Người đăng: tuanh.kst@
Văn hóa dùng điểm tâm sáng vừa được đưa ra, các quan khách đều đồng loạt khen
ngợi. Ngoại trừ món ăn ngon ra thì giá cả phải chăng cũng là một nguyên nhân.
Cần phải biết rằng, trước đây, từ đầu tiên mà dân chúng nghĩ đến khi nhắc về
Túy Tiên Cư chính là "đắt", thức ăn đã đắt rượu càng đắt hơn. Nay, điểm trái
ngược này, không còn nghi ngờ gì nữa đã đẩy danh tiếng của Túy Tiên Cư lên
cao.
Mấy ngày gần đây đã trở nên quen thuộc, mọi người bắt đầu hào hứng dắt cả gia
đình đến nơi này chung hưởng niềm vui sum vầy. Ngay cả những đại quan triều
đình như Cao Cầu, Lý Bang Ngạn... cùng tỏ ra thích thú với hình thức dùng điểm
tâm sáng này, chỉ cần có thời gian rảnh là nhất định đến Túy Tiên Cư dùng bữa.
Đặc biệt là Thái Kinh, ngày nào cũng dẫn đám cháu chắt bảo bối của mình đến
Túy Tiên Cư dùng bữa sáng, vui vẻ biết bao.
Về phần Phàn Lâu ở đối diện Túy Tiên Cư, việc làm ăn dường như còn phát đạt
hơn nữa. Dù sao nơi này cũng rộng lớn thoáng đãng, phong cảnh lại đẹp, cộng
thêm việc bè đảng Vương Phủ không thèm đến Túy Tiên Cư mà cố ý gần như ngày
nào cũng đến Phàn Lâu quậy tưng bừng. Phàn Thiếu Bạch mừng rỡ đến mức mỗi ngày
chưa đến canh tư đã thức dậy, một tay chuẩn bị mọi thứ về thức ăn cho bữa
sáng, e sẽ xảy ra sơ suất gì.
Mấy ngày sau đó, ở Biện Kinh lại xuất hiện một quang cảnh kỳ lạ. Đó chính là
mỗi buổi sáng, bất kể là ở Túy Tiên Cư hay ở Phàn Lâu, người ta đều có thể
trông thấy một hàng dài rồng rắn, do các quan khách dẫn theo người nhà đến
dùng bữa trưa, nhưng đến trễ không kiếm được chỗ ngồi nên đành xếp hàng mua
mang về nhà.
Điều này khiến những tửu lâu khác thèm muốn nhỏ dãi, lần lượt thay nhau mở
khoản phục vụ bữa sáng, toàn bộ đều mô phỏng theo hình thức kinh doanh của Túy
Tiên Cư. Đáng tiếc là thức ăn thì lại không thể nào mô phỏng được, hơn nữa họ
chuẩn bị vội vàng qua loa, nên các món ăn không cách nào hấp dẫn được thực
khách, trà cũng là loại vô cùng bình thường, có kẻ ngu ngốc còn dứt khoát dùng
rượu thay trà. Nhưng ai mà rỗi hơi, sáng sớm chạy ra ngoài uống rượu kia chứ,
hơn nữa lại còn phải làm việc. Vậy nên khách khứa vẫn thà xếp hàng chờ đợi bên
ngoài Túy Tiên Cư còn hơn đến các tửu lâu khác dùng bữa.
Duy chỉ có một điều khiến Lý Kỳ cảm thấy bất ngờ là sau mấy ngày, lượng bánh
trứng tiêu thụ vẫn tiếp tục tăng chứ không giảm. Thường xuyên có người bánh
trứng buổi sáng vừa mới ra lò liền mua về, định giữ lại để ăn buổi tối nhưng
làm vậy, mùi vị đã kém đi nhiều. Thế là họ càng khăng khăng đòi Túy Tiên Cư
cung ứng bánh trứng mọi lúc. Không còn cách nào khác, Lý Kỳ đành phải cho các
cửa hàng chi nhánh bắt đầu bán bánh trứng và trà sữa ra ngoài. Điều này giúp
hắn giảm bớt không ít áp lực, nhưng lại gia tăng áp lực đối với các tửu lâu
khác. Mọi người đã ăn bánh trứng, uống trà sữa rồi, những món rượu thịt quen
thuộc trong cửa tiệm của họ biết bán làm sao đây.
Một cái nhấc tay vô tình của Lý Kỳ lại càng đâm sâu hơn vào tâm hồn vốn dĩ đã
rất mỏng manh của những ông chủ tiệm khác.
Sau nhiều ngày quan sát, Lý Kỳ phát hiện thấy Lỗ Mỹ Mỹ và Trương Nhuận Nhi
hoàn toàn có thể đảm đương công việc một mình, bèn vạch kế hoạch làm bánh ga
tô, xuất vốn mua một tửu lâu nhỏ ở tây thành, chuẩn bị dùng làm phòng chế bánh
ga tô. Đương nhiên, không phải cứ nói mua về là sử dụng được ngay, còn phải
sửa sang trang bị thêm, vậy nên cũng phải mất một thời gian. Bên này, hắn vừa
tuyển chọn ra hai nhân tài trung thành để bồi dưỡng, tương lai chuẩn bị kế
thừa vị trí của Lỗ Mỹ Mỹ và Trương Nhuận.
Sau đợt bận rộn này, Lý Kỳ bắt đầu dồn sức chú ý vào việc khai giảng Thái sư
học phủ. Bên đây may mà có sự hỗ trợ của Bạch Thiển Dạ, Quý Hồng Nô, Phong
Nghi Nô cùng với Trần Đông và Âu Dương Triệt nên cũng giúp hắn giảm bớt không
ít áp lực.
Duy chỉ có một việc khiến hắn cảm thấy tiếc nuối chính là bên Chủng Sư Đạo vẫn
chưa có tin tức gì, Triệu Tinh Yến cũng không thấy đến Túy Tiên Cư. Hắn không
biết Chủng Sư Đạo hiện giờ đang ở đâu, lại không dám chạy đến nhà Triệu Tinh
Yến để tìm, trong lòng vừa sốt ruột vừa bất lực không biết làm cách nào.
Mai đã là mồng một rồi, cũng là ngày khai giảng của Thái sư học phủ, hôm nay
theo thông lệ tiến hành tổng vệ sinh một lần, Lý Kỳ mặc kệ kẻ đó là long hay
phượng, ngoại trừ Thái Kinh ra, tất cả mọi người trong Thái sư học phủ đều
phải vác chổi, cầm giẻ lên làm việc. Đây là công việc cơ bản nhất của cả thầy
và trò.
Nhưng Lý Kỳ vạn lần không thể ngờ rằng, đa số thư sinh, bao gồm cả Bạch Thiển
Dạ trong đó, ngay cả việc quét dọn cơ bản nhất cũng không biết làm. Có mỗi một
gian phòng mà bọn họ mất cả một ngày vẫn chưa quét xong, ngoài chuyện đọc sách
ra ngay cả một việc cỏn con cũng chẳng làm được, còn chẳng bằng một đứa trẻ
bảy tám tuổi.
Thiệt là mất mặt a! Cứ thế này, không lẽ còn phải bố trí cho mỗi người bọn họ
một bảo mẫu để chăm lo cuộc sống hằng ngày nữa sao?
Lý Kỳ giận đến mức nổi cơn tam bành, suýt nữa muốn lùi ngày khai giảng của
Thái sư học phủ lại, huấn luyện cho bọn họ một khóa học lao động. Sau khi quét
dọn xong, lập tức triệu tập hội nghị lâm thời, mắng cho bọn họ một trận. Chết
tiệt, không biết nấu cơm cũng thôi đi, ngay cả nhà cũng không biết quét thì
còn sống trên đời này làm quái gì. Công phu mắng người của hắn đúng là vô cùng
lợi hại, hơn nữa trong việc công cũng không chút nể mặt, những thuộc hạ da mặt
đủ dày đều từng bị hắn mắng đến phát khóc, đừng nói chi đến những thư sinh vốn
coi trọng thể diện này. Nhiều người bị hắn mắng đến nức nở, cảm thấy cuộc đời
thật chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ngay cả Bạch Thiển Dạ cũng bị hắn mắng đến mức
hai mắt đỏ hoe, trong lòng vô cùng phiền muộn. Trong ba cô gái chỉ có mỗi mình
nàng là không biết quét nhà, trong lòng sao không buồn bực cho được, nhưng bên
cạnh đó nàng còn cảm thấy tủi thân nhiều hơn.
May mà Bạch Thiển Dạ cũng không phải là dạng người ngang bướng không hiểu lý
lẽ, hơn nữa còn là một cô nương vô cùng hiếu thắng. Sau khi về nhà, nàng liền
lập tức tìm mấy gia nhân giỏi giang tháo vát dạy mình làm những công việc nhà
đơn giản. Thế nhưng việc này lại bị Bạch phu nhân phát hiện ra, không hỏi còn
đỡ, hỏi ra liền biết Lý Kỳ dám bắt con gái bảo bối của bà quét nhà. Bà đã tức
giận nào phải chuyện đùa, lập tức xông vào Tần phủ túm lấy Lý Kỳ giáo huấn một
trận.
Lý Kỳ cũng cảm thấy vô cùng uất ức, lúc đấy hắn cũng có nhằm vào Bạch Thiển Dạ
đâu. Nhưng đối mặt với thuộc hạ thì có thể hung hăng, chứ đối mặt với nhạc mẫu
tương lai, hắn vẫn phải nói chuyện lễ độ, cúi đầu ngoan ngoan nghe giáo huấn.
Vậy mới nói, làm gì cũng được nhưng đừng làm thượng cấp của vợ mình, trong nhà
ngoài ngõ đều chẳng phải người a.
Đợi Bạch phu nhân giáo huấn xong, hắn lại đến Bạch phủ một chuyến, ôm Bạch
Thiển Dạ vào lòng, sử dụng triệt để mọi bản lãnh, khó khăn lắm mới làm cho cô
nàng vui lên được, đang định nhân cơ hội này qua đêm tại đây, nhưng lại bị
Bạch phu nhân qua cầu rút ván đuổi cổ ra khỏi phủ.
Vị nhạc mẫu này quả là biến thái, Lý Kỳ cũng thầm e ngại trong lòng, chỉ đành
nhẫn nhịn nuốt uất ức xuống bụng, lủi thủi quay về Tần phủ.
Ngày hôm sau. Vừa mới qua canh năm không lâu.
- Thùng thùng thùng.
- Lý sư phụ, Lý sư phụ.
Lý Kỳ đương quấn quýt cùng Bạch Thiển Dạ, Quý Hồng Nô trong mộng thì bị Trần
đại nương đánh thức, nhưng giờ thì hắn đã quen rồi, không chút tức giận, mắt
cùng không thèm mở, cất tiếng hỏi:
- Có chuyện gì?
- Lương đại nhân đến tìm ngài.
- Lương đại nhân nào?
- Quan Yến Sử, là ta.
Một thanh âm như tiếng gà cồ chợt vang lên ngoài cửa.
Cái gã Lương đại nhân không có tiểu đệ đệ đó sao? Lý Kỳ giật mình, vọt xuống
khỏi giường, vừa mặc quần áo vừa la lên:
- Xin Lương thái úy đợi cho một lát, hạ quan lập tức ra ngay.
Hắn biết Lương Sư Thành một khi đã đến thường là để tuyên đọc thánh chỉ hoặc
khẩu dụ của hoàng đế, vậy nên không dám chểnh mảng.
Rửa mặt xong, Lý Kỳ mới mở cửa ra. Hắn vẫn còn chưa kịp hiểu rõ sự tình, đột
nhiên cảm thấy một bàn tay chụp lấy cổ tay mình, rồi nghe Lương Sư Thành nói:
- Quan Yến Sử, mau, mau đi theo tôi, hoàng thượng không đợi nổi nữa rồi.
Lý Kỳ bị một tên thái giám lôi đi, trong lòng cảm thấy rờn rợn, vội hỏi:
- Thái úy, ông kéo tôi đi đâu đấy?
- Thái sư học phủ.
- Hoàng thượng đến Thái sư học phủ rồi sao?
- Ừm.
- Nhưng còn lâu mới đến giờ khai giảng mà.
- Còn không phải là do hoàng thượng sợ gây thêm phiền phức cho các ngươi sao.
- Hạ quan hiểu rồi.
Kì thực, Lý Kỳ đã sớm biết hôm nay Tống Huy Tông sẽ đến Thái sư học phủ xem lễ
khai giảng, nhưng không ngờ hắn ta lại đến sớm như vậy. Trong lòng hắn thầm
cảm thấy mừng rỡ, may mà đêm qua không ở lại Bạch phủ, bằng không thì hôm nay
ngay cả thiên lôi cũng chẳng gọi hắn dậy nổi.
Hai người đi đến Thái sư học phủ với tốc độ nhanh nhất có thể, lại tìm kiếm cả
buổi trời mới thấy Tống Huy Tông đang ở trong viện khoa học, trông thấy cha
con Thái Kinh, Cao Cầu, Bạch Thời Trung, Vương Trọng Lăng, Trương Trạch Đoan,
Lý Bang Ngạn, Vương Phủ, Triệu Giai đều có mặt tại đó, ngoài ra còn có các sĩ
phu khác như Tống Mặc Tuyền...
Ồ, nhiều người vậy sao! Lý Kỳ tiến lên hành lễ:
- Vi thần Lý Kỳ tham kiến Hoàng thượng.
Tống Huy Tông khẽ mỉm cười, nói:
- Ngươi đã đến rồi à. Vừa nãy Thái ái khanh đã giới thiệu cho trẫm nghe qua
một lượt về Thái sư học phủ, quả thật rất thú vị. Lại có cả trường chuyên dạy
người ta trù nghệ, buôn bán, ha ha. Tiểu tử ngươi quả là luôn làm ra nhưng
việc khác người.
Những sĩ phu như Tống Mặc Tuyền lại tỏ vẻ khinh thường, ánh mắt ẩn chứa ý thù
địch.
Lý Kỳ trông thấy cả, liền nghĩ thầm trong bụng, xem ra những gã này đến là để
bới lông tìm vết đây mà. Phải chặn miệng họ trước đã. Nghĩ vậy hắn bèn cười
nói:
- Tâu hoàng thượng, kì thật theo vi thần thấy, tất cả đều là thuận theo thời
thế mà thôi.
Tống Huy Tông nhướng mày hỏi:
- Ngươi nói vậy là có ý gì?
Lý Kỳ cười nói:
- Văn hóa của Đại Tống ta, đã trải qua nhưng giai đoạn đỉnh cao. Người có học
nhiều vô số kể, về điểm này thì không ai có thể nghi ngờ bàn cãi. Nhưng vi
thần cho rằng, hiện nay đọc sách biết chữ đã không còn được coi là một ngành
nghề nữa. Thay vào đó nên đẩy mạnh những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất, nếu Đại
Tống ta bất kể là sơn dã thất phu, hay công thợ đầu bếp đều biết đọc sách viết
chữ, thì mới thể hiện được sự hưng vượng của Đại Tống ta. Nhìn chung những
giai đoạn suy yếu trong quá khứ, đều là do số người biết chữ không nhiều,
không biết phân biệt thị phi, nên mới dễ bị người khác lung lạc, à không, dễ
bị người khác lừa gạt, nếu nhân dân Đại Tống ta người người đều biết đọc sách
viết chữ, phân rõ thị phi, thế thì sẽ không bị bọn tà ma ngoại đạo lừa bịp
nữa.
Lý Kỳ vừa lên tiếng, liền thao thao bất tuyệt, từ cục bộ đến toàn cục, tất cả
đều đánh trúng tâm tư của hoàng đế, khả năng ăn nói của Lý Kỳ, khiến những đại
thần còn lại đều không khỏi trợn mắt há mồm.
Đám sĩ phu như Tống Mặc Tuyền đã sớm chuẩn bị đầy đủ các lý do để công kích Lý
Kỳ nhưng đều chẳng thể nói ra được, đành để chúng chết yểu trong bụng. Hắn đã
nói đến đây rồi, nếu còn phản đối, há chẳng phải đồng nghĩa với việc cổ vũ tạo
phản sao, thế thì đến chín cái mạng nhà ngươi cũng chả đủ chết.
Tống Huy Tông trong lòng mừng rỡ, nói:
- Hay, khá khen cho câu thuận theo thời thế, cách nghĩ của người và trẫm quả
thật không hẹn mà trùng. Nhớ năm xưa gã Phương Lạp tặc tử kia chính là dùng
lời lẽ hoa mỹ để mị hoặc lòng dân Giang Nam, do đó mà gây nên đại họa.
Phì! Ta nói thế mà ngươi cũng cho là thật sao, ngươi ấy, còn chẳng biết tự
kiểm điểm chính bản thân. Lý Kỳ thầm ca thán trong lòng, gật gù nói:
- Hoàng thượng thánh minh.
Tống Mặc Tuyền đảo mắt nói:
- Những lời này của Quan Yến Sử quả thực có lý, dạy người dân biết chữ đọc
sách đích thực là một chuyện công đức, nhưng theo ngu kiến của vi thần, nếu
mang những ngành nghề tầm thường ti tiện như nấu ăn, buôn bán, thủ công mỹ
nghệ, đặt vào một nơi thần thánh như học viện này, e là sẽ khiến những người
có học trong thiên hạ cảm thấy bất mãn.
Lục Bá Hiểu, kẻ lần trước mất hết mặt mũi trong tay Lý Kỳ cũng đứng ra nói:
- Khởi bẩm Hoàng thượng, mấy ngày gần đây vi thần nghe nói những người đi học
đều thầm phê bình Thái sư học phủ. Học viện này còn chưa mở, đã bị nhiều người
phản đối như vậy, vi thần cho rằng nhất định là có nguyên nhân của nó.
Thái Kinh nghe xong, sắc mặt khẽ biến, phải biết rằng lúc đầu hắn sở dĩ bị cho
giáng chức, là do những sĩ phu này gây không ít trở ngại. Vương Phủ khẽ nhếch
mép cười lạnh.
Ti tiện cái đầu ngươi! Lý Kỳ cười hì hì nói:
- Nghe nói Tống học sĩ trước nay luôn tôn sùng đạo Khổng Mạnh, không biết có
đúng vậy chăng?
Tống Mặc Tuyền ngẩng đầu, cao ngạo nói:
- Đó là lẽ đương nhiên.
Lý Kỳ biến sắc, nghiêm mặt nói:
- Vậy được, Mạnh tử đã từng nói, dân là quý nhất, xã tắc đứng thứ hai, còn
vua chỉ là thứ yếu. Những đầu bếp, thương nhân, thợ thủ công mà ngài nói ban
nãy đều là con dân của hoàng thượng. Hoàng thượng từ khi đăng cơ đến nay, vốn
lấy nhân nghĩa để trị quốc, yêu dân như con, có việc làm nào là không vì giang
sơn xã tắc, không vì con dân Đại Tống ta, thế mà Tống học sĩ ngài lại có thể
nói những bá tánh đáng quý nhất, đáng kính nhất của đại Tống ta là hạng người
ti tiện, thế thì tôi xin mạn phép hỏi Tống học sĩ, ngài coi hoàng thượng là
gì?