử Khuê nhận ra bên trong có hàng trăm
hào kiệt đang cười nói oang oang. Chàng liền dừng cương hạ mã và được gã tiểu
nhị chào mời. Vào trong quán thấy Giáo chủ Thiên Sư giáo, Huyền Thiên Chân
Quân Trương Sách đang nhìn ra ngoài, bất giác Tử Khuê định thi lễ. Nhưng
Trương Thiên Sư lại chẳng hề lộ vẻ gì là quen biết, khiến chàng nhớ lại rằng
mình đang hóa trang, liền đi tìm bàn trống mà ngồi.

Trong cuộc tồn sinh con người luôn tìm cách để khẳng định bản thân chính mình
trước tha nhân. Thậm chí đại đa số nhân loại còn sa vào tật háo danh. Cho nên
cảm giác của một kẻ luôn phải giấu mặt quả là chẳng hay ho gì.

Tuy nhiên Tử Khuê lại mãn ý về điều này, khi mà chàng không háo danh và coi
trọng an nguy của người thân hơn tất cả.

Tử Khuê gọi một mâm cơm và bình rượu nhỏ. Đầu Đông tuyết chưa rơi, nhưng trời
đã lành lạnh nên chàng định dùng vài chung cho ấm.

Trong lúc chén thù chén tạc, Tử Khuê lắng nghe câu chuyện riêng của thực khách
và hiểu ra nguyên cớ. Té ra hôm mùng một tháng chín vừa qua, hơn ngàn khách
hành hương đã nhìn thấy Phi Điểu Thần Ma Lục Doãn Ngôn xuất hiện trên bầu trời
Thiếu Thất sơn. Và xui xẻo cho họ Lục là lúc ấy có mặt Trung Nguyên Thần Tiễn
Phan Nguyên Kết, cung thủ giỏi nhất võ lâm đương đại.

Phan lão có thân hình khôi vĩ, thần lực kinh nhân, sử dụng một cây “Chấn Thiên
cung” cánh thép, lớn gấp rưỡi trường cung bình thương. Mũi tên của lão bằng
thép, bay xa hàng dặm mạnh mẽ đến mức có thể bắn xâu táo một lúc bảy tám
người.

Hôm đó Phan Nguyên Kết lên chùa Thiếu Lâm để xin cho con trai mình vào học võ.
Khi phát hiện ra cánh chim khổng lồ của Phi Điểu Thần Ma, Phan lão nhớ ngay
đến món tiền thưởng ba ngàn lượng vàng mà Minh chủ Võ lâm đã rêu rao. Họ Phan
mừng húm giương “Chấn Thiên cung” trổ tài Dưỡng Do Cơ. Danh bất hư truyền, mũi
tên của lão cắm vào bụng con đại bàng và còn xuyên thủng người Phi Điểu Thần
Ma nữa. Nhưng con chim xấu số không chết ngay, theo bản năng mà xòe cánh cưỡi
gió là đà rơi xuống vùng rừng rậm rạp bạt ngàn cách núi Thiếu Thất vài dặm về
hướng Đông.

Rặng Tung Sơn có đến bảy mươi hai ngọn núi, sơn vực rất rộng và đầy cây cối,
muốn tìm ra Phi Điểu Thần Ma chẳng phải dễ. Nhưng cây “Diêm Vương quỷ kỳ” oai
lực vô song, ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của võ lâm, nên Thiếu Lâm tự đã
huy động toàn bộ tăng lữ trong chùa truy tầm Phi Điểu Thần Ma.

Trung Nguyên Thần Tiễn Phan Nguyên Kết không dám tranh giành với phái Thiếu
Lâm, hậm hực xuống núi. Lão ta mất giải thưởng ba ngàn lượng vàng nên đi thẳng
đến Tổng đàn Võ lâm ở Trịnh Châu mà báo công. Dọc đường họ Phan còn loan báo
rộng rãi tin này khiến cả giang hồ chấn động, lũ lượt kéo về núi Tung Sơn tìm
vận may.

Ngoài Minh chủ Võ lâm và ba trăm thủ hạ, các lực lượng chính ta hùng hậu khác
đều đến nơi. Nghe nói có cả Chiết Mai bang, Bích Huyết bang và Xoa Lạp cốc.
Điều này hứa hẹn một cuộc chiến long trời lở đất nếu chùa Thiếu Lâm tìm được
Phi Điểu Thần Ma trước. Do đó Cái bang đã thả chim câu gửi thư hỏa tốc, mời
các phái trong Hội đồng Võ lâm đến hỗ trợ Thiếu Lâm tự.

Nghe xong Tử Khuê bâng khuâng suy nghĩ :


  • Tung Sơn cũng thuộc địa phận phủ Lạc Dương. Có lẽ gã chết toi Quân Sơn chân
    nhân đã đến đây vì việc “Diêm Vương quỷ kỳ”, nên Lỗ đại ca mới bảo ta như thế.
    Hơn nữa Đại Giác thiền sư là bậc cao tăng đáng kính, ta không thể đứng ngoài
    cuộc được.

Sau hôn lễ của Kỹ Lưu Tiên và Lư Công Đán, mối quan hệ giữa các phái trong Hội
đồng Võ lâm đã bị rạn nứt. Vì cái danh hiệu Võ lâm Đệ nhất cao thủ mà vô tình
họ trở thành địch thủ của nhau. Những kẻ cùng một mối lo thì là bạn và khi
cùng một tham vọng sẽ biến thành thù, đạo lý ấy luôn luôn đúng.

Có thể bản thân một thiền sư đắc đạo như Đại Giác sẽ không tha thiết với thanh
danh, nhưng mấy ngàn tăng lữ Thiếu Lâm thì lại chẳng muốn chùa Thiếu Lâm đứng
thứ hai. Trường hợp của phái Võ Đương cũng thế. Riêng hai phái Cái bang và
Thiên Sư thì đành ngậm ngùi cay đắng vì không có cao thủ nào kiệt xuất.

Do đó chàng chắc rằng trong cục diện hôm nay, năm phái kia sẽ hết lòng tương
trợ Thiếu Lâm tự. Tử Khuê ngày càng trưởng thành, tâm cơ sâu sắc hơn trước,
luận việc rất thấu đáo. Nhưng sự việc chỉ khiến chàng thêm buồn, ngao ngán cho
thói trọng lợi danh của người đời.

Chàng ngắm gương mặt đầy nếp nhăn và mái tóc bạc của Trương Thiên Sư mà lòng
thầm ái ngại xót thương. Vì chút danh phận trong Hội đồng Võ lâm mà vị Giáo
chủ mang dòng màu thần tiên phải bôn ba mãi, chẳng được yên thân. Rốt cuộc ông
sẽ nhận được gì khi Thiếu Lâm, Võ Đương vẫn là “Thái Sơn Bắc Đẩu” của võ lâm,
còn Thiên Sư giáo chỉ được giới giang hồ xem như lũ thầy pháp múa kiếm không
rành? Trương Sách cũng như nhiều đời thiên sư trước đều bị luỵ vì cái danh.

Tử Khuê nghĩ ngợi đến đây thì tửu quán có thêm khách là phái Võ Đương. Vân
Thiên Tử đã thống lĩnh năm chục đệ tử đi vào quán. Theo sau ông chính là hai
học trò cưng, Võ Đương Thần Kiếm Mộ Duy Lộ và đạo cô Linh Tuệ.

Trương Thiên Sư và mọi người hớn hở đứng lên chào đón. Cùng là đạo gia nên ông
khá thân thiết với Chưởng môn nhân phái Võ Đương. Tất nhiên Trương Sách mời
Vân Thiên Tử ngồi chung bàn. Bọn đệ tử Võ Đương thì tự tìm lấy chỗ. Tình cờ,
Mộ Duy Lộ và Linh Tuệ đạo cô ngồi ở bàn bên cạnh Tử Khuê.

Vài khắc sau, quần hùng rời quán để đến núi Thiếu Thất, Tử Khuê cũng lặng lẽ
đi theo. Đầu giờ Mùi, mái ngói rêu phong của ngôi chùa danh tiếng nhất Trung
Hoa hiện ra trước mắt chàng, thấp thoáng sau rừng tùng rậm rạp lưng chừng núi.
Thiếu Lâm tự có nghĩa là ngôi chùa giữa rừng cây trên núi Thiếu Thất. Thực ra
ngọn núi mà Thiếu Lâm tọa lạc có tên là Ngũ Nhũ Sơn, một đỉnh của chân núi
Thiếu Thất. Song nếu vì vậy mà đặt tên chùa là Ngũ Trung tự hoặc Nhũ Thượng tự
thì nghe chẳng hay ho chút nào. Bởi thế người xưa đã uyển chuyển chọn chiêu
bài Thiếu Lâm tự.

Nhưng cho dù mang cái tên gì thì hôm nay đất Phật cũng chẳng còn thanh tịnh,
trang nghiêm nữa. Trên vủng đất quanh chân núi Ngũ Ngũ hiện giờ ngổn ngang
chen chúc mấy trăm lều vải, màu sắc kích thước không đều.

Quần hùng đã ăn dầm nằm dề cả tháng nay để tham gia việc truy lùng Phi Điểu
Thần Ma. Có người muốn chiếm hữu bảo vật song có người chỉ đi tìm vận may.
Biết đâu tổ tông hiển linh xui khiến họ vớ được cây “Diêm Vương quỷ kỳ”, đem
bán lại cho Minh chủ Võ lâm Âu Dương Mẫn, hoặc hai bang Bích Huyết - Chiết
Mai. Lúc ấy thì số vàng sẽ không chỉ là ba ngàn lượng mà còn hơn nữa.

Bọn hào khách các lộ có thể dựng lều để đỡ tốn tiền trọ song không thể tự lo
được việc ăn uống. Do đó, các lâu quán trong thành Đăng Phong đã mau mắn đến
hiện trường mở điếm. Cung cấp những dịch vụ sinh tồn cho gần nửa vạn khách
giang hồ. Mùi rượu ngon, mùi xào nấu nồng nàn ngan ngát cả vùng núi Thiếu Thất
và chắc đã xộc vào tận mũi của những pho tượng Phật trong chùa Thiếu Lâm. May
thay bọn chủ chứa cũng còn nể mặt chư Phật nên đã không huy động bọn kỹ nữ đến
đây hành nghề.

Những tửu quán, phạn điếm tạm bợ ấy tuy đều làm bằng những vật liệu thô sơ như
gỗ, tre, rơm, lá... nhưng đều khá xinh xắn, rộng rãi và sạch sẽ.

Chúng nằm thẳng thớm hai hàng song song, đối diện nhau tạo thành cả một dãy
phố, y như chốn thị thành vậy.

Các dịch vụ này nằm khá gần những túp lều, thuận tiện cho bọn hào khách lui
tới ăn uống, nhậu nhẹt và bài tiết. Có vào phải có ra, hơn bốn mươi lầu quán
dã chiến kia đều kín đáo đào hố phân để phục vụ các thượng khách của mình.
Nhưng chẳng phải ai cũng chịu nổi cho tới khi chạy được đến nơi, nên bọn hào
khách thường “tùy ngộ nhi an”, tìm một bụi rậm hay gốc tùng nào đấy. Hậu quả
là giờ đây bầu không khí quanh núi Thiếu Thất luôn thoang thoảng một mùi thum
thủm. May mà mấy ngàn con tuấn mã đã được gửi phân tán trong các nhà dân quanh
vùng, nếu không môi trường Phật địa còn bị ô nhiễm nặng nề hơn nữa.

Tử Khuê đến đây tìm kẻ thù chứ không phải tìm bảo vật nên chẳng gởi ngựa, lững
thững đi thẳng vào khu phạn điếm. Dù đang là thời gian thích hợp để truy lùng
Phi Điểu Thần Ma song các quán xá vẫn có khách. Tiệm nào cũng được vài bàn,
tiếng cười nói râm ran.

Đất rộng nên các quán không phải chen chúc giáp vách nhau, khiến khách có thể
đi đến từ mọi hướng. Trời lạnh nhưng tuyết chưa rơi nên các liếp tre vẫn được
chống lên, để hở ba cạnh, trừ cạnh đặt nhà bếp. Tường xây bằng ván mộc hoặc
tre trúc, chỉ thấp cỡ mặt bàn. Nhờ vậy Tử Khuê có thể nhìn thấy những tửu
khách bên trong quán. Chàng chỉ tìm cầu may vì đoán rằng Quân Sơn chân nhân
Đường Mai Giản đã vào khu rừng rậm phía Đông núi Ngũ Nhũ để tìm “Diêm Vương
quỷ kỳ”.

Những gã trong quán kia có lẽ chỉ là kẻ hiếu kỳ, hiếu sự ham vui mà đến, hoặc
giả là người quá mệt mỏi, chán nản việc lặn lội mò kim đáy biển nên cóc thèm
nhọc xác nữa.

Đến trước phạn điếm kiêm tửu quán ở đoạn giữa dãy quán hướng bắc, Tử Khuê chợt
phát hiện có khá đông khách và thấp thoáng nơi bàn ngoài là dung mạo quen
thuộc của Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thụy.

Tử Khuê khấp khởi mừng rỡ, rẽ ngay vào đấy. Được gã tiểu nhị chào mời, chàng
hạ mã, trao dây cương cho gã rồi dần bước.

Nhưng Tử Khuê lại nhận ra Tống Thụy không độc ẩm mà đang trò chuyện thân mật
với người cùng bàn. Đấy là một hán tử võ phục đen, ngoài khoác áo lông cừu
trắng, thân thể tráng kiện, mặt chữ điền vuông vắn khôi ngô.

Tuy ăn mặc theo lối thế tục song đầu gã lại cạo nhẵn thín, y như một nhà sư
vừa hoàn tục vậy. Và cây đoản côn bằng thép đen bóng nằm trên bàn đã giúp Tử
Khuê nhớ ra gã là Thiếu Lâm Thần Côn Lã Hoa Dương, một trong “Võ lâm Ngũ Tú”.
Tử Khuê chợt nghe lòng se lại một niềm cay đắng không tên. Chàng bâng khuâng
ngồi xuống bàn gần đấy, ngắm nhìn nửa gương mặt quay nghiêng của cố nhân. Tống
Thụy không hề phát hiện ánh mắt nồng nàn song đầy xót xa của chàng.

Nhưng lát sau, Lã Hoa Dương tình cớ quay về phía Tử Khuê, khó chịu vì có kẻ
dám chiêm ngưỡng mỹ nhân của mình, liền quắc mắc đe doạ. Tử Khuê chẳng sợ gì
gã song cũng không tiện gây hấn, đành tảng lờ nâng chén rượu và quay sang
hướng khác. Chàng quan sát khắp tửu quán, không thấy đệ tử năm phái Bạch đạo.
Có lẽ họ đã lên cả Thiếu Lâm tự. Lúc này Thiên Sư giáo và phái Võ Đương cũng
đã thượng sơn.

Chợt ngoài cửa vang lên tiếng cãi cọ ồn ào của gã tiểu nhị. Gã đang cố ngăn
chặn xua đuổi một người.


  • Mụ hãy đi chỗ khác mà xin ăn. Hôi hám, dơ dáy như mụ mà vào quán thì khách
    của bổn điếm bỏ chạy hết.

Người kia bật cười khanh khách trả lời bằng một giọng thanh tao, trẻ trung :


  • Ngươi lầm rồi! Bổn cô nương đến đây để tìm trượng phu chứ chẳng phải để xin
    cơm.

Quan khách hiếu kỳ nhìn cả ra ngoài, thấy một nữ nhân đầu bù tóc rối, y phục
phong phanh, rách rưới và cực kỳ bẩn thỉu. Gương mặt nàng dơ bẩn cáu ghét đen
sì trong rất ghê tởm và có vẻ như thân thể sẽ bốc mùi khó chịu.

Riêng Tử Khuê cảm thấy xót thương cho kẻ bạc mệnh kia khi thấy ả không mặc áo
bông trong tiết Đông lạnh giá này. Bệnh điên đứng đầu trong nan y tứ chứng
khiến nền y học Trung Hoa phải bó tay. Ngay những kẻ có lòng cũng không thể
giúp đỡ được họ. Có lần Tử Khuê đã tặng áo lông cừu cho một người điên song
người ấy đã vứt đi ngay sau đó không lâu.

Bất ngờ, nữ nhân dở người kia bỏ cửa chính hướng nam lao vút về cạnh đông tửu
quán, nhảy qua vách thấp mà vào. Thân pháp nhanh như chớp khiến toàn bộ thực
khách phải bàng hoàng, hiểu rằng nàng ta sở hữu một bản lãnh rất cao cường. Họ
nín thở quan sát trong khi nữ nhân điên khùng chậm rãi đi qua từng bàn nhìn
mặt từng người. Có lẻ là ả ta đang đi tìm chồng thật.

Ai cũng ghê rợn và lo sợ nàng ta túm lấy mình. Đối với người điên thì không
thể lý luận hay biện minh gì hết.

Trước tiên nàng tiến sâu vào trong, kiểm tra các bàn ở cuối quán rồi đi ngược
ra cửa. Tử Khuê là người thấp thỏm, hồi hộp nhất vì biết số mình đen đủi, luôn
vướng vào những tai họa ngớ ngẩn. Khi ả khùng bước đến gần, chàng cố tình nâng
ly rượu lên môi, quay mặt về phía cửa sổ, giả như đang ngắm cảnh.

Nhưng đúng là chạy trời không khỏi nắng, nàng ta đã dừng chân cạnh bàn chàng,
nhìn chăm chú rồi bất ngờ quỳ xuống khóc gọi :


  • Tướng công! Thiếp là Thanh Chân đây. Biết chàng vì tính mệnh không dám quay
    lại Thiểm Bắc nên thiếp đã bỏ xiềng trốn khỏi nhà, bôn ba vạn dặm suốt mấy
    tháng nay để tìm kiếm. Mối chân tình ấy chẳng lẽ không khiến tướng công động
    lòng hay sao?

Bọn thực khách nửa tin nửa ngờ, nhìn Tử Khuê với ánh mắt chán ghét hoặc thương
hại. Tử Khuê rầu rĩ nói với nữ lang :


  • Cô nương hãy bình thân rồi nhìn kỹ dung mạo của tại hạ xem có giống lệnh
    phu hay không?

Nàng ta đứng bật dậy, cười khúc khích :


  • Tướng công tưởng rằng thiếp không nhận ra chàng mang mặt nạ hay sao, và
    giọng nói của chàng thì thiếp chẳng lầm được.

Tử Khuê chết điếng người, không ngờ sự tình lại tệ hại đến mức này.

Làm sao nàng ta có thể khám phá ra thủ đoạn hóa trang kỳ tuyệt của Vô Tướng
Quỷ Hồ Dịch Quan San cơ chứ? Và tất nhiên chàng không dám lột mặt nạ ra để
chứng minh thân phận trước mặt quá nhiều người.

Sự im lặng hoang mang của chàng đã khiến quần hào ngộ nhận. Họ bắt đầu tin
rằng hán tử mũi két không râu kia chính là kẻ bạc tình. Vài người đã lên tiếng
chửi rủa, nói xỏ nói xiên. Ngay Thiết Đảm Hồng Nhan cũng nhìn chàng bằng ánh
mắt phẫn nộ.

Tử Khuê rối như tơ vò, chưa biết phải đối phó thế nào thì ả điên Thanh Chân
sụt sùi khóc bảo :


  • Hối ca! Nếu chàng quyết không nhìn nhận lương duyên thì thiếp cũng đành cam
    quay lại cố hương, tiếp tục chịu cảnh giam cầm.

Nghe đối phương gọi mình bằng cái tên ấy, Tử Khuê rùng mình bởi một ý niệm mơ
hồ, kỳ lạ. Tuy chưa hiểu rõ nguồn cơn, nhưng chàng biết rằng mình không thể để
nữ lang khốn khổ này ra đi được. Tử Khuê buột miệng nói ngay :


  • Chân muội đừng đi!

Thanh Chân vui mừng khôn xiết, sụp xuống ôm chân chàng mà khóc.

Mùi hôi hám từ người nàng ta xộc vào mũi Tử Khuê khiến chàng buồn nôn song
không dám chê, chỉ dịu dàng bảo :


  • Chúng ta sẽ đi sang khách điếm bên kia đường để nàng tắm gội và thay y
    phục.

Có kẻ đa sự lên tiếng :


  • Ở đây làm gì có chỗ nào bán y phục phụ nữ.

Quả đúng vậy, có ai nghĩ đến chuyện kinh doanh quần áo đàn bà ở chốn chiến
trường sát máu này? Số nữ hào kiệt như Thiết Đảm Hồng Nam rất hiếm.

Và chính Tống Thụy đã lặng lẽ mở tay nải lấy ra vài bộ võ phục, một đôi giày
vải cùng đồ lót, bước đến trao cho Thanh Chân. Ả điên thản nhiên nhận lấy và
toét miệng cười bảo :


  • Cảm ta hiền muội. À này! Người xinh đẹp thế kia sao lại lấy một gã trọc phá
    giới, mặt trơ trán bóng như vậy? Đến Phật tổ mà hắn còn dám lật lọng thì còn
    chung thủy với ai được nữa?

Quần hùng phá lên cười nắc nẻ khi thấy Thiếu Lâm Thần Côn Lã Hoa Dương bị mụ
khùng kia chê bai quá cỡ. Họ Lã thì giận đến đỏ mặt, tức cành hông khi bị mạt
sát trước mặt người đẹp. Nhưng chẳng lẽ phát tác trước mặt kẻ điên cuồng nên
đành bấm bụng ngồi yên.

Nào ngờ Thanh Chân thấy thế lại đắc ý nói tiếp :


  • Hiền muội biết không. Hồi xưa ta thường được nghe nhũ mẫu kể lại vùng Du
    Lâm có một gã sư hổ mang, đêm đêm đội tóc giả để đi mò mẫm các thôn nữ, cuối
    cùng bị người ta đánh gãy giò, giải lên quan. Hiền muội hãy nghe lời ta, bỏ
    quách tên trọc ấy cho rồi.

Do mặt mũi lem luốc nên người ta không rõ Thanh Chân bao nhiêu tuổi song giọng
nói thì rất trẻ trung. Khổ thay nàng cứ điềm nhiên xưng chị với Tống Thụy.

Và một lần nữa, các tửu khách lại rống lên cười cợt. Họ chẳng ưa gì một kẻ
kiêu ngạo như Lã Hoa Dương. Họ Lã không còn kiềm chế được nữa khi nghe Thiết
Đảm Hồng Nhan trả lời ả điên chết tiệt kia :


  • Đại tẩu cứ yên tâm. Vị huynh đài ấy chỉ là bằng hữu chứ không phải là ý
    trung nhân của tiểu muội.

Lã Hoa Dương đỏ mặt tía tai, đứng phắt dậy chửi vang :


  • Mụ điên khốn kiếp kia sao dám nhục mạ ta?

Dù rất ngao ngán không muốn xía vào chuyện của mụ vợ bất đắc dĩ, điên khùng,
song đến nước này Tử Khuê cũng phải lên tiếng. Chàng nghiêm nghị bảo Thanh
Chân :


  • Chân muội! Nàng hãy im miệng và đến tạ lỗi với Lã thiếu hiệp.

Thanh Chân ngoan ngoãn gật đầu vâng dạ nhưng lập tức ngơ ngác hỏi lại chàng :


  • Tướng công bắt thiếp im miệng thì làm sao tạ lỗi được?

Câu nói ngây thơ, ngốc nghếch của nàng lại khiến cử tọa cười nôn ruột.

Tống Thụy cũng không nín được, cười bảo :


  • Không cần đâu! Nhị vị cứ đi đi!

Tử Khuê rầu rĩ gật đầu tỏ ý cảm tạ Thiết Đảm Hồng Nhan rồi dắt theo sau cô vợ
trời của mình rời quán.

Chàng lấy đồ đi đến khách điếm đối diện. Tuy không rộng rãi song đây là cơ
ngơi khang trang, kiên cố nhất có vách và sàn bằng ván được bào nhẵn nhụi.

Người ta đã tháo dỡ kiến trúc gỗ này trong thành Đăng Phong và mang đến đây
ghép lại, chỉ khác trước ở chỗ mái tranh thay mái ngói.

May thay Lương Phong khách điếm vẫn còn trống phòng. Có lẽ vì giá đắt cắt cổ
nên chẳng mấy người dám mướn. Khách giang hồ chứ nào phải lái buôn?

Lão chưởng quỹ mặt choắt, râu dê cười hề hề bảo khách :


  • Bẩm đại ca. Bổn điếm có quy củ là lấy tiền trước, giá mỗi ngày mười lạng
    bạc, mong đại ca thông cảm cho.

Đúng là đắt đến đau ruột, còn hơn cả giá phòng ở Đăng Phong. Nhưng Tử Khuê
đang rối tơ vò nên chẳng để ý đến, móc ngay túi bạc đặt lên quầy và yêu cầu
một bồn nước nóng.

Lão chưởng quỹ này đã biết chuyện “Vạn lý tầm phu” của đôi khách vì gã tiểu
nhị đã sang đây hóng hớt. Lão vui vẻ gật đầu, đưa khách vào trong.

Tám phòng dùng chung một nhà tắm song may là giờ này khách trọ trước đã đi
vắng cả. Thanh Chân tha hồ kỳ cọ, cạo ghét gần nửa canh giờ mới xong.

Khi nàng đẩy cửa vào phòng thì Tử Khuê đang ngồi tư lự trên cạnh giường, nghĩ
cách giải tỏa tai hoạ. Chàng khẽ giật mình trước dung nhan thiên kiều bá mị
của người thiếu nữ trước mặt mình. Chàng chẳng dám chắc đấy có phải là Thanh
Chân hay không nữa?

Có lẽ nhờ lớp cáu ghét dày cộm che chở nên da mặt nàng không bị nám đi bởi
nắng mưa, vẫn trắng hồng và mịn màng. Giờ đây mái tóc huyền óng ả buông dài,
ôm lấy gương mặt trái xoan thanh tú. Cặp mắt nhung đen lay láy, sống mũi thon
thon, bờ môi hồng cong cớn và hai núm đồng tiền duyên dáng kia toát ra một vẻ
ngây thơ, trong trắng lạ thường. Đây là thần sắc của một cô bé mười hai mười
ba tuổi chứ chẳng phải kẻ trưởng thành. Nghĩa là có thể Thanh Chân chỉ khờ
dại, non nớt chứ không hề điên loạn.

Nàng nhoẻn miệng cười tươi :


  • Hối ca! Chàng thấy thiếp có đẹp hơn vị cô nương tốt bụng lúc nãy hay không?

Tử Khuê bất giác gật đầu rồi lại lắc đầu, Mỗi người một vẻ quả là khó so sanh
hơn thua được. Thấy Thanh Chân bước đến định sà vào lòng mình, Tử Khuê vội
đứng lên và mời nàng đến cùng ngồi trên hai chiếc ghế đôn gỗ cạnh bàn bát tiên
trong phòng. Rồi chàng nghiêm nghị hỏi :


  • Chân muội! Phải chăng nàng cho rằng ta chính là Thiết Thủ Thần Tiêu Bàng
    Nguyên Hối?

Tử Khuê đã suy nghĩ rất lâu trong lúc Thanh Chân tắm gội, đi đến kết luận rằng
nàng ta chính thị người tình bí mật của họ Bàng, khi gã lạc đến Lôi Đình thần
cung ở Thiểm Bắc. Chàng không chắc lắm nhưng chẳng còn giả thiết nào đáng tin
cậy hơn.

Qua nhiên Thanh Chân vui vẻ gật đầu :


  • Đúng vậy! Ngày ấy chàng đã bảo với thiếp rằng tên mình là thế khi thiếp cứu
    chàng khỏi “Thạch trận” của Lôi Đình thần cung.

Tử Khuê mừng thầm, biết mình đã đi đúng hướng. Chàng từ tốn bảo :


  • Giờ đây ta sẽ gỡ mặt nạ để Chân muội hiểu rõ nội tình.

Tử Khuê cẩn thận lột lớp hóa trang, để lộ chân diện mục. Chàng tưởng Thanh
Chân sẽ sửng sốt, thất vọng, nào ngờ nàng lại hớn hở tán dương :


  • Ôi chao! Không ngờ khi cạo râu, tỉa lông mày, Hối ca lại trẻ trung và anh
    tuấn đến dường này. Thiếp vô cùng sung sướng khi có được bậc trượng phu tài
    mạo như chàng.

Tử Khuê rầu thúi ruột, bắt đầu tin con nha đầu kia khùng điên thứ thiệt.

Bàng Nguyên Hối hơn chàng gần hai chụ tuổi, thế mà ả cũng không phân biệt
được.

Tử Khuê chán nản bảo :


  • Nhưng ta là Quách Tử Khuê chứ nào phải Bàng Nguyên Hối.

Thanh Chân thản nhiên cười đáp :


  • Té ra Bàng Nguyên Hối chỉ là tên giả! Thảo nào năm xưa Hà nhũ mẫu kể rằng
    các hiệp khách thường cải trang và đổi tên khi trừ gian diệt bạo, để tránh tai
    họa cho gia quyến. Từ nay thiếp sẽ gọi chàng là Khuê ca.

Tử Khuê tức như bị bò đá, khổ sở rên rỉ :


  • Hoàng thiên ơi! Ta chưa hề đến Lôi Đình thần cung bao giờ, sao có thể là
    Bàng Nguyên Hối được chứ? Nàng làm ơn tỉnh táo lại dùm ta!

Thanh Chân tái mặt, nhìn chàng trân trối, nước mắt tuôn như ra suối.

Nàng nghẹn ngào :


  • Khuê ca! Thiếp biết chàng đã có hai vợ nên sợ hãi mà chối bỏ tình xưa.
    Nhưng thiếp là người rộng lượng, hiểu câu “Trai anh hùng năm thê bảy thiếp”,
    tất sẽ chẳng ghen hờn. Lòng thiếp như thế mà chàng còn không dung nạp thì
    Thanh Chân cũng chẳng còn sống làm gì nữa.

Dứt lời nàng lao vút về phía giường ngủ, chụp thanh bảo kiếm của Tử Khuê, rút
ra khỏi vỏ và kề vào cổ mình. Tử Khuê hồn phi phách tán, đứng dậy thét lên :


  • Chân muội chớ làm càn!

Thanh Chân dừng tay, nức nở hỏi :


  • Vậy tướng công có chịu nhận Trác Thanh Chân này làm thê thiếp hay không?

Tử Khuê bí quá, thở dài đáp :


  • Ta đồng ý!

Thanh Chân lập tức nhoẻn miệng cười, quăng kiếm lên giường rồi lướt đến ôm và
áp má vào ngực chàng.

Tử Khuê bâng khuâng đứng im như tượng gỗ. Chợt chàng phát hiện ra điều quái dị
bèn hỏi nhỏ :


  • Chân muội! Vì sao nàng biết ta đã có hai vợ? Vì sao nàng nhận ra dù ta mang
    mặt nạ?

Thanh Chân cười khúc khích, ngửa mặt sôi nổi đáp :


  • Có lẽ tấm chân tình của thiếp đã động đến lòng trời nên đêm qua Nguyệt lão
    giáng mộng chỉ giáo. Người nói rõ ràng chiều nay chàng sẽ có mặt ở chân núi
    Ngũ Nhũ và cải trang thành một hán tử mũi ưng, gò má trái có nốt ruồi đen.
    Nguyệt lão còn báo trước rằng chàng sẽ vì sợ hai mụ vợ ở nhà mà chối bỏ thân
    phận.

Tử Khuê sực nhớ ngay đến lão Phán Quan họ Lỗ, nên gặng hỏi :


  • Này Chân muội! Thế chẳng hay dung mạo Nguyệt lão ra sao?

Thanh Chân hí hửng đáp :


  • Ông ta cực kỳ đẹp lão, râu năm chòm không trắng như bong, mặt mũi hiền lành
    phúc hậu.

Nghe vậy Tử Khuê nửa tin nửa ngờ, không dám khẳng định là Lỗ phán quan đã
nhúng tay vào vụ này.


Bạch Hổ Tinh Quân - Chương #10